Giao lưu trực tuyến “Phòng tránh và điều trị bệnh phụ khoa” vào lúc 08g30, thứ năm, ngày 19/4/2012

    Bệnh phụ khoa là bệnh thường gặp ở phụ nữ mắc phải  ít nhất 1 lần trong cuộc sống. Đây là bệnh không chỉ gặp ở phụ nữ đã lập gia đình mà ngay cả những phụ nữ độc thân. Tuy bệnh phụ khoa không gây nguy hiểm tức thời nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hằng ngày và sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.

    Triệu chứng nhẹ ban đầu của bệnh là gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy. Với tâm lý chủ quan của phụ nữ nên việc điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu không được quan tâm nên khi bệnh diễn tiến nặng hơn thì mới đến gặp bác sĩ. Việc điều trị muộn hoặc không đúng cách sẽ khiến bệnh nặng hơn và khó điều trị,.. có thể dẫn đến vô sinh.

    Làm sao có thể giúp chị em phụ nữ phòng tránh, phát hiện và điều trị sớm bệnh phụ khoa? Website BV Từ Dũ tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến “Phòng tránh và điều trị bệnh phụ khoa” vào lúc 08g30, thứ năm, ngày 19/4/2012.

    Chương trình có sự tham gia của: 

    • BS. CKII. Nguyễn Thị Vĩnh Thành – Phó trưởng Khoa Khám bệnh
    •  
    • BS. CKII. Tô Thị Minh Nguyệt – Phó trưởng Khoa Khám bệnh


    * Xin chào bác sĩ
    Năm nay em 27 tuổi, Tháng trước em có kinh ngày 28/02, và đi khám phụ khoa ở Khoa sản BV DHYD thì cổ tử cung lộ tuyến nhẹ mép dưới, tử cung bình thường, siêu âm trắng đen: tư thế ngã sau, KT: 34mm, cấu trúc đều, nội  mạc: 5mm, lòng tử cung: không thấy bất thường, buồng trứng phải có nang noãn  KT=10x13mm; buồng trứng trái có nang noãn KT=7x11mm, cùng đồ sau có ít dịch, kết luận: TD noãn trội BT(P)

    Còn tháng này em có kinh ngày 28-03, hôm 09/04 em có đi khám và siêu âm canh noãn thì kết quả như sau: tử cung ngã sau, mật độ đều, NMTC: 0,7cm; 02FF: 02 có nhiều nang nhỏ, BT(P) d=3,4cm có dmax=1,7cm; BT(T) d=3,1cm có dmax=1,4cm; cùng đồ sau  không có dịch => KL: NANG NOÃN BT (P) + NANG NHỎ BT(T) / 02 BT DẠNG ĐA NANG  =>yêu cầu giao hợp 10/04; 11/04 đi siêu âm lại, em khám ở phòng mạch tư. Em thấy rất lo và hoang mang với kết quả trên, vì em được biết là bện buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến việc có con sau này, em thường ra kinh vào 28 hàng tháng, nhưng 3 ngày đầu kinh ra nhiều ngày thứ 4 thì không ra đến ngày thứ 5 thì ra lại 1 tí, khoảng ngày thứ 6, hay 7 thì mới hết hẵn

    Theo như kết quả trên thì khả năng thụ thai của em sẽ như thế nào, có ảnh hưởng gì không thưa bác sĩ, xin bác sĩ tư vấn giúp em, xin cảm ơn.

    trang118...@....

    BS.CKII. Nguyễn Thị Vĩnh Thành:
    Chào Trang,
    Theo những thông tin mà em cho biết thì em có chu kỳ kinh đều. Siêu âm tử cung và 2 buồng trứng, lượng kinh hàng tháng là bình thường nên em hoàn toàn có khả năng có con. Nếu thật sự em muốn có con thì em giao hợp bất kỳ ngày nào trong tháng. Trong trường hợp từ 3 đến 6 tháng không dùng bất cứ biện pháp ngừa thai nào, em vẫn không có thai tự nhiên được thì em cần được khám vợ và chồng tại khoa Hiếm muộn.
    Hình ảnh buồng trứng đa nang của siêu âm tháng 4 chưa khẳng định được bệnh lý của buồng trứng.
    Chúc em vui khỏe.

    * Chào bác sĩ. Tôi bị ngứa, rát, khí hư...đi khám ở BV Từ Dũ, bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm nấm âm đạo và cho thuốc điều trị. Tuy nhiên bệnh của tôi thường tái phát, ngắn thì khoảng 1 tháng, dài thì khoảng 3 tháng triệu chứng cũ sẽ xuất hiện lại. Tôi rất lo vì sợ nếu viêm nhiễm mà không được điều trị đúng sẽ dẫn tới vô sinh. Xin bác sĩ chỉ giúp tôi nên làm gì. Cảm ơn bác sĩ. 

    hoa_timth85...@...


