banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

08/12/2021

Các bệnh lý nguy hiểm có thể xảy ra khi mang thai

Trong khi mang thai, có những vấn đề cần quan tâm như sẩy thai, sinh non, hội chứng cao huyết áp hay đái tháo đường thai kỳ. Hãy nắm những kiến thức đúng để quản lý sức khỏe cho tốt.

SẨY THAI:

80% các ca sẩy thai xảy ra ở thời kỳ sớm (dưới 12 tuần) của thai kỳ. Nguyên nhân thường là do hở eo cổ tử cung, viêm nhiễm, tử cung dị dạng, u xơ tử cung, bất thường nhiễm sắc thể (hay gặp trong trường hợp sẩy thai từ 3 lần trở lên), bệnh tự miễn,... Triệu chứng thường là ra máu âm đạo, đau bụng,. Nếu được chẩn đoán là dọa sẩy thai, hãy sinh hoạt nhẹ nhàng và đến các cơ sở sản khoa để được tư vấn và thăm khám sớm!

THAI NGOÀI TỬ CUNG:

Đây là hiện tượng khá thường gặp, chiếm tỷ lệ từ 1/200-500 thai phụ. Thông thường trứng sẽ được làm tổ ở niêm mạc bên trong tử cung nhưng việc trứng làm tổ ở những nơi khác ngoài nội mạc tử cung như vòi trứng, buồng trứng hay ống cổ tử cung được gọi là thai ngoài tử cung. Nếu trứng làm tổ ở những nơi bất thường như vậy sẽ dấn đến khả năng sẩy thai hoặc vỡ khối thai, gây đau đớn, chảy máu nhiều, nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ nên cần xử trí kịp thời để lấy khối thai ra. Do vậy trong trường hợp thấy đau bụng, ra máu trong thời kỳ thai nghén cần đến cơ sở y tế để được thăm khám điều trị kịp thời.


THAI TRỨNG:

Là bệnh lý của các gai nhau tạo nên nhau thai tăng trưởng bất thường trong tử cung Nguyên nhân được nói đến là do bất thường nhiễm sắc thể của trứng thụ tinh. Biểu hiện của bệnh là ra máu và nghén nặng, siêu âm không thấy túi thai và lượng hCG trong nước tiểu tăng cao. Cần đến bệnh viện sớm để được can thiệp nạo vét tổ chức lấp đầy lòng tử cung sau đó kiểm tra định kỳ để dự phòng biến chứng bất thường khác.

 

HỘI CHỨNG CAO HUYẾT ÁP THAI KỲ:

(Huyết áp thai kỳ): Hội chứng cao huyết áp thai kỳ biểu hiện bằng tình trạng huyết áp tối đa cao trên 140 mmHg, huyết áp tối thiểu từ 90 mmHg trở lên. Khi huyết áp cao, sự lưu thông máu đến nhau thai bị kém đi, oxy và chất dinh dưỡng được truyền đến cho thai bị thiếu, có thể dẫn đến mẹ bị sản giật, nhau bong non, xuất huyết não,...

Lưu ý: Hội chứng này có thể khỏi sau sinh. Nói chung, khoảng 3 tháng sau sinh tình trạng bệnh sẽ được cải thiện nhưng vẫn có số ít tiếp tục tiến triển. Khi phát bệnh bạn nên nghỉ ngơi, yên tĩnh, cải thiện ăn uống, đến cơ sở y tế để được điều trị bằng thuốc hoặc nhập viện theo dõi. Trường hợp nặng lên bác sĩ sẽ quyết định mổ lấy thai để cứu con và tránh tai biến cho mẹ.

Những việc có thể làm để dự phòng:

- Quản lý cân nặng: Cân mỗi ngày, duy trì mức bình thường

- Ăn ít muối: <7 gam/ngày

- Vận động với mức độ phù hợp như yoga, thể dục, bơi lội và giảm căng thẳng, stress,..Kiểm tra sức khỏe định kỳ: để đánh giá bất thường xảy ra định kỳ: để đánh giá bất thường xảy ra

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ (ĐTĐTK):

Lượng đường trong máu tăng lên do tác dụng của insulin (hooc môn của tuyến tụy) không phát huy hiệu quả trong khi mang thai được gọi là bệnh đái tháo đường trong thai kỳ. Khi khám thai bạn sẽ được làm xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số đường huyết. Để ngăn ngừa bệnh tiến triển cần khám thai đều đặn và hầu hết các bà mẹ sẽ khỏi bệnh sau khi sinh, nhưng để dự phòng trong tương lai, mẹ nên vận động vừa phải, kiểm soát cân nặng (bớt đồ ngọt, béo, nên ăn nhạt), giảm căng thẳng, điều chỉnh chế độ sinh hoạt.

