banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

07/04/2012

Một lần bảo vệ Bác đi bỏ phiếu

Còn gì vinh dự hơn là người chiến sĩ được bảo vệ Bác trong suốt quá trình Bác về nước cho đến  khi Bác qua đời. Trong suốt chặng đường bảo vệ di sản của Người để lại. Trong suốt chặng đường bảo vệ Bác, chúng tôi có thể tự hào là đã bảo vệ Bác được an toàn. Tuy nhiên, trong công tác bảo vệ không khỏi có những sai sót. Mỗi lần chúng tôi mắc phải những sai sót Bác đều phê bình nghiêm khắc và chỉ bảo ân cần cho chúng tôi quyết tâm sửa chữa.

Quên sao được lần chúng tôi bảo vệ Bác đi bỏ phiếu ở hòm phiếu Nhà Thuyền (Hồ Tây) vào tháng 4 năm 1969. Chúng tôi không ngờ đó lại là lần bảo vệ cuối cùng cho người công dân số một của đất nước. Vậy mà lần bảo vệ đó chúng tôi lại để xảy ra sơ suất khiến Bác không vui lòng. Mỗi lần nghĩ lại chúng tôi thấy ân hận vô cùng.

Hồi đó, sức khoẻ của Bác đã yếu lại bị thần kinh toạ nên việc đi lại rất khó khăn. Sắp tới ngày bầu cử Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, chúng tôi chuẩn bị trước kế hoạch và tìm mọi nơi bỏ phiếu thuận tiện nhất để khi Bác đến bỏ phiếu, không ảnh hưởng  nhiều đến sức khoẻ. Khảo sát vài ba nơi thì thấy hòm phiếu ở Nhà Thuyền (Hồ Tây)  là tiện hơn cả vì lẽ ở đây khí hậu mát mẻ, phố xá không đông đúc, đường đi từ nhà đến nơi bỏ phiếu lại gần và thuận tiện. Hơn thế nữa, lối đi vào nơi đặt hòm phiếu bằng phẳng, không phải qua các bậc lên xuống. Chúng tôi quyết định chọn địa điểm đó để Bác đến bỏ phiếu và bàn bạc công tác bảo vệ. Khi bàn bạc về thời gian đưa Bác đi bỏ phiếu, có ý kiến đề nghị để Bác đến bỏ phiếu trước giờ khai mạc, ý kiến này không được chấp thuận vì như vậy sẽ trái với thể lệ bầu cử. Một ý kiến khác: Bố trí cảnh sát đứng sẵn, khi Bác đến thì đề nghị nhân dân dừng lại để Bác bỏ phiếu trước. Ý kiến này không ổn, làm như vậy chắc Bác không bằng lòng vì đã có lần chúng tôi bị Bác phê bình khi ngăn cản nhân dân, sợ nhân dân làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của Bác. Cuối cùng chúng tôi chọn phương án: Bảo vệ Bác đi bỏ phiếu vào buổi chiều. Vì lúc đó cử trí vắng nên Bác đến bỏ phiều bình thường, lực lượng bảo vệ được bố trí chặt chẽ nhưng không gây không khí căng thẳng.

Phương án bảo vệ bố trí xong, chúng tôi mời Bác lên xe, mọi việc tiến hành đều chu tất theo đúng kế hoạch. Bác bỏ phiếu xong ra về không gặp trở ngại nào. Khi đến Phủ Chủ tịch, xe dừng Bác xuống xe đi bộ về nhà. Xe tôi cũng kịp đến, tôi nhanh nhẹn xuống xe và đi theo Bác. Tôi vừa đến bên, Bác quay sang hỏi: 

- Chú Kháng! Chú có biết vì sao Nguyễn Hải Thần bị dân khinh ghét không?

Nghe Bác hỏi, tôi  hơi chột dạ, nhưng trấn tĩnh được ngay. Tôi nhớ lại năm 1945, mỗi lần Nguyễn Hải  Thần đi đâu thì bọn lính bảo vệ của ông ta ngồi trên xe tay lăm lăm chĩa sung  ra ngoài. Một khẩu súng trung liên được đặt trên nóc xe luôn sẵn sàng nhả đạn làm ai trong thấy cũng chướng mắt. Nghĩ vậy tôi trả lời: 

- Thưa Bác! Vì bọn bảo vệ Nguyễn Hải Thần nhố nhăng quá.

Bác hỏi tiếp: 

- Chú có biết ai bảo vệ an toàn cho Bác không?

Trong thực tế công tác bảo vệ và được Bác dạy bảo nhiều lần, hiểu ý Bác, tôi nói ngay: 

- Thưa Bác! Nhân dân ạ!

Nghe Bác hỏi tôi cảm thấy cuộc bảo vệ Bác hôm nay có điều gì sơ suất khiến Bác chưa vui lòng. Tôi tự tra lại kế hoạch và phương án bảo vệ vừa thực hiện nhưng chưa thấy có gì sai sót lớn.

Mãi tới khi một đồng chí trực tiếp bảo vệ ngồi cùng xe Bác nói lại thì ra nguyên do câu chuyện là khi Bác đến nơi bỏ phiếu nhìn thấy vắng cử tri, nét mặt Bác thoáng không vui.

Khuyết điểm của chúng tôi là còn suy nghĩ giản đơn, do qua lo bảo vệ an toàn mà thiếu niềm tin vào quần chúng nhân dân, chưa gắn chặt chẽ công tác bảo vệ với quan điểm quần chúng.

Như lời Bác dạy, chúng tôi càng thấm thía và nhận thức sâu sắc hơn rằng bất kỳ làm việc gì cũng đều phải tôn trọng nhân dân. Có như vậy mới được dân mến, dân tin, dân ủng hộ.

(Ghi theo lời kể  của đ/c Hoàng Hữu Kháng) Phạ Gia Vệ ghi
  (Trích những năm tháng bên Bác, NXB Công an nhân dân, năm1985)