banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

04/09/2020

Liệu có ngưỡng caffein nào an toàn cho thai kỳ

Hình minh họa - Nguồn internet

Trong cuộc sống ngày càng bận rộn như hiện nay, caffeine là một chất được đa số người lớn sử dụng hàng ngày theo thói quen, không ngoại trừ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Nó là một chất kích thích khiến người dùng cảm thấy hưng phấn và tỉnh táo hơn. Trong bối cảnh người phụ nữ ngày càng độc lập và tự chủ, dưới áp lực cuộc sống, họ cũng gặp phải các vấn đề liên quan đến sử dụng caffeine.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học nghiên cứu tác động của caffeine lên sức khoẻ của con người, đặc biệt là phụ nữ có thai.

Hình minh họa - Nguồn internet

Các hiểu biết về dược lý của caffeine cho thấy nguy cơ gây hại cho thai nhi. Khi được tiêu thụ trong thời kỳ mang thai, caffeine dễ dàng đi qua nhau thai, khiến thai nhi tiếp xúc với nồng độ tương tự như nồng độ trong máu mẹ. Sự thanh thải caffeine của thai nhi phụ thuộc vào sự trao đổi chất của mẹ, tốc độ này thay đổi trong thai kỳ. Thời gian bán hủy của caffeine tăng từ 5 giờ (tỷ lệ thông thường của người lớn) trong tam cá nguyệt đầu lên khoảng 18 giờ vào tuần thứ 38 của thai kỳ. Caffeine tác động làm duy trì sự phóng thích các chất dẫn truyền thần kinh trung ương, co thắt mạch máu não và mạch vành, lợi tiểu, giãn phế quản đường hô hấp và tăng tiết acid đường tiêu hóa. Caffeine kích thích bài tiết các hormone catecholamine như epinephrine và norepinephrine. Theo đó, mức catecholamine tăng cao có khả năng làm tăng co thắt các mạch máu bánh nhau và tăng nhịp tim thai dẫn đến giảm oxy máu thai nhi.

Hơn nữa, tiêu thụ caffein theo thói quen dẫn đến sự lệ thuộc về thể chất, được biểu hiện bởi các tác động lên hành vi, sinh lý chủ quan khi cai nghiện (hội chứng cai caffeine). Đau đầu, buồn ngủ, uể oải là các triệu chứng phổ biến có thể xảy ra sau khi ngừng uống theo thói quen ít nhất là 100mg caffeine (1 cốc cà phê hoà tan) mỗi ngày hoặc ít hơn. Dựa trên các tiêu chí của Cẩm nang thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần (DSM-V) caffeine được dán nhãn là “thuốc gây nghiện”. Thật vậy, trẻ sơ sinh của các bà mẹ sử dụng caffeine đã được báo cáo gặp phải các triệu chứng cai caffeine bao gồm giấc ngủ bị xáo trộn, nôn mửa, tăng nhịp tim và hô hấp không đều, và gia tăng các cơn run tương tự như hội chứng cai nghiện ma túy ở trẻ sơ sinh. Năm 1980, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra một cảnh báo khuyên phụ nữ mang thai hạn chế tiêu thụ caffeine từ những phát hiện về tác dụng gây quái thai do caffeine gây ra ở loài gặm nhấm.

Do đó, cần có những bằng chứng xác thực về tác hại tiềm ẩn liên quan đến caffeine để đưa ra lời khuyên thích hợp cho phụ nữ về việc sử dụng caffeine.

Giáo sư Jack E.James, đại học Reykjavik, Iceland đã thực hiện một đánh giá tổng quan dựa trên 37 nghiên cứu quan sát và 17 phân tích tổng hợp được công bố trong hai thập kỷ gần đây, báo cáo kết quả về mối liên quan giữa caffeine với một trong sáu kết cục xấu của thai kỳ và trẻ sơ sinh: sẩy thai, thai chết lưu, trẻ sơ sinh nhẹ cân và/hoặc nhỏ so với tuổi thai, sinh non, bệnh bạch cầu cấp tính ở trẻ em và thừa cân béo phì ở trẻ em. Tác giả cho biết, mục đích của nghiên cứu là xem xét các bằng chứng hiện tại về kết cục thai kỳ liên quan đến caffeine nhằm xác định xem liệu có cơ sở để đưa ra “mức tiêu thụ an toàn” cho phụ nữ mang thai.

Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đã phân tích 5 nghiên cứu lớn liên quan để đưa ra kết luận rằng tiêu thụ caffeine ở mức độ vừa phải (ít hơn 200mg/ngày) không làm tăng nguy cơ sảy thai và sinh non. Chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên quan giữa caffeine và thai hạn chế tăng trưởng trong tử cung. Một số tổ chức chuyên nghiệp khác, bao gồm NHS của vương quốc Anh và Cơ quan an toàn thực phẩm Châu Âu cũng đặt “mức an toàn” này ở mức 200mg caffeine, xấp xỉ hai tách cà phê nồng độ vừa phải mỗi ngày.

