Chào Ban!
Cám ơn Bạn đã đạt câu hỏi cho diễn đàn.
Bạn sinh mổ lần 1 năm 2014, lần có thai này của Bạn dự sinh khoảng tháng 5 năm 2018. Bạn không trình bày lý do mổ của lần mang thai đầu, nếu lần đầu Bạn sinh mổ vì lý do là khung chậu hẹp, đây là lý do mổ tồn tại, thì lần sinh thứ hai Bạn cũng sẽ sinh mổ chủ động. Nếu mổ vì lý do khác, lần sanh sau khi có đủ điều kiện chuyên môn, Bạn có thể sinh thường.
Bạn nên tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, tháng thứ 9 của thai kỳ Bạn sẽ được hẹn khám thường xuyên hơn. Nếu không có dấu hiệu gì bất thường, khi thai được 39 tuần 3 ngày, Bạn sẽ được nhập viện, để làm một số xét nghiệm.
Ngoài ra Bạn nên chú ý các dấu hiệu căng tức khó chịu, đau vết mổ cũ: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói. Khi có các dấu hiệu này Bạn phải đến ngay bệnh viện có khoa sản gần nhất.
Bệnh viện Từ Dũ có thực hiện da kề da sau sanh, sau mổ lấy thai khi mẹ và bé khỏe, có đủ điều kiện để thực hiện da kề da.
Chúc Bạn có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.
CNHS. Lý Bạch Thu Nga
P. Điều dưỡng
Em Quyết thân mến.
Con em hiện cân nặng và chiều cao như trên là quá đủ rồi, nên em không cần lo lắng về suy dinh dưỡng. Tuy nhiên bé tăng trưởng quá nhanh thì nhu cầu sử dụng các chất dinh dưỡng cũng tăng, đặc biệt là sắt, kẽm, Vitamin D, A. canxi, I ốt nên việc Bs bổ sung thêm kẽm là hoàn toàn phù hợp em yên tâm sử dụng nhé.
Chúc em nuôi con khỏe dạy con ngoan.
BS. Võ Thị Đem
Khoa Dinh Dưỡng, Tiết Chế
Em Hồng Dung thân mến.
Bé con em nếu ban đêm ngủ nhiều hơn ban ngày là tốt, thường trẻ mới sinh vài tháng đầu bé ngủ khoảng hơn 16-17 giờ/ ngày. khi trẻ lớn thời gian ngủ sẽ ngắn hơn do trẻ phải giao tiếp môi trường bên ngoài, trẻ cũng ham chơi và muốn khám phá môi trường xung quanh, khi trẻ ăn không tiêu, hoặc môi trường bên ngoài thay đổi bé cũng sẽ ngủ ít hơn. Khi khám sức khỏe định kỳ bs sẽ theo dõi tăng cân, vận động, khả năng phát triển trí não của trẻ , bs thường cho trẻ bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ để bù lượng hao hụt do trẻ tăng nhu cầu. Em tiếp tục duy trì sữa mẹ nhé đây là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, đặc biệt sữa mẹ có đầy dủ các dưỡng chất và cân đồi không có sữa công thức nào thay thế được.
Chúc em khỏe
BS. Võ Thị Đem
Khoa Dinh Dưỡng, Tiết Chế
Chào Trâm,
Trong tháng, thông thường bé đi ngoài rất nhiều, thậm chí ngay sau khi bú xong là bé đi ngoài ngay. Khi ra tháng thì bé đi ít hơn, thâm chí 2-3 ngày bé mới đi một lần, lý do là lượng sữa bé bú chưa đủ để tạo thành phân. Em không nên thụt để cho bé đi ngoài làm như vậy sẽ tạo thành một thói quen không tốt cho bé. Nếu uống sữa ngoài mà bé bị bón thì em đổi sữa khác phù hợp với bé. Nếu uống sữa mẹ mà bé bị bón thì em tăng cường ăn rau, trái cây.
BS. Võ Thị Đem
Khoa Dinh Dưỡng, Tiết Chế
Em Đạo thân mến.
Bé mới sinh môi trường bên ngoài không ấm áp như trong bụng mẹ, hệ thần kinh chưa ổn định, bé chưa quen môi trường bên ngoài nên thường khó ngủ, thức đêm, giật mình khi nghe tiếng động. Em yên tâm khi bé lớn rồi sẽ ổn định dần.
