Lộ tuyến cổ tử cung: có cần điều trị?

     

     

    height: 150px; width: 120px;

    BS. Trần Thị Hồng Thơ

    1. CẤU TẠO CỔ TỬ CUNG

    Tử cung được chia làm hai phần: phần trên là thân tử cung, phần dưới là cổ tử cung. Cổ tử cung lại được chia làm hai phần, phần ở phía trên âm đạo và phần tiếp xúc với âm đạo. Nhìn từ phía âm đạo, cổ tử cung có đường kính khoảng 3cm.

    Cổ ngoài cổ tử cung là phần thấp nhất của cổ tử cung tiếp xúc với âm đạo. Cổ ngoài cổ tử cung được bao phủ bởi biểu mô lát tầng không sừng hóa. Lỗ ngoài cổ tử cung là phần mở của cổ tử cung vào âm đạo

    Kênh cổ tử cung là một kênh nằm bên trong cổ tử cung, nối từ lỗ ngoài đến lỗ trong cổ tử cung, được bao phủ bởi biểu mô trụ đơn tiết nhầy.

    hình minh họa: Internet

    2. LỘ TUYẾN CỔ TỬ CUNG LÀ GÌ?

              Lộ tuyến cổ tử cung là hiện tượng biểu mô trụ ( biểu mô tuyến) nằm ở trong kênh cổ tử cung bị lộn ra trên bề mặt cổ ngoài cổ tử cung.

     

              Khi cổ tử cung bị lộ tuyến, phần biểu mô tuyến bên trong kênh cổ tử cung sẽ tiếp xúc với môi trường acid của âm đạo. Dưới sự kích thích của môi trường acid âm đạo sẽ diễn ra sự chuyển sản từ biểu mô trụ thành biểu mô lát giúp cho vùng lộ tuyến cổ tử cung được chữa lành.


              Lộ tuyến cổ tử cung là một tình trạng sinh lý bình thường. Lộ tuyến cổ tử cung không phải là một căn bệnh và cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Lộ tuyến cổ tử cung thường gặp ở những phụ nữ có tình trạng tăng estrogen trong cơ thể như phụ nữ trong độ tuổi sinh sản , phụ nữ mang thai, phụ nữ dùng viên thuốc ngừa thai uống… Trong một số trường hợp, lộ tuyến cổ tử cung đã xuất hiện từ lúc mới sinh.

     

     

    Cổ tử cung không lộ tuyến

     

     

     

    Cổ tử cung lộ tuyến

     

    CÁC DẤU HIỆU CÓ THỂ THẤY KHI CÓ LỘ TUYẾN CỔ TỬ CUNG

              Đối với đa số phụ nữ lộ tuyến cổ tử cung không có dấu hiệu hay triệu chứng gì bất thường, được phát hiện tình cờ qua khám phụ khoa định kỳ

              Một số người phụ nữ sẽ có biểu hiện tiết dịch âm đạo nhiều hơn bình thường, và đây thường là lý do làm cho phụ nữ đi khám. Tuy nhiên, nếu biểu hiện tiết âm đạo này không phải là tình trạng viêm nhiễm thì cũng không cần phải điều trị.

              Phụ nữ có lộ tuyến cổ tử cung có thể gặp tình trạng ra máu âm đạo sao  giao hợp. Tuy vậy, hiện tượng ra máu còn gặp trong một vài bệnh lý khác như polype cổ tử cung, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung hoặc thậm chí là ung thư cổ tử cung. Vì vậy khi thấy dịch âm đạo có màu đỏ bất thường, phụ nữ cần được khám phụ khoa để loại trừ những bệnh lý khác.

    3. LỘ TUYẾN CỔ TỬ CUNG: CÓ CẦN ĐIỀU TRỊ?

              Lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng sinh lý, lành tính, nên thông thường không có chỉ định điều trị lộ tuyến cổ tử cung.

              Trong một số trường hợp, có thể cần can thiệp nhằm kiểm soát sự lan rộng của mô lộ tuyến. Can thiệp có thể là trên hoạt động nội tiết nội sinh hay ngoại sinh (như ngưng dùng thuốc ngừa thai nội tiết). Phương pháp điều trị phá hủy mô lộ tuyến bằng đốt điện hoặc áp lạnh chỉ cần thực hiện trong một số ít trường hợp có triệu chứng nhiều, nên được thực hiện ở cơ sở chuyên khoa, và được thăm khám tầm soát kĩ để loại trừ các tổn thương ác tính của cổ tử cung.

    Tài liệu tham khảo

    - Tổn thương lành tính cổ tử cung, bài giảng phụ khoa. Đại học y dược thành phố HCM (2017).

    - ASCCP. Modern Colposcopy Textbook and Atlas, 2ed. Kendall-Hull publishing Co., Dubuque.2004

    BS. Trần Thị Hồng Thơ

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