Đau xương chậu trong thai kỳ có ảnh hưởng đến em bé của bạn hay không?
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
Đau vùng xương chậu khi mang thai khá phổ biến, cứ 5 phụ nữ mang thai sẽ có 1 người bị đau ở các mức độ khác nhau. Tình trạng này làm giảm khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của thai phụ.
Triệu chứng của đau xương chậu khi mang thai là gì?
Bạn có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở những vị trí như:
- Trên xương mu ở phía trước và xương cùng cụt ở phía sau
- Lan qua một hoặc hai bên thắt lưng
- Khu vực giữa âm đạo và hậu môn (đáy chậu)
- Lan ra đùi của bạn
Một số phụ nữ cảm thấy hoặc nghe thấy tiếng lách cách ở vùng xương chậu.
Đau có thể tăng lên khi:
- Đi bộ trên bề mặt không bằng phẳng, mặt đất gồ ghề hoặc trên quãng đường dài.
- Đi lên hoặc xuống cầu thang
- Đứng trên một chân (ví dụ: khi bạn thay quần áo hoặc ra khỏi bồn tắm)
- Trở mình trên giường.
- Di chuyển hai chân và đầu gối của bạn ra xa nhau (ví dụ: khi bạn ra khỏi ô tô)
- Quan hệ tình dục.
Làm thế nào để chẩn đoán?
Hãy nói với nhân viên y tế về cơn đau của bạn. Đây là một chẩn đoán loại trừ sau khi bác sĩ xem xét loại trừ các nguyên nhân khác gây đau vùng chậu.
Đau xương chậu khi mang thai có gây hại cho em bé của bạn hay không?
Mặc dù tình trạng này gây đau đớn cho bạn, nhưng nó sẽ không tác động xấu đến em bé của bạn.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có nguy cơ hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch chân cao hơn so với phụ nữ không mang thai. Nếu bạn bị hạn chế khả năng vận động do đau, nguy cơ hình thành cục máu đông sẽ tăng lên. Bạn sẽ được khuyên mang loại vớ đặc biệt (vớ nén đàn hồi) và có thể cần tiêm heparin để giảm nguy cơ đông máu.
Tôi có thể sinh ngã âm đạo được không?
Hầu hết phụ nữ bị đau vùng chậu khi mang thai đều có thể sinh thường qua đường âm đạo nếu không có các chống chỉ định khác. Hãy thông báo cho nữ hộ sinh và bác sĩ trong quá trình chuyển dạ biết bạn có đau xương chậu. Họ sẽ nâng đỡ chân của bạn và giúp bạn di chuyển. Các biện pháp giảm đau sản khoa đều có thể thực hiện được, kể cả gây tê ngoài màng cứng.
Tôi có cần phải sinh mổ không?
Thông thường sẽ không cần sinh mổ cho những thai phụ có đau xương chậu. Không có bằng chứng cho thấy sinh mổ giúp ích hơn trong trường hợp này, thậm chí có thể làm chậm quá trình hồi phục sau sinh của bạn.
Tôi có cần được gây chuyển dạ sớm (sinh sớm) không?
Chuyển dạ tự nhiên sẽ tốt hơn cho bạn và thai nhi. Hầu hết phụ nữ bị đau xương chậu không cần khởi phát chuyển dạ sớm. Nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sản khoa sẽ nói chuyện với bạn về những rủi ro và các lựa chọn.
Triệu chứng đau có cải thiện sau sinh không?
Đau xương chậu thường được cải thiện sau sinh. Tuy nhiên vẫn có khoảng 1/10 phụ nữ sẽ bị đau kéo dài. Nếu bạn nằm trong số đó, điều quan trọng là bạn phải tiếp tục điều trị và dùng thuốc giảm đau thường xuyên. Nếu bạn cần phương tiện hỗ trợ đi lại lúc mang thai, hãy tiếp tục sử dụng chúng cho đến khi cơn đau lắng xuống.
Nếu bị đau nhiều, bạn nên cẩn thận hơn khi di chuyển. Phòng bạn ở nên gần nhà vệ sinh hoặc có phòng tắm riêng. Bạn nên tiếp tục điều trị và uống thuốc giảm đau cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
Nếu cơn đau của bạn vẫn còn, hãy tìm lời khuyên từ bác sĩ, để loại trừ các nguyên nhân khác như các vấn đề về cột sống hoặc hội chứng khớp tăng động.
Tôi có thể làm gì để giảm đau?
Tuỳ vào mức độ đau và công việc hằng ngày, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để cải thiện triệu chứng:
- Duy trì hoạt động nhưng cũng phải nghỉ ngơi nhiều
- Đi giày bệt. Nếu việc đi lại khó khăn và đau đớn, hãy thử thay đổi độ dài và tốc độ sải chân.
- Lên cầu thang từng bậc một (với chân ít đau khi đi lên cầu thang và chân đau khi xuống cầu thang)
- Thay đổi vị trí thường xuyên, không ngồi quá 30 phút mỗi lần
- Ngồi để thay quần áo, tránh đứng bằng 1 chân.
- Mang balo thay vì túi xách lệch 1 bên.
- Cố gắng giữ hai đầu gối của bạn cùng nhau khi lên và xuống xe ô tô
- Nằm nghiêng về bên ít đau hơn khi ngủ
- Giữ hai đầu gối của bạn cùng nhau khi trở mình trên giường.
- Sử dụng 1 cái gối mềm dưới bụng và giữa hai chân để hỗ trợ thêm trên giường.
Bạn nên TRÁNH bất cứ điều gì có thể làm cho triệu chứng đau nặng nề hơn, chẳng hạn như:
- Đứng bằng một chân hoặc bắt chéo chân.
- Nâng hoặc đẩy vật nặng
- Lên xuống cầu thang quá thường xuyên
- Khom lưng, uốn cong hoặc vặn người để nâng hoặc bế trẻ bằng một bên hông
- Ngồi trên sàn, ngồi hoặc đứng trong thời gian dài
Nếu bạn đã áp dụng các biện pháp trên nhưng cơn đau vẫn không cải thiện, hãy nói chuyện với bác sĩ điều trị. Đau xương chậu có xu hướng không thuyên giảm hoàn toàn cho đến khi em bé được sinh ra, nhưng tiếp nhận điều trị từ các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ giúp cải thiện các triệu chứng rất nhiều.
Điều gì sẽ xảy ra trong lần mang thai tiếp theo?
Nếu đã từng bị đau xương chậu trong thai kỳ, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh này trong thai kỳ tương lai. Tập tăng cường cơ bụng và cơ sàn chậu, giữ mức cân nặng bình thường giúp bạn giảm triệu chứng, thậm chí ngăn ngừa bệnh tái phát trong lần mang thai tiếp theo.
Nếu bạn bị lại, điều trị sớm sẽ giúp kiểm soát cơn đau và làm giảm các triệu chứng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
https://pogp.csp.org.uk/system/files/publication_files/POGP-PGP%28Pat%29%28UL%29.pdf