tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào bạn,

Trong câu hỏi này, bạn không nói rõ là bé mấy tuổi, cái gì mọc chĩa vào trong? Có phải là răng? Răng sữa hay răng vĩnh viễn?

Nếu là răng sữa mọc hơi nghiêng vào trong 1 chút thì không đáng lo. Tuy nhiên, nếu chĩa quá nhiều vào trong thì nên cho bé đi khám nha khoa càng sơm càng tôt nhé.

PGS. TS.BS. Ngô Minh Xuân
Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào bạn

Con bạn gần 3 tháng rưỡi, trong núm vú có cục cỡ hạt đậu, không đau không chảy dịch, không có dấu hiệu viêm hay u bướu và 2 bên là gần đều nhau là bình thường. Bạn chỉ cần theo dõi hàng ngày, vệ sinh hàng ngày, tuyệt đối không được nặn hay sờ nắn mạnh tay vào 2 vú của bé. Nếu có dấu hiệu bất thường như viêm đỏ, sưng tấy, chảy dịch … thì cho cháu đi khám ở phòng khám nhi khoa.

Nếu cháu dụi mắt nhiều thì bạn chú ý xem 2 mắt cháu có đỏ không, xung quanh mắt có sưng không? Nếu có dấu hiệu bất thường thì chở cháu đi khám bác sĩ mắt hoặc bác sĩ Nhi khoa nhé.
Chúc mọi việc tốt lành

PGS. TS.BS. Ngô Minh Xuân
Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Bạn thân mến !

Nếu con bạn mới hơn 1 tháng, bú sữa ngoài là chính. Đi cầu lúc đầu phân vàng nhưng khi gần xong thì hơi xanh, tính chất phân bình thường (không có đàm máu …), không lỏng, số lần đi cầu bình thường thì bạn đừng quá lo lắng vì phân như vậy không phải là phân bệnh lý. Phần sau của phân có thể hơi xanh do sắc tố mật xuống ruột chưa đều. Bạn chỉ cần theo dõi và cho bú mẹ nhiều hơn nhé.

PGS. TS.BS. Ngô Minh Xuân
Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Tuyết Mai,

Khoảng cách giữa 2 mũi thuốc chích ngừa nhắc lại có thể là 1 đến 2 tháng nên chị có thể để đến 6 tháng tuổi chích cũng được. Ở các bệnh viện Sản đều có chích ngừa các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

 

 

 

Chào bạn Khoa

Nếu sau sinh bé đã được chích ngừa Lao và Viêm gan siêu vi B thì một tháng tuổi sẽ không chích ngừa. Nếu bé chưa được chích ngừa Lao thì sẽ chích ngừa bệnh này. Hai tháng tuổi bé sẽ chích ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan siêu vi B, Hemophillus influenzae, uống ngừa (hoặc chích chung trong mũi 6 trong 1) bại liệt.
 
Nếu bé có hộ khẩu thành phố và sinh mổ, sẽ có tiêu chuẩn khám và tiêm ngừa miễn phí tại phòng khám sức khỏe trẻ em của bệnh viện (nằm ở khu phòng khám). Nếu bé không thuộc diện trên, bạn có thể đưa bé đến phòng khám trẻ dịch vụ (ở tầng trệt khu D của bệnh viện).
 
Nếu không phải chích ngừa lúc 1 tháng tuổi, bạn cũng nên đưa bé đến khám sức khỏe tổng quát.

Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Phượng,
 
Trên giấy xuất viện của chị sẽ có ghi rõ em bé đã chích ngừa hay chưa. Nếu đã chích ngừa, người nhà của bé còn được phát ngay sau khi chích ngừa một giấy chứng nhận đã chích ngừa. Thông thường, sau sinh, bé được chích ngừa lao và viêm gan siêu vi B. Nếu không tìm thấy được các thông tin kể trên, chị vui lòng gửi thêm cho tôi số nhập viện của chị, khoa chị đã nằm điều trị sau khi sinh để chúng tôi dò lại sổ ghi chép chủng ngừa và thông báo thông tin cho chị.
 
Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Hạnh,

Em bé của chị có chiều cao phát triển tốt hơn cân nặng nhưng cân nặng vẫn ở trong giới hạn bình thường. Thỉnh thoảng ói khi ăn đặc rất thường gặp ở trẻ dưới 12 tháng, không phải là dấu hiệu bệnh lý. Có thể lúc đó bé bị vướng một miếng thức ăn hơi lớn hay mẹ đút hơi nhanh, hay bé vận động mạnh khi đang no làm ói...Chị chỉ nên cho bé ăn các thức ăn có thể gây dị ứng (như thịt bò, hải sản...) sau 9 tháng tuổi. Để bé tăng cân tốt hơn, chị nên tăng chất béo, cho bé ăn dầu thực   vật xen kẽ với mỡ động vật và tăng lượng sữa, lòng đỏ trứng, các thực phẩm làm từ sữa.

