banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

03/04/2018

Tiêm ngừa vắc xin ngừa cúm trong thai kỳ

DS. Huỳnh Thị Hồng Gấm (Lược dịch)
K. Dược

TÓM TẮT

Tiêm phòng cúm là một phần thiết yếu trong chăm sóc trước khi mang thai, trước khi sinh và sau sinh bởi vì nhiễm cúm có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng, bao gồm nguy cơ cao bị viêm phổi khi bị nhiễm cúm trước khi sinh hoặc sau sinh. Ngoài việc phải nhập viện, thai phụ bị nhiễm cúm bị tăng nguy cơ phải nhập khoa Hồi sức tích cực và các kết cục không mong muốn khi sinh cũng như trên bé sơ sinh. Ủy ban cố vấn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật về tiêm ngừa và Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng tất cả những người trưởng thành phải được chủng ngừa cúm hàng năm và tất cả phụ nữ đang mang thai hoặc sẽ mang thai trong mùa cúm được chủng ngừa cúm bất hoạt ngay sau khi nguồn vắc xin sẵn có. Ở Hoa Kỳ, mùa cúm thường diễn ra từ tháng 10 đến tháng 5. Lý tưởng nhất, nên tiêm ngừa vắc xin cúm trước thời điểm cuối tháng 10, nhưng tiêm vắc xin trong suốt mùa cúm vẫn được khuyến khích nhằm đảm bảo cho việc bảo vệ trong suốt thời kỳ cúm lưu hành. Bất kỳ loại vắc xin cúm bất hoạt nào được cấp phép, được khuyến cáo, độ tuổi phù hợp, có thể tiêm an toàn cho thai phụ trong tam cá nguyệt bất kỳ. Do đó, quan trọng là việc các bác sĩ sản- phụ khoa và các nhà chăm sóc sản khoa khuyến cáo và ủng hộ tiêm vắc xin cúm. Bác sĩ sản- phụ khoa được khuyến khích dự trữ và thực hiện tiêm ngừa cúm cho thai phụ tại phòng mạch của họ và nên tiêm  ngừa cúm cho bản thân bác sĩ mỗi mùa cúm. Nếu bác sĩ sản – phụ khoa hoặc các nhà chăm sóc sản khoa không thể cung cấp việc tiêm ngừa vắc xin cúm trong thực tế cho thai phụ, nên chuyển người bệnh đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe khác, nhà thuốc hoặc các trung tâm tiêm ngừa cộng đồng. Quan điểm đồng thuận lần này bao gồm nhiều dữ liệu cập nhật về tính an toàn và hiệu quả của việc tiêm ngừa vắc xin cúm trong thời kỳ mang thai và các khuyến cáo về điều trị và thuốc dự phòng sau phơi nhiễm.

KHUYẾN CÁO

Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đưa ra các khuyến cáo như sau:

  • Ủy ban cố vấn của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật về tiêm ngừa và Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng tất cả những người trưởng thành phải được chủng ngừa cúm hàng năm và tất cả phụ nữ đang mang thai hoặc sẽ mang thai trong mùa cúm được chủng ngừa cúm bất hoạt ngay sau khi nguồn vắc xin sẵn có. Bất kỳ loại vắc xin cúm bất hoạt nào được cấp phép, được khuyến cáo, độ tuổi phù hợp, có thể tiêm an toàn cho thai phụ trong tam cá nguyệt bất kỳ.
  • Việc chủng ngừa cúm cho mẹ là một thành phần thiết yếu trong chăm sóc trước sinh cho thai phụ và trẻ sơ sinh của họ. Bác sĩ sản -phụ khoa và các nhà chăm sóc sức khỏe nên tư vấn cho thai phụ về tính an toàn và lợi ích của việc tiêm ngừa cúm cho bản thân họ và thai nhi và ủng hộ miễn dịch thụ động ở trẻ sơ sinh từ việc chủng ngừa mẹ
  • Bác sĩ sản- phụ khoa được khuyến khích dự trữ và thực hiện tiêm ngừa cúm cho thai phụ tại phòng mạch của họ và nên tiêm ngừa cúm cho bản thân bác sĩ mỗi mùa cúm
  • Nếu bác sĩ sản – phụ khoa hoặc các nhà chăm sóc sản khoa không thể cung cấp việc tiêm ngừa vắc xin cúm trong thực tế cho thai phụ, nên chuyển người bệnh đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe khác, nhà thuốc hoặc các trung tâm tiêm ngừa cộng đồng
  • Bác sĩ sản- phụ khoa nên mạnh mẽ khuyến khích nhân viên phòng khám tiêm ngừa vắc xin cúm mỗi mùa cúm
  • Các cá nhân có tiền sử dị ứng với trứng, những người mà đã từng chỉ bị nổi ban sau khi ăn trứng có thể tiêm ngừa một loại vắc xin cúm được cấp phép và khuyến cáo, phù hợp với tuổi và tình trạng sức khỏe của họ
  • Trong trường hợp triệu chứng dị ứng nghiêm trọng hơn phát ban, nên tiêm vắc xin ở cơ sở y tế nội trú hoặc ngoại trú (bao gồm phòng khám, trung tâm y tế, phòng mạch bác sĩ, nhưng không nhất thiết phải nhập viện)
  • Người bệnh có biểu hiện giống cúm nên được điều trị bằng thuốc kháng virus một cách hợp lý bất kể tình trạng tiêm chủng. Các nhà chăm sóc sức khỏe không nên phụ thuộc vào các kết quả thử nghiệm (test) để bắt đầu điều trị và nên điều trị người bệnh một cách hợp lý dựa trên đánh giá lâm sàng
  • Vì tiềm năng mắc bệnh cao, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật và Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng thuốc kháng virus sau phơi nhiễm (75mg  Oseltamivir 01 lần/ ngày trong 10 ngày) được cân nhắc sử dụng cho thai phụ và phụ nữ đến 2 tuần sau sinh (kể cả sẩy thai) cho những người có tiếp xúc gần với những người có khả năng bị nhiễm cúm. Nếu Oseltamivir không sẵn có, có thể thay thế bằng Zanamiver, 2 liều hít 1 lần/ ngày trong 10 ngày.

ĐIỀU TRỊ VÀ DỰ PHÒNG BẰNG THUỐC CHO THAI PHỤ SAU KHI BỊ PHƠI NHIỄM

Thai phụ có nguy cơ cao gặp các biến chứng nghiêm trọng của nhiễm cúm như phải nằm khoa Hồi sức tích cực, chuyển dạ sinh non và tử vong mẹ. Người bệnh có biểu hiện giống cúm nên được điều trị bằng thuốc kháng virus một cách hợp lý bất kể tình trạng tiêm ngừa. Điều trị bằng Oseltamivir (75 mg 2 lần/ ngày trong 5 ngày) được lựa chọn; tuy nhiên, nếu Oseltamivir không sẵn có, có thể thay thế bằng Zanamivir (2 liều hít 10mg, 2 lần/ ngày trong 5 ngày). Các nhà chăm sóc sức khỏe không nên phụ thuốc vào các kết quả thử nghiệm (test) để bắt đầu điều trị và nên điều trị người bệnh một cách hợp lý dựa trên đánh giá lâm sàng

Vì tiềm năng mắc bệnh cao, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật và Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng thuốc kháng virus sau phơi nhiễm (75mg  Oseltamivir 01 lần/ ngày trong 10 ngày) được cân nhắc sử dụng cho thai phụ và phụ nữ đến 2 tuần sau sinh (kể cả sẩy thai) cho những người có tiếp xúc gần với những người có khả năng bị nhiễm cúm. Nếu Oseltamivir không sẵn có, có thể thay thế  bằng Zanamiver, 2 liều hít 1 lần/ ngày trong 10 ngày. Tất cả phụ nữ đang mang thai hoặc trong 2 tuần đầu sau sinh nên được tư vấn gọi điện thoại yêu cầu đánh giá ngay khi có các dấu hiệu và triệu chứng sớm của nhiễm cúm (ví dụ, như sốt cao hơn 100 ° F kèm với hơi thở ngắn, ngất hoặc đau ngực tiến triển).

KẾT LUẬN

Phụ nữ mang thai đặc biệt dễ bị nhiễm cúm và các hậu quả của nó; do đó, tiêm ngừa cúm là một phần không thể thiếu trong chăm sóc trước khi mang thai, trước sinh và sau sinh. Các bác sĩ sản- phụ khoa, các nhà chăm sóc sức khỏe khác, các cơ sở y tế và trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng nỗ lực để cải thiện tỷ lệ tiêm ngừa vắc xin cúm ở thai phụ là cấp bách. Như thế sẽ có lợi cho thai phụ và trẻ sơ sinh của họ.

Nguồn:

Influenza Vaccination During Pregnancy. ACOG Committee opinion. Number 732, april 2018.