    BS. CKII. Nguyễn Thị Vĩnh Thành

    BS.CKII. Nguyễn Thị Vĩnh Thành:
    Chào bạn,
    Nhiễm nấm âm đạo thường gặp nhất là Candida Albicans. Bệnh dễ điều trị, sau một đợt đặt  thuốc hoặc uống thì triệu chứng sẽ giảm. Nhưng vấn đề khó chịu là bệnh rất thường hay tái phát. Sau một đợt điều trị kháng sinh hoặc suy giảm sức đề kháng hoặc do đi xa không có điều kiện vệ sinh thì bệnh sẽ tái phát. Bạn nên khám đúng theo hẹn của bác sĩ để được khảo sát thêm những nguyên nhân gây tái phát như bệnh lý tiểu đường, suy giảm miễn dịch,…Khi tái phát cần điều trị cả cho người phối ngẫu. Nhiễm nấm Candida Albicans không phải là nguyên nhân thường gặp gây hiếm muộn. Vì vậy, bạn đừng quá lo lắng.

    * Bác sĩ cho em hỏi: Em đi khám phụ khoa bác sĩ chuẩn đoán là nhiễm nấm ở âm đạo, bác sĩ kê đơn thuốc VORMINO Fluconazole cho em 1viên và chồng em 1 viên. Bác sĩ cho em hỏi chồng em không biểu hiện nhiễm nấm không uống thuốc có được không? Nếu phải uống thuốc VORMINO Fluconazole nhưng chồng em bị viêm gan B có bị sao không bác sĩ?

    Bác sĩ ơi! Em thấy họ bảo nhiễm nấm khó chữa khỏi, em đang lo quá mà vợ chồng em cưới 4 tháng mà chưa thấy có em bé. Bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn.

     

    giacmo17...@ ...
     
    BS.CKII. Nguyễn Thị Vĩnh Thành: Chào bạn,
    Nhiễm nấm âm đạo thường gặp nhất là Candida Albicans. Bệnh dễ điều trị, sau một đợt đặt thuốc hoặc uống thì triệu chứng sẽ giảm. Bệnh thường dễ tái phát. Nhưng không phải là nguyên nhân thường gặp gây hiếm muộn. Khi tái phát, cần điều trị cả vợ và chồng. Trong trường hợp từ 3 đến 6 tháng không dùng bất cứ biện pháp ngừa thai nào, em vẫn không có thai tự nhiên được thì vợ chồng em cần được khám và tư vấn tại khoa Hiếm muộn. Chồng em nên được khảo sát chức năng gan.

    * Kính chào bác sĩ! Tôi ở Phú Yên. Tôi đang mang thai lần thứ 2 được 8 tuần. Bé đầu của tôi được 6 tuổi bị điếc bẩm sinh. Trước đây mang thai đứa đầu tôi vẫn khám thai tại quê định kỳ và kết quả bình thường đến lúc sinh. Lần này ngoài khám thai vào các tuần 12, 22 và 32 tôi có nên làm xét nghiệm gì thêm không? Vào tuần thứ mấy của thai để loại trừ một số trường hợp thai bất thường cao? Tôi rất mong có đứa con bình thường khỏe mạnh. Mong bác sĩ giúp tôi phải làm như thế nào ?

    hqviet....@.....


    BS.CKII. Nguyễn Thị Vĩnh Thành:
    Chào chị,
    Tôi không biết chị bao nhiêu tuổi và cũng không rõ nguyên nhân tại sao bé đầu bị điếc bẩm sinh.
    Chị nên được khảo sát Rubella, xem chị đã có kháng thể hay chưa.
    Hiện nay, thai chị đã được 8 tuần, trước tiên chị cần khám lúc thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày, để siêu âm đo độ mờ da gáy và làm các xét nghiệm sinh hóa máu, khảo sát bất thường nhiễm sắc thể tam bội 13, 18, 21. Tùy theo kết quả này chị sẽ được tư vấn có cần sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối hay không. Chị nên đến những cơ sở y tế có những phương tiện kỹ thuật này để khám.

     - 3 tháng giữa (tính từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày): 1 tháng khám 1 lần

    Giai đoạn này chị sẽ được siêu âm hình thái học 3D hoặc 4D ở tuần thai 20-25 tuần và tầm soát đái tháo đường thai kỳ ở tuần thai 26 -28.

