banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

19/07/2011

Dễ tổn thương não vì BPA

Khi hâm nóng sữa bằng lò vi sóng mà vẫn để sữa trong bình nhựa thì BPA sẽ thấm vào sữa. Trẻ em dùng sữa này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe
 

 

    Cần thận trọng khi sử dụng các đồ chơi trẻ em bằng nhựa, hộp nhựa đựng thực phẩmẢnh: Hồng Thúy
 
Mới đây, Trung Quốc đã có lệnh cấm dùng chất bisphenol A (BPA) để sản xuất đồ dùng ăn uống dành cho trẻ sơ sinh. “Tội ác” của BPA thì nhiều vô số kể. Chẳng hạn như khi vào trong cơ thể sẽ gây rối loạn hệ nội tiết, từ đó gây xáo trộn sự chuyển hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng lên sự sinh sản và tăng trưởng; ảnh hưởng lên nhiễm sắc thể, tổn thương não, gây rối loạn chức năng thần kinh, gây ung thư, gây các bệnh về tim mạch, dậy thì sớm, béo phì và vô hiệu hóa tiến trình hóa trị liệu ở những bệnh nhân ung thư. 

Coi chừng bình sữa trẻ em, chai đựng nước 

BPA có cái tên hơi “lạ” nhưng lại là chất mà chúng ta thường phải tiếp xúc hằng ngày, thậm chí hàng giờ. Theo ước tính, có khoảng gần 3 tỉ kg BPA “xâm nhập” vào hàng ngàn sản phẩm tiêu dùng mỗi năm. Những sản phẩm này bao gồm các loại nhựa polycarbonate dùng để chế ra các dụng cụ gia dụng như bình sữa trẻ em, chai đựng nước, hộp nhựa chứa thực phẩm... 

Ngoài ra, BPA cũng được dùng để tráng vào mặt trong của những hộp kim loại chứa thực phẩm (thực phẩm đóng hộp) với mục đích ngăn cản thực phẩm tiếp xúc với kim loại. Gần đây, với hình thức mua bán siêu thị, hóa đơn tính tiền được in ra vốn là những loại giấy chịu nhiệt được “tẩm quất” BPA. 

Dễ rò rỉ vào thực phẩm đóng hộp 

BPA đi vào cơ thể chúng ta bằng nhiều lối. Các loại nhựa polycarbonate chứa BPA sẽ giải phóng BPA nếu được làm nóng hoặc được rửa bằng những dung dịch tẩy trùng mạnh. Ví dụ như khi chúng ta hâm nóng sữa cho trẻ em bằng lò vi sóng mà vẫn để sữa trong bình nhựa thì BPA sẽ thấm vào sữa. Trẻ em dùng sữa này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Một ví dụ khác là khi chúng ta dùng lại những chai chứa nước giải khát hoặc những hộp đựng thực phẩm làm bằng nhựa, nếu chúng bị trầy xước bên trong thì BPA cũng dễ dàng ngấm vào đồ ăn, thức uống. 

BPA cũng rất dễ có khả năng rò rỉ trực tiếp vào thực phẩm đóng hộp như cá hộp, trái cây đóng hộp, nước giải khát. Hộp chứa chất lỏng thì BPA dễ thâm nhập hơn những hộp thực phẩm khô như bột, đường, sữa bột... Một số nguồn nước dùng trong sinh hoạt cũng từng bị nhiễm BPA. 

Nhiều nước ban hành lệnh cấm 

Chính vì tác hại nguy hiểm của BPA cho nên trước Trung Quốc cũng đã có một số quốc gia ban hành lệnh cấm dùng BPA để sản xuất đồ dùng ăn uống dành cho trẻ sơ sinh. Canada là nước liệt BPA vào nhóm độc chất và cũng là nước đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh cấm (tháng 4-2008) và lệnh cấm có hiệu lực bắt đầu từ tháng 3-2010; tháng 6-2010, Chính phủ CHLB Đức cũng đã đề nghị ban hành lệnh cấm; tương tự là 8 tiểu bang và 3 TP tại Mỹ… 

Tháng 11-2010, Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông báo sẽ cấm sản xuất các vật dụng cho trẻ em chứa BPA (hiệu lực từ  ngày 1-3-2011) và tất cả những sản phẩm được sản xuất trước đó có chứa BPA phải “rút quân” trước ngày 1-6-2011. 

Về phía các nhà sản xuất cũng đã thể hiện trách nhiệm khá rõ ràng. Cụ thể, trong tháng 4-2008, Wal-Mart và Toys RUS thông báo rằng họ sẽ loại bỏ BPA trong các sản phẩm đồ dùng cho trẻ em. Tháng 9-2009, Sigg thông báo họ sẽ không dùng BPA để tráng lên các lon nhôm đóng hộp của họ. Tháng 7-2010, Công ty Thực phẩm đóng hộp Heinz loại bỏ BPA trong các hộp thực phẩm bán ở Úc, Anh Quốc và Ireland. 

Ngày 30-6-2010, Chính phủ Úc tuyên bố rằng những “đại gia” trong làng siêu thị Úc như Coles, K Mart, Target, Woolworths, Big W và Aldi đã tự nguyện thu hồi các sản phẩm dùng cho em bé có chứa BPA.

Để hạn chế tác hại của BPA, tốt nhất người tiêu dùng không nên dùng những hộp thực phẩm bằng nhựa để làm nóng thực phẩm. Nếu sử dụng lò vi sóng thì nên chứa đồ ăn trong chén sứ; nên chọn lựa những sản phẩm bảo đảm an toàn cho trẻ em; không ăn quá nhiều hoặc thường xuyên các loại thực phẩm đóng hộp có sử dụng BPA làm nguyên liệu tráng lon.

 
Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường (ĐH Dược Murdoch - Úc)
Theo Người lao động