Hỏi & đáp trực tuyến "Tầm soát & điều trị các bệnh ung thư phụ khoa", ngày 15/09/2011

    Ung thư là một rối loạn về sự phát triển của các tế bào trong cơ thể. Một tập hợp các tế bào ung thư được gọi là khối u tiếp tục phát triển và di căn đến các nơi khác của cơ thể. Khối ung thư không có chức năng hữu ích trong cơ thể, nó ngăn cản sự phát triển và lấy đi chất dinh dưỡng của các tế bào lành và gây nguy hiểm cho cuộc sống con người.

    Phụ nữ là người phải gánh vác thiên chức làm mẹ, duy trì nòi giống. Phụ nữ dễ mắc những căn bệnh ở cơ quan sinh dục hơn nam giới. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ căn nguyên của ung thư và có những bước chuẩn bị kịp thời để phòng ngừa thì bệnh ung thư có thể được điều trị triệt để và kéo dài sự sống cho người bệnh. Nhằm giúp cho phụ nữ có thể hiểu được nguyên nhân của bệnh để có cách để phòng ngừa, website bệnh viện Từ Dũ sẽ tổ chức buổi “Hỏi & đáp trực tuyến tháng 09/2011” với chuyên đề “Tầm soát và điều trị các bệnh ung thư phụ khoa” về ung thư tử cung, ung thư buồng  trứng, ung thư vú, thai trứng và bệnh lý nguyên bào nuôi

    Thời gian: 08g30, thứ 5, ngày 15-09-11
    Địa điểm: Phòng Thư viện
    Chuyên đề có sự tham dự của: 

    • BS. CKII. Trần Chánh Thuận - Trưởng khoa Ung bướu phụ khoa
    • ThS. BS. Lê Tự Phương Chi – Phó trưởng khoa Ung bướu phụ khoa
    •  
    • BS. CKI. Đỗ Minh Hoàng Trọng – Phó trưởng khoa Giải phẫu bệnh

    Rất mong quí độc giả có thể gửi những thắc mắc của mình vào chuyên mục.

    *PAP vốn được coi là 1 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung đơn giản, dễ làm. Phương pháp này có độ tin cậy cao không? 

    Drnghiabmt

    BS.CKI. Đỗ Minh Hoàng Trọng:

    Xét nghiệm Pap là xét nghiệm để tầm soát ung thư cổ tử cung. Độ chính xác của xét nghiệm Pap khoảng 90%. Các nghiên cứu khác nhau cho kết quả về độ chính xác của xét nghiệm Pap khác nhau. Độ chính xác của xét nghiệm Pap tùy thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố:

    - Kỹ thuật lấy mẫu tế  bào cổ tử cung: Bác sĩ không lấy được tế bào vùng có tổn thương nên xét nghiệm Pap cho kết quả sai.

    - Khả năng đánh giá tế bào: Bác sĩ không nhận ra tế bào bất thường nên chẩn đoán sai.

    Hiện nay, có 2 phương pháp làm xét nghiệm Pap:

    - Pap thường quy.

    - Pap nhúng dịch.

    Pap thường quy là lấy tế bào cổ tử cung phết lên lam kính, sau đó đánh giá tế bào qua kính hiển vi.

    Pap nhúng dịch là lấy tế bào cổ tử cung nhúng vào lọ đựng dung dịch, sau đó lọ đựng tế bào này qua một quá trình xử lý mới được phết lên lam kính và đánh giá tế bào qua kính hiển vi.

    Pap nhúng dịch làm tăng khả năng phát hiện các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung gấp1.5 - 2 lần.

    Hiện tại, tại TPHCM, đang ứng dụng 2 phương pháp xét nghiệm Pap nhúng dịch là ThinPrep® và Liqui-PREP®.

    Ngoài ra, để tầm soát ung thư cổ tử cung, còn có nhiều phương pháp khác như là: xét nghiệm HPV DNA, VIA, VILI, Soi cổ tử cung. Trong điều kiện của một nước đang phát triển như Việt Nam, xét nghiệm Pap vẫn là phương tiện tầm soát ung thư cổ tử cung thích hợp nhất.

    *Chào các bác sĩ tôi năm nay 46 tuổi cách đây 2,5 năm tôi có sinh cháu, phải mổ. Từ ngày sinh cháu đến nay kinh nguyệt tôi vẫn đều nhưng máu ra rất lâu, nó hết 1-2 ngày xong lại ra 1 ít máu nâu (chỉ bẩn quần thôi) tầm khoảng  đến giữa kỳ kinh (đến thời gian rụng trứng thì hết). Tôi đã đi xét nghiệm tế bào cách đây 3 tháng kết quả bình thường. Cho tôi hỏi tôi bị bệnh gì vậy, có thể là do vết mổ không? Có phải do tôi triệt sản không? Cám ơn các bác sĩ 

    ngocdung1195

    BS.CKI. Đỗ Minh Hoàng Trọng:

    Chị bị rong huyết ở nửa đầu của chu kỳ kinh, do nội mạc tử cung phát triển không đồng đều. Ở tuổi 46, giai đoạn này bắt đầu có biểu hiện của rối loạn nội tiết nữ và một trong những biểu hiện đó là nội mạc tử cung phát triển không đồng đều và gây rong huyết. Nếu nội mạc tử cung tăng sản quá mức sẽ thành ung thư nội mạc tử cung. Do vậy, chị cần được khám để xem có ung thư nội mạc tử cung hay không.

    Xét nghiệm tế bào cổ tử cung chủ yếu dùng để phát hiện được các tổn thương tiền ung và ung thư cổ tử cung (không phải ung thư nội mạc tử cung). Kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung của chị là bình thường, tức là hiện tại không phát hiện tổn thương tiền ung và ung thư cổ tử cung.