    - 3 tháng cuối (tính từ tuần 29 đến tuần 40) tái khám

    • Tuần 29-30: khám 1 lần
    • Tuần 33 - 35: 2 tuần khám 1 lần
    • Tuần 36 - 40: 1 tuần khám 1 lần

      Ở giai đoạn này, chị sẽ được siêu âm tối thiểu 1 lần ở thai 32 tuần để xác định ngôi thai, lượng ối, vị trí nhau bám, đánh giá sự phát triển thai nhi. Có thể lặp lại siêu âm khi bác sĩ nghi ngờ thai chậm tăng trưởng. Chị sẽ được thử nước tiểu và đo huyết áp ở mỗi lần khám thai.

    Chúc chị có một thai kỳ khỏe mạnh.

    * Chào bác sĩ, con lập gia đình hồi tháng 07/2011, từ khi lập gia đình đến nay, con bị nhiễm nấm và tái đi tái lại nhiều lần, đã điều trị tại bệnh viên Đồng Nai 4 tháng nhưng vẫn không khỏi. Khi điều trị tại bệnh viện, bác sĩ kê đơn cho thuốc uống và đặt thuốc kèm rửa vệ sinh bằng nước phụ khoa. Trong đợt điều trị này con cũng đã thay hết quần lót mới, phơi quần ngoài nắng, làm đúng theo lời bác sĩ dặn. Tại đây bác sĩ cũng đã cho xét nghiệm tiểu đường, kết quả âm tính. Nhưng không biết tại sao điều trị hoài vẫn không hết. Sau đó con có đi điều trị bên ngoài 1 tháng, lúc đầu thấy đỡ, nhưng tháng sau sạch kinh lại bị lại. Tháng trước con có xuống Từ Dũ khám, bác sĩ cho siêu âm, xét nghiệm nấm xong kê đơn uống thuốc 1 viên fluconazole 150mg và 3 gói Natri Bicarbonate rửa vệ sinh. Về nhà con đã thay hết quần lót mới, nhưng tình trạng vẫn không cải thiện, mỗi lần đi vệ sinh con vẫn thấy ra chất đục màu trắng và vẫn thường bị đau bụng dưới như những lần trước. Bác sĩ ơi, con hoang moang lắm, năm nay con 27 tuổi rồi, vợ chồng con đang rất mong có con, nhưng con lại cứ bị nhiễm nấm tái đi tái lại nhiều lần, không biết khi nào mới chữa hết để có thể mang thai nữa. Rất mong bác sĩ trả lời giúp con, con phải làm gì để không bị nhiễm nấm nữa, điều trị hoài không hết làm con thấy hoang mang, buồn lắm. Không ít lần con ở nhà một mình, suy nghĩ  lung tung lại ngồi khóc. Rất mong bác sĩ trả lời cho con, cám ơn bác sĩ và chúc bác sĩ dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, bình an.

    troimuathu200...@..


    BS. CKII. Tô Thị Minh Nguyệt

    BS. CKII. Tô Thị Minh Nguyệt: Chào em! Tôi chia xẻ với em với em về những lo lắng trên. Theo trình bày của em, em có thể bị nhiễm nấm tái phát và các bác sĩ đã kiểm tra các yếu tố nguy cơ có thể dễ đưa đến nhiễm nấm tái phát (tiểu đường) rất may là em không bị, tuy nhiên do nấm sống ký sinh bình thường môi trường âm đạo và không gây bệnh, nấm sẽ gây bệnh khi môi trường âm đạo thay đổi như bị cảm cúm, điều trị kháng sinh, ẩm ướt cũng như nguồn nước rửa vệ sinh nhiễm phèn, do đó ngoài việc điều trị thuốc thì em cũng nên lưu ý kiểm soát những yếu tố kể trên để phòng tránh không xảy ra nhiễm nấm tái phát. Khi đi khám lại, em nên mang theo tất cả hồ sơ để các bác sĩ chẩn đoán lại xem có phải bị nấm tái phát thực sự không vì nếu bị nấm tái phát, em sẽ được điều trị theo phác đồ và thời gian điều trị sẽ dài hơn. Một lần nữa tôi muốn nói với em, nhiễm nấm không phải là một bệnh trầm trọng nên em đừng hoang mang, ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên do nấm dễ tái phát nên sau khi điều trị ổn, việc duy trì tránh bị tái phát em cần lưu ý (không lạm dụng kháng sinh, giữ âm đạo luôn khô thoáng v.v..). Theo thống kê trên thế giới 70% phụ nữ bị nhiễm nấm trong suốt cuộc đời và 50% trong số họ có tái phát, em thấy không tình trạng của em đâu phải là ngoại lệ . Chúc em an tâm điều trị, khỏe để mang thai   


    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