Thông tin về thuốc sử dụng trong thời kỳ mang thai

    Ds. Đặng Thị Thuận Thảo
    Khoa Dược - BV Từ Dũ

    Hầu hết các thuốc thường chống chỉ định với phụ nữ mang thai và chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết. Đối với hầu hết các thuốc, những cuộc thử nghiệm hầu như chưa được thực hiện đầy đủ trên phụ nữ mang thai và những ảnh hưởng trên bào thai chưa được biết rõ. Những thuốc này chỉ được sử dụng khi tác động trên người mẹ có hiệu quả hơn so với nguy hại trên bào thai.

    1. Adrenergics

    - Adrenergics là chất kích thích tim, làm tăng tần số và lực co bóp dạ con và có thể gây tăng áp lực máu. Một số thuốc gây quái thai và sinh non ở các thú thử nghiệm. Những thuốc này gồm những thành phần chung như thuốc thông mũi, thuốc trị cảm, và thuốc gây chán ăn.
    - Sử dụng Adrenergics dùng đường uống và đường toàn thân có thể ngăn cản sự co bóp dạ con trong quá trình người phụ nữ trở dạ, có thể gây ra giảm K huyết, giảm glucose huyết và phù phổi ở người mẹ và có thể gây giảm glucose huyết ở trẻ sơ sinh.
    - Những ảnh hưởng này không chắc đúng đối với dạng hít adrenergics, ví dụ : Albuterol. Albuterol dạng uống và terbutaline dạng uống và dạng tiêm tĩnh mạch có thể làm giãn cơ dạ con và ngặn chặn những cơn co bóp dạ con trước kỳ hạn.

    2. Thuốc giảm đau opioid

    - Opioid đi qua nhau thai nhanh. Nếu như người mẹ sử dụng đều đặn và nghiện thì sẽ xuất hiện triệu chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh.
    - Sử dụng codein trong ba tháng đầu của thai kỳ sẽ có liên quan đến những khiếm khuyết bẩm sinh.
    - Khi cho người phụ nữ sử dụng opioid trong giai đoạn chuyển dạ thì thuốc này sẽ làm giảm sự co bóp dạ con và làm chậm quá trình chuyển dạ. Thuốc này còn gây ra tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.
    - Meperidine được báo cáo là ít gây ra tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh hơn là những opioid khác.
    - Butorphanol có thể được sử dụng.
    - Nếu như có tình trạng suy hô hấp xảy ra, có thể sử dụng Naloxon dạng uống vốn là chất đối kháng opioid.

    3. Thuốc ức chế enzym chuyển hoá Angiotensin

    Những thuốc này có thể gây sự phát triển bất thường và có thể gây chết bào thai và trẻ sơ sinh. Có khoảng trên 12 trường hợp đã được báo cáo trên thế giới. Những ảnh hưởng có hại trên bào thai hầu như không xuất hiện trong khoảng thời gian 3 tháng đầu của thai kỳ. Những ảnh hưởng thường xuất hiện trong khoảng giai đoạn thứ hai, thứ ba của thai kỳ bao gồm những tổn thương trên bào thai và trẻ sơ sinh như hạ huyết áp, giảm sản não ở trẻ sơ sinh, tiểu khó, suy thận và tử vong. Vì vậy những thuốc này không nên tiếp tục sử dụng nếu như phát hiện đang mang thai. Những trẻ sơ sinh phơi nhiễm với thuốc này khi còn trong tử cung nên được theo dõi cẩn thận về các tình trạng như hạ huyết áp, giảm niệu, tăng K huyết.

    4. Thuốc chẹn receptor của angiotensin II

    Những thuốc này cũng không nên tiếp tục sử dụng khi người phụ nữ phát hiện đang mang thai.

    5. Thuốc điều trị bệnh đau thắt ngực : Nitrate

    Những thuốc này làm giảm áp lực máu và có thể làm giảm lượng máu cung cấp nuôi dưỡng bào thai. Vì vậy những thuốc này chỉ sử dụng khi cần thiết.