    Bệnh của chỉ không phải do vết mổ lấy thai cũ.

    Triệt sản là phương pháp  ngừa thai bằng cách cắt đoạn 2 vòi trứng. Bệnh của chị không phải do triệt sản.

    * Bác sĩ cho em hỏi? Bệnh ung thư có những triệu chứng gì? Làm thế nào mình nhận biết được? Ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú, thai trứng. Em xim cảm ơn. 
    BS.CKII. Trần Chánh Thuận
    Trưởng khoa Ung bướu phụ khoa
    (bìa phải)

    BS.CKII. Trần Chánh Thuận: Tùy loại bệnh ung thư phụ khoa cụ thể mà có triệu chứng riêng biệt. Trong những bệnh lý mà em hỏi thì thường có các triệu chứng chung như: đau vùng hạ vị, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tiêu hóa, rong huyết kéo dài hoặc một khối bướu ở vùng bụng dưới, v.v.. , riêng bệnh lý thai trứng có thể kèm thêm các triệu chứng như thai nghén nặng, cao huyết áp, cường giáp, không nghe thai máy, khi đi khám thai siêu âm thì không thấy thai nhi mà chỉ thấy các mô dạng trứng trong lòng tử cung.

    hanhpham200782

    * Mẹ tôi bị thay đổi sợi bọc tuyến vú đã hơn 10năm, điều trị thường xuyên tại BV Ung Bướu TPHCM trong 5năm, hiện nay không điều trị gì (do bác sĩ ở bệnh viện khuyên ngưng điều trị), 2 bên vú hiện còn sót lại khoảng 1-2 nang kích thước khoảng 0,5 - 1cm đường kính, thỉnh thoảng có đau vào đầu chu kỳ kinh. Em muốn hỏi bác sĩ cách theo dõi định  kỳ bệnh và tầm soát sớm ung thư vú như thế nào cho hiệu quả? Dạng thay đổi sợi bọc tuyến vú này có khả năng ung thư hóa cao không? Cảm ơn bác sĩ.

    datcom1988

    BS.CKII. Trần Chánh Thuận: Về tình trạng bệnh của mẹ là đã được chẩn đoán là thay đổi sợi bọc tuyến vú, nên theo dõi định kỳ từ 3 tới 6 tháng 1 lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ đang trực tiếp theo dõi phối hợp với tình trạng lâm sàng và kết quả của chẩn đoán hình ảnh. Muốn tầm soát sớm ung thư vú hiện nay cách tốt nhất là chụp nhũ ảnh tầm soát tùy theo các yếu tố nguy cơ mà quyết định nhịp độ tầm soát qua nhũ ảnh, và tùy kết quả nhũ ảnh và kết quả lâm sàng có thể chỉ định thêm các xét nghiệm như: siêu âm, chọc hút tế bào như kim nhỏ, thậm chí có thể sử dụng thêm cộng hưởng từ để chẩn đoán trong những trường hợp khó khăn.

    * Tôi đi khám phụ khoa và phết tế bào âm đạo, kết quả là viêm/nấm + nang naboth. Bác sĩ bảo điều trị chỉ làm ngưng tiến triển thôi chứ không hết dứt được làm tôi rất lo sợ. Xin bác sĩ vui lòng cho tôi biết với kết quả như thế thì có phải bị ung thư không? Tôi có thể có thai không? Thật sự không có cách điều  trị? 

        Bchau1405

    BS.CKI. Đỗ Minh Hoàng Trọng:

    Phết tế bào âm đạo được gọi chính xác là Phết tế bào cổ tử cung. Kết quả Phết tế bào cổ tử cung là Biến đổi tế bào phản ứng do viêm và do nấm, tức là không có tổn thương tiền ung hay ung thư cổ tử cung. Nang Naboth cổ tử cung là một tổn thương lành tính ở cổ tử cung, được hình  thành trong quá trình tái tạo cổ tử cung sau một thời gian cổ tử cung bị tổn  thương hay chấn thương (ví dụ như sau sanh, sau khi bị viêm nhiễm, ...). Chị cần được điều trị viêm cổ tử cung do  nấm và bệnh lý này có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Chị không cần điều trị  Nang Naboth cổ tử cung vì đây là tổn thương lành tính, có thể hiện diện lâu dài  ở cổ tử cung bình thường của người phụ nữ, không ảnh hưởng gì cả. Chị không nên mang thai khi chưa điều trị hết viêm cổ tử cung do nấm. Sau khi điều trị hết và chị hoàn toàn khỏe mạnh thì chị có thể có thai. 

     * Chào bác sĩ! Em bị bệnh mồng gà âm  đạo,âm hộ, cổ tử cung đã điều trị đuợc 3 tháng tại bệnh viện da liễu TP.Hồ Chí Minh bằng phuơng pháp chấm thuốc AT. Hiện giờ đã hết mồng gà, nhưng em vẫn tái  khám và chấm thuốc 2 tuần 1 lần. Bác sĩ vui lòng cho em hỏi: em có thể mang thai trong lúc này đuợc không? Em đuợc biết bệnh này có nguy cơ bị ung thư cao lên hiện tại em rất hoang mang. Vậy xin bác sĩ tư vấn giùm em cách điều trị tốt nhất và làm thế nào để không dẫn tới bệnh ung thư ??? Em xin chân thành cảm ơn! 

    xuanthujewelry

    BS.CKI. Đỗ Minh Hoàng Trọng:
    - Chị không nên mang thai khi cổ tử cung (và âm đạo, âm hộ) đang bị mồng gà.
     
    - Chị nên tiếp tục tiến trình điều trị tại BV Da Liễu cho đến khi hết hẳn tổn thương mồng gà. 

