Tiêm ngừa vắc xin Covid-19 trong thời kỳ mang thai không làm tăng nguy cơ sinh non hoặc thai lưu

    Ds. Nguyễn Tấn Xuân Trang (dịch)

    Khoa Dược – Bệnh viện Từ Dũ

              Nghiên cứu mới cho thấy rằng tiêm ngừa vắc xin COVID-19 không làm tăng nguy cơ sinh non hoặc các vấn đề về thai cho phụ nữ mang thai, mặc dù có bằng chứng mâu thuẫn trước đó.

              Một nghiên cứu mới được công bố trên BMJ cho thấy rằng việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 khi mang thai không liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai nhỏ hơn tuổi thai khi sinh hoặc thai chết lưu.

              Nghiên cứu này trái ngược với các bằng chứng hiện có cho thấy tiêm ngừa vắc xin COVID-19 trong thời kỳ mang thai có thể làm tăng nguy cơ bất lợi cho mẹ, thai nhi và kết cục trẻ sơ sinh.

              Có rất ít bằng chứng về kết cục mang thai với việc tiêm ngừa vắc xin COVID-19. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng nhiễm COVID-19 khi đang mang thai có liên quan đến nguy cơ nhập viện và tử vong mẹ cao hơn, cũng như sinh non và thai lưu. Vắc xin được xem là một biện pháp hiệu quả ngăn việc lây nhiễm vi rút ở cả mẹ và trẻ sơ sinh.

              Một nhóm các nhà nghiên cứu Canada đã tìm cách giải quyết tình trạng thiếu thông tin trong dân số này bằng cách đánh giá nguy cơ phụ nữ mang thai sinh non, sinh con nhỏ hơn tuổi thai hoặc thai chết lưu sau khi tiêm vắc xin COVID-19.

              Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hơn 85.000 ca sinh từ một cơ quan đăng ký khai sinh ở Ontario, Canada từ ngày 01 tháng 5 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021. Họ xác định trẻ sinh sống và trẻ chết lưu có tuổi thai từ 20 tuần trở lên hoặc cân nặng ít nhất 500 g.

              Các yếu tố khác được nghiên cứu bao gồm tuổi của người mẹ khi sinh, chỉ số khối cơ thể trước khi mang thai (BMI), có hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích trong khi mang thai, tình trạng sức khỏe trước đó, số lần sinh sống và thai chết lưu trước đó, khu vực cư trú và thu nhập. Sau đó, tiến hành liên kết các dữ liệu này với thông tin về tiêm chủng COVID-19 ở Ontario.

              Trong số các bệnh nhân, 43.099 người đã tiêm ngừa 1 hoặc nhiều lần vắc xin COVID-19 khi mang thai. Hơn 99% được chủng ngừa loại vắc xin mRNA – chủ yếu là Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.

              Các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa việc tiêm ngừa và nguy cơ sinh non. Trong số các ca sinh non, 6,5% xảy ra ở phụ nữ đã được tiêm ngừa và 6,9% ở phụ nữ chưa tiêm ngừa. Tỷ lệ sinh non tự phát lần lượt là 3,7% và 4,4% ở phụ nữ đã được tiêm ngừa và chưa tiêm ngừa và tỷ lệ sinh rất non lần lượt là 0,59% và 0,89%.

              Các nhà nghiên cứu không tìm thấy nguy cơ gia tăng sinh con nhỏ so với tuổi thai do tiêm vắc xin. Tỷ lệ thai nhỏ so với tuổi thai khi sinh xảy ra ở 9,1% phụ nữ đã được tiêm ngừa và thậm chí nhiều hơn ở những người chưa tiêm ngừa với tỷ lệ 9,2%.

              Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy rằng phụ nữ mang thai được tiêm ngừa trong tam cá nguyệt nào không quan trọng. Số lượng liều đã nhận, cũng như loại vắc xin mRNA đều không ảnh hưởng đến những nguy cơ này.

              Các tác giả nghiên cứu đã nêu trong thông cáo báo chí “Những phát hiện của chúng tôi có thể thông báo cho việc đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng về việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong thời kỳ mang thai”.

              Nghiên cứu không thể thiết lập mối quan hệ nhân quả bởi vì nó là nghiên cứu quan sát. Các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu cũng còn hạn chế trong việc đánh giá loại vắc xin mRNA, cùng với việc không thể đánh giá việc tiêm phòng trước khi mang thai hoặc khi đang mang thai.

              Họ nói thêm “Cần thêm các nghiên cứu trong tương lai để đánh giá các kết quả tương tự sau khi tiêm ngừa với các loại vắc xin COVID-19 không phải mRNA trong thời kỳ mang thai”.

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO: https://www.pharmacytimes.com/view/study-finds-covid-19-vaccination-during-pregnancy-does-not-increase-risk-of-preterm-birth-or-stillbirth (29/8/2022)

    Ds. Nguyễn Tấn Xuân Trang

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