10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

Bị huyết trắng trong suốt thai kỳ

Hỏi - 15/08/2015

Kính gửi: Bác sĩ bệnh viện Từ Dũ! Trước đây từ lúc mới dậy thì em thường bị huyết trắng (ra rất nhiều, có dịch nhầy trong suốt, không ngứa) nhưng đi khám thì bệnh viện nói là bình thường. Sau này em vẫn hay bị huyết trắng và cũng đã điều trị thường xuyên ở bệnh viện Da Liễu, bệnh viện Từ Dũ, cứ 1 năm là em phải đi bệnh viện 1 hoặc 2 lần để trị huyết trắng, mỗi lần đi bệnh viện khám và xét nghiệm, kể cả phếch tế bào ung thư cổ tử cung thì em cũng đã làm 2 lần, kết quả em chỉ bị viêm và bác sĩ cho em thuốc uống, thuốc đặt rồi hết.

Trước khi có thai em cũng đi tái khám định kỳ (1 năm 2 lần), bắt đầu có thai thì em lại bị huyết trắng thường xuyên hơn. Lần khám thai đầu tiên ở bệnh viện Từ Dũ em có nói với bác sĩ khám là bị huyết trắng, bác sĩ khám cho em xong rồi chỉ kê cho em thuốc rửa thôi, mõi lần khám thai theo lịch hẹn sau lần nào em cũng nói là vẫn còn bị huyết trắng, bác sĩ hỏi em có ngứa không, thì em nói là ít khi ngứa, và bác sĩ không khám dưới cho em và nói là chưa thể đặt thuốc, chỉ rửa bằng dung dịch thôi, đợi thai lớn rồi mới đặt thuốc được.

Hiện tại em mang thai được 29 tuần, em thường ra huyết trắng vào buổi sáng tới trưa là hết nên ngày nào em cũng mang băng hằng ngày (sáng mang, trưa tháo ra), quần lót thì ngày em thay 2 cái, mỗi lần giặt đồ em điều giặt quần lót riêng và có trụng nước sôi, huyết trắng ướt có dạng nước như sữa đặc khi dính vào quần thì ngã màu vàng, không có mùi hôi, thỉnh thoảng thì có ngứa (ít ngứa), mỗi lần ngứa em pha nước muối rửa là hết.

Vậy bác sĩ cho em hỏi em bị huyết trắng như vậy có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi không? Và cho em hỏi khi nào thì bác sĩ bệnh viện Từ Dũ mới kê cho em thuốc để điều trị huyết trắng? Em nên nói thế nào để bác sĩ khám dưới cho em? Em thành thật cảm ơn!

Trả lời

Chào em,

Dịch tiết âm đạo mà ta thường quen gọi là huyết trắng có nhiều nguyên nhân, dịch tiết có thể là sinh lý (trắng trong, không mùi, không ngứa rát) hoặc bệnh lý (đục, hôi, ngứa rát). Nếu là dịch tiết sinh lý thì không điều trị, chỉ điều trị nếu là bệnh lý và điều trị theo nguyên nhân gây bệnh, nếu có thai thì còn vào tuổi thai vì có những thuốc ảnh hưởng đến thai khi sử dụng. Trường hợp của em có thể em có tiết dịch âm đạo nhiều (có thai thường tiết dịch nhiều hơn vì ảnh hưởng nội tiết thai kỳ) nhưng là dịch tiết sinh lý, không phải viêm nhiễm nên các bác sĩ không điều trị. Lần khám sau em trình bày các triệu chứng để các bác sĩ khám và lấy dịch âm đạo làm xét nghiệm xem có viêm nhiễm không.

Thân mến,

BS. CKII. Tô Thị Minh Nguyệt
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