banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

26/12/2011

Thông tin thuốc Tháng 12/2011: Chỉ định thuốc ở phụ nữ cho con bú

-Trẻ nhỏ có thể bị nhiễm độc khi một lượng đủ lớn thuốc vào sữa có tác dụng dược lý.

- Thuốc qua sữa mẹ nhờ cơ chế khuyếch tán hay vận chuyển tích cực bởi từ máu mẹ qua biểu mô tuyến vú vào sữa.

- Lượng thuốc vào cơ thể đứa trẻ tuỳ thuộc vào lượng sữa được cho bú, thời điểm cho bú và chỉ có 1-5% tổng lượng thuốc là có trong sữa nên độc tính đối với con là tương đối thấp, tuy nhiên cũng cần lưu ý trước khi sử dụng.

- Dưới đây đề cập đến một số thuốc đòi hỏi sự thận trọng cân nhắc giữa lợi ích cho mẹ và tác hại trên em bé khi chỉ định ở phụ nữ cho con bú, chỉ nên sử dụng khi không có các thuốc thích hợp khác, cũng như cần sự quan tâm đặc biệt đến trẻ bú mẹ.

Hoạt chất
(Tên thành phẩm của thuốc ở bệnh viện)

Lưu ý khi dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú

Thuốc giảm đau và chống viêm

Paracetamol+ Codein
(Efferalgan Codein)

Một số bệnh nhân có men chuyển hóa nhanh (CYP2D6) làm cho codein chuyển hóa thành morphin nhanh chóng hơn và hoàn toàn hơn. Đã có 1 báo cáo về trường hợp trẻ sơ sinh tử vong ở người mẹ dùng codein.
Liều 60mg/ ngày có thể chấp nhận được ở phụ nữ cho con bú (tương đương với 2 viên Efferalgan Codein).

Thuốc trị giun sán

Mebendazol

Có thể làm giảm tiết sữa.

Thuốc chống nhiễm khuẩn

Cefadroxil

Cefadroxil bài tiết trong sữa mẹ với nồng độ thấp, không có tác động trên trẻ đang bú sữa mẹ, nhưng nên quan tâm khi thấy trẻ bị ỉa chảy, tưa và nổi ban.

Azithromycin
(Aziefti)

Chưa có dữ liệu nghiên cứu khả năng bài tiết của Azithromycin qua đường sữa mẹ. Nên chú ý đến hiện tượng phát ban, tiêu chảy, mất cảm giác ngon miệng và buồn ngủ ở trẻ.

Ciprofloxacin

Ciprofloxacin tích lại ở trong sữa và có thể đạt đến nồng độ có thể gây tác hại cho trẻ. Thuốc gây bệnh khớp và ăn mòn sụn ở súc vật.

Levofloxacin
(Tavanic)

Chưa đo được nồng độ Levofloxacin trong sữa mẹ, nhưng căn cứ vào khả năng phân bố vào sữa của Ofloxacin, có thể dự đoán rằng Levofloxacin cũng được phân bố vào sữa mẹ. Thuốc có nhiều nguy cơ tổn thương sụn khớp trên trẻ nhỏ. Nồng độ đỉnh Levofloxacin trong sữa mẹ gần 8mcg/ml sau khi mẹ uống thuốc 5 giờ. Cần ngưng sữa mẹ tối thiểu 4-6 giờ sau liều thuốc cuối.

Ofloxacin

Bài tiết vào sữa mẹ với nồng độ tương tự như trong huyết tương, gây tổn thương vĩnh viễn ở sụn của những khớp chịu lực và cả nhiều dấu hiệu bệnh lý khác về khớp ở súc vật non. Nồng độ đỉnh Ofloxacin trong sữa mẹ gần 2,4mcg/ml sau khi mẹ uống thuốc 2 giờ. Cần ngưng sữa mẹ tối thiểu 4-6 giờ sau liều thuốc cuối.

Clindamycin
(Dalacin C)

Bài tiết vào sữa mẹ (khoảng 0,7-3,8 mcg/ml). Có báo cáo ca trẻ tiêu ra máu khi bú mẹ đang điều trị Clindamycin.

Lincomycin

Lincomycin được tiết qua sữa mẹ tới mức có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến trẻ bú mẹ.

Vancomycin

Ảnh hưởng của Vancomycin trên trẻ đang bú mẹ có dùng thuốc chưa được biết rõ. Hấp thu thuốc vào hệ tuần hoàn của trẻ không đáng kể. Tuy vậy, có ba vấn đề với trẻ đang bú sữa mẹ: gây biến đổi hệ vi khuẩn đường ruột, phản ứng dị ứng hay mẫn cảm, làm sai kết quả nuôi cấy vi khuẩn.