BS. Võ Thị Đem
Khoa Dinh Dưỡng, Tiết Chế
Chào Thảo Nguyên,
Cân nặng của bé là rất tốt, bé phát triển bình thường. Em nên tập cho bé bú đúng giờ, 3 tiếng bú một lần, để tập phản xạ có điều kiện cho dịch dạ dày của bé tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Bé bị nôn trớ thì em nên cho bé bú ít, bú theo nhu cầu của bé. Nếu đã bú ít mà vẫn còn nôn trớ thì em nên cho bé đi bác sĩ nhi để bổ sung thêm kẽm.
BS. Võ Thị Đem
Khoa Dinh Dưỡng, Tiết Chế
Chào Thư,
Cân nặng của bé như vậy là rất tốt, bé phát triển bình thường, không bị suy dinh dưỡng. Em yên tâm.
BS. Võ Thị Đem
Khoa Dinh Dưỡng, Tiết Chế
Chào bạn
Em nên cho bé đi khám để xác định bé đang bệnh gì, không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của Bác sĩ sẽ dễ gây những ảnh hưởng phụ không mong muốn cho bé.
Thân mến,
Ds. Đặng Thị Thuận Thảo
Khoa Dược, Bệnh viện Từ Dũ
Chào Dung,
Nên cho bé bú sữa mẹ vì sữa mẹ có đầy đủ chất dinh dưỡng, kháng thể và ổn định hệ tiêu hóa cho bé. Nếu mẹ thiếu sữa mà cần bổ sung thêm sữa ngoài, em nên lựa chọn những nhãn hiệu có uy tín. Bé đi cầu 2-3 ngày/ 1 lần là bình thường. Em cứ yên tâm
BS. Võ Thị Đem
Khoa Dinh Dưỡng, Tiết Chế
Chào Lan,
Nếu bé đi ị ra máu, em nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám và tư vấn thêm
BS. Võ Thị Đem
Khoa Dinh Dưỡng, Tiết Chế
Chào Quang,
Em đưa thiếu dữ kiện như bé sinh ra được bao nhiêu kg, 4 tháng bé tăng bao nhiêu kg. Nếu bé bú đủ thì bé sẽ ngủ trung bình khoảng 3h, nước tiểu bé vàng trong, còn nếu màu vàng đục và ngủ thao thức thì chứng tỏ bé không ngủ đủ. Nếu 4 tháng bé vẫn tăng cân tốt, thì bình thường do khi bé bú bé đã hấp thu tốt các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ. Còn nếu bé không tăng cân thì phải đưa đến bác sĩ chuyên khoa nhi để được tư vấn thêm.
BS. Võ Thị Đem
Khoa Dinh Dưỡng, Tiết Chế
Chào em,
Nếu trẻ thiếu sắt, thời gian đầu khó nhận biết nhưng sau 1 thời gian lượng sắt trong cơ thể suy giảm sẽ dẫn đến thiếu máu. Tới giai đoạn này, cha mẹ sẽ nhận thấy con mình có những biểu hiện sau đây:
- Trẻ kém hoạt bát nô đùa, hay cáu gắt và quấy
- Trẻ gầy và chậm tăng cân hoặc không tăng cân
- Chậm biết đứng, biết đi…Tóc thưa, dễ rụng, da xanh
- Nhịp tim nhanh
- Yếu và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường như trên, em nên đưa bé đến những cơ sở y tế uy tín để khám dinh dưỡng tổng thể cho bé để biết được nguyên nhân chính xác. Khi xét nghiệm máu và phân tích các thành phần trong máu sẽ cho ra những kết luận đúng đắn nhất. Nếu kết quả là trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp với thể trạng của bé. Em không nên tự ý mua thuốc cho bé uống. Ngoài việc uống thuốc bổ sắt bổ máu theo chỉ định của bác sĩ, em có thể cho bé dùng những thực phẩm giàu chất sắt như: Cải bó xôi, rau cải xoăn, xúp lơ, khoai tây, cải xoong, đậu hà lan , ngũ cốc, lúa mạch, yến mạch
Trái cây – Hoa quả chứa nhiều sắt bao gồm: Dưa hấu, dâu tây, quả chà là nho, đu đủ, chuối
Thịt chứa nhiều sắt bao gồm: Lòng đỏ trứng, gan lợn, thịt nạc, thịt bò, cá, động vật thân mềm như sò, nghêu, trai, ốc, hến…. Thịt đùi động vật chứa nhiều sắt hơn thịt ở lườn.