Hướng dẫn chăm sóc vú và kích thích phản xạ xuống sữa

     

    1. Chăm sóc bầu vú và núm vú:

    – Không chườm đắp, sử dụng các thứ gây bỏng, không rõ nguồn gốc lên vú. Nên tham khảo từ các nguồn thông tin y khoa chính thức.

    – Luôn rửa tay thật sạch trước khi chạm vào vú, trước và sau khi cho trẻ bú.

    – Vệ sinh bầu vú sạch bằng nước ấm trước và sau khi cho trẻ bú hoặc vắt sữa.

    – Lựa chọn áo ngực phù hợp.

    – Cho bé bú ngậm bắt vú đúng cách để hạn chế tổn thương vú.

    – Cần báo cho NVYT khi gặp các trường hợp: tụt núm vú, viêm tắc tia sữa, nứt loét núm vú, cương vú, tuyến vú phụ, …

    2. Kích thích phản xạ xuống sữa:

    “Xuống sữa” là hiện tượng sữa chảy ra từ vú. Đó là một phản xạ bình thường xảy ra khi các dây thần kinh ở vú của bạn bị kích thích, thường là do bé bú. Là một phản xạ bình thường khi bé ngậm vú của bạn, nhưng nó cũng có thể diễn ra trước khi bé ngậm vú như khi bạn nghe thấy tiếng con khóc hoặc đến cử bú nhưng chưa thế cho bé bú. Điều này tạo ra một chuỗi các sự kiện trong cơ thể và các hormone được giải phóng vào máu của bạn.

    • Hormon prolactin kích thích sản xuất sữa.
    • Hormone oxytocin khiến vú bạn tiết ra hoặc xuống sữa.

    Một số bà mẹ đang cho con bú có thể cảm nhận được sữa chảy từ ống dẫn sữa đến núm vú, nhưng những bà mẹ khác thì không. Bạn có thể nhận thấy những cảm giác khác nhau trong hoặc xung quanh ngực của mình, chẳng hạn như:

    • Cảm giác ngứa ran, giống như kim châm.
    • Cảm giác sung sướng, hạnh phúc.
    • Sữa rỉ ra từ vú bên kia của bạn.

    Ngoài ra, đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy tử cung co bóp khi hiện tượng xuống sữa xảy ra. Điều này giúp bạn có thể hiểu vì sao bạn được các nhân viên y tế khuyến khích nên cho bé bú càng sớm càng tốt giúp cầm máu và co hồi tử cung ngay sau sanh.

    3. Làm thế nào bạn có thể cải thiện phản xạ xuống sữa của mình?

    Nếu bạn gặp khó khăn với tình trạng xuống sữa - dù bạn đang cho bé bú trực tiếp hay vắt sữa - thì bạn có thể làm một số điều sau đây để hỗ trợ quá trình này:

    • Uống sữa ấm hoặc nước ấm trước khi cho bé bú.
    • Chế độ ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng giúp cải thiện tình trạng sức khỏe cho mẹ và là nguồn nguyên liệu cho quá trình tạo sữa.
    • Nghe nhạc nhẹ nhàng êm dịu giúp cơ thể thư giản và giảm căng thẳng.
    • Tắm nước ấm trước khi cho bé bú vừa giúp cơ thể thư giãn vừa giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.
    • Massage nhẹ nhàng vai, lưng và ngực để giúp cơ thể giảm bớt căng thẳng và kích thích tiết sữa cũng như hạn chế tắc dòng sữa.
    • Giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
    • Ôm bé sát vào cơ thể bạn giúp kích thích tiết hormone tạo sữa, tiết sữa.
    • Cho bé bú theo nhu cầu, sau mỗi cử điều phải làm trống bầu ngực và đặc biệt cho bé ngậm bắt vú đúng.

    Nếu bạn cảm thấy đau bầu vú khi xuống sữa và cơn đau kéo dài và không giảm có thể là dấu hiệu của:

    • Ống dẫn sữa bị tắc.
    • Nhiễm trùng vú.
    • Ngực của bạn sản xuất quá nhiều sữa.

    Bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và nhận tư vấn hướng dẫn từ nhân viên y tế.

    Tình trạng xuống sữa hoặc lượng sữa tích trữ trong vú ở mỗi bà mẹ là khác nhau. Một số phụ nữ xuống sữa trong vòng vài giây sau khi bé bắt đầu bú, nhưng những người khác có thể phải mất vài phút. Vì vậy, bạn không nên lo lắng về việc này.

    P. Điều dưỡng

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