Metronidazol

Bài tiết vào sữa mẹ khá nhanh, trẻ bú có thể có nồng độ thuốc trong huyết tương bằng khoảng 15%. Làm sữa bị đắng. Chống chỉ định do tác dụng sinh ung thư in vitro. Cần ngưng sữa mẹ tối thiểu 12-24 giờ sau liều thuốc cuối.

Sulfamethoxazol+ trimethoprim
(Sulfarim)

Có nguy cơ thấp về bệnh vàng da nhân ở trẻ bị vàng da và nguy cơ tan huyết ở trẻ bị thiếu men chuyển G6PD (do sulphamethoxazol).

Doxycyclin

Nồng độ đỉnh trong sữa mẹ 2 giờ sau khi uống thuốc. Hấp thu qua hệ tiêu hoá trẻ tốt và nhuộm màu răng nếu mẹ dùng trên 10 ngày.

Fluconazol

Tiết vào sữa ở nồng độ tương tự như trong huyết tương. Đã ghi nhận khả năng tích lũy đặc biệt ở trẻ sinh non.

Thuốc chống vi-rút

Acyclovir

Đã có báo cáo về ảnh hưởng của thuốc đến lym-phô bào trong máu ngoại biên.

Thuốc an thần

Diazepam
(Seduxen, Diazepam)

Gây tình trạng li bì, sụt cân cho trẻ sơ sinh nếu mẹ uống thuốc Diazepam kéo dài. Nên cho trẻ bú sau 6-8 giờ sau khi dùng thuốc

Thuốc chống co giật, chống động kinh

Phenobarbital
(Lumidone, Phenobarbital)

Do sự đào thải thuốc ở trẻ bú mẹ chậm hơn, nên thuốc có thể tích tụ đến mức nồng độ thuốc trong máu trẻ có thể cao hơn ở người mẹ và gây an thần cho trẻ. Đã có ghi nhận co thắt, methemoglobin huyết ở trẻ em sau khi cai sữa ở mẹ dùng Phenobarbital. Trẻ cần được theo dõi chuyển hóa gan, tình trạng li bì, phản xạ bú, phát ban. Nên cho trẻ bú sau 6-8 giờ sau khi dùng thuốc

Thuốc đường tiêu hóa

Metoclopramid
(Primperan)

Tránh dùng cho sản phụ có tiền sử bị trầm cảm nặng. Theo dõi tình trạng li bì, rối loạn trương lực ở trẻ

Thuốc tác dụng trên đường hô hấp

Terbutalin sulfat
(Bricanyl)

Thường tiết vào sữa mẹ với lượng ít, không đủ gây hại cho trẻ bú mẹ. Theo dõi nhanh nhịp tim và kích thích ở trẻ.

Thuốc chống dị ứng và dùng trong các trường hợp quá mẫn

Chlorpheniramin

Liều lượng (2-4 mg)/ ngày là chấp nhận được ở phụ nữ cho con bú. Liều lượng lớn hơn hoặc sử dụng kéo dài hơn có thể gây ra tác dụng ở trẻ sơ sinh hoặc ức chế tiết sữa. Để giảm thiểu tác dụng của thuốc trên trẻ, nên cho mẹ uống 1 liều duy nhất trước khi đi ngủ (sau khi cho trẻ bú cử sau cùng).

Thuốc giải độc và các thuốc dùng trong trường hợp ngộ độc

Atropin sulfat

Ức chế bài tiết sữa và nguy cơ ngộ độc Atropin.

Ephedrin

Có thông báo về tác dụng kích thích và làm trẻ ngủ không sâu.

Thuốc thúc đẻ, cầm máu

Misoprostol

Misoprostol được tìm thấy trong sữa mẹ trong vòng 1 giờ sau khi uống, nhưng cơ bản không được tìm thấy sau 5 giờ. Chưa có dữ liệu về dược động học của Misoprostol trong sữa mẹ sau khi dùng thuốc ngoài đường uống. Tuy nhiên, dự đoán nồng độ thuốc trong sữa mẹ sau khi đặt âm đạo sẽ thấp hơn sau khi uống, nhưng có thể kéo dài hơn. Nồng độ Misoprostol trong sữa mẹ sau khi ngậm dưới lưỡi có thể cao hơn và lâu hơn sau khi uống. Nên cho trẻ bú sữa mẹ sau 6 giờ sau khi dùng thuốc để tránh gây đau bụng hoặc tiêu chảy.

Thuốc chống đau thắt ngực

Atenolol

Tiết vào sữa mẹ với tỷ lệ gấp 1,5-6,8 lần so với nồng độ thuốc trong huyết tương người mẹ, có thể gây chậm nhịp tim, tím tái ở trẻ.

Tài liệu tham khảo

1. Carl Weiner, Catalin Buhimschi. Drugs for Pregnant and Lactating Women. 2-nd Ed., 2009.
2. Dược thư Quốc Gia Việt Nam, 2009.
3. http://www.nlm.nih.gov/pubs/factsheets/lactmedfs.html