    - Bệnh mồng gà do nhiễm virus HPV, virus này có thể gây ung thư cổ tử cung. Không phải tất cả các trường hợp nhiễm HPV đều sẽ tiến triển thành ung thư cổ tử cung. Chị có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao hơn so với một người phụ nữ  bình thường khác. Để biết chị có ung thư cổ tử cung hay không, chị cần được làm xét nghiệm giải phẫu bệnh mẫu sinh thiết cổ tử cung (từ tổn thương mồng gà hoặc từ một tổn thương bất thường nào khác được phát hiện trên soi cổ tử cung). Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh, tuổi, số con và các bệnh lý khác (nếu có), sẽ có hướng xử trí tiếp theo khác nhau (để ngăn ngừa hay điều trị ung thư cổ tử cung).
     
    * Chào bác sĩ! Cách đây một năm, em bị viêm nhiễm âm đạo và được chỉ  định thử PAP. Sau 2 tuần có kết quả bất thường lạ và được chỉ định dùng mỏ vịt để soi cổ tử cung nhưng sau đó vì lý do bận nên tôi chưa làm được. Sau đó  khoảng 6 tháng tôi quay lại bệnh viện làm PAP tiếp và kết quả bình thường. Hiện nay, tôi thường xuyên bị viêm nhiễm âm đạo và đi khám bác sĩ cho thuốc uống nhưng cứ được khoảng 1 tháng sau lại viêm nhiễm lại, dấu hiệu bệnh giống lần trước (vì tôi có đi khám) vì vậy những lần sau tôi không đi khám (vì thấy cùng một triệu chứng, đi khám ngồi chờ lâu) nên tôi đã lấy đơn thuốc trước và ra nhà  thuốc mua về điều trị, bệnh có hết nhưng sau thời gian lại tái phát. Bác sĩ cho tôi hỏi bị viêm nhiễm tái đi tái lại để lâu có bị ung thư phụ khoa hay không? Bệnh có điều trị được dứt hay không? Cảm ơn bác sĩ! 

    linhlinh1985

    BS.CKI. Đỗ Minh Hoàng Trọng
    Phó trưởng khoa Giải phẫu bệnh

    BS.CKI. Đỗ Minh Hoàng Trọng:
    - Viêm nhiễm cổ tử cung kéo dài là một trong những yếu tố nguy cơ bị ung thư cổ tử cung. 

    - Viêm nhiễm âm đạo thường đi kèm với viêm nhiễm cổ tử cung. Bệnh lý này do nhiều nguyên nhân. Xác định đúng nguyên nhân sẽ có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh viêm nhiễm âm đạo của chị chưa được xác định đúng nguyên nhân nên vẫn bị tái đi tái lại. Chị cần được một bác sĩ phụ khoa nhiều kinh nghiệm khám và điều trị cho chị.

    - Xét nghiệm Pap là một xét nghiệm để phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung. Kết quả xét nghiệm Pap lần 1 của chị có bất thường tế bào biểu mô (không rõ cụ thể là bất thường loại gì), nhưng đã có chỉ định soi cổ tử cung. Kết quả xét nghiệm Pap lần 2 là bình thường. Vậy chị nên tiếp tục làm xét nghiệm Pap sau 6 tháng.

    * Kính chào các bác sĩ, bác sĩ cho tôi hỏi mấy vấn đề sau: từ ngày sinh cháu bé (6 tháng) kinh nguyệt của tôi bình thường, nhưng sau kỳ kinh tôi thấy âm đạo ra nước, khi có màu vàng khi màu hơi xanh, có mùi hôi, ra liên tục cho đến kỳ kinh tiếp theo. Xin hỏi bác sĩ tôi bị bệnh gì và nên uống thuốc gì để điều trị? Tôi không có điều kiện đi khám tại bệnh viện, xin bác sĩ trả lời giúp tôi. Chân thành cám ơn bác sĩ?

    chau2r  

    BS.CKII. Trần Chánh Thuận: Kinh nguyệt bình thường như khi thấy âm đạo ra nước có màu và có mùi thì thường có trong các bệnh lý viêm đường sinh dục dưới, muốn chỉ định thuốc điều trị thì cần phải khám phụ khoa và làm các xét nghiệm: tầm soát ung thư đường sinh dục dưới và các xét nghiệm vể soi tươi, nhuộm gram để định danh vi trùng mới có thể chẩn đoán được chính xác và điều trị đúng kháng sinh cần thiết. Nếu không có điều kiện đi khám tại bệnh, các bệnh lý này vẫn có thể được giải quyết dễ dàng tại các phòng khám phụ khoa quận, huyện.

    * Em chào bác sĩ! Vui lòng cho em hỏi: em đã có gia đình, tự nhiên mấy hôm nay em bị ngứa ở vùng kín. Không biết em có bị sao không? 

    lekimxoan

    BS.CKII. Trần Chánh Thuận: Bị ngứa vùng kín thì cần phải giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh kinh nguyệt và và vệ sinh giao hợp cho thật tốt, cần phải khám phụ khoa để có chẩn đoán. Thường các nguyên nhân này là do các ký sinh trùng hoặc nhiễm nấm candida.

