banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

02/11/2015

Bệnh hôi miệng và các món canh dưỡng sinh

Ds. CKI. Huỳnh Kim Hằng

Khoa Dược – Bệnh viện Từ Dũ

I. PHÂN TÍCH BỆNH LÝ VÀ NGUYÊN NHÂN

Hôi miệng là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân gây bệnh. Tuy không phải là một tình trạng bệnh nguy hiểm, cần cấp cứu, nhưng hôi miệng gây tác dụng rất lớn đến tâm lý, làm cho người bệnh mặc cảm, thiếu tự tin trong giao tiếp, ảnh hưởng đến sinh hoạt giao tiếp hàng ngày và ảnh hưởng công việc, dễ stress liên tục vì hôi miệng. Từ đó cho thấy bệnh hôi miệng ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công trong giao tiếp xã hội.

Hôi miệng hay hơi thở có mùi hôi là do nhiều nguyên nhân gây ra. Có những nguyên nhân khi phát hiện ra sẽ điều trị dễ dàng, nhưng cũng có những nguyên nhân không rõ và kết quả là người bệnh phải chịu đựng chứng hôi miệng trong thời gian dài.

Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, hôi miệng là do khả năng miễn dịch của cơ thể giảm, dẫn đến rối loạn chức năng nội tạng, không thể ức chế vi sinh vật gây hôi miệng, làm cho chúng sinh sôi nảy nở, khi đạt đến mức độ nhất định, thể khí sẽ đi vào máu và được máu đưa đến phổi, dạ dày, đi ra ngoài qua miệng. Ngoài ra bệnh hôi miệng còn là dấu hiệu của những bệnh khác.

1.  Hôi miệng có nguyên nhân từ các bệnh lý ở vùng miệng: 

- Sâu răng 

- Viêm nha chu, viêm nướu, viêm lưỡi, viêm miệng, viêm thịt dư trong họng (cryptic tonsils) 

- Khô miệng: khi lượng nước bọt giảm hơn 50% so với bình thường 

- Hàm răng giả: người sử dụng hàm răng giả không vệ sinh sạch sẽ, thức ăn bám lại và lâu ngày gây ra chứng hôi miệng. 

2.  Hôi miệng do uống thuốc:

Những loại thuốc có thể gây hôi miệng như: thuốc tăng huyết áp, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống histamines, chữa bệnh Parkinson, thuốc lợi tiểu, amphetamines ,… Những loại thuốc này làm giảm lượng nước bọt, gây ra chứng hôi miệng.

3.  Một số bệnh lý có thể gây ra chứng hôi miệng:

Viêm xoang, viêm phổi kinh niên, ung thư phổi, giãn khí quản, dị vật ở mũi, bệnh loạn tạo máu, bệnh đái tháo đường, bệnh urê huyết, bệnh xơ gan, bệnh thận hư, bệnh lý dạ dày (viêm dạ dày, hẹp môn vị, thoát vị khe thực quản, hở van thực quản…).

4.  Hôi miệng do thức ăn, hút thuốc lá:

 Tỏi, hành, thức ăn nhiều đạm, chất béo, gia vị, rượu, thuốc lá, thuốc lào, xì-gà

5.  Một số nguyên nhân khác gây hôi miệng: 

Người có vấn đề tâm lý: là người quá chú trọng tới hình thức của bản thân, lúc nào cũng ảo tưởng là cơ thể mình không hoàn chỉnh, tiết ra mùi khó chịu, thường gặp ở phụ nữ, luôn che miệng khi nói chuyện, ngại tiếp xúc, thường đi kèm các triệu chứng của bệnh tâm thần như trầm cảm, tâm thần phân liệt… 

Thay đổi kích thích tố trong thời gian rụng trứng và có kinh nguyệt cũng làm cho hơi thở hôi ở một số phụ nữ. 