Hình minh họa - Nguồn internet

Tuy nhiên, giờ đây, báo cáo của giáo sư Jack James kết luận rằng "không có mức tiêu thụ an toàn". Kết quả phân tích của ông cho thấy trong số 42 bằng chứng riêng biệt được báo cáo trong 37 nghiên cứu quan sát, 32 bằng chứng cho thấy tăng đáng kể nguy cơ kết cục thai kỳ bất lợi liên quan đến caffeine và 10 bằng chứng còn lại gợi ý không có liên quan hoặc có mối liên quan không chắc chắn. 14 trong số 17 phân tích tổng hợp đã đánh giá việc tiêu thụ caffeine của người mẹ có liên quan đến tăng nguy cơ gặp phải 4 kết cục bất lợi: sẩy thai, thai chết lưu, trẻ nhẹ cân và/hoặc nhỏ so với tuổi thai và bệnh bạch cầu ở trẻ em. Phần lớn bằng chứng từ các nghiên cứu này cũng cho thấy không có mức tiêu thụ tối thiểu được xem là an toàn hay không có liên quan đến kết cục thai kỳ bất lợi. Do đó, từ các bằng chứng này, tác giả không ủng hộ các giả định về “mức tiêu thụ caffeine an toàn” của bà mẹ. Ngược lại, khuyến cáo phụ nữ mang thai và dự định mang thai nên tránh tiêu thụ caffeine. Việc tiêu thụ caffeine của người mẹ có liên quan đến các kết cục thai kỳ bất lợi như: sảy thai, thai chết lưu, trẻ sơ sinh nhẹ cân và/hoặc nhỏ so với tuổi thai, bệnh bạch cầu cấp tính ở trẻ em và thừa cân béo phì ở trẻ em, nhưng không liên quan với sinh non. Việc dựa vào dữ liệu quan sát cũng đặt ra câu hỏi về việc thực hiện các thử nghiệm ngẫu nhiên để đánh giá độ mạnh của chứng cứ. Nhưng tác giả cũng lưu ý đến vấn đề y đức của thử nghiệm khi lựa chọn ngẫu nhiên phụ nữ mang thai sử dụng caffeine hay không, trong khi đây rõ ràng là tác nhân gây hại cho thai kỳ, ngay cả theo kinh nghiệm chuyên gia. Và ông vẫn kiên quyết khẳng định rằng phụ nữ đang mang thai hoặc sắp làm mẹ tốt nhất nên tránh dùng caffeine.

Caffeine có thể tìm thấy ở tự nhiên trong cà phê, trà và chocolate. Nó cũng là thành phần thường được thêm vào thuốc chữa cảm cúm và một số loại đồ uống tăng lực, giải khát như cola. Do đó, ngoài việc tránh uống trà, cà phê, chocolate trong thai kỳ, bạn cần hạn chế uống nước tăng lực, cola vì chúng có thể chứa nhiều caffeine. Hãy thay bằng nước, nước hoa quả hoặc trà, cà phê không caffeine. Nếu bạn vô tình tiêu thụ lượng nhỏ caffeine, đừng quá lo lắng, các rủi ro là có nhưng khá nhỏ. Luôn nói chuyện với bác sĩ, dược sĩ hoặc một chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ, bao gồm cả thuốc chữa cảm cúm.

 

Hình minh họa - Nguồn internet

 

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương tổng hợp và lược dịch.

Tài liệu tham khảo:

1. James JE. Maternal caffeine consumption and pregnanc

y outcomes: a narrative review with implications for advice to mothers and mothers-to-be, 2020.

 2. American College of Obstetricians and Gynecologists. Committee opinion: moderate caffeine consumption during pregnancy, no. 462. 2010 (Reaffirmed 2020). Available: https://www.acog.org/-/media/project/acog/acogorg/clinical/files/committee-opinion/articles/2010/08/moderate-caffeine-consumption-during-pregnancy.pdf

 3. National Health Service. Should I limit caffeine during pregnancy? 2018. Available: https://www.nhs.uk/common-health-questions/pregnancy/should-i-limit-caffeine-during-pregnancy/

 4. Food and Drug Administration. Spilling the beans: how much caffeine is too much? 2018. Available: https://www.fda.gov/consumers/consumer-updates/spilling-beans-how-much-caffeine-too-much

 5. European Food Safety Authority. Panel on dietetic products, nutrition and allergies. Scientific opinion on the safety of caffeine. EFSA J 2015

 

 

--END--