    * Thưa bác sĩ, cho con hỏi. Chu kỳ kinh nguyệt của con khá là đều, trong 1 năm thỉnh thoảng có 1, 2 lần bị chậm 2.3 ngày. Có 1 lần cách đây 1 năm giữa chu kỳ của con có ra dịch màu hồng hồng thay vì chất dịch như lòng trắng trứng gà, con đi khám và thử pap thì không sao. Trước giờ con bị viêm cổ tử cung lộ tuyến, và khoảng hơn nủa năm nay con không đặt thuốc vì không có thời gian đi tái khám. Và trong tháng này, từ ngày 13,14 chu kỳ kinh, và con  lại có chất dịch mà hồng, nâu (giống như ngày gần hết của ngày kinh nguyệt ), cách đây vài ngày (khoảng độ ngày 20 của chu kỳ) con lại có chất dịch màu hồng lẫn trong huyết trắng, có lúc ra nhiều có lúc thì ít, như trang giấy trắng có vết bút bi màu đỏ quẹt lên. Và hôm nay, vợ chồng con có quan hệ, trong lúc quan hệ thì có ra nước màu hồng, sáng nay thì thấy giống như gần hết chu kỳ kinh  nguyệt (màu hồng hồng nâu nâu). Vậy thật ra con có bị gì không? Con định thứ 7 này ghé bệnh viện khám, vậy con nên tới phòng nào của bệnh viện thưa bác sĩ. Bác sĩ có thể cho con cái hẹn trước không ạh, vì thứ 7 con cũng phải đi thi ạ. Con cám ơn bác sĩ nhiều. 

    xtrang84

    BS.CKII. Trần Chánh Thuận: Hiện nay, BV Từ Dũ có dịch vụ khám ngày thứ 7, bạn nên ghé bệnh viện khám tại phòng khám phụ khoa có được đặt hẹn trước qua điện thoại để tiết kiệm thời gian chờ đợi.

    Điện thoại đặt hẹn: (08) 54 042 840

    * Chào bác sĩ, thai trứng có phải do tế bào sinh dục đực có bất thường không ạ? Và việc chích ngừa ung thư cổ tử cung có vô ích đối với người đã quan hệ tình dục không. Trước khi chích ngừa ung thư cổ tử cung (CTC) em cần được khám và xét nghiệm gì? 
        masfwu

    ThS. BS. Lê Tự Phương Chi:

    Chào bạn,
    Thai trứng là do sự phát triển bất thường của gai nhau, tạo thành những túi trứng. 

    Hiện nay, không có thuốc chủng ngừa ung thư CTC, mà chỉ có thuốc chủng ngừa HPV. Ngày nay, người ta đã biết ung thư CTC là do nhiễm HPV kéo dài. HPV thường được lây lan qua đường tình dục. Nhưng hầu hết chỉ nhiễm HPV thoáng qua, nghĩa là nhiễm 1 thời gian ngắn rồi hết nhiễm, có một số ít (rất ít) nhiễm HPV kéo dài. Cả cuộc đời, con người có thể nhiễm HPV nhiều lần, do đó việc chích ngừa càng sớm càng  bảo vệ cho những phụ nữ đã chích ngừa tốt hơn. Chích ngừa HPV với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục vẫn có ích. Nếu bạn chưa quan hệ tình dục, bạn đã chích ngừa, điều đó quá tuyệt vời. Nếu bạn đã lập gia đình, bạn còn trẻ, chưa quá 26 tuổi, bạn chưa chích ngừa thì nên đi chích ngừa ngay. Trước khi chích ngừa, bạn không cần làm xét nghiệm gì cả, bạn cần được tư vấn để hiểu rõ về thuốc chủng HPV. Bạn có thể đến phòng tư vấn chủng nừa HPV tại BV Từ Dũ để chúng tôi giúp bạn.

    Chúc bạn khỏe mạnh, hạnh phúc.

    * Chào bác sĩ, tôi được biết ung thư CTC nguyên nhân thường gặp do virus HPV gây nên nhưng độ tuổi chủng ngừa chỉ trong độ tuổi từ 10- 26 tuổi. Vậy qua độ tuổi đó có tiêm được không?

    - Đăng ký mau vaccine ở đâu là thuận tiện nhất? Đã có test nhanh xét nghiệm HPV chưa và nếu có thì đăng ký ở đâu?

    - Có trường hợp độ tuổi > 52 tuổi mà vú vẫn tiết dịch trắng như sữa trong thời kỳ cho con bú khám không thấy khối khu trú, siêu âm không phát hiện có dấu hiệu bất thường nhưng người bệnh không yên tâm nên xin được lời khuyên và tư vấn cụ thể.

    haminhnguyetyb

    ThS. BS. Lê Tự Phương Chi: Hiện nay, có 2 loại thuốc chủng ngừa HPV là Gardasil và Cervarix, chủ yếu với loại HPV 16 và 18. 70% ung thư CTC là do nhiễm HPV 16 và 18. 30% ung thư CTC còn lại là do những loại HPV khác và những nguyên nhân khác. Độ tuổi để chủng ngừa là 10 đến 26 tuổi. Trong nhóm tuổi này, chích ngừa lúc nào cũng được, nhưng tốt nhất nên chích ngừa trước khi có quan hệ tình dục. Bạn có thể chích ngừa tại BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, Viện Pasteur, TT Y tế dự phòng, ..v..v

    Không cần làm xét nghiệm  HPV trước khi được chích ngừa.

    Ở độ tuổi > 52 tuổi mà vú vẫn tiết dịch ra sữa, siêu âm và khám không thấy có tổn thương, có thể do những nguyên nhân khác như: uống thuốc điều trị bệnh đau dạ dày, trầm cảm, u tuyến yên,...v.v. Một số thuốc có thể gây ra tiết dịch ở tuyến vú. Do đó, bạn nên đi khám vú lại và nói cho bác sĩ biết những loại thuốc mà mình đang sử dụng và làm thêm 1 số xét nghiệm như: đo lượng Prolactin trong máu, chụp hố yên. Các xét nghiệm này thường được chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa về vú. Bạn có thể đến phòng khám phụ khoa BV Từ Dũ, Hùng Vương, BV Ung Bướu để kiểm tra lại tình trạng vú tiết dịch như sữa.

