Vaccin đã hết hạn có sử dụng được không?

    Vaccin là chế phẩm y tế có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một (hoặc một số) tác nhân gây bệnh cụ thể.
     
    Có rất nhiều loại vaccin hiện nay đang được sử dụng tại nước ta, như vaccin BCG phòng bệnh lao, vaccin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván, vaccin phòng bệnh bại liệt, bệnh sởi, bệnh viêm gan B, bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh tả, bệnh thương hàn, bệnh dại… 

    Cơ chế hoạt động của vaccin là khi đưa vào cơ thể với một liều lượng nhất định tùy từng loại sẽ làm cho hệ miễn dịch nhận diện vaccin là vật lạ nên hủy diệt chúng và “ghi nhớ” chúng. Về sau, khi tác nhân gây bệnh thực thụ xâm nhập cơ thể, hệ miễn dịch đã ở tư thế sẵn sàng để tấn công tác nhân gây bệnh nhanh chóng hơn và hữu hiệu hơn bằng cách huy động nhiều thành phần của hệ miễn dịch, đặc biệt là đánh thức các tế bào lympho nhớ. Đây chính là các ưu điểm của đáp ứng miễn dịch đặc hiệu.

     Cán bộ y tế cần kiểm tra kỹ hạn sử dụng của vaccin khi tiêm phòng cho trẻ.
     
    Vaccin được bảo quản như thế nào? 

    Theo quy định, các sản phẩm thuốc nếu ghi hạn dùng phải ghi đủ ngày, tháng, năm sản xuất và ngày, tháng, năm   hết hạn (mỗi nhóm bằng 2 chữ số, cách nhau bởi dấu chấm hoặc gạch chéo).   Trước đây có một số sản phẩm chỉ ghi tháng và năm đã gây thắc mắc cho người dùng.

    Chẳng hạn nếu chỉ ghi hạn sử dụng là 10/2012 thì người dùng thuốc sẽ không biết là thuốc này sử dụng đến hết   ngày 30/09/2012 hay là hết ngày 31/10/2012. Vì vậy hiện nay các loại thuốc không ghi như vậy nữa. Tuy nhiên, có một số sản phẩm thuốc, vaccin của nước ngoài nhập vào nước ta vẫn chỉ ghi tháng và năm hết hạn.
     
    Ðối với các loại thuốc, sinh phẩm, vaccin như thế, Bộ Y tế quy định phải dán thêm nhãn phụ trên bao bì ghi rõ ngày hết hạn sử dụng là ngày đầu tiên của tháng mà sản phẩm ghi hết hạn. Chẳng hạn nếu sản phẩm ghi hạn sử dụng là tháng 2/2012 thì kể từ   ngày 1/2/2012 sản phẩm này được coi là hết hạn và không sử dụng cho người.
    Bản chất của các loại vaccin có thể là các virut hoặc vi khuẩn sống, đã được làm giảm độc lực, khi đưa vào cơ thể không có khả năng gây bệnh hoặc gây bệnh rất nhẹ. Vaccin cũng có thể là các vi sinh vật bị bất hoạt, chết hoặc chỉ là những sản phẩm tinh chế từ vi sinh vật. Vì vậy, để bảo đảm tác dụng, tất cả các loại vaccin đều phải bảo quản trong điều kiện đặc biệt theo quy định. Hầu hết các loại vaccin hiện nay đều phải bảo quản ở nhiệt độ của kho lạnh, tùy theo từng loại vaccin mà nhiệt độ quy định phải đúng. Một số vaccin bảo quản ở nhiệt độ âm 200C, một số loại vaccin uống được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 - 80C, không làm vaccin đông băng. Từ sau khi sản xuất, lưu trữ, cấp phát, chuyên chở vaccin đến nơi sử dụng phải bảo đảm vaccin được liên tục bảo quản trong các dụng cụ chuyên biệt (hộp bảo quản lạnh, phích đá có nhiệt độ từ 0 - 80C). Điều này rất quan trọng vì đây chính là điều kiện để vaccin bảo đảm hoạt lực mà không gây tai biến cho người sử dụng. 

    Không được sử dụng các loại vaccin đã hết hạn cho người 

    Cũng như nhiều loại thuốc khác, vaccin là loại sinh phẩm có thời hạn sử dụng và phải sử dụng trước thời hạn ghi trên bao bì đóng gói. Việc tiêm vaccin đã hết hạn sử dụng cho người là sai phạm về quy chế chuyên môn cần tránh. Đối với tất cả các loại thuốc và sinh phẩm y tế nói chung đều phải sử dụng trước thời gian ghi trên bao bì đóng gói đến đơn vị nhỏ nhất của sản phẩm thuốc (sinh phẩm) đó.

    Các văn bản quản lý nếu đem ra để xem xét thì hạn dùng này cũng phải thống nhất là một chứ không thể mỗi cái lại một hạn dùng khác nhau của cùng một lô sản phẩm được. Nếu có sai lệch thì đó là do sai sót của cơ quan cấp các loại giấy tờ đó. Trong trường hợp tiêm vaccin, hạn sử dụng lại càng quan trọng vì đây là loại sinh phẩm dễ gây ra các tai biến khi đã hết hạn hoặc không còn hoạt tính nên vô tác dụng đối với người được tiêm.
     
     Trong thực tế, có thể một số loại thuốc, sinh phẩm y tế vẫn còn hoạt lực sau hạn dùng, nếu muốn được tiếp tục sử dụng cho người, cơ quan quản lý phải đem sản phẩm đó đi kiểm nghiệm lại để xác định tỉ lệ % sinh khả dụng của thuốc hay sinh phẩm đó là bao nhiêu.
     
    Sau đó mới cho phép tiếp tục được sử dụng trong thời gian bao lâu nữa. Tuy nhiên, việc này còn khó khăn và tốn kém hơn việc mua một sản phẩm đang còn hạn về sử dụng. Vì vậy đa số các thuốc đã hết đát (date) là phải thanh lý, tiêu hủy theo quy định. Trong thực tế điều kiện bảo quản ở nước ta, đa số các thuốc, sinh phẩm cận đát đều không nên sử dụng nữa vì không còn hoạt tính sinh học đảm bảo theo yêu cầu. 
     
      ThS.Lê Quốc Thịnh
    Theo Sức khỏe & đời sống

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