banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

19/04/2019

Metformin không cải thiện kết cục thai kỳ ở phụ nữ thừa cân

Ths.Ds Thân Thị Mỹ Linh – Khoa Dược

(lược dịch)

Theo kết quả của một thử nghiệm lâm sàng từ Úc, việc chỉ định sử dụng metformin kèm theo các thay đổi chế độ ăn uống và lối sống không cải thiện kết cục thai kỳ ở những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì.

Kết quả nghiên cứu của bác sĩ Jodie Dodd và cộng sự tại bệnh viện Sản Nhi, Bắc Adelaide đăng trên tạp chí The Lancet Diabetes & Endocrinology, trực tuyến ngày 4 tháng 12; khuyến cáo không nên sử dụng metformin; các nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào việc cải thiện sức khỏe phụ nữ và thực hiện các chế độ ăn uống để kiểm soát cân nặng trước khi thụ thai.

Nghiên cứu GRoW đã thử nghiệm tác dụng của việc chỉ định thêm metformin trước khi sinh (liều tối đa 2.000 mg/ngày hoặc giả dược) cùng với các hướng dẫn về chế độ ăn uống và lối sống đối với kết cục của bà mẹ và trẻ sơ sinh ở 514 phụ nữ mang thai tham gia nghiên cứu có tuổi thai từ 10 đến 20 tuần và chỉ số BMI từ 25 kg/m2 trở lên.

Các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng trên 4.000 g giữa nhóm metformin và nhóm giả dược (16% so với 14%; RR, 0,97; P = 0,899).

Một kết quả khác của nghiên cứu cho thấy metformin không có tác dụng đối với việc kiểm soát cân nặng trong thai kỳ, mặc dù phụ nữ dùng metformin có mức tăng cân trung bình hàng tuần thấp hơn (độ lệch trung bình, -0,08 kg; P = 0,007) và tăng cân thai kỳ dưới mức khuyến cáo (RR, 1,46; P = 0,008).

Kết cục của bà mẹ và trẻ sơ sinh; chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, chất lượng cuộc sống và tinh thần của người mẹ không khác biệt đáng kể giữa các nhóm. Do đó, metformin không ảnh hưởng đến kết cục mang thai và sơ sinh lâm sàng. Kết luận của nghiên cứu phù hợp với các tài liệu khoa học hiện có.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng đối với phụ nữ mang thai thừa cân hoặc béo phì, can thiệp trong giai đoạn mang thai (sử dụng metformin, thay đổi chế độ ăn uống hoặc lối sống, hoặc kết hợp cả hai) có thể là quá ít và quá muộn. Những người thừa cân hoặc béo phì cần cải thiện chế độ ăn uống và lối sống và kiểm soát cân nặng  trước khi thụ thai. Đồng thời khuyến cáo thai phụ kiểm soát để tránh tăng cân quá mức khi mang thai, điều này sẽ làm giảm nguy cơ thừa cân sau sinh, giảm béo phì hoặc béo phì trong lần mang thai tiếp theo.

Tài liệu tham khảo

https://www.medscape.com/viewarticle/906511