    Chúc bạn khỏe mạnh.

    * Em nghe nói có thể tiêm ngừa ung thư CTC cho phụ nữ  từ 10 tới 26 tuổi. Em hiện đã có gia đình và 1 bé gái, năm nay 24 tuổi, liệu có thể tiêm được không và chi phí như thế nào. Tháng 8/2011 em có đi khám PK và bị đa nang buồng trứng bên, nhưng bác sĩ không cho uống thuốc gì cả. Tháng 8/2010 em có cấy que tránh thai và từ đó kinh nguyệt của em không ổn định, rối loạn lúc có lúc không. Trước đó kinh nguyệt của em rất ổn định, chu kì là 30 ngày. Em muốn hỏi em bị đa nang buồng trứng có liên quan tới que cấy này không? Nếu có thì phải làm sao, em giờ đang rất lo lắng .Cám  ơn bác sĩ
    khanhan203_88kt

     ThS. BS. Lê Tự Phương Chi: Chào em,

    Hiện nay, không có thuốc chủng ngừa ung thư CTC, mà chỉ có thuốc chủng ngừa HPV. Ngày nay, người ta đã biết ung thư CTC là do nhiễm  HPV kéo dài. Hiện nay, có 2 loại thuốc chủng ngừa HPV là Gardasil và Cervarix, chủ yếu với loại HPV 16 và 18. 70% ung thư CTC là do nhiễm HPV 16 và 18. 30% ung thư CTC còn lại là do những loại HPV  khác và những nguyên nhân khác. Độ tuổi để chủng ngừa là 10 đến 26 tuổi. Trong nhóm tuổi này, chích ngừa lúc nào cũng được, nhưng tốt nhất nên chích ngừa trước khi có quan hệ tình dục. Năm nay bạn 24 tuổi, dù đã lập gia đình và có 1 bé gái, bạn vẫn còn trong nhóm tuổi được chích ngừa, do đó bạn nên đi chích ngừa. Bạn có thể đến BV Từ Dũ, Viện Pasteur để chích ngừa, Tại những địa điểm này đều có phòng tư vấn chích ngừa HPV, bao gồm chi phí chích ngừa.

    Em đang ngừa thai bằng phương pháp cấy que tránh  thai. Cơ chế ngừa thai của phương pháp này làm cho buồng trứng không có hiện tượng rụng trứng. Nên khi siêu âm kiểm tra phụ khoa đôi khi sẽ thấy hình ảnh buồng trứng đa nang. Kết quả siêu âm của em có hình ảnh buồng trứng đa nang 1 bên là bình thường, không có gì phải lo lắng. Nhược điểm của phương pháp này là kinh nguyệt không đều. Nếu em lo lắng về rối loạn kinh nguyệt, em nên đến phòng tư vấn của khoa Kế hoạch hóa gia đình của BV Từ Dũ để kiểm tra lại tình trạng rối loạn kinh nguyệt và có những giải đáp chính xác với tinh trạng của em hơn.

    Chúc em vui và khỏe. 

    * Xin Bác sĩ giải đáp giúp:

    1. Nguyên nhân các loại ung thư trên.

    2. Yếu tố làm bệnh phát triển nhanh hơn.

    3. Đối tượng dễ mắc phải.

    4. Cách phòng ngừa.

    5. Có vac xin phòng ngừa  không ạ.

    Xin chân thành cám ơn.

    haithi

    ThS. BS. Lê Tự Phương Chi
    Phó trưởng khoa Ung bướu phụ khoa

     ThS. BS. Lê Tự Phương Chi: Chào bạn,

    Ung thư phụ khoa gồm những bệnh ung thư như: ung thư âm đạo, ung thư âm hộ, ung thư cổ TC, ung thư thân TC, ung thư buồng trứng, ung thư vòi trứng, ung thư vú. Hiện nay, người ta chỉ mới tìm được nguyên nhân gây ra ung thư cổ TC mà thôi. Yếu tố làm bệnh phát triển nhanh hơn là không khám và điều trị bệnh. Khi đã có chẩn đoán bệnh, bạn cần được điều trị ngay, và điều trị đúng chuyên khoa ung thư, đúng phác đồ thì việc điều trị mới có hiệu quả. Nếu không điều trị, bệnh sẽ chuyển từ giai đoạn sớm qua giai đoạn tiến xa (giai đoạn muộn), lúc này điều trị rất ít hiệu quả. 

    Cách phòng ngừa bệnh ung thư: nên có cuộc sống lành mạnh như không hút thuốc lá hay tránh xa môi trường thuốc lá, tập thể dục, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh stress, ăn chín và ăn sạch, ăn nhiều rau xanh, khám phụ khoa định kỳ. Ung thư thường xuất hiện ở những phụ nự > 40 tuổi, không khám phụ khoa định kỳ, có nhiều bạn tình, hay ở những phụ nữ có những dấu hiệu bất thường như ra huyết sau quan hệ tình dục, rối loạn kinh nguyệt nhưng không đi khám bệnh, những phụ nữ có những tổn thương tiền ung thư nhưng không điều trị, ..v..v. 

    Hiện nay, chưa có thuốc chủng ngừa ung thư kể cả ung thư cổ TC, chỉ có thuốc chủng ngừa HPV mà thôi.

    Chúc em khỏe.

    * Kính chào các Bác sĩ giải đáp chuyên đề. Tôi xin được giải đáp một số thắc mắc như sau:

    1. Việc sinh họat vợ chồng trong điều kiện người phụ nữ giữ vệ sinh, nhưng chồng không có ý thức cao về vệ sinh, đưa đến chứng viêm nhiễm mãn tính ở âm đạo hoặc CTC của người vợ; vậy đó có phải là căn nguyên của ung thư không?

