banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

18/03/2014

Sự gia tăng đột biến của giang mai năm 2012

ThS. BS Trần Thị Liên Hương (Dịch)
P. Kế hoạch tổng hợp - BV Từ Dũ

 

Theo báo cáo khảo sát mới nhất về bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) từ Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh Hoa Kỳ (CDC), số trường hợp giang mai nguyên phát và thứ phát tại Hoa Kỳ đã tăng 11,1% trong năm 2012 ở nam giới, đặc biệt ở nam giới đồng tính và lưỡng tính. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến số trường hợp giang mai tăng đột biến.

Báo cáo hàng năm này cũng cho thấy các tin khác không mấy lạc quan về tình hình STDs mặc dù cũng có một số điểm sáng. Bệnh lậu tăng 4% trong năm 2012 và hầu hết xảy ra ở nam giới. Ngược lại, số trường hợp chlamydia được báo cáo chỉ tăng 0,7% trong năm 2012, đây là con số tăng hàng năm thấp nhất được ghi nhận kể từ khi STDs được chính thức báo cáo ở phạm vi toàn quốc và cũng là một hiện tượng đặc biệt.

Tần suất mới mắc của giang mai bẩm sinh giảm 10% trong năm 2012 xuống còn 322 trường hợp.

Báo cáo của CDC tập trung vào giang mai, chlamydia và lậu vì các bệnh lây qua đường tình dục khác như nhiễm HPV, nhiễm HSV và trichomonas không được báo cáo thường quy cho CDC.

Trong cuộc phỏng vấn với Medscape Medical News, TS. Eloisa Llata, nhà dịch tễ học của CDC và cũng là đồng tác giả báo cáo trên cho rằng việc thay đổi xu hướng của STDs từ tăng thành giảm phụ thuộc một phần vào sự tuân thủ của các nhà lâm sàng từ CDC và Cơ quan Phòng bệnh Hoa Kỳ đối với các khuyến cáo sàng lọc. Đó có thể là việc đặt câu hỏi về sự thay đổi thói quen tình dục của bệnh nhân, ví dụ như có một bạn tình mới.

“Đây là những cuộc nói chuyện khó khăn”, TS. Llata nói. “Nói về đái tháo đường thì dễ dàng hơn. Nhưng chúng ta vẫn phải vượt qua. Sức khỏe sinh sản cũng quan trong như bất cứ lĩnh vực sức khỏe nào khác”.

Giang mai và HIV: “Dịch song hành”

TS. Llata nhấn mạnh rằng tuy mọi người đều có nguy cơ mắc STDs nhưng một số nhóm người lại có nguy cơ cao hơn. Chẳng hạn, theo cơ quan này, đàn ông có quan hệ cùng giới (MSM) chiếm 75% trong các trường hợp giang mai nguyên phát và thứ phát. Năm 2012, số trường hợp giang mai mắc phải trong nhóm người này tăng 15% trong khi con số này chỉ là 4% ở nhóm nam giới chỉ quan hệ tình dục khác giới. Tổng số trường hợp giang mai nguyên phát và thứ phát trong năm 2012 là 15.667.

CDC gọi hiện tượng gia tăng đột biến giang mai trong nhóm đối tượng MSM là “một sự rắc rối”, vì giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác có thể làm tăng nguy cơ mắc hoặc lây nhiễm HIV.

TS. Brad Stoner, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh lây truyền qua đường tình dục Hoa Kỳ, Phó Giáo sư Khoa Y và Nhân chủng học – Đại học Y khoa Washington, St. Louis, Missouri cũng cho rằng đây là một tình trạng báo động. “Một xu hướng đáng lo ngại”, BS Stoner nói, “Con số tuyệt đối thấp nhưng tỷ lệ gia tăng lại cao. Bên cạnh đó, rất nhiều nam giới có quan hệ đồng giới mắc giang mai đồng thời cũng nhiễm HIV. Đây thực sự là nạn dịch song hành.”

Theo số liệu khảo sát của CDC ở một số thành phố lớn, trong 10 đàn ông quan hệ đồng giới mắc giang mai thì có 4 người nhiễm HIV.

Mối lo ngại về giang mai đã có từ vài năm nay. Tỷ lệ giang mai nguyên phát và thứ phát đã giảm gần 90% từ năm 1990 đến năm 2000 và chỉ tăng lên mỗi năm từ 2001 đến 2009. Số trường hợp giang mai giảm trong năm 2010 và giữ ở mức này trong năm 2011 trước khi tăng trở lại vào năm 2012.

Nguy cơ mắc giang mai thay đổi theo chủng tộc, thói quen và xu hướng sinh hoạt tình dục. Năm 2012, tỷ lệ giang mai nguyên phát và thứ phát ở người da đen gấp 6 lần người da trắng. Ở nhóm người độ tuổi từ 15 đến 19, tỷ lệ này tăng gấp 16 lần.

Tình trạng kháng thuốc ở lậu cầu

Đối với lậu và chlamydia, 2 trong số 3 loại STDs được khảo sát rộng rãi nhất trong báo cáo mới này, gánh nặng bệnh tật chủ yếu trên thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi. Trong 1,4 triệu trường hợp nhiễm chlamydia được báo cáo năm 2012, 69% xảy ra ở độ tuổi từ 14 đến 24. Tương tự, độ tuổi này chiếm 58% trong gần 335.000 trường hợp mắc lậu cầu.

Theo TS. Stoner, như với giang mai, tình trạng gia tăng bệnh lậu là một điều đáng buồn. “Tình hình bệnh lậu trên toàn quốc cho thấy nó giữ nguyên trong khoảng giữa thập niên 90 và tăng từ từ ngắt quãng từ thời điểm này. Chúng ta có thêm cơ hội khác để phát hiện và phòng ngừa”.

CDC cũng lưu ý rằng việc điều trị lậu cũng đang gặp khó khăn khi tình trạng đề kháng kháng sinh đang làm giảm hiệu quả của Fluoroquinolon và Cefixime. Phác đồ duy nhất mà cơ quan này khuyến cáo là kết hợp Ceftriaxone với Azithromycin hoặc Doxycycline. Và Ceftriaxone có thể là kháng sinh tiếp theo bị đề kháng.

Nguồn:

http://www.medscape.com/viewarticle/818870