Điều dưỡng cho phụ nữ tuổi mãn kinh
I. PHÂN TÍCH BỆNH LÝ
Mãn kinh là thời kỳ quá độ từ chức năng buồng trứng bình thường suy giảm dần cho đến không còn chức năng. Thời kỳ này estrogen do buồng trứng tiết ra giảm dần rồi ngưng làm cho cơ thể bắt đầu già đi và thoái hóa, chức năng buồng trứng cũng suy thoái nên số lần phóng noãn giảm, cơ hội thụ thai cũng giảm và kinh nguyệt ngừng: thời kỳ mãn kinh bước tới cùng tuổi già.
Theo thống kê, cứ 5 phụ nữ thì có một người bị xáo trộn tâm, sinh lý không thể chịu đựng nổi, 80% còn lại sống trong trạng thái vô thức (inconscient). Thay đổi về chức năng thần kinh thực vật: nóng nảy, vã mồ hôi (nhất là về ban đêm) làm mất ngủ, mệt nhọc. Tính tình thay đổi: hay quên, cáu gắt, nhiều khi rơi vào trầm uất, tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu gắt. Tóc khô, rụng, dễ gãy. Da khô, nhám, nhăn nheo do mất dần lớp mỡ dưới da. Âm hộ, âm đạo bị teo dần làm người phụ nữ sợ giao hợp vì đau đớn. Tuyến vú trở nên mềm nhão, giọng nói bị ồ, lông chi mọc nhiều hơn... ở tuổi mãn kinh thường dễ mắc chứng loãng xương, và bệnh lý mạch vành...
Nhưng những sự khó chịu của phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh cũng khác nhau do tùy thuộc vào tâm tính, thể chất và dinh dưỡng của mỗi người.
II. NGUYÊN TẮC DƯỠNG SINH
Dinh dưỡng toàn diện, không được kén ăn
Khống chế tổng lượng, ba bữa đúng giờ
Thô tinh kết hợp, ăn nhiều rau quả
Ăn uống thanh đạm tránh xa dầu mỡ
Theo Đông y các triệu trứng thời kỳ mãn kinh do nguyên nhân căn bản là thận suy, tâm yếu khí huyết ứ trệ, cách điều dưỡng
tốt nhất là ăn nhiều rau quả tươi để bổ sung vitamin và khoáng chất với mục đích điều chỉnh chức năng thần kinh thực vật, hạ huyết áp, làm chậm sự lão hóa. Nên ăn nhiều thức ăn ninh tâm an thần để cải tạo hội chứng suy nhược thần kinh như: Hạnh đào, hạt sen, táo đỏ, nhãn, dâu tây, đu đủ, ổi, táo, chanh, cà chua và các loại rau xanh…Hạn chế ăn mỡ động vật, đồ ngọt, thức ăn cay nóng, hạn chế muối (không quá 5g muối mỗi ngày).
III. CÁC MÓN ĂN DƯỠNG SINH
1. Chè hạt sen mộc nhĩ:
Nguyên liệu: Hạt sen 20g, Mộc nhĩ trắng 50g, gạo nếp 50g, đường 30g.
Cách làm: Mộc nhĩ ngâm nước, rửa sạch thái sợi, hạt sen và gạo nếp say bột. Cho 250ml nước vào hòa bột đun nhỏ lửa đến sôi, cho mộc nhĩ và thêm đường vào quậy đếu nấu sôi.
Công dụng: Ngày ăn một lần vào buổi chiều lúc đói trong 7 ngày liên tiếp sẽ làm giảm các triệu chứng của thời kỳ tiền mãn kinh.
2. Nước củ sen bơ tươi:
Nguyên liệu: Bột củ sen 30g, mứt củ sen 30g, bơ tươi 15g, mật ong vừa đủ dùng.
Cách làm: Mứt thái nhỏ hấp 10 phút, bột củ sen pha với nước lạnh khuấy đều rồi cho thêm nước nóng khuấy đều thành bột hồ trong, cho mật ong khuấy đều rồi cho bơ tươi và rắc mứt lên củ sen lên trên.
