Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) ở phụ nữ mang thai
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Phòng Công tác xã hội
Liên cầu khuẩn nhóm B là gì?
Hình minh họa - nguồn internet |
Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là một trong nhiều loại vi khuẩn thường trú ở cơ thể người, thường được tìm thấy ở âm đạo hoặc trực tràng của người phụ nữ (20-40%). GBS không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Hầu hết phụ nữ mang thai bị nhiễm GBS không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. GBS không gây nguy hiểm cho bạn, tuy nhiên nó làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, vỡ màng ối, viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết mổ, thai chết lưu và sinh non.
Trẻ sơ sinh của bà mẹ nhiễm GBS sẽ tiếp xúc với GBS trong quá trình chuyển dạ hoặc sinh. Phần lớn những trẻ này sẽ không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu có nhiễm GBS, con bạn sẽ có một tỉ lệ nhỏ bị nhiễm GBS, đôi khi dẫn đến nhiễm trùng sơ sinh nặng, thậm chí tử vong. Điều trị kháng sinh dự phòng trong giai đoạn chuyển dạ sẽ giúp giảm tỉ lệ lây nhiễm GBS từ mẹ sang con.
Tại sao xét nghiệm GBS trước sinh là cần thiết?
GBS được xem là tác nhân hàng đầu gây nhiễm trùng sơ sinh như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Mẹ nhiễm GBS có thể lây truyền cho trẻ sơ sinh trong quá trình chuyển dạ. Do đó, biết được tình trạng sản phụ có nhiễm GBS trước sinh hay không giúp bác sĩ đưa ra các quyết định điều trị nhằm làm giảm tỉ lệ lây nhiễm, đồng thời tăng cường theo dõi trẻ sau sinh để phát hiện sớm nhiễm trùng sơ sinh và điều trị kịp thời. Trẻ sơ sinh nhiễm GBS được phân thành hai nhóm: khởi phát sớm 7 ngày đầu sau sinh và khởi phát muộn từ 7 ngày đến 90 ngày tuổi. Mặc dù nhiễm trùng GBS có thể khiến em bé của bạn không khỏe, nhưng nếu được điều trị kịp thời, hầu hết các em bé sẽ hồi phục hoàn toàn. Mặc dù vậy, trong số những trẻ sơ sinh bị nhiễm GBS khởi phát sớm, vẫn có một tỉ lệ nhỏ (5,2-7,4%) sẽ tử vong hoặc mắc phải các di chứng lâu dài.
Xét nghiệm GBS được thực hiện như thế nào?
Thai phụ sẽ được đề nghị xét nghiệm GBS ở thời điểm thai 35 tuần đến 37 tuần 6 ngày (đối với đơn thai), 32-34 tuần (đối với đa thai) hoặc khi thai kỳ có dấu hiệu sinh non hoặc vỡ ối non và sau khi có được sự đồng thuận của thai phụ.
Mẫu xét nghiệm được lấy ở cùng đồ bên âm đạo và trực tràng bằng 1 que tăm bông nhỏ. Kết quả thường sẽ có sau khi lấy mẫu 1 tuần, trường hợp sinh non hoặc vỡ ối non sẽ có kết quả sớm hơn.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm GBS ở trẻ sơ sinh:
- Xét nghiệm GBS trước sinh dương tính
- Trẻ sinh non hoặc vỡ ối non trước 37 tuần
- Tiền căn có con bị nhiễm GBS ở lần sinh trước
- Mẹ bầu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc sốt trong quá trình chuyển dạ
- Vỡ ối lâu trên 24h trước sinh.
Các biện pháp giúp giảm nguy cơ lây nhiễm GBS cho trẻ sơ sinh:
- Điều trị kháng sinh cho những sản phụ bị nhiễm trùng tiểu do GBS.
- Yêu cầu kháng sinh dự phòng trong quá trình chuyển dạ cho những trường hợp sau:
- Có xét nghiệm GBS trước sinh dương tính
- Khi không có thông tin về tình trạng nhiễm BGS của sản phụ nhưng có vỡ ối hoặc chuyển dạ xảy ra trước 37 tuần thai kỳ hoặc tiền căn có con bị nhiễm trùng sơ sinh do GBS ở lần sinh trước.
