Bài cảm nhận về chuyến đi “Về nguồn” thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Long An
Tp.HCM, ngày 26/07/2014
NHS. Trần Thị Bích Phượng
Khoa CCCĐ – BV Từ Dũ
Cách thành phố Hồ Chí Minh 30 km, theo QL1A hoặc đi theo đường gom tuyến cao tốc Sài Gòn – Trung Lương qua Hương lộ 8 vào thị trấn Bến Lức, tới địa phận tỉnh Long An đi qua cây cầu Bến Lức. Đến ngã tư Nhật Chánh quẹo tay phải đi thêm 12km là khu Di tích Vàm Nhật Tảo nơi lưu giữ chiến công hiển hách với thực dân Pháp của người Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân cách đây hơn thế kỷ, trên chính quê hương của mình, nay là xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Quần thể kiến trúc Khu di tích được tỉnh Long An xây dựng và khánh thành vào ngày 14 tháng 10 năm 2010 để tôn vinh Người có công với nước, và bên cạnh là ngôi đền thờ nằm khiêm nhường và trầm mặc, âm thầm gìn giữ những ký ức hùng tráng của người anh hùng và nghĩa quân. Ngay trước điện được viết lên 2 câu thơ nổi tiếng nói lên chiến tích của ông :
“Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa,
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.”
(Điếu Nguyễn Lịch – Huỳnh Mẫn Đạt)
Khu di tích mới xây dựng với khuôn viên rộng 6,1 ha nằm bên cạnh vàm Nhật Tảo - nơi có con tàu Pháp bị đốt cháy của con sông Vàm Cỏ Đông, khuôn viên gồm 1 cổng chính, 1 cổng phụ, phía trong được chia làm 4 Khu biệt lập và tượng đài, điểm nhấn chính là đền Tưởng niệm và 2 bên tả hữu là nhà văn bia và nhà trưng bày nối liền với nhau bằng những lối đi rộng với nhiều loại cây cảnh bonsai tạo thành những điểm nhấn chính trang trọng, uy nghiêm bên cạnh dòng sông thơ mộng mà cách đây 153 năm máu của nghĩa quân và lính Mã tà đã nhuốm đỏ cả một vùng cùng với khói lửa ngút trời như thiêu đốt, nhấn chìm tội ác của thực dân Pháp đô hộ.
Đến với Đền Thần Nguyễn Trung Trực ,tôi được chị hướng dẫn viên giới thiệu rõ hơn về ông. Nguyễn Trung Trực xuất thân từ dân chài, giỏi võ, can đảm, có tinh thần yêu nước nồng nàn, ông chiến đấu dưới quyền Trương Định. Được sự giúp đỡ của dân làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực cùng 59 nghĩa quân đã tấn công, đánh chìm tiểu hạm L’Esperance trên sông Nhựt Tảo.
Sau một thời gian theo dõi về quy luật bố phòng, canh gác và hoạt động của địch trên tiểu hạm L’Esperance (Hy vọng), sáng ngày 10-12-1861, Nguyễn Trung Trực cùng với nghĩa quân đã nghi binh đốt cháy tiểu hạm cùng 17 tên lính Pháp và lính Maní của thực dân Pháp. Cùng lúc ấy, nhóm lính Pháp đóng ở bờ sông cũng bị nghĩa quân và nhân dân làng Nhựt Tảo tiêu diệt.
Theo tác phẩm Abrégédel’histoire D’An Nam của Alfred Schreiner thì trận Nhựt Tảo là khúc dạo đầu cho cuộc tổng công kích hầu như toàn bộ các đồn của Pháp… Là biến cố bi thảm đã gây nên một nỗi xúc động sâu sắc nơi người Pháp và kích thích một cách lạ lùng ý chí đấu tranh của người An Nam.
Dưới sự tác động của thiên nhiên và con người hơn một thế kỷ qua, di tích vàm Nhựt Tảo ngày nay đã có sự thay đổi nhất định so với thời điểm xảy ra trận đánh ngày 10/12/1861. Tuy nhiên những gì còn hiện hữu ở vàm Nhựt Tảo cũng đã minh chứng tài năng quân sự của Nguyễn Trung Trực - người đầu tiên duy nhất đánh chìm được một tiểu hạm trong cuộc kháng chiến chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Tàu L'Espérance sau gần 120 năm nằm yên dưới đáy sông sâu đã được khai quật. Tổng số hiện vật thu được là 89, trong đó có 78 hiện vật gỗ, 8 hiện vật sắt, 2 hiện vật đồng và 1 hiện vật thủy tinh.
Từ trận Nhật Tảo và chiến công chiếm đồn Rạch Giá vào đêm 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực đã trở thành người anh hùng, danh nhân của dân tộc. Sau khi Pháp tái chiếm Kiên Giang, ông cùng nghĩa quân ra đảo Phú Quốc tiếp tục kháng chiến. Lực lượng của ông hao mòn dần sau nhiều trận chiến không cân sức. Để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ, ông một mình ra mặt để Pháp bắt. Không lay chuyển được lòng dạ sắt son của ông, thực dân Pháp đem ông về Rạch Giá – Kiên Giang xử chém.
Hình ảnh làm tôi ấn tượng sâu sắc và xúc động nhất là bức tranh vẽ cảnh Nguyễn Trung Trực hiên ngang giữa pháp trường: chân đi trên chiếu hoa, đầu ngẩng nhìn trời (không thấy ghi tên họa sĩ). Cùng đồng bào tỉnh nhà đã tề tựu đông đảo để chứng kiến giờ phút vĩnh biệt của người anh hùng. Cảm động nhất là bà con từ Tà Niên -- nơi nổi tiếng về nghề dệt chiếu -- đã mang tới những chiếc chiếu hoa có chữ “ THỌ “ trải suốt dọc đường người “vị quốc vong thân”, để nói lên người anh hùng ấy vẫn sống mãi trong tim mọi người. Quân đao phủ hôm ấy là một người Cao Miên, thường được dân Việt gọi là ”bòn” Tưa, hắn quỳ lạy trước khi hành quyết ông. Và trước khi hy sinh, Nguyễn Trung Trực đã để lại cho đời câu nói bất hủ:
“Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây.”
Chuyến Về nguồn giúp cho các tôi có điều kiện hiểu rõ thêm tinh thần quật khởi trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đặc biệt là chiến công oanh liệt của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Nó còn nhằm ôn lại lịch sử truyền thống Long An “trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”; Tạo sự đoàn kết, gắn bó, trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các bạn ĐVTN. Chuyến đi đã để lại một dấu ấn khó quên đối với tôi các bạn ĐVTN khác
Cảm ơn biết bao chuyến đi này. Nó đã giúp tôi có thêm hiểu biết về vị anh hùng anh tộc Nguyễn Trung Trực và cho tôi biết những hi sinh to lớn của những thương binh liệt sĩ, để từ đó biết ơn những gì họ đã đóng góp cho đất nước mà giữ gìn và trân trọng nó .