Công dụng: Củ sen tính bình vị ngọt chát, có tác dụng thông khí, kiện tỳ, hòa vị, dưỡng tâm, an thần. Ngoài ra củ sen còn phòng trị chứng tâm thần bất định, mất ngủ, mỏi mắt do căng thẳng, lo lắng bất an gây ra. Món ăn này giúp điều tiết tim, huyết, cải thiện tuần hoàn máu giúp cải thiện triệu chứng cho phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
3. Bách hợp trộn mật ong:
Nguyên liệu: Bách hợp tươi 100g, mật ong 15ml
Cách làm: Bách hợp rửa sạch, bỏ phần màu vàng, cắt lát luộc sơ trong nước sôi 3 phút vớt ra để nguội. Khi ăn trộn với mật ong
Công dụng: Bách hợp có tác dụng an thần, gây ngủ lại chứa nhiều dưỡng chất như vitamine và khoáng chất có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất chống mệt mỏi, thải trừ độc làm chậm sự lão hóa. Món ăn này ăn vào buổi tối để cải thiện giấc ngủ, dịu áp lực nên cải thiện được những cáu gắt, hay quên, phiền muộn của thời kỳ mãn kinh.
4. Bánh Mộc nhĩ đen nhân đậu:
Nguyên liệu: Mộc nhĩ đen 30g, đậu nành 200g, táo đỏ 200g, bột mì 250g.
Cách làm: Mộc nhĩ đen ngâm nước rửa sạch, đun nhỏ lửa cho chín nhừ vớt ra.Đậu nành rang chín nghiền bột. Táo đỏ rửa sạch ngâm nước rồi cho vào nồi nấu sôi vặn lửa nhỏ cho nhừ dùng đũa gạn bỏ vỏ và hạt vớt ra để ráo. Cho táo đỏ, mộc nhĩ, đậu nành và bột mì trộn đều, viên thành từng bánh nhỏ chiên vàng.
Công dụng: Mộc nhĩ đenbổ khí huyết, mát máu và cầm máu phù hợp cho phụ nữ thời kỳ mãn kinh bị rối loạn kinh nguyệt (rong huyết, thống kinh). Estrogen trong đậu nành có cấu trúc giống với estrogen trong cơ thể đang thiếu hụt trong thời kỳ mãn kinh. Táo đỏ nhiều canci và sắt để phòng ngừa loãng xương và thiếu máu (khi mãn kinh chức năng tạo máu giảm, dễ loãng xương).
5. Chè an thần:
Nguyên liệu: Bách hợp 150g, táo đỏ 20g, nhãn nhục 15g, câu kỷ tử 15g, đường trắng.
Cách làm: Tất cả rửa sạch, táo bỏ hạt. Cho tất cả nguyên liệu vào nước nấu sôi rồi vặn lửa nhỏ cho chín mềm, thêm đường vừa đủ, ăn nóng.
Công dụng: Món ăn này có thể làm thanh tâm an thần, dưỡng huyết đẹp da tránh được các hội chứng thời kỳ mãn kinh.
6. Bắp cải xào đậu phụ:
Nguyên liệu: Cà rốt 150g, bắp cải tím 150g, đậu phụ 2 miếng, cải bó xôi 150g, hẹ 150g, măng tây 150g, một ít cần tây và cà chua bi.
Cách làm: Nguyên liệu rửa sạch, cắt khúc hoặc thái sợi. Dâu nóng phi hành gừng cho thơm cho lần lượt cà rốt, bắp cải vào xào chín cho tiếp măng tây, bó xôi, hẹ vào xào lửa to nêm vừa ăn thêm chút dầu mè nhắc xuống cho ra dĩa, rắc rau cần lên mặt, xung quanh dĩa xếp cà chua bi cắt đôi cho đẹp.
Công dụng: Món ăn này vừa dễ ăn, đẹp mắt, vị ngon, bổ sung đầy đủ dưỡng chất giúp phụ nữ thời kỳ mãn kinh dưỡng sinh phòng lão hóa.
7. Bách hợp xào tim heo
Nguyên liệu: Tim heo 250g, bách hợp 30g. Gia vị: xì dầu, muối, đường, 10g rượu gạo, bột ngọt, hành, gừng, bột lọc ướt.
