banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

04/03/2020

Sàng lọc và xử trí Chlamydia trachomatis ở phụ nữ trước và trong thai kỳ

Chlamydia trachomatis (C. trachomatis) là vi khuẩn Gram âm thường gặp nhất trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD). Phần lớn người bệnh không có triệu chứng nên không được điều trị kịp thời. Nhiễm Chlamydia nếu không được điều trị sẽ gây hậu quả nặng nề cho phụ nữ như viêm vòi trứng, vô sinh và viêm vùng chậu mạn tính. Tỷ lệ vô sinh sau một đợt nhiễm Chlamydia không được điều trị là 8%, sau 2 và 3 đợt nhiễm Chlamydia tỷ lệ vô sinh lần lượt là 18% và 38% (1). Trẻ sơ sinh từ mẹ bị nhiễm Chlamydia có thể bị viêm kết mạc, viêm họng và viêm phổi. Nguy cơ viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh từ 20-50% và viêm phổi từ 5-30% (2).

Tại thành phố Hồ Chí Minh, một số nghiên cứu trong cộng đồng cho thấy tỷ lệ nhiễm Chlamydia ở phụ nữ thay đổi từ 18-32,5%, trong đó một số yếu tố nguy cơ được ghi nhận như số bạn tình, độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục, tiền căn bệnh  phụ khoa (3,4). Tỷ lệ nhiễm Chlamydia trachomatis ở phụ nữ mang thai dao động từ 2- 20% (2).

Chlamydia là tác nhân gây bệnh thầm lặng và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Những phụ nữ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh cần được xét nghiệm sàng lọc và cần các xét nghiệm có độ nhạy cao để xác định Chlamydia trong mẫu bệnh phẩm. Các xét nghiệm khuếch đại acid nucleic không chỉ có độ đặc hiệu cao mà còn rất nhạy với Chlamydia giúp thay thế các phương pháp có độ nhạy thấp hơn (1). Với phương pháp này, các mẫu bệnh phẩm có thể sử dụng bao gồm dịch phết cổ tử cung, dịch phết âm đạo hoặc nước tiểu đầu dòng.

Hiện nay, sàng lọc Chlamydia được các cơ quan y tế của các nước trên thế giới như CDC và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo (1,6,7,8,9).

Đối tượng cần sàng lọc:

Phụ nữ trước khi mang thai 

Thai phụ 

  • Tất cả phụ nữ đã quan hệ tình dục ≤ 25 tuổi
  • Tất cả thai phụ ≤ 25 tuổi
  • Phụ nữ đã quan hệ tình dục > 25 tuổi có yếu tố nguy cơ cao*
  • Thai phụ > 25 tuổi có yếu tố nguy cơ cao*

 

 

*Các yếu tố nguy cơ cao bao gồm: có bạn tình mới hoặc nhiều bạn tình, bạn tình có nhiều bạn tình khác, bạn tình mắc bệnh LTQĐTD, biểu hiện của bệnh LTQĐTD hoặc nhiễm khuẩn đường sinh dục, tiền sử sẩy thai. 

Thời điểm sàng lọc trong thai kỳ:

  • Tam cá nguyệt thứ nhất
  • Sàng lọc lặp lại trong tam cá nguyệt thứ ba (thai phụ ≤ 25 tuổi và thai phụ > 25 tuổi vẫn còn yếu tố nguy cơ cao)

Điều trị

Mục tiêu điều trị các trường hợp nhiễm Chlamydia nhằm dự phòng biến chứng và hậu quả cho sức khỏe sinh sản; giảm nguy cơ lây truyền; điều trị cho bạn tình để dự phòng tái nhiễm và lây truyền. Đối với thai phụ, mục tiêu điều trị nhằm dự phòng nguy cơ truyền nhiễm và biến chứng cho trẻ sơ sinh. Phụ nữ cần điều trị ngay khi có kết quả xét nghiệm Chlamydia dương tính để tránh các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Theo dõi

Khuyến cáo nên xét nghiệm để xác định lành bệnh ở thai phụ, người bệnh còn triệu chứng hoặc nghi ngờ tái nhiễm. Sau điều trị, cần xét nghiệm lại lần thứ nhất sau 3-4 tuần điều trị; lần thứ hai trong vòng 3 tháng để đảm bảo lành bệnh.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Harold C. Wiesenfeld. Screening for Chlamydia trachomatis Infections in Women. N Engl J Med 2017;376:765-73. DOI: 10.1056/NEJMcp1412935
  2. American Academy of Pediatrics. Chlamydia trachomatis. In: Red Book: 2018 Report of the Committee on Infectious Diseases, 31st ed, Kimberlin DW, Brady MT, Jackson MA, Long SS (Eds), American Academy of Pediatrics, Itasca, IL 2018. p.276
  3. Trần Thị Lợi. Sơ bộ khảo sát tình hình nhiễm Chlamydia trachomatis trong viêm sinh dục. Y học TpHCM, 2000; phụ bản số 1, tập 4, 14 –18
  4. Lê Hồng Cẩm. Nghiên cứu tỷ lệ viêm cổ tử cung do Chlamydia trachomatis và một số yếu tố kết hợp ở phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ tại Hóc Môn. Luận án tiến sĩ y học. Đại học y dược Thành phố Hồ Chí Minh, 2002
  5. Minh Nguyen et al. Prevalence of Sexually Transmitted Infections And Acceptability, Feasibility Of Screening In Antenatal Care, Vietnam, 2016–2017. Sex Transm Infect 2017;93(Suppl 2):A1–A272
  6. Bộ Y tế Việt Nam. Hướng dẫn « Sàng lọc và xử trí Chlamydia và lậu ở phụ nữ mang thai », 2019. https://mch.moh.gov.vn/Upload/Documents/2019/12/08a6ce5ce6c8a3ab20bbe89fa799d71e-Huongdan_Sangloc_Xutri_Chlamydia_Trachomatis.pdf
  7. CDC on Screening Recommendations: Clinician Timeline for Screening Syphilis, HIV, HBV, HCV, Chlamydia, and Gonorrhea, 2015. https://www.cdc.gov/nchhstp/pregnancy/docs/pregnancy-screening-recs-clinician-timeline-H.pdf
  8. CDC on Recommendations for the Laboratory-Based Detection of Chlamydia trachomatis and Neisseria gonorrhoeae – 2014.  http://www.cdc.gov/mmwr/pdf/rr/rr6302.pdf
  9. Chlamydial Infections - 2015 STD Treatment Guidelines https://www.cdc.gov/std/tg2015/chlamydia.htm 4/7