Các khuyến cáo mới nhất dành cho mẹ bầu có viêm gan siêu vi B

    Viêm gan B (VGB) là một bệnh gây ra do nhiễm vi-rút viêm gan B (HBV). Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ của vi-rút này, là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm HBV cao nhất thế giới 15-20%. Nhiều người nhiễm vi-rút mạn tính nhưng không hề có triệu chứng cho đến khi xuất hiện các biến chứng nặng như xơ gan hoặc ung thư tế bào gan. Do đó, bạn cần xét nghiệm máu để biết mình có bị nhiễm vi-rút hay không.

    Vì sao việc xác định có nhiễm HBV là quan trọng khi mang thai?

    Viêm gan B là bệnh có thể truyền từ mẹ sang con. Khoảng 90% phụ nữ mang thai bị nhiễm HBV cấp tính và từ 10-20% phụ nữ có nhiễm HBV mạn tính sẽ truyền vi-rút sang con. Khác với người lớn, trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV cấp tính có thể có triệu chứng nặng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. 90% trẻ sơ sinh nhiễm vi-rút cấp tính sẽ chuyển thành người mang vi-rút mạn tính nếu không có các can thiệp phù hợp. Khi trưởng thành, họ có 25% nguy cơ tử vong vì xơ gan hoặc ung thư tế bào gan.

    Tuy nhiên, tỉ lệ lây nhiễm vi-rút từ mẹ sang con khi mang thai có thể được kiểm soát nhờ một số can thiệp y học. Do đó, tất cả phụ nữ mang thai nên được tầm soát viêm gan B (bằng xét nghiệm HbsAg), tốt nhất nên thực hiện trong giai đoạn sớm của thai kỳ để có thể can thiệp kịp thời nhất. Nếu xét nghiệm ban đầu cho thấy thai phụ không nhiễm HBV, nên lặp lại xét nghiệm ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Điều này giúp không bỏ sót chẩn đoán nếu mẹ bầu mới bị nhiễm vi-rút trong thời gian mang thai.

    Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ có nhiễm viêm gan siêu vi B (HbsAg dương tính) nên được xét nghiệm thêm HbeAg, định lượng nồng độ vi-rút, xét nghiệm đánh giá chức năng gan và siêu âm gan trong thai kỳ. Khi mẹ có tải lượng vi-rút cao hơn 200.000 UI/mL, nên điều trị thuốc kháng vi-rút cho mẹ, bắt đầu ở 28-32 tuần tuổi thai và tiếp tục cho đến khi sinh. Điều này giúp giảm nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.

    Việc nhiễm HBV không ảnh hưởng đến chỉ định sinh thường hay mổ lấy thai do không làm thay đổi tỉ lệ lây nhiễm.

    Mẹ viêm gan B hoàn toàn có thể nuôi con bằng sữa mẹ

    Mẹ nhiễm vi-rút viêm gan B được khuyến khích cho con bú mẹ hoàn toàn. Nuôi con bằng sữa mẹ không làm tăng nguy cơ lây truyền sang con.

    Tuy vẫn còn tranh cãi, nhưng người mẹ có núm ti đang bị nứt hoặc chảy máu nên tạm thời ngưng cho con bú trực tiếp. Để duy trì, mẹ có thể vắt bỏ sữa trong giai đoạn này cho đến khi núm ti lành lại và có thể cho con bú mẹ trở lại.

    Hiện nay, tất cả trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm vi-rút VGB đều được tiêm 1 liều huyết thanh miễn dịch (HBIG) và 1 liều vắc-xin HBV trong vòng 12 giờ đầu sau sinh. Huyết thanh có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi vi-rút trước khi vắc-xin tạo được tác dụng miễn dịch. Do đó, mẹ hoàn toàn có thể cho con bú ngay sau sinh mà không cần trì hoãn cho đến khi có miễn dịch từ vắc-xin. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ lây truyền HBV cho con qua sữa mẹ là rất thấp.

    Theo khuyến cáo của CDC (trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật), sau liều vắc-xin đầu tiên sau sinh, trẻ nên được tiêm đủ 2 liều nữa (thời điểm 1-2 tháng và 6 tháng) để tạo được miễn dịch tốt nhất. Trẻ 9-12 tháng tuổi nên được xét nghiệm kiểm tra đáp ứng miễn dịch với viêm gan B.

    Với những phụ nữ không nhiễm HBV:

    Điều đáng mừng là chúng ta có thể dự phòng được lây nhiễm vi-rút viêm gan B bằng cách tiêm vắc-xin. Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ nhiễm HBV rất cao, do đó bạn nên thực hiện chủng ngừa nếu chưa nhiễm HBV hoặc chưa có miễn dịch với vi-rút này. Tốt nhất, bạn nên hoàn tất việc tiêm vắc-xin HBV trước khi mang thai. Tuy nhiên, vắc-xin HBV cũng được chứng minh an toàn khi sử dụng trong thai kỳ. Hãy đảm bảo rằng bạn đã đạt được miễn dịch tốt nhất để có thể bảo vệ bạn cũng như em bé của bạn khỏi vi-rút nguy hiểm này.

     ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Tham khảo:

    https://www.acog.org/womens-health/faqs/hepatitis-b-and-hepatitis-c-in-pregnancy

    https://www.cdc.gov/breastfeeding/breastfeeding-special-circumstances/maternal-or-infant-illnesses/hepatitis.html

    SCOG guideline No. 342: Hepatitis B and Pregnancy, 2017

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