    6. Thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc ngủ : Benzodiazepine

    Những thuốc này nên tránh sử dụng. Những thuốc này cùng những chất chuyển hoá của nó đi qua nhau thai và tích lũy trong máu bào thai. Nếu sử dụng thuốc trong khoảng thời gian 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây ra dị tật bào thai. Nếu sử dụng trong lúc chuyển dạ, thuốc có thể gây ra trạng thái an thần, suy hô hấp, nhược trương, hôn mê, hay giật mình, dễ bị kích thích, khó bú ở trẻ sơ sinh.

    7. Kháng sinh

    7.1.Beta lactams :
    7.1.1. Penicillins có thể qua nhau thai nhưng hầu như không gây ra những ảnh hưởng trên bào thai. Thuốc này được xem như an toàn hơn các kháng sinh khác.
    7.1.2. Cephalosporin cũng đi qua nhau thai và cũng được xem là an toàn, mặc dù thuốc này chưa được thử nghiệm tổng quát trên phụ nữ mang thai. Thuốc này có thời gian bán hủy ngắn, nồng độ thấp trong huyết tương, tốc độ đào thải nhanh ở phụ nữ mang thai.
    7.1.3. Carbapenem và Aztreonam cũng chưa được thử nghiệm trên phụ nữ mang thai và những ảnh hưởng trên bào thai chưa biết rõ.

     

    7.2. Aminoglycosides (FDA xếp loại D) đi qua nhau thai và có nồng độ trong huyết tương của bào thai bằng 10 – 15 % nồng độ huyết tương của người mẹ. Độc tính tai có thể xảy ra khi sử dụng Gentamicin. Những ảnh hưởng nghiêm trọng trên bào thai và trẻ sơ sinh chưa được báo cáo đối với những kháng sinh Aminoglycoside khác nhưng những kháng sinh này có nguy cơ gây nguy hiểm do có độc tính trên tai và thần kinh.

    7.3. Clindamycin chỉ nên được sử dụng khi nghi ngờ nhiễm Bacteroides fragilis.

    7.4. Fluoroquinolon chống chỉ định ở phụ nữ mang thai.

    7.5. Macrolides :

    - Erythromycin đi qua nhau thai và có nồng độ trong huyết tương bào thai chiếm đến 20% so với nồng độ trong huyết tương của người mẹ nhưng đến nay không có ảnh hưởng bất thường nào trên bào thai được báo cáo.
    - Khi thử nghiệm trên thú vật, những tác hại được báo cáo đối với Clarithromycin và Dirithromycin, nhưng chưa thấy đối với Azithromycin. Clarithromycin chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai nếu như có biện pháp khác thay thế an toàn hơn.

    7.6. Nitrofurantoin không nên sử dụng trong giai đoạn cuối của thai kỳ bời vì thuốc này có khả gây thiếu máu tiêu huyết ở trẻ sơ sinh.

    7.7. Sulfonamides không nên sử dụng trong giai đoạn cuối thai kỳ vì có thể gây vàng da nhân ở trẻ sơ sinh

    7.8. Tetracyclin bị chống chỉ định. Thuốc này qua nhau thai và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của răng và xương của bào thai. Thử nghiệm trên thú vật cho thấy thuốc này có thể gây độc bào thai.

    7.9. Trimethoprim thường được sử dụng phối hợp với sulfamethoxazol (Bactrim) chống chỉ định trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ. Nếu như thuốc này có đi qua nhau thai thì cũng đạt nồng độ trong huyết tương nhau thai tương đương như nồng độ trong huyết tương người mẹ. Đây là chất đối kháng acid folic do vậy có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá acid folic ở bào thai. Thuốc này gây ra quái thai ở thú thử nghiệm, nhưng một vài nghiên cứu trên phụ nữ mang thai vẫn chưa thấy có ảnh hưởng gây ra quái thai.

    7.10. Vancomycin không được đề cập vì những ảnh hưởng trên bào thai chưa được biết rõ

    8. Thuốc kháng nấm

    Những thuốc kháng nấm hệ thống nói chung thường bị chống chỉ định.

