Vắc xin phòng ngừa sởi
DS. Nguyễn Tấn Xuân Trang (lược dịch)
Khoa Dược
Cách tốt nhất để bảo vệ chống lại bệnh sởi là tiêm vắc xin phòng ngừa sởi, quai bị và rubella (MMR). Trẻ em có thể tiêm vắc xin phòng ngừa sởi, quai bị, rubella và thủy đậu (MMRV) để thay thế. Hầu hết những người được tiêm vắc-xin MMR và MMRV sẽ được bảo vệ suốt đời.
Các loại vắc xin hiện có
Có hai loại vắc xin bảo vệ chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella. Cả MMR và MMRV đều có thể được tiêm cùng lúc với các loại vắc xin khác.
MMR:
- Bao gồm sự kết hợp của các loại vắc xin phòng ngừa sởi, quai bị và rubella.
- Có hai loại vắc xin MMR có thể sử dụng tại Hoa Kỳ: M-M-R II và PRIORIX. Cả hai đều được khuyến nghị tương tự và được coi là có thể thay thế cho nhau.
MMRV:
- Bao gồm sự kết hợp của các loại vắc xin phòng ngừa sởi, quai bị, rubella và thủy đậu.
- Vắc xin này chỉ được sử dụng cho trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi.
Khuyến cáo
MMR:
- Trẻ em cần tiêm 2 liều vắc xin MMR:
12 – 15 tháng tuổi: Liều thứ nhất
4 – 6 tuổi: Liều thứ 2
- Trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người lớn: Cũng cần tiêm 01 hoặc 02 liều vắc xin MMR nếu không có bằng chứng miễn dịch. Các liều nên cách nhau ít nhất 28 ngày.
- Bất kỳ ai đi du lịch quốc tế: Nên tiêm vắc xin đầy đủ trước khi đi du lịch. Trẻ sơ sinh từ 6 – 11 tháng tuổi nên tiêm 01 liều vắc-xin MMR trước khi đi du lịch. Sau đó, trẻ nên tiêm thêm 02 liều nữa sau khi được 01 tuổi.
MMRV:
- Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi có thể được tiêm 02 liều vắc xin MMRV. Mỗi liều thường được tiêm vào thời điểm:
12 – 15 tháng tuổi: Liều thứ nhất
4 – 6 tuổi: Liều thứ 2 (cũng có thể tiêm sau liều thứ nhất 3 tháng)
Sau khi tiếp xúc với bệnh sởi, quai bị hoặc rubella
Nếu không có miễn dịch chống lại các bệnh này và bị phơi nhiễm với chúng, hãy trao đổi với bác sĩ về việc tiêm vắc xin MMR. Tiêm vắc xin MMR sau khi bị phơi nhiễm với bệnh sởi, quai bị hoặc rubella không có hại, mà có thể ngăn ngừa bệnh sau này.
Nếu tiêm vắc xin MMR trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với bệnh sởi, bạn vẫn có thể được bảo vệ; hoặc bị bệnh nhẹ hơn. Trong những trường hợp khác như trong vòng 6 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh sởi, bạn có thể được tiêm một loại thuốc gọi là immunoglobulin (IG). Thuốc này có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh hoặc giúp bệnh nhẹ hơn.
Không giống như bệnh sởi, vắc xin MMR chưa được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh quai bị hoặc rubella ở những người đã bị nhiễm bệnh.

Ai nên tiêm vắc xin
Tiêm vắc xin MMR rất quan trọng đối với trẻ em cũng như người lớn khi không có bằng chứng về khả năng miễn dịch, bao gồm: Nhân viên y tế, du khách quốc tế, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi mang thai, …
Ai không nên tiêm vắc xin
Một số người không nên tiêm vắc xin MMR hoặc nên tạm trì hoãn. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc có nên tiêm vắc xin hay không nếu:
- Đã từng bị phản ứng dị ứng sau liều vắc xin MMR hoặc MMRV trước đó hoặc có bất kỳ dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nào.
- Đang hoặc có thể đang mang thai. Đợi đến khi bạn không còn mang thai nữa mới tiêm vắc xin MMR. Tránh có thai ít nhất 01 tháng sau khi tiêm vắc xin MMR.
- Có hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh tật hoặc điều trị y tế; hoặc có thành viên gia đình có tiền sử mắc các vấn đề về hệ thống miễn dịch.
- Đã từng mắc một tình trạng khiến dễ bị bầm hoặc chảy máu.
- Gần đây đã được truyền máu hoặc nhận các sản phẩm máu khác. Bạn có thể được khuyên nên hoãn tiêm vắc xin MMR từ 3 tháng trở lên.
- Mắc bệnh lao.
- Đã tiêm bất kỳ loại vắc xin nào khác trong 4 tuần qua.
- Cảm thấy không khỏe hoặc bị bệnh nặng.
Ngoài ra, nên hoãn tiêm vắc xin MMRV và cho bác sĩ biết nếu:
- Có tiền sử động kinh hoặc có cha mẹ, anh chị em có tiền sử động kinh.
- Đang dùng hoặc có kế hoạch dùng salicylate (như aspirin).
Vắc xin an toàn và hiệu quả
Vắc xin MMR rất an toàn và có hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella. Vắc xin, giống như bất kỳ loại thuốc nào, có thể có tác dụng phụ. Những tác dụng phụ này thường nhẹ và tự khỏi.
Không có mối liên hệ nào giữa vắc xin MMR và chứng tự kỷ.
Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vắc xin MMR một cách an toàn. Việc cho con bú không ảnh hưởng đến phản ứng với vắc xin MMR; và em bé sẽ không bị ảnh hưởng bởi vắc xin thông qua sữa mẹ.
Một liều vắc xin MMR: 93% hiệu quả chống lại bệnh sởi, 72% hiệu quả chống lại bệnh quai bị, 97% hiệu quả chống lại bệnh rubella.
Hai liều vắc xin MMR: 97% hiệu quả chống lại bệnh sởi, 86% hiệu quả chống lại bệnh quai bị.
Mặc dù MMR cung cấp khả năng bảo vệ hiệu quả chống lại bệnh quai bị cho hầu hết mọi người, khả năng miễn dịch chống lại bệnh quai bị có thể giảm theo thời gian đối với một số người.
Một số người đã tiêm vắc xin vẫn có thể mắc bệnh sởi, quai bị hoặc rubella nếu họ tiếp xúc với vi rút. Có thể là hệ thống miễn dịch của họ không phản ứng tốt với vắc xin; khả năng chống lại nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch của họ giảm dần theo thời gian; hoặc họ đã tiếp xúc gần trong thời gian dài với người bị nhiễm vi rút. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thường nhẹ hơn ở những người đã tiêm vắc xin. Họ cũng ít có khả năng lây bệnh cho người khác.
Tác dụng phụ có thể xảy ra
Hầu hết mọi người không có bất kỳ tác dụng phụ nào từ vắc xin. Các tác dụng phụ xảy ra thường nhẹ và có thể bao gồm:
Đau nhức, đỏ hoặc sưng ở nơi tiêm vắc xin
Sốt
Phát ban nhẹ
Đau tạm thời và cứng khớp
Tác dụng phụ nghiêm trọng hơn rất hiếm. Những tác dụng phụ này có thể bao gồm sốt cao có thể gây co giật.
Tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/measles/vaccines/index.html (12/5/2025)