Ối vỡ non là gì?

Vỡ ối non là gì?

Vỡ ối non (PROM) xảy ra khi túi ối, bao bọc em bé trong thai kỳ, bị rách trước khi chuyển dạ. Nếu PROM xảy ra trước tuần thứ 37, được gọi là vỡ ối non trên thai non tháng (PPROM).

Tình trạng này phổ biến như thế nào?

  • PROM xảy ra ở khoảng 8-10% thai kỳ.
  • PPROM (trước tuần 37) chiếm 1/4 đến 1/3 ca sinh non.

Nguyên nhân gây vỡ ối sớm là gì?

Vỡ màng ối gần cuối thai kỳ (đủ tháng) có thể do màng ối bị suy yếu tự nhiên hoặc do lực co bóp của cơ tử cung. Ở thai non tháng, PPROM thường do nhiễm trùng cổ tử cung và tử cung. Các yếu tố khác có thể liên quan đến PROM bao gồm: 

  • Điều kiện kinh tế xã hội thấp
  • Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia và lậu
  • Tiền căn sinh non trước đây
  • Chảy máu âm đạo
  • Hút thuốc lá khi mang thai
  • Một số trường hợp không rõ nguyên nhân

Tại sao vỡ ối non lại nguy hiểm?

  • PPROM là một yếu tố nguy cơ cao dẫn đến sinh non. Em bé rất có thể sẽ được sinh ra trong vòng vài ngày sau khi vỡ ối.
  • Một nguy cơ lớn khác của PROM là phát triển tình trạng nhiễm trùng màng ối, gây nguy hiểm đến mẹ và bé.
  • Các biến chứng khác có thể xảy ra bao gồm nhau bong non, chèn ép dây rốn, sinh mổ và nhiễm trùng sau sinh.

Triệu chứng của vỡ ối:

Mỗi thai phụ có thể gặp các triệu chứng khác nhau. Triệu chứng có thể bao gồm:

  • Rò rỉ hoặc chảy nước ra âm đạo
  • Quần lót thường xuyên bị ướt

Nếu nghi ngờ vỡ ối, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Triệu chứng PROM có thể giống một số bệnh lý khác, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có chẩn đoán chính xác.

Chẩn đoán vỡ ối non:

  • Bác sĩ hỏi về tiền sử, khám thai.
  • Kiểm tra cổ tử cung (có thể thấy chất lỏng rò rỉ từ lỗ cổ tử cung), kiểm tra độ pH của dịch rò rỉ.
  • Kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Siêu âm để đánh giá lượng nước ối và sức khỏe thai.

Điều trị vỡ ối non:

Phương pháp điều trị cụ thể sẽ được bác sĩ xác định dựa vào: tuổi thai, sức khỏe thai, mức độ thiếu ối, nguy cơ biến chứng và sức khỏe mẹ.

Điều trị vỡ ối non có thể bao gồm:

  • Nhập viện theo dõi.
  • Theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Dùng thuốc corticosteroid giúp thai nhi trưởng thành phổi.
  • Kháng sinh (phòng ngừa/điều trị nhiễm trùng).
  • Thuốc giảm co thắt tử cung (ngăn sinh non).
  • Sinh sớm nếu có biến chứng.

Phòng ngừa vỡ ối non:

Hiện chưa có biện pháp phòng ngừa chủ động. Tuy nhiên, việc hạn chế các yếu tố nguy cơ như điều trị viêm nhiễm sinh dục, cai thuốc lá có thể giúp giảm nguy cơ vỡ ối non.

Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho tư vấn y khoa. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là khi mang thai.

 

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