    9. Thuốc kháng cholinergics

    9.1. Atropin dạng tiêm tĩnh mạch qua nhau thai rất nhanh, sự ảnh hưởng trên bào thai phụ thuộc vào sự trưởng thành của thần kinh đối giao cảm.

    9.2. Scopolamin có thể gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh và góp phần gây xuất huyết ở trẻ sơ sinh do giảm vitamin K – một yếu tố giúp cho sự đông máu.

    10. Thuốc chống đông máu

    10.1. Heparin không đi qua nhau thai và không có liên quan đến những khiếm khuyết bẩm sinh. Đây là thuốc chống đông máu được lựa chọn đối với người phụ nữ mang thai. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc này có liên quan đến 13 – 22% những hậu quả không mong muốn như là gây chết thai hoặc sinh non.

    10.2. Wafarin đi qua nhau thai và gây xuất huyết ở trẻ sơ sinh, sẩy thai tự nhiên, sinh non, chết thai, dị thường bẩm sinh. Khoảng 30% bào thai nhạy với Wafarin có thể có tiền sử có liên quan đến chất chống đông máu. Nếu như người phụ nữ có thai trong quá trình điều trị bằng Wafarin, hãy thông báo cho người phụ nữ đó biết nguy cơ có hại đối với bào thai, và nên bàn đến việc ngưng có thai.

    11. Thuốc chống co giật

    - Mặc dù có khoảng 90% phụ nữ sử dụng thuốc chống tai biến mạch máu não và thuốc này có thể ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh.
    - Những thuốc như Carbamazepine, Phenytoin, Valproate đã được biết gây quái thai.
    - Sau nhiều năm đặt nghi vấn thuốc chống động kinh gây quái thai, một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy thuốc chống động kinh khi sử dụng trên người phụ nữ mang thai có thể gây ra sự bất thường ở thai nhi.
    - Trẻ sơ sinh phơi nhiễm với một thuốc chống động kinh có tỷ lệ bất thường cao hơn trẻ không phơi nhiễm (tỷ lệ 20.6% so với 8.5%), và nếu trẻ sơ sinh nhạy với 2 hoặc nhiều hơn 2 loại thuốc sẽ có tỷ lệ cao hơn là 28%. Những đứa trẻ sơ sinh có mẹ không bị động kinh nhưng có sử dụng thuốc do rối loạn lưỡng cực thì có nguy cơ cao có khiếm khuyết bẩm sinh.
    - Nói chung những ảnh hưởng nghiêm trọng của những loại thuốc mới như Gabapentin, Lamotrigine, Oxcarbazepine, Tiagabine, và Topiramate vẫn chưa được biết rõ.
    - Những thuốc này được FDA xếp loại nguy cơ C đối với phụ nữ có thai.

    12. Thuốc chống trầm cảm

    12.1. Thuốc chống trầm cảm ba vòng như Amitriptyline có liên quan đến tác hại gây ra quái thai và gây độc trên thai khi được sử dụng ở liều lớn và những thuốc này được báo cáo gây ra những dị tật bẩm sinh và hội chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh.

    12.2. Chất ức chế monoamine oxidase như Phenelzine có liên quan đến sự chậm phát triển cũng như chậm sinh trưởng ở thú thử nghiệm khi sử dụng liều lớn.

    12.3. Thuốc ức chế sự tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRI) gây ra quái thai trên thú thử nghiệm. Trong cuộc nghiên cứu trên 228 phụ nữ sử dụng Fluoxetine trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì có 5.5% trẻ sơ sinh có khiếm khuyết bẩm sinh. Ngoài ra sự đáp ứng chậm đối với Fluoxetine có thể dẫn đến sinh non so với sự đáp ứng nhanh (14.3% so với 4.1%).

    13. Thuốc trị tiểu đường

    13.1. Insulin là thuốc trị tiểu đường được đề nghị sử dụng cho phụ nữ mang thai.

    13.2. Sulfonylureas ngoại trừ glyburide gây quái thai ở thú thử nghiệm, những ảnh hưởng nguy khác của các thuốc trị tiểu đường dùng đường uống khác chưa được biết rõ.

