Khuẩn chí âm đạo bất thường và nguy cơ đẻ non
|
Theo một báo cáo được đăng trực tuyến ngày 4 tháng 4 trên tờ American Journal of Obstetrics and Gynecology, thai phụ có bằng chứng khách quan về khuẩn chí âm đạo bất thường, dùng clindamycin trước tuần thai thứ 22 đã giảm rõ rệt tỷ lệ sẩy thai muộn và đẻ non.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng 3,7% số phụ nữ được dùng clindamycin đã sinh con trước tuần thai thứ 37, so với 6,2% ở nhóm chứng (RR chung = 0,6; p<0,001). Dữ liệu từ 2 nghiên cứu cho thấy clindamycin cũng làm giảm nguy cơ sẩy thai muộn (RR=0,2).
TS. Roberto Romero, Đại học bang Wayne/Bệnh viện Phụ nữ Hutzel tại Detroit, Michigan, và cộng sự cho rằng nhiều bài tổng quan hệ thống đã đánh giá bằng chứng về việc điều trị nhiễm khuẩn bất thường đường sinh dục trong giai đoạn đầu thai kỳ.
Vì clindamycin có hiệu quả chống vi khuẩn liên quan tới chuyển dạ sớm tự nhiên và đẻ non, các tác giả đã tiến hành phân tích gộp 5 thử nghiệm ngẫu hóa, có đối chứng về thuốc kháng khuẩn này trên tổng cộng 2.346 phụ nữ có khuẩn chí bất thườngđường sinh dục, bao gồm viêm âm đạo do vi khuẩn, ở trước tuần thai thứ 22.
Nhóm nghiên cứu tính toán là 40 phụ nữ sẽ cần phải được điều trị trước tuần thai thứ 22 bằng clindamycin, chứ không phải bằng giả dược để ngăn ngừa 1 trường hợp đẻ non tự nhiên.
Các tác giả thấy rằng bằng chứng là mạnh nhất đối với clindamycin đường uống hơn là kem clindamycin dùng đường âm đạo.
Họ kết luận rằng các kết quả là rất mạnh và đòi hỏi “một thử nghiệm lớn đa trung tâm, ngẫu hóa, có đối chứng về sàng lọc sớm phổ quát và điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn bằng clindamycin đường uống và/hoặc kem clindamycin đường âm đạo để ngăn ngừa đẻ non. Thử nghiệm này phải đủ lực để đánh giá kết quả sơ sinh và dài ngày”.