Hội chứng hôi mùi cá ươn (Fish odor syndrome): rất hiếm gặp, đây là bệnh tự miễn với rối loạn chuyển hóa chất Trimethylamine. Bệnh chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. 

II. LỜI KHUYÊN

1.  Uống nhiều nước: Uống nước thường xuyên tạo không khí ẩm ướt, hạn chế môi trường phát triển của các loại vi khuẩn trong miệng. Ngoài ra, nước còn có tác dụng pha loãng nồng độ các hợp chất lưu huỳnh, làm giảm mùi hôi. 

2. Vệ sinh răng miệng

Đây là điều quan trọng, nếu đảm bảo điều này thì bạn có thể đã giảm được hơn 70% tình trạng hôi miệng của mình. 

Bạn nên đánh răng ngay sau các bữa ăn, sử dụng chỉ nha khoa (Dental Floss) để làm sạch những vùng răng mà bàn chải răng không đến được. Đồng thời, bạn hãy nhớ làm sạch lưỡi bằng bàn chải mềm hoặc dụng cụ cạo lưỡi. 

Nếu có hàm răng giả thì lấy ra ban đêm, rửa sạch sẽ và ngâm trong nước sạch hoặc dung dịch nước sát trùng.

Cần đến nha sĩ kiểm tra răng định kỳ, ít nhất 1 lần/1 năm.

3.  Không nên lạm dụng nước súc miệng, kẹo cao su

Kẹo cao su có đường: tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn vùng miệng phát triển.

Nước xúc miệng chứa nhiều cồn, dễ làm khô miệng, nếu dùng thường xuyên, bạn có thể bị bệnh hôi miệng kinh niên, rất khó điều trị. Hiện nay, nước súc miệng có chứa chlorine dioxide (ClO2) là một phát hiện mới nhất để chống lại hôi miệng. ClO2 có khả năng phân hủy hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi và có tính diệt khuẩn.

4. Chế độ ăn uống, sinh hoạt

Tăng cường các loại rau quả, trái cây: quá trình nhai giúp làm sạch miệng và tăng tuyến nước bọt hoạt động.

Hạn chế rượu, cà phê, thuốc lá, các thực phẩm có chất ngọt, chất béo, nhiều gia vị: hành, tỏi...

 

III. CÁC MÓN CANH DƯỠNG SINH 

1. Canh nấm bình dưa chua nấu cá:

Nguyên liệu: Nấm bình 200g, cá diếc 1 con, dưa chua 100g, ớt ngâm, gừng, tỏi, rau ngò. Gia vị (muối, hạt nêm, tiêu sọ, rượu vàng, nước dùng 2 chén).

Cách làm: Nấm rửa sạch cắt miếng, cá làm sạch ướp 30 phút với muối, rượu vàng, tiêu sau đó chiên vàng. Cho dầu vào chảo sôi cho ớt ngâm, gừng, tỏi, dưa chua vào xào đều rưới rượu, nêm  vừa ăn, xào tiếp 5 phút. Thêm nước dùng, cá, nấm, tiêu nấu đến khi canh có màu trắng rắc ngò, ăn nóng.

Công dụng: Nấm bình chứa nhiều dưỡng chất, đường khuẩn, manitol, kích thích tố, có thể cải thiện việc trao đổi chất của cơ thể, tăng cường sức đề kháng, điều tiết chức năng của hệ thần kinh thực vật, trị hôi miệng. Nghiên cứu dược lý chứng minh nấm bình có tác dụng kháng virus, ức chế sự hợp thành và sinh sôi cùa virus. Thể đường đa trong nấm bình có tác dụng chống u bướu, có đặc tính miễn dịch.

 

2. Chè hạch đào nấu bo bo:

Nguyên liệu: Nhân hạch đào 70g, bo bo 70g, hạt câu kỷ tử 15g, táo đỏ không hạt một ít. Gia vị đường trắng.