    13.3. Acarbose, Metformin, và Miglitol được FDA phân loại nguy cơ B đối với phụ nữ mang thai.

    13.4. Nateglinide, Pioglitazone, Repaglinide và Rosglitazone được xếp loại C.

    14. Thuốc chống nôn

    Hầu hết các thuốc chống nôn hiện nay chưa được chứng minh an toàn khi sử dụng và không có loại thuốc thích hợp kiểm soát tình trạng nôn và ói mữa ở phụ nữ mang thai. Nếu như cần phải sử dụng thuốc, thì thuốc kháng histamin được đề nghị như : Cyclizine, Dimenhydrazine vì được xem là an toàn trên bào thai hơn các thuốc khác.

    15. Thuốc kháng histamin

    15.1. Thuốc chẹn receptor histamin-1 như Diphenhydramine có thể có liên quan đến gây quái thai nhưng mức độ thì vẫn chưa biết rõ. Những thuốc này không nên được sử dụng trong 3 tháng cuối của thai kỳ vì khả năng gây những tác dụng có hại đối với trẻ sơ sinh.

    15.2. Những thuốc chẹn receptor histamin – 2 như Cimetidine, và Ranitidine được sử dụng điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản – vốn là bệnh không đáp ứng với sự thay đổi chế độ ăn và lối sống.

    16. Thuốc trị cao huyết áp

    16.1. Methyldopa đi qua nhau thai và đạt nồng độ trong huyết tương bào thai gần bằng nồng độ trong huyết tương ở người mẹ. Tuy vậy, chưa có báo cáo nào về tác hại gây quái thai mặc dù việc sử dụng thuốc này khác rộng rãi ở phụ nữ mang thai. Người mẹ sử dụng Methyldopa thì trẻ sơ sinh khi sinh ra sẽ bị hạ huyết áp trong 48h.

    16.2. Hydralazine được xem là an toàn.

    16.3. Clonidine, Guanabenz, và Guanfacine không được đề nghị sử dụng vì những ảnh hưởng trên phụ nữ mang thai vẫn chưa biết rõ.

    17. Thuốc trị rối loạn lưỡng cực

    Lithium đi qua nhau thai và đạt nồng độ trong huyết tương bào thai gần bằng nồng độ huyết tương của người mẹ. Khiếm khuyết bẩm sinh và tim có thể xảy ra. Ơ trẻ sơ sinh, Lithium được đào thải rất chậm và có thể gây ra nhịp tim chậm, xanh tím, nhược trương, nhược giáp, và bất thường trên điện tâm đồ. Hầu hết những ảnh hưởng trên đều mất đi sau 1 – 2 tuần.

    18. Thuốc an thần

    Phenothiazine như Chlorpromazine đi qua nhau thai dễ dàng. Những cuộc nghiên cứu cho thấy thuốc này không gây quái thai, nhưng có khả năng gây độc bào thai ở thú thử nghiệm, gia tăng nguy cơ gây tình trạng bệnh tật ở trẻ sơ sinh và làm chậm sự tạo hình. Khả năng phá hủy thần kinh không thể ngặn chặn. Nếu sử dụng thuốc này ở giai đoạn gần có thai có thể gây ra ở trẻ sơ sinh sự di chuyển bất thường, phản xạ bất thường, vàng da và có thể gây tình trạng hạ huyết áp ở người mẹ. Những ảnh hưởng nguy hại đến tính mạng của những thuốc mới ở nhóm này chưa được biết.

    19. Thuốc kháng lao

    Những thuốc được đề nghị điều trị bệnh lao thể chủ động, và thường dùng để điều trị phòng ngừa sau khi sinh. Isoniazid, Ethambutol, Rifampicin đều có tác hại gây chết thai hoặc gây quái thai ở thú thử nghiệm. Những ảnh hưởng kết hợp của thuốc trên bào thai vẫn chưa được biết.

