banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

13/12/2010

Các hình thức điều trị HIV/AIDS

Các giai đoạn của AIDS

Sau khi xâm nhập cơ thể, HIV tiến triển qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng: từ lúc HIV bắt đầu xâm nhập cơ thể, kéo dài 5 -10 năm hoặc lâu hơn. Ở giai đoạn này, người có HIV vẫn khỏe mạnh bình thường.
  • Giai đoạn nhiễm HIV có triệu chứng: (cận AIDS)

Kéo dài từ vài tháng đến vài năm, là giai đoạn mà sức đề kháng bắt đầu suy giảm, xuất hiện các nhiễm trùng cơ hội nặng như lao, ung thư, viêm não…nên cần được điều trị và chăm sóc tốt.

  • Giai đoạn AIDS: từ 1 – 5 năm hoặc hơn tùy theo có dùng thuốc kháng HIV đúng cách hay không. Người bệnh có thể mắc các nhiễm trùng cơ hội  nặng như lao, ung thư, viêm não…nên cần được điều trị và chăm sóc tốt.

Chăm sóc sau khi nhiễm HIV

Sau khi biết nhiễm HIV, nên đăng ký theo dõi sức khỏe tại các khoa Tham vấn Hỗ trợ Cộng đồng quận huyện để được theo dõi và khám sức khỏe định kỳ.

Các hình thức điều trị


Điều trị hỗ trợ
Áp dụng cho mọi người có xét nghiệm HIV dương tính không triệu chứng, không dùng thuốc mà bằng các biện pháp nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đó là:

      
  • Giữ tinh thần lạc quan.
  •    
  • Dinh dưỡng đúng cách, bổ sung vitamin
  •    
  • Thể dục đều đặn.
  •    
  • Có lối sống lành mạnh: không sử dụng rượu, thuốc lá, ma túy, an toàn tình dục…
  •  

Điều trị dự phòng phơi nhiễm

Phơi nhiễm là khi có tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh HIV như bị các vật nhọn đâm gây rách da có chảy máu hay bị dịch tiết, máu bắn vào niêm mạc mắt (thường gặp ở nhân viên y tế) hay do quan hệ tình dục không an toàn…

Điều trị dự phòng phơi nhiễm nhằm ngăn chặn HIV xâm nhập vào tế bào. Thời điểm điều trị tốt nhất là 6 giờ sau khi có tiếp xúc đến tối đa 72 giờ, bằng thuốc kháng sinh (ARV) trong vòng 4 tuần.

Điều trị phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con

Là điều trị bằng ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ mới sinh từ mẹ có HIV. Tùy theo tình trạng nhiễm HIV của bà mẹ và thờiđiểm mang thai sẽ có những chỉ định điều trị thích hợp. Trẻ sinh ra cũng được uống  ARV trong 24 giờ đầu sau khi sinh và sau đó được tiếp tục theo dõi tại các bệnh viện Nhi Đồng. Việc điều trị này làm giảm đáng kể tỉ lệ trẻ nhiễm HIV từ 30% xuống còn khoảng 6%.

Điều trị nhiễm trùng cơ hội

Nhiễm trùng cơ hội là những bệnh nhiễm trùng xuất hiện khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch do HIV như tiêu chảy, nấm miệng, giời leo, herpes, lao, viêm não (hình)…

Người nhiễm HIV có thể phòng ngừa các nhiễm trùng cơ hội bằng các biện pháp giữ vệ sinh tối đa trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, tiêm chủng phòng ngừa các bệnh như viêm gan, viêm não… và điều trị phòng ngừa bằng  kháng sinh hay các thuốc đặc trị khác. Nếu có nhiễm trùng cơ hội nên được điều trị sớm theo đúng chỉ định của thầy thuốc.