Thân mến

BS. CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị 

Chị nên nhẹ nhàng mở miệng bé rộng ra trước khi bú và đưa núm vú lên trên lưỡi của bé, đẩy vào sâu sao cho bé ngậm hết núm vú bình. Chị có thể đưa bé vào khám tại phòng khám trẻ dịch vụ vào buổi chiều ngoài giờ (từ 17 giờ đến 18 giờ 30, trừ thứ 7 và chủ nhật) vì những buổi này tương đối ít bệnh nhân, bác sĩ sẽ có thời gian để hướng dẫn chị cho con bú.

Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Trang,

Nếu bé đi tiêm ngừa trễ thì sẽ dễ mắc các bệnh bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm màng não mủ nếu không may tiếp xúc với các vi trùng hay vi rút trên. Chị có thể cho bé tiêm ngừa ở Trạm y tế, Trung tâm y tế, bệnh viện quận, bệnh viện sản, bệnh viện Nhi đồng. Chị không nói rõ bé bú sữa mẹ hay sữa bột và sữa bột loại gì nên khó biết là phân màu xám là có bình thường không. Chị nên đưa bé đi khám sức khỏe và mang mẫu phân màu xám cho bác sĩ xem.

Thân  mến.

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Chào chị Lan,

Bé của chị phát triển cân nặng và chiều cao bình thường. Nếu bé bú ít thì cũng sẽ đi cầu ít. Chị nên lưu ý không được uống cà-phê (dù là bạc xỉu) vì cà-phê có thể qua sữa mẹ và làm bé chán bú. Mỗi sáng, chị nên cho bé phơi nắng, uống 400 IU vitamin D. Khi bế bé cho bú, chị nhớ úp bụng bé vào bụng mẹ, quay lưng ra ngoài để cổ bé không bị xoắn vặn. Nếu bế bé nằm ngửa trên đùi mẹ, quay mặt vào vú sẽ làm cổ bị xoắn vặn gây khó bú. Nếu bé ngủ 3 giờ chưa thức dậy, chị có thể nhẹ nhàng đánh thức bé dậy để cho bé bú. Nếu bé bú ít, sữa còn dư sau mỗi cữ bú sẽ làm cho não giảm kích thích vú tiết sữa ở cữ sau, dần dần sẽ dẫn đến mất sữa. Vì vậy, sau mỗi cữ bú chị nên vắt ra cho vào bình để bé bú tiếp hay bỏ đi nếu bé không bú nữa. 

Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

29tháng 10

Chào chị Hạnh,

Bé của chị chậm đi cầu có thể do bú ít. Chị nên cho bé bú thường xuyên hơn, khoảng 2-3 giờ bú một lần, cho bú sớm hơn nếu bé đòi. Sau khi cho bé bú, chị nên vắt bỏ sữa thừa để sữa được tiết nhiều hơn. Nếu phân bé không cứng, bé không khó chịu quấy khóc thì không cần bơm đít, chỉ cần massage bụng trước khi bú.

Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Nguyen Thuy Trang

Cam on bác sĩ,
Đúng là em bé của em bị trào ngược thực quản, bé đã theo đều trị trào ngược được 2 tuần nhưng không thấy cải thiện gì, bác sĩ kê đơn Motilium M, glomezol và Air-X. Tôi đã cho bé uống trong 2 tuần nhưng bé chỉ bớt nôn ói nhưng không cải thiên cho lắm. Bé cũng đã siêu âm bụng nhưng không có gì bất thường, bác sĩ chỉ nói là 6 tháng bé sẽ hết. Đến này bé đã gần 5 tháng nhưng tôi thấy tình hình vẫn vậy.

Mỗi lần đi khám, tôi đều nhắc bác sĩ là con tôi ói rất nhiều, bác sĩ noi rằng cứ cho uống motilium nhiều vô, tôi thấy câu trả lời của bác sĩ chẳng đang tin gì hết, uống nhiều vô là uống bao nhiêu và bao lâu.




Chào chị

Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhỏ do cơ thắt ở cổ dạ dày hoạt động chưa tốt và vị trí dạ dày em bé còn nằm ngang. Khi bé lớn hơn, dạ dày có vị trí thẳng đứng và cơ thắt cổ dạ dày hoạt động tốt hơn thì bé sẽ hết trào ngược. Thời gian chính xác thì rất khó nói vì còn tùy cơ địa mỗi bé, thông thường trên 6 tháng tuổi sẽ cải thiện. Chị có thể cho uống Motilium mỗi ngày 4 lần, trước ăn và trước khi đi ngủ.

Ngoài ra, chị nên bế bé ở tư thế đứng 30 phút - 45 phút sau khi bú. Khi nằm, chị nên cho bé nằm trên ghế dành cho ăn dặm (giống ghế bố của người lớn) để bé luôn ở tư thế vai đầu cao 30-45 độ, bé sẽ giảm trào ngược. Nếu bé bú sữa bột, chị có thể pha chung sữa đang dùng với sữa chống trào ngược (Frisolac comfort hay Dumex antireflux), tỷ lệ 1/1 hay 2/1. Nếu không cải thiện thì tạm thời dùng hoàn toàn sữa chống trào ngược. Khi các biện pháp hỗ trợ giúp giảm trào ngược thì chị giảm dần số lần dùng Motilium rồi ngưng hẳn.

Thân mến

BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh
Phòng Tổ chức cán bộ - Bệnh viện Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