banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Tránh thai sau sanh mổ

Hỏi - 08/04/2014
Chào bác sĩ, nhà em sanh mổ, bé nay đã gần 4 tháng. sau sinh, sản dịch ra gần 2 tháng mới sạch sẽ, sau đó khoảng hơn 1 tuần thì ra 1 - 2 ngày là hết. Vợ em nói là kinh non. Lúc mới sanh dưới 2 tháng bé nhà em bú bình và bú sữa mẹ em, do vợ em căng thẳng vì con quấy khóc nên ít sữa, nhưng sau đó là bú mẹ hoàn toàn, bú cả ngày lẫn đêm. Hiện vợ em chưa có kinh lại. Thời gian gần đây, 2 vợ chồng có quan hệ. Em không biết là biện pháp cho bú vô kinh trong trường hợp của vợ em có an toàn không? Sắp tới vợ em đi làm lại nên không thể cho con bú hoàn toàn được, cô ấy muốn đi cấy que tránh thai, nhưng em đọc thông tin về biện pháp này thì biết sẽ rong kinh thời gian đầu và 1 năm sau thì vô kinh. Em không biết như thế có tốt cho sức khỏe của vợ không? Vô kinh như thế nghĩa là buồng trứng không hoạt động hay sao? Biện pháp này nói sẽ dễ có thai lại sau khi lấy que ra, nhưng em sợ do dù gì cũng là dùng thuốc nên lỡ mà không có thai nữa thì... do nhà em mới có 1 bé thôi. Xin bác sĩ tư vấn dùm em biện pháp nào là an toàn trong trường hợp hiện nay của em? Xin cảm ơn bác sĩ!
Trả lời
Chào em !
Trường hợp sản phụ cho con bú hoàn toàn cả ngày lẫn đêm, vô kinh, trong sáu tháng đầu sau sinh thì khả năng ngừa thai là 98%. 
Phương pháp que cấy tránh thai  là biện pháp an toàn, hiệu quả và phục hồi tốt.  Đây là một loại ngừa thai nội tiết do đó có thể có tác dụng phụ là làm thay đổi chu kỳ kinh, có thể ra huyết bất thường, rong kinh, hoặc vô kinh... Trong các tác dung phụ đó, có lẽ vô kinh là " dễ chịu " nhất đấy em a.  !! Các tác dụng phụ có thể gây khó chịu nhưng không ảnh hưởng đến việc có thai sau khi ngừng biện pháp, cũng như không ảnh hưởng đến sức khoẻ của người sử dụng .
Tuy nhiên không có biện pháp tránh thai nào là tuyệt đối hoàn hảo cả. Mỗi loại sẽ có những thuận lợi và khó khăn riêng . Nên chọn loại phù hợp với tình trạng sức khoẻ, điều kiện kinh tế, thói quen sinh hoạt...thì mới có thể sử dụng lâu dài .
Do đó khi chọn một biện pháp tránh thai cần cân nhắc ưu và khuyết điểm của từng phương pháp, đôi khi cũng cần phải chấp nhận một số khuyết điểm nhỏ của nó .
Chúc các em chọn được biện pháp phù hợp .
Thân mến,
BS. CK2. Nguyễn Thị Kim Hoàng
Khoa Kế hoạch gia đình - BV Từ Dũ