Điều trị kháng HIV
Hay còn gọi là điều trị ARV (Anti-Retro Virus), là điều trị phối hợp 3 loại thuốc kháng HIV nhằm mục đích:

  • Ngăn chặn sự phát triển của HIV, giúp tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, từ đó nâng cao chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ, giúp người bệnh tiếp tục làm việc, học tập.
  •    
  • Làm giảm lượng virus HIV trong cơ thể nên làm giảm lây lan trong cộng đồng.
  •  

Điều trị kháng HIV bắt đầu khi người bệnh có các triệu chứng nhiễm trùng cơ hội, số tế bào CD4 dưới 250/mm3 máu. Đây là loại điều trị lâu dài và phức tạp, do vậy cần có sự hợp tác của người bệnh và tuân thủ chặt chẽ các chỉ định của thầy thuốc như uống thuốc đầy đủ, đúng liều lượng, đúng giờ. Không tự ý thay đổi thuốc, không phối hợp  các loại thuốc khác nếu không có chỉ định của thầy thuốc.


Thuốc có một số phản ứng bất lợi khác nhau ở mỗi người như rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy), mệt mỏi, nhức đầu, đôi khi sốt và nổi những mảng đỏ trên da. Các tác dụng phụ xuất hiện sớm và hết sau 6 tuần hoặc xuất hiện muộn hơn… Cần thông báo cho thầy thuốc khi có các dấu hiệu trên. Việc ngưng thuốc đột ngột sẽ dẫn đến kháng thuốc, làm HIV phát triển nhanh hơn.

Điều kiện để được điều trị ARV miễn phí và các dịch vụ hỗ trợ khác

Người bệnh AIDS có thể xác nhận tình trạng nhiễm HIV và tự nguyện đăng ký tham gia.
Có chỉ định điều trị của bác sĩ.
Hiểu được tầm quan trọng của việc điều trị và tuân thủ điều trị lâu dài.
Trong trường hợp không có nơi cư trú ổn định lâu dài tại thành phố, phải có các tổ chức xã hội, hoặc các đội nhóm tự nguyện, bảo đảm hỗ trợ chỗ ở và tinh thần để có thể tuân thủ việc điều trị lâu dài tại thành phố.

Ngoài ra, những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại; một phần viện phí khi phải nhập viện điều trị; thực phẩm cho người bị suy dinh dưỡng và được các thành viên của phòng khám đến chăm sóc tại nhà.

Thai phụ được chăm sóc, theo dõi sức khỏe, hỗ trợ dinh dưỡng trong thai kỳ và những tháng đầu sau sanh.

Trẻ em, ngoài việc được chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh còn được hỗ trợ để phát triển như dinh dưỡng, giáo dục (học phí, đồng phục, học nghề…), viện phí, bảo hiểm y tế, tiền đi lại khám bệnh, trợ cấp khó khăn đột xuất, pháp lý (khai sinh, hộ khẩu),  nhà ở, tham gia các sinh hoạt, vui chơi và hỗ trợ tâm lý.
 Các địa chỉ cần biết

  Truyền thông/ Tham vấn:
  Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe
  59B Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1
  ĐT: 39 309 878

Cung cấp thông tin về các dịch vụ tham vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện miễn phí giấu tên và hỗ trợ chăm sóc, điều trị:
Đường dây điện thoại Chân Trời Mới 80 111 456

Điều trị dự phòng phơi nhiễm:
Bệnh viện Nhiệt Đới
190 Bến Hàm Tử, P1, Quận 5
ĐT: 39 242 659

Điều trị phòng lây truyền từ mẹ con:
Bệnh viện Từ Dũ
284 Cống Quỳnh, Quận 1
ĐT: 38 392 722

Bệnh viện Hùng Vương
128 Hùng Vương, P12, Quận 5
ĐT: 38 558 532

Tại các khoa Sản các bệnh viện Quận, Huyện

Điều trị ARV:
Bệnh viện Nhiệt Đới
190 Bến Hàm Tử, P1, Q5
ĐT: 39 242 659

Bệnh viện Nhi Đồng 1
02 Sư Vạn Hạnh, P10, Q10
ĐT: 39 271 119

Bệnh viện Nhi Đồng 2
14 Lý Tự Trọng, P. Bến Thành, Q 1
ĐT: 38 227 453

Tại các Khoa Tham vấn Hỗ trợ Cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng Quận, Huyện

Điều trị HIV/AIDS cần có chỉ định và theo dõi của thầy thuốc. Việc tuân thủ điều trị là yếu tố quan trọng để đạt hiệu quả.

Nguồn:
Tờ rơi Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe (tháng 11/2010)