Cách làm: Tim làm sạch cắt miếng mỏng cho muối, rượu, bột lọc ướt vào khuấy đều. Bách hợp ngâm nước nóng cho mềm, rửa sạch . Tất cả gia vị trên trộn vào nhau thành hỗn hợp sệt, bắc chảo nóng cho dầu xào tim vừa chín tới đổ ra. Cho dầu vào chảo phi hành gừng cho thơm cho tim bà bách hợp vô xào rồi cho hỗn hợp nước gia vị vào xào đều, rưới dầu mè rồi cho ra dĩa, ăn nóng với cơm.
Công dụng: Nhuận phế chỉ ho, thanh hỏa hóa đờm, dưỡng âm an thần, bổ huyết chỉ mồ hôi thích hợp với phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
8. Canh sò khô rong biển:
Nguyên liệu: Sò khô 100g, rong tóc 25g (tảo biển), thịt nạc 100g, gia vị.
Cách làm: Ngâm thịt sò khô cho mềm rửa sạch, ngâm rong tóc rửa sạch. Thịt nạc làm sạch cắt sợi. Cho toàn bộ nguyên liệu vào nồi thêm nước vừa đủ, nấu sôi cho lửa nhỏ nấu thêm cho nhừ, nêm gia vị vừa ăn.
Công dụng: Tư âm bổ thận, dưỡng huyết bổ tâm, thích hợp cho người mãn kinh do thận âm bất túc.
9. Đậu ván xào tim heo:
Nguyên liệu: Đậu ván 250g, tim heo 150g, gia vị: rượu gạo, muối, bột ngọt, hành, gừng, đường, dầu.
Cách làm: Đậu nhặt rửa sạch cắt xiên, tim làm sạch cắt miếng mỏng. Cho dầu vào chảo nóng phi gừng và hành lá cho thơm cho tim vào xào sơ cho đậu ván vào xào tiếp chín vừa, nêm nếm gia vị vừa ăn múc ra đĩa, ăn với cơm.
Công dụng: Món ăn này thanh mát lợi tiểu, ích khí bổ huyết, thích hợp với tuổi hậu trung niên.
10. Canh gò heo hoa hòe:
Nguyên liệu: 2 cái giò heo (phần chân dưới gối), 1 quả tim, hoa hòe 30g, gia vị: hành, gừng, muối, bột ngọt.
Cách làm: Chân giò, tim heo làm sạch, hoa hòe rửa sạch cho vào nồi cho nước vào nấu sôi 15 phút cho hành gừng vặn lửa nhỏ hầm cho mềm đến khi thịt chín nhừ, canh đặ thì vớt bỏ hoa hòe ra, nêm vừa ăn là được.
Công hiệu: Mát máu, cầm máu, trấn tĩnh bổ tim rất thích hợp với phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
11. Cháo tôm nõn gạo kê:
Nguyên liệu: Tôm nõn to 10 con, gạo kê 100g, gia vị: dầu mè, muối, tiêu.
Cách làm: Tôm nõn làm sạch bóc vỏ giã nhỏ, phi hành xào sơ. Vo gạo kê sạch cho nước nấu thành cháo, cho tôm vào thêm
gia vị vừa ăn. Dùng trong ngày.
Công dụng: phòng tránh được tình trạng thận khí suy nhược, tinh huyết sút kém, kinh mạch hư tổn, công năng tạng phủ rối loạn, dẫn đến mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Rất công hiệu cho phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
12. Cháo Táo sinh địa:
Nguyên liệu: Táo nhân 30 g, sinh địa 30 g, gạo tẻ 100 g, gia vị.
Cách làm: Nguyên liệu làm sạch, táo nhân đập vụn, sinh địa cắt phiến, sắc lấy 200ml nước thuốc rồi cho gạo vào nấu thành cháo nêm nếm vừa ăn. Dùng trong ngày.
Công dụng: Giảm các triệu chứng như kinh nguyệt rối loạn, lượng ít, sắc đỏ tươi; có cảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, tinh thần căng thẳng, bức bối khó chịu, đầu chóng, mắt hoa, tai ù, mất ngủ, môi khô, miệng khát, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, ít rêu.
