banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

16/11/2022

Khuyến cáo của FIGO năm 2022 trong phòng ngừa và điều trị băng huyết sau sinh

DS. Hoàng Tôn Hà Vy (Lược dịch)

Khoa Dược

Khuyến cáo của FIGO năm 2022 trong phòng ngừa băng huyết sau sinh (BHSS)

  1. Việc sử dụng thuốc co hồi tử cung trong phòng ngừa BHSS trong giai đoạn 3 của chuyển dạ được khuyến cáo cho mọi trường hợp sinh. Oxytocin (10 IU IV/IM) được khuyến cáo để phòng ngừa BHSS cho trường hợp sinh ngả âm đạo và trường hợp mổ lấy thai. Khi sử dụng oxytocin, cần lưu ý đến việc bảo quản lạnh oxytocin.
  2. Trong trường hợp không có oxytocin hoặc chất lượng thuốc không được đảm bảo, khuyến cáo sử dụng các thuốc co hồi tử cung dạng tiêm khác (ví dụ ergometrine/ methylergometrine 200 μg IM, cần loại trừ tiền căn cao huyết áp trước khi sử dụng) hoặc misoprostol dạng uống (400-600 μg đường uống) hoặc carbetocin 100 μg IM/IV.
  3. Sử dụng kết hợp ergometrine và oxytocin hoặc misoprotol và oxytocin có thể hiệu quả hơn chỉ sử dụng oxytocin trong phòng ngừa BHSS ≥ 500ml. Sự kết hợp làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ (nôn ói và cao huyết áp do ergometrine và sốt do misoprotol).
  4. Trong trường hợp không có mặt người đỡ đẻ có kinh nghiệm để thực hiện thuốc tiêm và không có oxytocin, khuyến cáo sử dụng misoprostol (400-600 μg đường uống).
  5. Trong trường hợp không có mặt người đỡ đẻ có kinh nghiệm, không khuyến cáo kéo dây rốn có kiểm soát (CCT).
  6. Không khuyến cáo kéo dài việc xoa đáy tử cung để phòng ngừa BHSS ở phụ nữ đã phòng ngừa bằng oxytocin.
  7. Khuyến cáo đánh giá trương lực tử cung để phát hiện sớm đờ tử cung đối với tất cả các trường hợp.
  8. Oxytocin (IV/IM) và kéo dây rốn có kiểm soát (CCT) được khuyến cáo để bóc nhau nhằm phòng ngừa BHSS sau khi mổ lấy thai.

Khuyến cáo của FIGO năm 2022 trong điều trị BHSS

  1. Oxytocin truyền TM đơn trị là thuốc co hồi tử cung lựa chọn đầu tay trong điều trị BHSS.
  2. Nếu không có Oxytocin truyền TM, hoặc nếu tình trạng chảy máu không đáp ứng với oxytocin, khuyến cáo sử dụng ergometrine tiêm bắp hoặc thuốc prostaglandin (bao gồm misoprostol 800 μg ngậm dưới lưỡi)
  3. Chưa có bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả của liều bổ sung misoprostol 800μg trong điều trị BHSS trong trường hợp bệnh nhân đã dùng dự phòng misoprostol 600μg đường uống.
  4. Dịch tinh thể đẳng trương được khuyến khích hơn dịch keo khi bắt đầu hồi sức truyền dịch tĩnh mạch bệnh nhân BHSS.
  5. Tiêm tĩnh mạch sớm tranexamic acid trong vòng 3 giờ sau sinh ở sản phụ được chẩn đoán băng huyết sau sinh ngả âm đạo hoặc mổ lấy thai.
  6. Tiêm tĩnh mạch chậm 1g tranexamic acid (nồng độ 100 mg/ml) với tốc độ 1 ml/phút, lặp lại liều thứ hai nếu 30 phút sau sản phụ còn tiếp tục băng huyết hoặc nếu băng huyết lặp lại trong vòng 24 giờ sau liều đầu tiên.
  7. Xoa đáy tử cung được khuyến cáo trong điều trị băng huyết sau sinh.
  8. Ép tử cung bằng hai tay hoặc chèn động mạch chủ từ bên ngoài được khuyến cáo như là một biện pháp tạm thời đến khi có xử lý thích hợp để điều trị băng huyết sau sinh ngả âm đạo do đờ tử cung.
  9. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc co hồi tử cung hoặc thuốc co hồi tử cung không có sẵn, khuyến cáo thực hiện đặt bóng chèn lòng TC sau khi đã loại trừ nguyên nhân do sót thai sót nhau hoặc vỡ tử cung.
  10. Sử dụng trang phục chống choáng không cần bơm hơi được khuyến cáo như là một biện pháp tạm thời đến khi có xử lý thích hợp
  11. Không khuyến cáo chèn gạc tử cung trong điều trị băng huyết sau sinh ngả âm đạo do đờ tử cung.
  12. Thắt động mạch tử cung có thể là một biện pháp bảo tồn khi bị BHSS nếu điều kiện thiết bị và kỹ thuật của nhân viên y tế đáp ứng yêu cầu cần thiết.
  13. Nếu tình trạng xuất huyết không ngừng lại sau khi đã sử dụng các thuốc co hồi tử cung và các biện pháp can thiệp bảo tồn khác (xoa đáy tử cung, đặt bóng chèn), khuyến cáo thực hiện các can thiệp ngoại khoa. Các can thiệp ngoại khoa bao gồm phẫu thuật may mũi B-Lynch, thắt động mạch hạ vị và động mạch tử cung, và cắt tử cung.
  14. Ưu tiên làm ngưng xuất huyết trước khi bệnh nhân có rối loạn đông máu và tổn thương cơ quan do giảm tưới máu. Các biện pháp bảo tồn nên được thực hiện trước, nếu không có hiệu quả thì nhanh chóng chuyển sang các quy trình xâm lấn.

 

Tài liệu tham khảo:

Maria Fernanda Escobar, Anwar H Nassar, Gerhard Theron, Eythan R Barnea, Wanda Nicholson, Diana Ramasauskaite, Isabel Lloyd, Edwin Chandraharan, Suellen Miller, Thomas Burke, Gabriel Ossanan, Javier Andres Carvajal, Isabella Ramos, Maria Antonia Hincapie, Sara Loaiza, Daniela Nasner, FIGO Safe Motherhood and Newborn Health Committee. FIGO recommendations on the management of postpartum hemorrhage 2022. Int J Gynecol Obstet. 2022;157(Suppl. 1):3–50.