banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

27/06/2023

Thiếu Vitamin D: Những ảnh hưởng đến phụ nữ sau mãn kinh

Ds. Phạm Bình Bảo Ngọc (lược dịch)

Bổ sung vitamin D là một cách hiệu quả và tiết kiệm để ngăn ngừa và điều trị tình trạng thiếu Vitamin D; tuy nhiên, việc sử dụng nó để ngăn ngừa và điều trị các tình trạng khác chưa có bằng chứng rõ ràng.

Nồng độ estrogen giảm đáng kể khi phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh và việc thiếu estrogen sẽ làm yếu xương. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng canxi để duy trì cấu trúc xương.

Như vậy, vitamin D là một loại vitamin quan trọng đối với phụ nữ sau mãn kinh. Trên toàn cầu, khoảng 70% phụ nữ sau mãn kinh bị thiếu vitamin D và phụ nữ lớn tuổi thậm chí còn có nguy cơ thiếu vitamin D cao hơn.

Bên cạnh tác dụng đối với xương, ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh rằng vitamin D ảnh hưởng đến bệnh tim mạch, ung thư, nhiễm trùng và các bệnh thoái hóa thần kinh. Bổ sung vitamin D là một cách hiệu quả và tiết kiệm để ngăn ngừa và điều trị tình trạng thiếu vitamin D. Tuy nhiên, việc sử dụng vitamin D để ngăn ngừa và điều trị các tình trạng khác chưa có bằng chứng rõ ràng.

Tình trạng xương

Thiếu vitamin D có liên quan đến khối lượng xương thấp và tăng nguy cơ gãy xương. Bổ sung vitamin D có thể có tác dụng nhỏ trong việc chống gãy xương ở người cao tuổi bị thiếu vitamin D nghiêm trọng với liều duy trì 800 đến 2.000 IU/ngày và dùng đồng thời với canxi ở mức 1.000 đến 1.200 mg/ngày trong hơn 3 năm.

Bệnh tim mạch

Thiếu vitamin D có liên quan đến việc tăng các yếu tố nguy cơ tim mạch, chủ yếu là hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường tuýp 2 và rối loạn lipid máu. Thiếu vitamin D, đặc biệt là khi thiếu vitamin D nghiêm trọng, có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch, chẳng hạn như bệnh tim mạch vành, đột quỵ và tử vong, không phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ thường quy.

Bổ sung vitamin D có thể mang lại lợi ích nhỏ trong việc cân bằng lipid máu và cân bằng glucose nội môi, đặc biệt ở những người béo phì hoặc những người trên 60 tuổi với liều ít nhất 2.000 IU/ngày. Bổ sung vitamin D không ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc các biến cố tim mạch.

Bệnh ung thư

Thiếu vitamin D có liên quan đến việc tăng tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng, phổi và vú. Không có bằng chứng liên quan đến bệnh ung thư phụ khoa. Bổ sung vitamin D không ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc ung thư, mặc dù nó làm giảm nhẹ tỷ lệ tử vong do ung thư.

Nhiễm trùng

Thiếu vitamin D có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, bao gồm cả COVID-19. Bổ sung vitamin D có thể làm giảm nhẹ nguy cơ nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của COVID-19.

Triệu chứng mãn kinh

Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng mãn kinh, như bốc hỏa, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và chức năng tình dục. Nhưng việc bổ sung cũng không làm cải thiện các triệu chứng đó, ngoại trừ chứng teo âm hộ, khi dùng ở liều tương đối cao, tức là 40.000 – 60.000 IU/ tuần qua đường uống hoặc 1.000 IU/ ngày dưới dạng thuốc đặt âm đạo.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai để xác định xem có cần sàng lọc thiếu hụt vitamin D toàn cầu hay không, ngưỡng 25(OH)D tối ưu để bắt đầu bổ sung Vitamin D, phân biệt giữa điều trị thay thế vitamin D và bổ sung vitamin D.

Tài liệu tham khảo:

https://www.pharmacytimes.com/view/vitamin-d-deficiency-widespread-effects-in-postmenopausal-women