Cách làm: Nhân hạch đào rửa sạch ngâm nước, tất cả nguyên liệu rửa sạch. Cho nước vào nồi, cho hạch đào, bo bo nấu sôi 40 phút, thêm táo đỏ, hạt câu kỷ tử nấu sôi, vặn nhỏ lửa thêm 30 phút, nêm đường.

Công dụng: Hạch đào có công dụng kiện vị , nâng cao chức năng tiêu hóa của dạ dày. Bo bo giúp nâng cao sức miễn dịch, tăng cường khả năng đề kháng virus. Người hôi miệng nên thường xuyên ăn món chè này.

3. Canh thanh nhiệt tiêu trệ:

Nguyên liệu: Nước vo gạo 2 chén, chuối 2 quả, sulfate natri ngậm nước, đường phèn.

Cách làm: Để nước vo gạo lắng cặn trong 1 giờ gạn bỏ nước trong cho chuối vào nấu, thêm sulfate natri, cho đường phèn nấu sôi để nguội ăn.

Công dụng: Chuối có giá trị dinh dưỡng cao, nhiệt lượng thấp, nhiều protein, đường, kali, vitamin A và C, hàm lượng chất xơ cũng cao, có thể cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể nâng cao hệ miễn dịch, cải thiện chứng hôi miệng. Trong chuối chứa một loại acid amin đặc biệt có thể giúp điều tiết tâm trạng, xoa dịu áp lực, trấn tĩnh, ngủ ngon (ăn một quả chuối trước khi ngủ).

4. Canh nấm mào gà nấu đầu cá:

Nguyên liệu: Nấm mào gà 300g, đầu cá 1 cái, đảng sâm 1 cây,  thiên ma 10g, táo đỏ 30g, cải dầu 1 cây, hành, gừng, muối, rượu vàng, tiêu.

Cách làm: Nấm bỏ gốc rửa sạch cắt đôi, đầu cá làm sạch ướp gia vị. Dầu sôi cho cá chiên vàng, thêm gừng, nấm, nước thiên ma, đảng sâm, táo đỏ, cải dầu muối, tiêu, nấu đến khi có mùi thơm.

Công dụng: Nấm mào gà chứa nhiều dưỡng chất như canxi, phospho, sắt, protein, có tác dụng nâng cao sức miễn dịch, kiện tỳ hòa vị, tăng cảm giác thèm ăn, giảm hôi miệng và bồi bổ cơ thể.

5. Canh củ cải trắng:

Nguyên liệu:  Cải thảo 200g, củ cải trắng 200g, đậu hũ non 150g, dưa leo 50g, hành, cà chua, muối, dầu mè, tương đậu, bột ngọt.

Cách làm: Cải thảo, củ cải gọt vỏ rửa sạch cắt miếng, đậu hũ cắt miếng. Dầu sôi cho tương đậu vào xào thêm bột ngọt, hành xào thơm đổ ra chén để chấm. Dầu sôi cho củ cải  xào sơ thêm cải thảo, nước nấu sôi cho dưa leo, cà chua nấu chín cho đậu hũ vào nêm nếm vừa ăn.

Công dụng: Củ cải có thể giúp cơ thể tự sinh ra interferon từ đó làm tăng sức miễn dịch, cải thiện được tình trạng bệnh nếu thường xuyên ăn canh củ cải trắng.

 6. Canh cá tuyết nấu rong biển đậu hũ:

Nguyên liệu: Cá tuyết tươi 1 con (300g), đậu hũ non 2 miếng, rong biển khô, hành băm nhuyễn, muối, bột ngọt.

Cách làm: Cá tuyết rửa sạch cắt miếng, đậu hũ cắt miếng, rong biển ngâm nước ấm rửa sạch. Cho nước nấu sôi cho cá, đậu hũ vào nồi nấu sôi lại nấu thêm 4 phút, cho rong biển vào nêm vừa ăn, nấu sôi thêm hành.

