Bạo hành thể xác và bạo hành tinh thần đâu phải lỗi của các nạn nhân (P1)

    >> Bạo hành thể xác và bạo hành tinh thần đâu phải lỗi của các nạn nhân (P2)

    CNHS Hà Thị Ngọc Nga
        Khoa KHGĐ – BV Từ Dũ

    Trong thời gian gần đây, tình trạng bạo hành gia đình đang ở mức“báo động đỏ”, khi mà báo chí và các kênh truyền thông liên tục thông tin về các vụ bạo hành gia đình gây xôn xao, bức xúc dư luận .

    Theo Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch thường trực trung ương Hôi liên hiệp phụ nữ Việt Nam (HLHPNVN):

    Thực trạng này đã trở thành vấn nạn gây mất ổn định về mặt xã hội cản trở quá trình xoá đói giảm nghèo và thực hiện mục tiêu phát triển. Quan trọng hơn, những nạn nhân của bạo hành gia đình đã trực tiếp bị xâm phạm một cách nghiêm trọng về mặt thể chất và nhân phẩm...

    Vì vậy, chúng ta không nên để bất kỳ người phụ nữ nào chịu đau đớn… Nếu bản thân họ bị người chồng, hay người yêu, hay thành viên trong gia đình, hay bất cứ một người nào đó hành hạ. Bạn cần phải hành động, hãy giúp đỡ họ với sự hỗ trợ của những người xung quanh, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng bằng qui định  của pháp luật.

    Bạo hành gia đình là thuật ngữ dùng để chỉ các hành vi bạo lực giữa các thành viên trong cùng một gia đình. Hành vi bạo lực thường thấy nhất là giữa vợ và chồng nhưng bạo lực giữa cha mẹ với con cái hay ông bà, anh em ruột với nhau hoặc giữa mẹ chồng và con dâu cũng có xảy ra và được xếp vào nhóm các hành vi này.

    Nạn nhân của bạo lực thân thể thường là phụ nữ-vợ hoặc mẹ của đối tượng, với nam giới thì ít xảy ra hơn. Bạo lực gia đình xảy ra ở mọi quốc gia, nền văn hóa, tôn giáo không ngoại lệ giàu nghèo và trình độ học vấn cao hay thấp và thường chỉ được phát hiện bởi hàng xóm.

    Bạo hành được phân chia theo nhiều kiểu bạo hành và đối tượng bạo hành

    - Với bạo hành thể xác: những hành vi như đá, đấm, tát…hay dùng hành động tác động trực tiếp đến nạn nhân ảnh hưởng đến sức khỏe nạn nhân.

    - Bạo hành tình dục: là hành vi ép buộc quan hệ tình dục khi nạn nhân không muốn.
    Người phụ nữ có thể phải chịu đựng những lạm dụng này ngay tại nhà họ, tại nơi làm việc hay trường học. Những  kẻ lạm dụng thường là những người quen biết.

    Ở Việt Nam, nhiều người không cho rằng có bạo lực tình dục giữa vợ và chồng. Họ cho rằng người phụ nữ có nghĩa vụ phải quan hệ tình dục khi người chồng muốn. Nhưng quan hệ tình dục không bao giờ là một nghĩa vụ. Mọi phụ nữ đều có quyền chỉ quan hệ tình dục khi nào cô ấy muốn.

    Bạo hành thể xác có thể gồm:

    - Tát, đấm, cấu véo, kéo tóc, làm bỏng, bóp cổ, đánh
    - Đe dọa hoặc tấn công bằng  vũ khí hoặc bằng vật khác
    - Ném đồ vật vào người
    - Nhốt trong phòng hoặc trói
    - Lột quần áo.

    Bạo hành tình dục gồm:
    - Đánh đập để bắt quan hệ tình dục
    - Sờ vào chỗ kín mà không được cho phép
    - Dùng những lời nói tục tĩu, thô bạo để bắt người khác quan hệ tình dục
    - Cho thuốc vào đồ uống để dễ dàng quan hệ tình dục với người khác
    - Từ chối không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc bao cao su khi quan hệ tình dục

     

     

     

    Nguyên nhân bạo hành:
     
    Hoàn cảnh xảy ra bạo hành, đặc biệt là bạo hành thân thể, thường là khi người nam say rượu nhưng rượu không  phải là nguyên nhân cơ bản, nó là cái cớ cho những vướng mắc tồn đọng trước đó. Bạo hành được nhận thấy có tỉ lệ cao ở các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa thấp, người chồng không có việc làm… Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giàu có hay học hành đầy đủ lại không có bạo hành.

    Ở những gia đình như vậy, bạo hành lại xảy ra với hình thức tinh vi hơn, phức tạp mà người ngoài khó nhận biết được. Bạo hành giữa cha mẹ và con cái cũng không hiếm và được biện hộ theo mục đích răn đe giáo dục “thương cho roi cho vọt”. Có những hành vi rất thậm tệ như đánh đập, không cho ăn uống, bỏ mặc…Và hậu quả rất là nghiêm trọng. một số trẻ bỏ học, bỏ nhà, vướng vào tệ nạn xã hội.

    Người phụ nữ có thể làm gì khi bị bạo hành thể xác và bạo hành tình dục ? 


    1. Kể với người đáng tin cậy về những gì đã xảy ra để nhận sự cảm thông và giúp đỡ.
    2.  
    3. Nếu bạn bị vết thương, hãy đến phòng khám, bệnh viện để điều trị sớm càng tốt
    4.  
    5. Nếu bạn lo sợ sẽ có thai sau khi bị cưỡng hiếp, bạn có thể sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp lý tưởng nhất là trong vòng 3 ngày, hoặc tham khảo ý kiến nhân viên y tế khoa KHHGĐ để được hướng dẫn cụ thể.
    6.  
    7. Tìm kiếm dịch vụ tư vấn: (xin xem tiếp phần 2 )
    Các Trung tâm tư vấn này có thể giúp bạn liên hệ với các cơ quan pháp luật nếu bạn quyết định sẽ thông báo về trường hợp của bạn cho cảnh sát hoặc các nhà chức trách khác.

    Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể phòng hoặc tránh được bạo hành, do đó sẽ rất hữu ích nếu có được một kế hoạch an toàn tại nhà.

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