Khảo sát giá trị của xét nghiệmVIA trong tầm soát tổn thương tiền ung thư cổ tử cung

    PGS. Trần Thị Lợi
    Quyền Chủ Nhiệm Bộ  Môn Sản, ĐHYD Tp. HCM

    ĐẶT VẤN ĐỀ

    Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một loại ung thư phổ biến ở phụ nữ trên toàn thế giới. Tại TP Hồ Chí Minh nhờ những chương trình tầm soát, phát hiện sớm UTCTC với PAP, tỉ lệ phụ nữ bị UTCTC đã giảm từ 28/100.000 dân theo ghi nhận của năm 1998 còn 16/100.000 dân vào năm 2003. Tuy vậy, đây vẫn là một tỉ lệ cao mà ngành y tế  phía Nam cần phấn đấu để hạ thấp hơn nữa, vì ở miền Bắc, tỉ lệ phụ nữ bị  UTCTC là 9,5/100.000 dân (năm 2004) và ở  Trung Quốc, một nước sát cạnh Việt Nam, tỉ lệ phụ nữ bị ung thư cổ tử cung là 6,8/100.000.

    Trong các biện pháp tầm soát ung thư cổ tử cung, PAP vẫn giữ vai trò chủ lực và đã góp phần làm giảm đáng kể tỉ  lệ phụ nữ bị UTCTC, nhưng cũng bộc lộ một số nhược điểm như không có kết quả ngay, độ nhạy 51% nghĩa là tỉ lệ âm tính giả cao đến 49%. Tại các nước phát triển, đã áp dụng phác đồ sàng lọc kết hợp PAP và DNA HPV bằng kỹ thuật Hybride Capture II: nếu kết quả PAP(-) và HPV DNA (-) thì 3 năm sau mới cần tầm soát lại 2 xét nghiệm này.Tại các nước đang phát triển từ năm 1988 đến nay, Tổ Chức Y Tế  Thế Giới đã ủng hộ cho một xét nghiệm đơn giản, ít tốn kém, nhưng cũng góp phần giúp phát hiện tình trạng nhiễm HPV và các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, đó là thử nghiệm quan sát cổ tử cung sau khi bôi acid acetic (VIA: Visual Inspection with Acetic acid). Việt Nam là một nước đang phát triển, do đó áp dụng VIA tầm soát UTCTC có giá trị ra sao?Đó  là lý do vì sao chúng tôi thực hiện đề tài “KHẢO SÁT GIÁ TRỊ CỦA XÉT  NGHIỆM VIA TRONG TẦM SOÁT TỔN THƯƠNG TIỀN UNG THƯ CỔ TỬ CUNG” nhằm xác định độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán dương và giá trị tiên đoán âm của VIA trong chẩn đoán tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung.

    PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

    Một nghiên cứu theo thiết kế cắt ngang để thực hiện xét nghiệm chẩn đoán được thực hiện từ tháng 10 năm 2007 đến tháng 6 năm 2009, với cỡ mẫu là 1550 phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 69 , đã có quan hệ tình dục và hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh.

      Cỡ mẫu được tính bằng công thức:  


      trong đó P= 50% (độ nhạy của PAP)
      Độ tin cậy 95% --> a=5% --> Z 0,975=1,96.
      Độ chính xác tuyệt đối mong muốn d= 3,5%
      Cỡ mẫu được nhân đôi do chon theo cụm (20 cụm phân phối ngẫu nhiên trên toàn TP Hồ Chí Minh).
      Xét nghiệm: VIA và PAP. Tiêu chuẩn vàng: Giải Phẫu Bệnh Lý.

    KẾT QUẢ 
    • Nếu quy định tổn thương cổ tử cung từ nặng  hơn hoặc bằng CIN1 là bất thường. cả VIA và PAP có độ nhậy trung bình (58,3% và  50%), độ đặc hiệu cao (81,8% và 98,6%). Kết hợp VIA và PAP có độ nhậy khá tốt:  66,7% và độ đặc hiệu 80,7%, nên là xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán khá tốt.
    •  
    • Nếu quy định tổn thương cổ tử cung từ nặng hơn hoặc bằng CIN2 là bất thường, cả VIA và PAP có độ nhậy tốt (73,3% và 66,7%), độ đặc hiệu cao (81,7% và 98,5%). Kết hợp VIA và PAP có độ nhậy 86,7% và độ đặc hiệu 80,7%, nên là xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán tốt.
    KẾT LUẬN 
      • Tại những cơ sở y tế đã có triển khai xét nghiệm PAP, nên kết hợp thêm VIA trong quy trình khám phụ khoa để tăng độ nhậy của xét nghiệm, giảm tỉ lệ dương tính giả, nhờ đó giảm được tỉ lê UTCTC trong cộng đồng.
      •  
      • Tại những cơ sở y tế chưa triển khai được xét nghiệm PAP, có thể sử dụng VIA như một xét nghiệm tầm soát UTCTC nhằm phát hiện ra những trường hợp nghi ngờ có tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung để chuyển đến những tuyến cao hơn, nơi mà bệnh nhân sẽ được làm PAP, soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung và điều trị thích hợp.
    Trích Tài liệu HN Phòng chống Ung thư phụ khoa lần 04, năm 2019

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