13. Chè bách hợp táo đỏ:
Nguyên liệu: Gạo nếp 30g, bách hợp 9g, táo đỏ 10 quả, đường.
Cách làm: Bách hợp ngâm nước đun sôi để nguội một lát cho bớt vị đắng. Gạo nếp vo sạch, táo đỏ rửa sạch, cho tất cả vào nồi thêm nước nấu sôi, vặn lửa nhỏ nấu nhừ thêm đường vừa ăn.
Công dụng: Gạo nếp ngọt bình có thể ích khí chỉ hãn. Bách hợp ngọt đắng hơi hàn giúp giải nhiệt an thần, trị hư hỏa, lợi đại tiểu tiện kết hợp với táo đỏ có tác dụng dưỡng tâm bổ huyết, mất ngủ. Món ăn này hỗ trợ điều trị rối loạn chức năng thực vật, hội chứng thời kỳ mãn kinh, thanh hư hỏa, tâm an thần, rất phù hợp với phụ nữ.
14. Gà ác tiềm:
Nguyên liệu: Thịt gà ác 200 g, hà thủ ô 20 g, hoàng kỷ 15 g, đại táo 10 quả.
Cách làm: Thịt gà rửa sạch, thái miếng, đại táo bỏ hạt, hà thủ ô và hoàng kỳ cho vào túi vải, buộc kín. Tất cả cho vào nồi đất, chế nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi rồi dùng lửa nhỏ hầm kỹ trong 2 giờ, bỏ túi thuốc, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần.
Công dụng: Phòng trị các triệu chứng tiền mãn kinh: Đầu choáng, mắt hoa, sắc mặt nhợt nhạt, ngủ ít, hay mê mộng, dễ hồi hộp, trí nhớ giảm sút, kinh nguyệt ít và loãng, có thể rong kinh, chất lưỡi nhợt.
15. Bánh dâu tằm:
Nguyên liệu: Tang thầm (quả dâu tằm chín) 50g, đường trắng 200g, bột mì 300g, trứng gà 5 quả.
Cách làm: Tang thầm rửa sạch, sắc lửa nhỏ trong 20 phút rồi lọc bỏ bã lấy nước, cho đường, bột mì, trứng gà vào trộn đều, nặn thành bánh, nướng chín dùng dần. Ngày ăn 2 lần, mỗi lần 50-100 g.
Công dụng: Phòng trị can thận âm hư, kinh nguyệt rối loạn, căng thẳng, cáu gắt, nóng bức khó chịu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, khô miệng, táo bón do mãn kinh.
16. Trà cho người mãn kinh:
Loại trà 1: Long nhãn 30 g, nhân sâm 3 g, nấm linh chi 5 g. Tất cả tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà hằng ngày. Có thể chế thêm một chút đường phèn cho dễ uống.
Loại trà 2: Nấm linh chi 5 g, viễn trí 10 g, tam thất 10 g, ngũ vị tử 4 g, hạt sen 10 g. Tất cả tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, chế thêm một chút đường, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Đây là hai loại trà rất tốt cho phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, dùng thường xuyên 2 loại trà này sẽ tránh được tình trạng thận khí suy nhược, tinh huyết sút kém, kinh mạch hư tổn, công năng tạng phủ rối loạn, dẫn đến mất cân bằng âm dương trong cơ thể.
17. Nước ép và sinh tố trái cây:
17.1. Sinh tố bơ chuối:
Nguyên liệu: 1 trái bơ chín, 1 trái chuối tiêu chín, 250ml sữa không kem.
Cách làm: Cắt chuối thành lát, nạo thịt trái bơ cho tất cả vào máy say sinh tố cùng với sữa, đổ ra ly.