    2. Khi trong phần phụ ở phụ nữ tuổi 48-50 (khi siêu âm trong buồng trứng) có nang phản âm 3mm; có cần điều trị không và cần kiểm tra lại tiêu chuẩn nào để xác định chính xác, xin cho thông tin.

    3. Tôi thường xét nghiệm khi có triệu chứng ngứa; kết quả bạch cầu 3+, soi tươi tạp khuẩn (+++),.. và khi được uống thuốc đầy đủ vẫn tái lại nhiều lần. Vậy đó có thể là căn nguyên ung thư không. Nếu là người trẻ tuổi chưa lập gia đình thì bị ngứa do BC baci ++ sẽ dẫn đến điều gì??

    Kính mong các bác sĩ tư vấn cho. Thành thật biết ơn. Kính cúc sức khỏe. Thân ái. 

    thuytrngoc
     

    ThS. BS. Lê Tự Phương Chi: Chào em,
    Ung thư Cổ TC hay Ung thư âm đạo không phải do viêm nhiễm mãn tính gây ra.  

    Kết quả siêu âm ghi nhận có nang BT khoảng 3cm, với kích thước này thì bạn không cần điều trị, bạn cần khám và siêu âm định kỳ mỗi 3 tháng để biết nang này có to lên hay thay đổi bên trong nang không, hay nang nhỏ đi và không còn nữa. Siêu âm giúp cho chẩn đoán là u nang rồi, nên không cần làm thêm xét nghiệm nào khác nữa.

    Chúc bạn khỏe.

    * Tôi muốn hỏi tuổi nào thì có thể chích ngừa HPV, có gia đình rồi có được chích hay không, tôi vừa mới cai sữa cho con và đi khám phụ khoa thì bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, vậy nếu bị như vậy thì có dễ bị nhiễm virut HPV hay không 

    tuongvi2410vt

     ThS. BS. Lê Tự Phương Chi: Chào bạn,

    Thuốc chủng ngừa HPV được chỉ định cho phụ nữ từ 10 đến 26 tuổi. Nếu bạn ở trong nhóm tuổi trên, dù bạn đã lập gia đình hay chưa, bạn vẫn đủ điều kiện để chích ngừa.

    HPV thường lây lan qua đường quan hệ tình dục, qua tiếp xúc giữa da và da, không liên quan đến viêm lộ tuyến CTC. Nên viêm lộ tuyến CTC không làm bạn dễ nhiễm HPV hơn.

    Chúc bạn khỏe mạnh. 

    * Khi phát hiện một trường hợp thai trứng chưa hoàn toàn, cần tư vẫn như thế nào cho thai phụ? 

    v_chien_ts
     

     ThS. BS. Lê Tự Phương Chi:
    Chào bạn,

    Thai trứng là trường hợp  thai bất thường, trong đó các tế bào nuôi (tế bào tạo ra gai nhau) phát triển bất thường tạo ra các túi trứng. Thai trứng có 2 dạng là thai trứng toàn phần và thai trứng bán phần. Thai trứng chưa hoàn toàn như bạn đề cập là loại thai trứng bán phần. Trong thai trứng bán phần, ngoài những túi trứng ra chúng ta còn có thể thấy thai nhi, nhau thai.

     Bệnh lý thai trứng có nguy cơ chuyển thành ung thư nguyên bào nuôi. Thai trứng toàn phần có nguy cơ cao hơn là thai trứng bán phần. Do đó, khi có chẩn đoán là thai trứng toàn phần hay bán phần, chúng ta cần đánh giá xem người bệnh này có nguy cơ hay không?

    Vì đây là thai kỳ bất thường, nên cần được chấm dứt thai kỳ. Nguy cơ sảy thai trứng luôn luôn có. Do đó, khi có chẩn đoán thai trứng, chúng ta phải chủ động hút nạo thai trứng ra. Sau khi hút nạo thai trứng, mô nạo cần được làm chẩn đoán mô học để có chẩn đoán chính xác. Người bệnh cần được theo dõi tình trạng ra huyết âm đạo, đau bụng, βhCG/ máu, ..v..v để đánh giá bệnh có đáp ứng với điều trị hay không, hay bệnh đã chuyển qua giai đoạn ung thư nguyên bào nuôi.

    Việc tư vấn điều trị và  theo dõi bệnh thai trứng này còn tùy thuộc vào tuổi của người bệnh, số con, tử cung to bao nhiêu, nang hoàng tuyến, βhCG/ máu bao nhiêu, phổi, chức năng gan thận, ..v.. rất nhiều vấn đề để phải tư vấn. Trong khuôn khổ phần trả lời câu hỏi trực tuyến hôm nay, chúng tôi không thể nói hết được. Nếu bạn cần thêm chi tiết, bạn có thể đến khoa Ung bướu phụ khoa BV Từ Dũ, chúng tôi sẽ giúp bạn.

    Chúc bạn sức khỏe.

    * Chào Bác sĩ, em 23 tuổi, chưa có gia đình. Em có ý định tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung nhưng hôm trước em có đi dự một hội thảo về ung thư tại bệnh viên ĐH Y Dược thì được biết hiện nay ở Pháp, châu Âu người ta khuyến cáo không nên tiêm vaccine mà chỉ đi tầm soát vì vaccine hiện này không ngừa được hòa toàn (hình như chỉ khoảng 70%) mà lại có quá nhiều phản ứng phụ. Vậy theo Bác sĩ em có nên  đi tiêm ngừa nữa không ạ? Em cảm ơn Bác sĩ

    maihoa06cs

    ThS. BS. Lê Tự Phương Chi: Chào em, Ung thư CTC do nhiễm HPV kéo dài gây nên. HPV có rất nhiều loại, trong đó loại 16 và 18 gây ra 70% ung thư CTC. 30% ung thư CTC do những loại HPV khác gây nên. Hiện nay thuốc chủng ngừa HPV chỉ với 2 loại 16 và 18 thôi, nếu bạn chích  ngừa HPV, bạn được bảo vệ 70% rồi, còn 30% còn lại bạn cần làm xét nghiệm tầm soát tế bào CTC. Theo Tổ Chúc Y Tế thế giới khuyến cáo phụ nữ từ 10 – 26 tuổi nên chủng ngừa HPV. Đây là một lời khuyên rất đúng đắn, bạn cần tham khảo. Có lẽ trong buổi hội nghị mà bạn tham gia đó, người ta muốn nhân mạnh thêm là cần phải làm xét nghiệm tầm soát dù đã đượch chích ngừa hay chưa.