Những người dễ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ:

- Có anh chị em ruột mắc bệnh ĐTĐTK

- Mang thai từ 35 tuổi trở lên

- Béo phì, tăng cân nhiều khi mang thai

- Từng sinh con quá to >4000 gram

- Đã từng bị chẩn đoán có bất thường về chuyển hóa đường

SINH NON, DỌA SINH NON:

Nguyên nhân chính của sinh non là do các bệnh truyền nhiễm, các biến chứng. Thai nhi được sinh ra từ tuần thứ 22 đến trước khi đủ 37 tuần gọi là sinh non, chiếm khoảng 6% số trường hợp mang thai. 60% ca sinh non mẹ có nhiễm trùng tử cung (đa số là viêm màng ối do vi khuẩn) hoặc hở eo cổ tử cung khiến không giữ được thai. Ngoài ra, còn do một số biến chứng bệnh của mẹ như nhau bong non, nhau tiền đạo, suy thai bắt buộc phải can thiệp lấy thai ra sớm hơn dự định.

Theo dõi mẹ:

Cần theo dõi dấu hiệu co cứng bụng (10 lần/ngày), ra máu, vỡ ối (cần đến bệnh viện sản ngay vì nguy cơ cao thai nhi bị nhiễm trùng, tăng khả năng sinh non). Tại bệnh viện các bác sĩ sẽ nỗ lực kéo dài thời gian thai nhi trong bụng mẹ, dù 1 ngày cũng được vì em bé sinh ra từ 34 đến trước 37 tuần có cân nặng trên 1500 gram mới có nhiều khả năng nuôi được như các em bình thường khác. Và nếu em bé sinh non thì cần được chăm sóc tại Phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh.

Dự phòng sinh non:

- Giảm căng thẳng, không để lạnh bụng

- Nên nghỉ ngơi thích hợp, không mang vác nặng,..

- Quan hệ tình dục nhẹ nhàng, sử dụng bao cao su để tránh viêm nhiễm

- Quản lý cân nặng

Nhau tiền đạo, nhau bám thấp:

Là tình trạng nhau bám gần cổ tử cung và che cổ tử cung khiến thai nhi không lọt qua được trong khi sinh.

Nguyên nhân có thể là do thai phụ đã từng mổ lấy thai, từng sảy thai, phá thai... hoặc đôi khi không rõ nguyên nhân.

Trong các trường hợp này, khi cổ tử cung bắt đầu mở, đoạn giữa nhau thai và cổ tử cung bị lệch, khiến mẹ bị ra máu nhưng không kèm theo đau. Mẹ nên nghỉ ngơi, tránh vận động hay quan hệ tình dục và cần phải được nhập viện để thăm khám để mổ lấy thai sớm khi thai đủ 37 tuần.

NHAU BONG NON:

Khi em bé được sinh ra, nhau thai sẽ bong ra khỏi thành tử cung rồi được tống ra ngoài. Trường hợp nhau bong ra từ trước khi thai ra được gọi là nhau bong non. Nguyên nhân có thể là do cao huyết áp thai kỳ hoặc mẹ bị chấn thương đập bụng hay té ngã. Các dấu hiệu của nhau bong non cũng tương tự như trường hợp dọa sinh non là ra máu và đau bụng dữ dội, bụng cứng như gỗ, giảm hoặc mất cử động thai nhi. Khi thấy các dấu hiệu này, bạn phải đi đến bệnh viện ngay bằng xe cứu thương. Đa số các trường hợp nhau bong non sẽ được mổ lấy thai ngay lập tức.

ĐA ỐI, THIỂU ỐI:

Lượng nước ối cuối thai kỳ thường vào khoảng 500ml, nếu từ 1500ml trở nên thì gọi là đa ối, nếu dưới 100ml thì gọi là thiểu ối. Trên lâm sàng dựa vào chỉ số ối khi siêu âm (ở 4 góc):

+ Nếu ≤ 5cm hay chỗ góc sâu nhất ≤ 2 cm: Thiểu ối

+ Nếu ≥ 25cm hay chỗ góc sâu nhất ≥ 8 cm: Đa ối

Nguyên nhân có thể do mẹ bị bệnh đái tháo đường, đái tháo đường thai kỳ hay nhiễm trùng; cũng có thể do suy giảm chức năng của nhau thai, dị dạng thai...Mọi trường hợp đa ối, thiểu ối đều cần được theo dõi chặt chẽ và xử trí tuân theo y lệnh của bác sĩ chuyên khoa.

Cẩm Nang Lần Đầu Làm Mẹ & Nuôi con

Vụ sức khỏe bà mẹ - trẻ em Việt nam