U túi noãn hoàng buồng trứng

    BS CKI. Đỗ Minh Hoàng Trọng
        Khoa Giải Phẫu Bệnh – BV  Từ Dũ

    THUẬT NGỮ

    U túi noãn hoàng buồng trứng (yolk sac tumor of the ovary) hay còn gọi là u xoang nội bì buồng trứng (endodermal sinus  tumor of the ovary) là một loại u tế bào mầm ác tính của buồng trứng.

    U tế bào mầm (germ cell tumors) là nhóm u có nhiều thành phần, do tế bào gốc biệt hóa theo nhiều hướng khác nhau. Phần  lớn u tế bào mầm buồng trứng gồm các tế bào mầm ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

    U túi noãn hoàng là u tế bào mầm, có nhiều thành phần, biệt hóa từ nội bì  phôi. Nếu biệt hóa từ nội bì phôi ngoài phôi thì sẽ biệt hóa thành các cấu trúc ngoài phôi như là túi noãn hoàng thứ cấp. Nếu biệt hóa từ nội bì phôi tạng phôi thì sẽ biệt hóa thành các tạng nguyên thủy ở giai đoạn sớm, như là tuyến, gan nguyên thủy.

    Vì túi noãn hoàng thứ phát chỉ là một trong nhiều cấu trúc biệt hóa từ nội bì phôi nên thuật ngữ “u túi noãn hoàng” có ý nghĩa hẹp hơn. Đối với u này, thuật ngữ “u nguyên thủy nội bì phôi” có lẽ chính xác hơn vì nó phản ánh tất cả cấu trúc biệt hóa từ nội bì phôi.

    Ngày nay, thuật ngữ “u xoang nội bì” vẫn còn đuợc sử dụng. Nhưng thuật ngữ này không chính xác, vì xoang nội bì không phải là cấu trúc của phôi người và xoang nội bì cũng không phải là hình ảnh luôn luôn có trong u này. Hình ảnh này chỉ xuất hiện trong một số rất ít truờng hợp [28].

    ĐẶC  ĐIỂM LÂM SÀNG

    TẦN  SUẤT

    U tế bào mầm ác tính chiếm tỉ lệ khoảng 3% các ung thư buồng trứng [9],  [13].  Theo báo cáo tổng kết của khoa Giải phẫu bệnh – bệnh viện Từ Dũ, từ năm 1999 đến năm 2008, so với tất cả các loại ung thư buồng trứng thì tỉ lệ u tế bào mầm ác tính trung bình là 26.82% ± 6.92, đứng thứ 2, sau nhóm ung thư biểu mô-mô đệm bề mặt buồng trứng (tỉ lệ ung thư biểu mô-mô đệm bề mặt là 56.67% ± 6.45) [3]. Nghiên cứu cắt ngang mô tả trên 56 trường hợp u tế bào mầm ác tính của buồng trứng tại bệnh viện Từ Dũ trong 2 năm 2007 – 2008 cho thấy u quái không trưởng thành chiếm tỉ lệ cao nhất là 53.57%, u nghịch mầm chiếm tỉ lệ là  19.64%, u túi noãn hoàng là 8.93%, u tế bào mầm hỗn hợp là 8.93% và u quái ác tính có thành phần carcinôm là 8.93% [2].

    TUỔI

    Nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết u túi noãn hoàng đều xuất hiện ở phụ nữ < 30 tuổi, rất hiếm thấy ở phụ nữ sau 50  tuổi [2], [7], [32].

     TRIỆU CHỨNG

    U tế bào mầm ác tính tiến triển nhanh nên rất sớm có triệu chứng và khi được phát hiện thường là một khối u to [9], [21], [24], [26].

    U túi noãn hoàng không có triệu chứng đặc hiệu. Hầu hết bệnh nhân có khối u to ở  hạ vị, không có triệu chứng về nội tiết.

    ĐẶC  ĐIỂM XÉT NGHIỆM

    AFP HUYẾT THANH VÀ U TÚI NOÃN HOÀNG BUỒNG TRỨNG

    Alpha-fetoprotein (AFP) bình thường có trong huyết thanh phôi thai người. AFP được tổng hợp đầu tiên ở túi noãn hoàng  (ngoài ra còn được tổng hợp ở gan và đường tiêu hóa trên). Nồng độ AFP huyết thanh đạt đỉnh cao nhất (3000 mg/l) vào khoảng tuần thứ 12 – 13 của thai kỳ. Sau sanh, nồng độ AFP giảm dần và đến 3 tuần sau sanh thì nồng độ AFP huyết thanh còn rất ít (0 – 15 ng/ml). Nồng độ AFP trong huyết thanh ở người trưởng thành bình thường là < 20 ng/ml. [15]. Các nghiên cứu cho thấy u tế bào mầm mà có nồng độ AFP huyết thanh tăng cao thì hoặc là u túi noãn hoàng hoặc là u  tế bào mầm hỗn hợp có chứa thành phần u túi noãn hoàng [10], [14], [17], [27],  [29]. AFP huyết thanh không chỉ là một xét nghiệm giúp chẩn đoán u túi noãn hoàng mà còn giúp theo dõi kết quả điều trị, phát hiện sớm di căn và tái phát. Sau phẫu thuật u túi noãn hoàng, nếu không có di căn thì nồng độ AFP huyết thanh sẽ trở về bình thường trong vòng 4 – 6 tuần.

    * Nội dung chi tiết bài viết vui lòng bạn tải file .pdf.

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