    Chúc bạn vui, khỏe.

    * Chào Bác  sĩ. Em uống thuốc ngừa thai Mavellon được 1 năm rồi ngưng uống. Sau khi ngưng uống  tháng sau em có kinh bình thường, sau tháng có kinh đó em đã có thai. Như vậy kể  từ khi ngưng uống thuốc đến khi có thai là 1 tháng. Như vậy có ảnh hưởng gì đến  em bé em đang mang thai không, em đang rất lo lắng. Em rất mong được sự tư vấn  của Bác sĩ. 

    t.huyen_77

     ThS. BS. Lê Tự Phương Chi: Chào em,

    Sau khi em ngưng thuốc ngừa thai và em đã có kinh bình thường trở lại, có nghĩa là thuốc ngừa thai đã hết tác dụng trong cơ thể em rồi. Nên khi em có thai, thuốc ngừa thai được sử dụng trước đó không ảnh hưởng đến thai nhi.

    Chúc em  khỏe mạnh. 

    * Em gái em 23 tuổi, chưa có gia đình. mấy tháng em gái mới có kinh một lần. Mỗi lần có kinh bị đau bụng nhiều lắm, mặt bị nhiều mụn nữa. Em tìm hiểu thì đây là một trong các dấu hiệu có thể bị nang buồng trứng. Em có thể đưa em gái đi khám ngoài giờ ở đâu được ạ vì em bận trong giờ làm việc. Em chân thành cám ơn .

    SANHODOKT851

     ThS. BS. Lê Tự Phương Chi: Chào em,
    Em gái em có triệu chứng kinh thưa, da mặt có nhiều mụn, có thể liên quan đến vấn đề rối loạn nột tiết. Em nên đưa em gái đi khám. Em có thể khám ngoài giờ tại BV Từ  Dũ. 

    Chúc em  vui.

    * Kính gởi bác sĩ, Em sinh con (sinh mổ) vào tháng 06 năm 2010,
    Sau 6 tháng em bắt đầu có kinh trở lại, nhưng có kinh khoảng được 3 lần (chu kỳ kinh trước khi sinh của em không đều khoảng 40 ngày), thường em sử dụng bao cao su khi giao hợp nhưng lần đó em có dùng 2 viên thuốc ngừa thai postinore, em có kinh thêm 1 lần nữa rồi từ lúc đó đến nay khoảng 5 tháng em không có kinh trở lại, thử thai thì không có, em cũng thường xuyên đau nhức lưng. Xin hỏi bác sĩ những biểu hiện như vậy là em có vấn đề gì về sức khỏe? Em xin chân thành cảm ơn!

    tankhanhxuanvu

    ThS.BS.Lê Tự Phương Chi: Chào em, 
    Em không có kinh đã 5 tháng rồi, dùng que thử thai thì thấy không có thai, thường xuyên đau lưng. Với những triệu chứng như vậy, em cần đi khám phụ khoa để kiểm tra lại vì sao không có kinh? Vấn đề rối loạn kinh nguyệt thường liên quan đến nội tiết sinh sản. Em có thể có vấn đề về buồng trứng như buồng trứng đa nang, u buồng trứng, . v. v.. Thăm khám và làm xét nghiệm sẽ giúp em biết được nguy nhân để điều trị cho em. Em có thể đến khoa Khám Bệnh BV Từ Dũ để khám.

     Chúc em khỏe. 

    * Thưa các bác sĩ, hiện nay tôi đang ở trong độ tuổi sinh sản và rất quan tâm tới sức khỏe mình, đặc biệt là các bệnh ung thư phụ khoa. Tôi hy vọng được các bác sĩ giải đáp cho tôi những câu hỏi sau:
    1. Vì sao tôi phải tầm soát ung thư phụ khoa? Nếu không phát hiện gì, tôi phải tầm soát bao nhiêu lần trong năm? Kết quả tầm soát như thế nào thì có thể kết luận là tôi bị ung thư? Khi đó, tôi phải làm thế nào?
    2. Tôi có thể tầm soát cả 3 loại ung thư tử cung, buồng trứng và ung thư vú một lần được không?
    3. Ở độ tuổi nào thì tôi phải tầm soát những loại ung thư này?
    4. Chi phí cho một lần tầm soát là bao nhiêu? 5. Khi phát hiệnbệnh, tôi phải làm thế nào?
     Những triệu chứng biểu hiện của bệnh ung thư phụ khoa như thế nào?
    7. Hiện nay tôi có biết vài nơi có thể tầm soát ung thư vú bằng xét nghiệm máu? Những xét nghiệm này có đủ tin cậy hay không?
    8. Trong trường hợp có thai và phát hiện mình bị ung thư,tôi phải làm thế nào? 
     