Penicillin là kháng sinh thường được sử dụng nhất để phòng ngừa nhiễm GBS khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh. Điều trị nên được bắt đầu càng sớm càng tốt khi bạn bắt đầu có chuyển dạ hoặc vỡ ối. Khi thai phụ nhiễm GBS được điều trị kháng sinh trong quá trình chuyển dạ, tỉ lệ lây truyền cho con giảm còn rất thấp (khoảng 1%).
Bạn có thể cảm thấy buồn nôn hoặc tiêu chảy khi sử dụng penicillin. Đây là các tác dụng phụ tạm thời và sẽ giảm khi ngưng dùng thuốc. Một số phụ nữ có thể bị dị ứng với kháng sinh penicillin. Ở một số rất ít trường hợp, có thể xuất hiện phản ứng dị ứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng (sốc phản vệ). Hãy cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn biết nếu bạn bị dị ứng với penicillin hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác.
Bạn nên thảo luận với bác sĩ về các lợi ích và rủi ro của việc dùng thuốc kháng sinh khi chuyển dạ để ngăn ngừa nhiễm trùng GBS khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh. Nếu bạn không đồng thuận sử dụng kháng sinh khi chuyển dạ thì con bạn cần được theo dõi chặt chẽ trong ít nhất 12 giờ đầu sau khi sinh vì chúng có nhiều nguy cơ bị nhiễm GBS giai đoạn sớm.
Trẻ sơ sinh được theo dõi như thế nào?
Nếu con bạn sinh đủ tháng (sau 37 tuần) và bạn đã được tiêm kháng sinh khi chuyển dạ, ít nhất 4 giờ trước sinh, thì trẻ không cần theo dõi đặc biệt sau sinh.
Nếu em bé của bạn có yếu tố nguy cơ nhiễm GBS và bạn đã không tiêm kháng sinh ít nhất 4 giờ trước sinh thì trẻ cần được theo dõi chặt chẽ về các dấu hiệu nhiễm trùng trong ít nhất 12 giờ đầu sau sinh. Việc theo dõi bao gồm đánh giá tình trạng chung của trẻ, nhịp tim, nhiệt độ, nhịp thở, khả năng bú hoặc nuốt sữa. Tỉ lệ trẻ sơ sinh bắt đầu phát triển nhiễm trùng GBS sau 12 giờ là rất thấp.
Phần lớn trẻ sơ sinh bị nhiễm GBS có biểu hiện triệu chứng trong vòng 1 tuần đầu sau sinh (được gọi là nhiễm GBS khởi phát sớm), thường trong vòng 12–24 giờ sau sinh. Nhiễm GBS khởi phát muộn, mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng có thể ảnh hưởng đến con bạn cho đến khi chúng được 3 tháng tuổi. Dùng kháng sinh khi chuyển dạ không ngăn ngừa được GBS khởi phát muộn. Do đó, bạn cần tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà. Hãy thông báo với bác sĩ nếu trẻ có một hoặc nhiều biểu hiện gợi ý tình trạng nhiễm trùng như:
- Thở rên, thở co kéo hoặc tiếng thở ồn.
- Trẻ ngủ li bì hoặc kém đáp ứng.
- Quấy khóc liên tục
- Trẻ trông yếu ớt hoặc giảm trương lực cơ bất thường
- Không bú tốt hoặc không nuốt được.
- Sốt hoặc hạ thân nhiệt.
- Thay đổi màu da như da nổi bông
- Nhịp tim hoặc nhịp thở nhanh hoặc chậm bất thường
- Tụt huyết áp
- Đường huyết thấp.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu này hoặc cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe của trẻ, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ của trẻ đồng thời đề cập đến tình trạng nhiễm GBS trước sinh. Nếu con bạn bị nhiễm GBS, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng vì nếu chậm trễ có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc thậm chí gây tử vong.
Tôi có thể nuôi con bằng sữa mẹ không?
Bà mẹ nhiễm GBS được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ như những bà mẹ khác. Cho con bú sữa mẹ đã được chứng minh không làm tăng nguy cơ nhiễm GBS, nó mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả bạn và con bạn.
Tham khảo:
https://www.acog.org/womens-health/faqs/group-b-strep-and-pregnancy