Đa ối

    1/Đa ối là gì?

    Đây là một tình trạng có thể gặp trong khoảng 0.5-3% thai phụ, khi lượng nước ối của bào thai vượt quá mức bình thường. Đa ối có thể xảy ra ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Tình trạng này làm tăng tỉ lệ bệnh tật và tử vong cho thai nhi và trẻ sơ sinh. Đa ối thường không gây triệu chứng, tuy nhiên một số trường hợp lượng nước ối tăng quá nhiều có thể gây khó thở hoặc không thoải mái cho sản phụ. Chẩn đoán đa ối thường được xác định khi khám thai và siêu âm tiền sản định kỳ.

    2/ Cách chẩn đoán tình trạng đa ối

    Khi sản phụ xuất hiện các dấu hiệu khó thở, nhịp tim nhanh kèm với tình trạng bụng to, thành bụng căng bóng, bề cao tử cung tăng nhanh, đó có thể là dấu hiệu của đa ối. Đa ối bao gồm 3 mức độ: nhẹ, trung bình và nặng.

    Với tình trạng đa ối nặng, sản phụ có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu “quá tải” như là khó thở, nhịp tim nhanh và đau bụng, cần phải có những can thiệp kịp thời như giảm ối…

     

    3/ Nguyên nhân gây nên tình trạng đa ối có thể kể đến như:

    • Đái tháo đường thai kỳ (20%)
    • Bất đồng nhóm máu Rhesus (10%)
    • Các bất thường về giải phẫu bào thai hoặc phù thai.
    • Rối loạn về di truyền (thường gặp như hội chứng Down, Edward, Patau)
    • Đa thai và hội chứng truyền máu song thai.
    • Thiếu máu bào thai.
    • Nhiễm trùng bào thai (Rubella, Toxoplasma, CMV, giang mai, parvovirus)
    • Mẹ bị rối loạn chuyển hóa (như tăng calci máu)
    • Một số bệnh lý hiếm gặp khác (như hội chứng Bartter, Dandy Walker)
    • Vô căn (30%)

    4/ Đa ối ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ?

    Đa ối có thể dẫn đến một số hậu quả như:

    • Chuyển dạ sinh non hoặc vỡ ối non.
    • Sa dây rốn.
    • Nhau bong non.
    • Các bất thường về ngôi thai.
    • Tăng tỉ lệ mổ lấy thai.
    • Băng huyết sau sinh do tử cung gò kém.
    • Mẹ có thể khó thở, đau lưng, đau bụng bởi lượng nước ối quá nhiều.

    Mục tiêu của việc điều trị là ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra với thai nhi và giảm các triệu chứng của mẹ do lượng nước ối nhiều quá mức. Thuốc hỗ trợ phổi có thể được sử dụng để bảo vệ em bé nếu bạn có nguy cơ sinh non trước 34 tuần.

    Phần lớn trường hợp đa ối nhẹ chỉ cần điều trị theo dõi. Một số trường hợp nặng, sản phụ cần được can thiệp để giảm lượng nước ối dư thừa. Thủ thuật chọc ối có thể cần thiết để rút bớt lượng ối dư thừa ra ngoài. Bên cạnh đó, quan trọng nhất là phải kiểm soát nguyên nhân gây đa ối. Ví dụ như ổn định đường huyết trong trường hợp có đái tháo đường thai kỳ.

    Tiên lượng của một thai kỳ có đa ối tùy thuộc vào nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đa số các trường hợp đa ối nhẹ và vô căn có tiên lượng tốt.

    5/ Mẹ cần làm gì trong thời gian theo dõi tại bệnh viện?

    Dinh dưỡng:

    -     Ăn uống đủ chất (thịt, cá, tôm, trứng, sữa, rau xanh, trái cây tươi..), không nên ăn mặn, tránh táo bón bằng chế độ ăn hợp lý. Không sử dụng chất kích thích.

    -     Uống ít nhất 02 lít nước mỗi ngày (Sữa, nước hoa quả, nước lọc..)

    Chế độ nghỉ ngơi, vận động: Vận động nhẹ nhàng, duy trì tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng. Ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày. Tôn trọng giấc ngủ trưa.

    Vệ sinh: Tắm rửa thường xuyên, giữ sạch vú và vệ sinh bộ phận sinh dục hàng ngày.

    Báo ngay cho nhân viên y tế khi có các dấu hiệu: Đau bụng từng cơn và tăng dần, ra huyết – nước âm đạo, thai máy ít hoặc không máy, nhức đầu, chóng mặt, khó thở…

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