 Công dụng: Rong biển có chưa chất chống hôi miệng hiệu quả cao gấp 3 lần hợp chất flavanoid, vì vậy người hôi miệng nên thường xuyên ăn canh này.

7. Bài thuốc làm thơm miệng:

Nguyên liệu: Hoàng liên 5g, Đương quy 6g, sinh địa 12g, Đơn bì 12g, Thăng ma 6g.

Cách làm: Cho nước vào sắc uống mỗi ngày 1 thang

Công dụng: Dùng cho người hôi miệng kèm khát nước thích uống lạnh, môi đỏ, miệng lở loét, sưng lợi, chảy máu chân răng, khô miệng ráo lưỡi, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch sác hữu lực. Vì bài thuốc này có tác dụng thanh tuyên vị hỏa, lương huyết dưỡng âm nên có thể chữa vị nhiệt xông bốc lên mà gây ra hôi miệng.

8. Thơm miệng từ thạch cao:

Nguyên liệu: Thạch cao 24g, Xích thược 6g, Bạc hà 3g, Nguyên minh phấn 3g, Bạch chỉ 3g.

Cách làm: Sắc lấy nước bỏ bã, dùng nước sắc súc miệng thường xuyên.

Công dụng: Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt giảm sưng, hoạt huyết giảm đau, lương huyết cầm máu, khu phong trừ hôi miệng.

9. Thơm miệng từ cây hương nhu:

Nguyên liệu: Hương nhu 40g, 200ml nước sạch.

Cách làm: Sắc cô đặc lại, dùng để súc miệng buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Nên ngậm một lúc, không nuốt.

Công dụng: Khử mùi hôi do những viêm nhiễm trong khoang miệng, răng lợi, đường hô hấp... hoặc do hở tâm vị, các mảnh thức ăn thừa làm vi khuẩn phát triển gây hôi miệng.

10. Thơm miệng từ cây tần dày lá:

Lấy một nắm Tần dày lá (Húng chanh) khô, sắc lấy nước đặc dùng ngậm và súc miệng trong vài ngày miệng sẽ hết hôi.

11. Thơm miệng từ cây ngò gai:

Lấy một nắm rau ngò (rau mùi, ngò tây, ngò tàu) sắc thêm vài hạt muối, dùng để súc miệng liên tục trong 5 – 6 ngày, bệnh sẽ khỏi.

12. Chữa hôi miệng do đầy bụng khó tiêu:

Bài 1: Đinh hương 1g, Tế tân, Quế tâm mỗi loại 45g, Cam thảo 90g, Xuyên khung 30g. Tất cả nghiền thành bột mịn hoàn với mật ong thành viên. Uống trước khi đi ngủ 5g một thời gian sẽ hết hôi miệng.

Bài 2: Quế tâm, Cam thảo, Tế tân, Quất bì, lượng bằng nhau, nghiền thành bột mịn, dùng táo nhục và mật ong luyện thành viên, uống 5 – 10g trước khi đi ngủ.

Bài 3: Xuyên tiêu, Quế tâm ,mỗi loại bằng nhau tán bột. Mỗi lần uống 1 muỗng canh bột với rượu

Bài 4: Vỏ trắng rễ thông (tùng căn), Qủa sử nhân (hạt bí bóc vỏ) Đại táo. Mỗi lượng bằng nhau, tán bột, rây mịn. Mỗi lần uống một muỗng canh bột với rượu, ngày 2 lần.

 

Tài liệu tham khảo

  1. 500 Bài thuốc Đông y gia truyền trị bách bệnh, NXB Mỹ thuật, 2010
  2. 1000 món canh dưỡng sinh trị bệnh, NXB Từ điển bách khoa, 2010
  3. Cây thuốc  – Vị thuốc  – Bài thuốc , Nhà XB Hà Nội
  4. Cây thuốc và vị thuốc của GS. TS. ĐỖ TẤT LỢI, NXB Lao Động, 5/2011