Công dụng: L-Carnitine trong bơ là một loại acid amin có tác dụng chuyển hóa chất béo cực kì hiệu quả, lượng lutein carotene cao hơn bất cứ loại trái cây nào khác. Chất này giúp chống sự thoái hóa thành các vết đen, bệnh đục nhân mắt và một số bệnh về mắt liên quan đến tuổi thọ. Tinh dầu của bơ có khả năng vô hiệu hóa những phân tử gây hại cho cơ thể đồng thời trong thành phần quả bơ chứa chất dầu có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, chăm sóc da khô hiệu quả đặc biệt với phụ nữ. Chất dầu này còn có tác dụng chống các bệnh liên quan đến tim và ung thư. Chuối được nhận định là có rất nhiều công dụng cho sức khỏe: điều trị thiếu máu, hỗ trợ trí nhớ, tim mạch, ngăn ngừa ung thư… và được xem là loại quả có tác dụng giảm cân nhanh, đẹp da, mượt tóc, hiệu quả và khá an toàn.
17.2. Sinh tố táo và dâu tây:
Nguyên liệu: 2 trái táo to, 125g dâu tây
Cách làm: Ép táo lấy nước sau đó cho vào máy say cùng với dâu đổ ra ly.
Công dụng: Táo còn được coi là thứ quả rất có lợi cho sức khỏe, có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa một số bệnh như tiêu hóa, tiểu đường, tim mạch, ung thư…Dâu tây chứa nhiều vitamin C chống lão hóa hơn cả cam và bưởi. Dưỡng chất vitamin C trong quả dâu tây sẽ giúp tiêu diệt các tế bào gốc tự do này, quá trình tổng hợp. collagen lại được tiếp tục để duy trì vẻ đẹp cho da. Theo đông y, dâu tây vị ngọt, chua, tính mát, công hiệu bổ phổi, điều hòa chức năng tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, mát máu, giải độc. Dùng chữa các chứng như ho do phổi nóng, cổ họng sưng đau, chán ăn, tiểu ngắn, tiểu gắt, thiếu máu suy nhược, ung nhọt, say rượu. Các loại sinh tố A, B1, B2 và đặc biệt là lượng sinh tố C khá cao, hơn cả cam, dưa hấu. Đây là tính ưu việt của quả dâu tây giúp tăng sức đề kháng chống nhiễm trùng, nhiễm độc, cảm cúm và chống stress, lão hóa (oxy hóa).
17.3. Sinh tố chuối với sữa đậu nành:
Nguyên liệu: 2 trái chuối tiêu, 450ml sữa đậu nành, một chút mật ong, chút bột quế.
Cách làm: Cắt chuối thành lát cho vào tủ đá 2 giờ hoặc qua đêm. Cho chuối đông lạnh sữa đậu nành bột quế vào máy say sinh tố, thêm chút mật ong say thành hỗn hợp đặc sệt.
Công dụng: Sữa đậu nành chứa một lượng không nhỏ chất Genistein giúp kéo dài quá trình lão hóa của các tế bào trong cơ thể. Mỗi tễ bào đều có một tuổi thọ nhất định, đặc biệt là tế bào trên làn da của bạn. Việc uống sữa điều độ sẽ đem tới làn da trắng và tươi trẻ cho các chị em. Các chị em vào tuổi tiền mãn kinh rất dễ lâm vào tình trạng loãng xương do bị giảm nồng độ estrogen trong máu và thiếu hụt can-xi. Các nghiên cứu cho thấy, sử dụng protein đậu nành giúp xương chắc khỏe, tránh tình trạng loãng xương và giảm tỷ lệ gãy xương, giúp giảm bớt lượng mỡ thừa ở bụng, giúp tóc chắc khỏe, ức chế sự khởi phát của các tế bào ung thư. Kết hợp với chuối là thức uống tuyệt vời cho sức khỏe và sắc đẹp của chị em phụ nữ.
DS. Huỳnh kim Hằng (Sưu tầm)
Khoa dược – BV Từ Dũ
Tài liệu:
Sử dụng hình ảnh Internet.
- 1000 món rau quả dưỡng sinh trị bệnh – Nhà xuất bản Mỹ thuật – Năm 2009
- 1000 món canh dưỡng sinh trị bệnh – NXB Mỹ thuật - 2010
- 600 món ăn từ thịt trị bệnh – Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh
- 500 Bài thuốc Đông y gia truyền trị bách bệnh – Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa
- Bách khoa Y học thường thức trong gia đình - 2007