Những điều nên biết về lưu trữ máu cuống rốn

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Phòng Công tác xã hội

    Máu cuống rốn là máu của em bé được lấy ra từ dây rốn và bánh nhau sau sinh. Nó có chứa một số tế bào đặc biệt được gọi là các tế bào gốc tạo máu, được sử dụng để điều trị một số loại bệnh. Thông thường máu cuống rốn sẽ bị bỏ đi sau sinh cùng với bánh nhau và dây rốn. Tuy nhiên bạn cũng có thể lựa chọn lưu trữ lượng máu này để sử dụng trong tương lai.

    Tế bào gốc tạo máu

       Hầu hết các tế bào của cơ thể chỉ có thể tạo ra bản sao của chính nó và chỉ thực hiện đúng chức năng của loại tế bào đó. Ví dụ một tế bào da chỉ có thể tạo ra thêm tế bào da mới. Tuy nhiên, tế bào gốc có thể phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau của cơ thể. Nhờ khả năng này, tế bào gốc tạo máu được ứng dụng để điều trị một số bệnh lý. Nó có thể là phương pháp điều trị chính đối với một số bệnh, hoặc được phối hợp thêm sau khi các phương pháp điều trị khác thất bại.

       Tế bào gốc tạo máu có thể được sử dụng để điều trị hơn 70 loại bệnh khác nhau của hệ miễn dịch, rối loạn gen, bệnh lý thần kinh, bệnh lý về máu và một số loại ung thư như ung thư máu.

    Ưu điểm

    Hình minh họa - nguồn internet

    - Tế bào gốc từ máu cuống rốn có thể được dùng để điều trị cho nhiều người hơn tế bào gốc từ tủy xương. Ngoài ra, tế bào gốc trong máu dây rốn có tỉ lệ phù hợp cao hơn và ít có khả năng bị đào thải hơn so với cấy ghép tế bào trong tủy xương.

    - Máu cuống rốn dễ lấy hơn so với tủy xương. Thu thập tủy xương gây ra một số rủi ro và có thể gây đau cho người hiến tặng.

    - Máu cuống rốn sau khi lấy sẽ được đông lạnh, lưu trữ và sử dụng trong tương lai. Tủy xương phải được sử dụng ngay sau khi lấy.

    - Tế bào gốc trong máu cuống rốn có thể được sử dụng để tăng cường hệ thống miễn dịch trong quá trình điều trị ung thư. Tế bào gốc tủy xương không có khả năng này.

    Cấy ghép tự thân là gì?

    Trường hợp cấy ghép tự thân, máu cuống rốn của một em bé sẽ được sử dụng để cấy ghép cho chính em bé đó. Ưu điểm lớn nhất của ghép tế bào gốc tự thân là người bệnh nhận tế bào của chính mình do đó hạn chế được tình trạng thải ghép.

    Cấy ghép tế bào gốc tự thân hiện nay được áp dụng trong điều trị một số bệnh lý bao gồm:

    • Ung thư hệ tạo máu như: Bệnh bạch cầu, u lympho và đa u tủy.
    • Một số ung thư thuộc nhóm u đặc như: Ung thư tinh hoàn, u nguyên bào thần kinh và một số bệnh ung thư ở trẻ em khác.
    • Ngoài ra, ghép tế bào gốc đang được nghiên cứu ứng dụng điều trị một số bệnh lý không phải ung thư như: Bệnh xơ cứng hệ thống, đa xơ cứng, bệnh Crohn và lupus ban đỏ hệ thống.

    Nhược điểm của loại cấy ghép này là không thể điều trị được các bệnh liên quan đến bất thường gen. Vì tất cả các tế bào gốc này đều sẽ mang gen gây bệnh giống nhau do đó chúng không thể được sử dụng để điều trị bệnh của chính đứa trẻ đó.

    Cấy ghép dị thân là gì?

    Trong cấy ghép dị thân, tế bào gốc của một người sẽ được cấy ghép cho một người khác. Loại này được ứng dụng nhiều hơn so với cấy ghép tự thân. Người hiến tế bào gốc có thể là họ hàng của người nhận hoặc không có quan hệ huyết thống.

    Để cấy ghép dị thân có tác dụng, cần phải có sự hòa hợp giữa tế bào người cho và người nhận. Nếu sự hòa hợp không tốt, hệ miễn dịch của người nhận có thể từ chối và đào thải các tế bào ghép.

    Máu cuống rốn được lưu trữ như thế nào?

    Ngân hàng lưu trữ máu cuống rốn được chia làm 2 loại là ngân hàng công và ngân hàng tư nhân.

    • Ngân hàng công lưu trữ các mẫu máu cuống rốn được hiến tặng để cấy ghép cho người khác (cây ghép dị thân). Không tính phí lưu trữ. Bất kỳ bệnh nhân nào phù hợp đều có thể sử dụng tế bào gốc này.
    • Ngân hàng tư nhân lưu trữ máu cuống rốn cho gia đình để sử dụng cho chính đứa trẻ đó hoặc hiến trực tiếp cho thành viên trong gia đình. Bạn sẽ phải trả chi phí ban đầu và phí hằng năm.

    Khi quyết định hiến hoặc lưu trữ máu cuống rốn bạn phải liên hệ với ngân hàng máu cuống rốn trước khi sinh và cung cấp các thông tin về ngày dự sinh, tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình.

    Máu cuống rốn được lấy sau khi đã cắt dây rốn. Sinh ngả âm đạo hoặc mổ lấy thai không ảnh hưởng đến quá trình này. Lấy máu cuống rốn không gây đau cho mẹ và em bé. Máu sau khi lấy được lưu trữ dạng đông lạnh ở ngân hàng máu cuống rốn.

    Những điều cần biết khi quyết định hiến hoặc lưu trữ máu cuốn rốn:

    - Hiến máu cuống rốn cho ngân hàng công sẽ giúp bổ sung đa dạng nguồn máu và có thể giúp ích cho người khác.

    - Nếu bạn có một đứa trẻ đang mắc bệnh có khả năng được điều trị bằng cách cấy ghép tế bào gốc thì việc lưu trữ máu dây rốn của anh chị em ruột được khuyến khích.

    - Nên tìm hiểu chi phí bao gồm chi phí thu thập máu cuống rốn và chi phí lưu trữ hàng năm trước khi bạn quyết định lưu trữ máu cuống rốn tại một ngân hàng tư nhân.

     

    Tham khảo

    https://www.acog.org/womens-health/faqs/cord-blood-banking

    http://vienhuyethoc.vn/ngan-hang-te-bao-goc-mau-day-ron-cong-dong-tai-san-chung-cua-toan-xa-hoi/

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