    nbthuy911

      ThS.BS.Lê Tự Phương Chi: Chào bạn,
     
    Mục đích của việc tầm soát ung thư phụ khoa nhằm phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư. Điều trị những tổn thương tiền ung thư thường dễ dàng,ít tốn tiền, và có hiệu quả rất cao (#100%). Những tổn thương tiền ung thư nếu   không được phát hiện và điều trị, một thời gian sau, có thể vài năm hay vài tháng, sẽ chuyển qua giai đoạn ung thư thật sự. Điều trị ung thư, chắc bạn cũng đã nghe nói đến, rất tốn kém, tỷ lệ thành công không cao, tùy thuộc vào giai đoạn ung thư nữa. Với những lý do như vậy, việc tầm soát ung thư cần được thực hiện. Tuổi sinh sản được quy định từ 15 - 45 tuổi. Bạn đang ở trong nhóm tuổi này, việc tầm soát ung thư nên thực hiện 1lần/năm. Ung thư phụ khoa có rất nhiều loại như: ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vòi trứng, ung thư vú. Trong các loại ung thư trên, hiện nay, chỉ có ung thư cổ tử cung và ung thư vú có phương pháp tầm soát. Để tầm soát ung thư cổ tử cung, phụ nữ đã lập gia đình, hay có quan hệ tình dục, làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung hàng năm. Với ung thư vú, ngoài siêu âm vú, tầm soát ung thư vú bằng phương pháp chụp nhũ ảnh cho phụ nữ > 40   tuổi, mỗi 2 năm /lần. Tầm soát ung thư vú không thể làm bằng xét nghiệm máu. Một số phụ nữ, trong gia đình có chị em gái ruột hay mẹ ruột bị ung thư vú, nên làm thêm xét nghiệm gen BRCA1và BRCA2, 2 gen này có liên quan đến nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng. Nhưng hiện nay, chưa có nhiều nơi làm được vấn đề này. Ở Việt Nam, hiện nay, việc tầm soát ung thư CTC được thực hiện ở phụ nữ đã có quan hệ tình dục cho đến 70 tuổi.

    Kết quả tầm soát không thể khẳng định chắc chắn bạn bị ung thư. Kết quả tầm soát thường chỉ là gợi ý hay hướng đến   mà thôi. Khi có 1 kết quả tầm soát nghi ngờ, bạn sẽ được chuyển đến chuyên khoa để làm thêm xét nghiệm, thí dụ như sinh thiết mô, làm chẩn đoán mô học. Kết quả mô học mới là chắc chắn. Đây cũng là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán là ung thư. 

    Khi bạn có bệnh ung thư, bạn phải đến những cơ sở y tế chuyên điều trị ung thư để điều trị. Ung thư phụ khoa có rất nhiều loại và trong mỗi loại có rất nhiều dạng, do có nhiều loại tế bào khác nhau gây ra nhiều loại ung thư khác nhau. Do đó, trong phần giao lưu này chúng tôi không thể trả lời phần này được. 

    Nếu bạn đang mang thai mà phát hiện ra mình bị ung thư, vần đề điều trị ung thư còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi của bạn, có bao nhiều con rồi, thai kỳ đang ở giai đoạn nào, ung thư loại gì, ở giai đoạn nào, ý muốn của bạn và gia đình,..v..v., có rất nhiều điều để xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bác sĩ chuyên khoa ung thư và chuyên khoa sản sẽ giúp bạn và gia đình chọn lựa. 
     
    Chúc bạn khỏe mạnh.
     
    * Tôi năm nay 30 tuổi, đã có 1 con. Xin cho tôi hỏi cách phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung ở tuổi của tôi và hiện nay có thuốc ngừa căn bệnh này cho lứa tuổi của tôi không?

    thaonguyenla
     
    ThS.BS.Lê Tự Phương Chi: Chào bạn,
     
    Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa có thuốc ngừa bệnh ung thư CTC, mà chỉ có thuốc chủng ngừa HPV mà thôi. Mặc dù, ung thư CTC là do nhiễm HPV, nhưng nhiễm HPV chưa chắc đã mắc ung thư cổ tử cung. Thuốc chủng ngừa HPV chỉ sử dụng cho những phụ nữ từ 10 - 26 tuổi. Năm nay, bạn đã 30 tuổi rồi, bạn không đủ điều kiện để chích ngừa nữa, nhưng bạn còn phương pháp khác để ngăn ngừa ung thư CTC, đó là làm xét nghiệm tầm soát tế bào cổ tử cung hằng năm.
     
    Chúc bạn vui.  
     
    * Xin hai bác tư vấn giúp: Em được biết hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung công nghệ mới (LBC) hiệu quả hơn và chất lượng hơn so với phương pháp công nghệ cổ điển. Vậy cho em hỏi phương pháp LCB nào rẻ hơn mà hiệu quả? Chân thành Cảm ơn hai bác!
     
    chuhd2001
     
    ThS.BS.Lê Tự Phương Chi:Chào bạn,
     
    Phương pháp phết tế bào cổ tử cung bằng nhúng dịch (LBC) không phải có hiệu quả và chất lượng hơn hẳn phương   pháp cổ điển. Mỗi phương đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Phương pháp LBC này giúp tăng tỷ lệ chẩn đoán HSIL, tổn thương mức độ cao, nhưng rất mắc tiền, vì đòi hỏi đầu tư cơ sở vật chất cao cấp (trang thiết bị, hóa chất, đào tạo chuyên môn cao), nên chưa thể thực hiện đại trà tại Việt Nam được. Hiện nay, chưa có nơi nào thực hiện xét nghiệm này rẻ tiền hết.
     
    Chúc em khỏe.

    * Hệ thống tiếp nhận câu hỏi đã tạm ngưng hoạt động. Những câu hỏi chưa được phúc đáp sẽ được gửi vào email cá nhân. Cảm ơn qúi độc giả đã gửi thắc mắc.

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