10531975banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg
10435503banner-dh-vuot-can-cung-me-01.jpg

Mang thai bị cao huyết áp

Hỏi - 03/03/2021

Xin chào các bác sĩ. Em năm nay 28 tuổi đang bầu bé thứ 2 được 20 tuần. Em có tiền sử bị cao huyết áp và đã chấm dứt thai kì khi bầu bé đầu được 26 tuần vì tiền sản giật nặng vào năm 2019. Hiện giờ em đang uống thuốc hạ huyết áp của bệnh viện Chợ Rẫy, và huyết áp của em bình thường. Tuy nhiên khi đi tiểu em để ý lâu lâu nước tiểu của em có váng và bọt nước tiểu tan chậm. Vì lúc bầu bé đầu bọt nước tiểu của em không tan. Vậy các bác sĩ cho em hỏi, đây có phải là dấu hiệu của tiền sản giật không ạ, và có nguy hiểm cho cả mẹ và bé không ạ?

Trả lời

Chào em!

Em đã có tiền căn thai kỳ trước bị tiền sản giật nặng và hiện tại em đang điều trị bệnh lý tăng huyết áp, do đó, thai kỳ của em thuộc nhóm thai kỳ nguy cơ cao cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở sản khoa lớn như bệnh viện Từ Dũ. Bên cạnh lịch khám thai định kỳ theo hẹn, khi cảm thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường em nên đi khám ngay.

Để biết tình trạng tăng huyết áp có diễn tiến thành tiền sản giật hay không, bác sĩ cần khám các cơ quan, xét nghiệm định lượng đạm trong nước tiểu và một số xét nghiệm máu cần thiết. Do đó, em cần đến bệnh viện khám để bác sĩ kiểm tra.

Khi có đạm trong nước tiểu, nước tiểu có thể xuất hiện nhiều bọt hơn bình thường. Tuy nhiên, dấu hiệu bọt trong nước tiểu là một đánh giá chủ quan và không có ý nghĩa chẩn đoán cũng như tiên lượng mức độ nặng của bệnh.

Tuy vậy, em nên theo dõi huyết áp hàng ngày bằng máy đo cầm tay. Khi có dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt, nhìn mờ hoặc HA>140/90 là lúc em nên đến BV kiểm tra lại.

Thân mến!

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

 

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