    20. Thuốc chống virut

    Hầu hết những thuốc chống virut hệ thống đều gây quái thai ở thú thử nghiệm. Không có cuộc nghiên cứu kiểm soát nào ủng hộ việc sử dụng thuốc này trên phụ nữ mang thai, ngoại trừ Zidovudine và các thuốc kháng virut HIV nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm virut HIV sang bào thai.

    21. Aspirin

     Aspirin bị chống chỉ định vì khả năng gây ra những tác dụng có hại cho cả người mẹ và bào thai. Những ảnh hưởng trên người mẹ bao gồm : kéo dài thời gian mang thai, kéo dài thời gian chuyển dạ, gây xuất huyết trước và sau khi sinh. Những ảnh hưởng trên bào thai bao gồm : co ống động mạch, giảm trọng lượng khi sinh, và gia tăng nguy cơ chết non và chết ngay khi sinh. Những thuốc này được xếp loại nguy cơ D

    22. ß – blocker

    Tính an toàn khi sử dụng những thuốc này như Propranolol chưa được đề cập. Tác hại gây quái thai chưa được báo cáo trên người nhưng có những vấn đề có thể xảy ra trong quá trình sinh. Những ảnh hưởng của thuốc như có thể làm chậm nhịp tim ở cả bà mẹ lẫn đứa trẻ mới sinh, giảm đường huyết, ngừng thở, giảm trọng lượng khi sinh. Những ảnh hưởng trên trẻ sơ sinh biến mất sau 72h.

    23. Thuốc chẹn Ca

    - Tác hại gây quái thai và độc bào thai xảy ra ở thú thử nghiệm nhỏ khi sử dụng với liều lớn.
    - Diltiazem có thể gây chết thai, sự phát triển xương bất thường, và gia tăng nguy cơ chết non.
    - Nifedipine có thể gây độc tính trên thú thử nghiệm. Những ảnh hưởng trên bào thai cửa hầu hết các thuốc vẫn chưa được biết rõ. Bởi vì những thuốc này làm giảm áp lực máu ở người mẹ chính vì vậy gây nguy cơ thiếu máu qua nhau thai đến bào thai.

    24. Corticosteroids

    - Corticosteroids đi qua nhau thai. Thử nghiệm trên thú vật cho thấy khi sử dụng liều lớn Corticosteroids vào giai đoạn sớm khi mang thai có thể gây ra nguy cơ hở hàm ếch, chết non, và có thể làm giảm kích thước thai. Những ảnh hưởng mãn tính ở người mẹ sử dụng Corticosteroids trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể có nguy cơ 1% gây hở hàm ếch ở trẻ sơ sinh. Nếu người mẹ sử dụng Corticosteroids suốt thời kỳ mang thai nên được theo dõi cẩn thận các dấu hiệu suy tuyến thượng thận.
    - Betamethasone được sử dụng để gia tăng sản xuất surfactant ở trẻ sơ sinh giúp hoàn chỉnh chức năng của phổi ở những đứa trẻ sinh non. Corticosteroids dạng hít như những thuốc trị viêm mũi dị ứng hay trị suyễn ít gây những tác hại trên bào thai vì ít có tác dụng toàn thân.

    25. Digoxin

    Digoxin là thuốc sử dụng an toàn trên phụ nữ mang thai. Thuốc này đi qua nhau thai và đạt nồng độ trong huyết tương bào thai chiếm khoảng từ 50 – 80% nồng độ trong huyết tương người mẹ. Khả năng gây độc tính trên thai và gây chết trẻ khi sinh chỉ xảy ra khi người mẹ sử dụng quá liều. Liều dùng sử dụng cho phụ nữ mang thai rất khó đánh giá thành một con số cụ thể mà phải có sự theo dõi cẩn thận nồng độ thuốc trong huyết tương cũng như phải có những thiết bị đo. Digoxin được sử dụng trong điều trị tình trạng suy tim và tim đập nhanh ở bào thai.

    26. Thuốc lợi tiểu

    26.1. Thuốc lợi tiểu Thiazides ví dụ Hydrochlorothiazide đi qua nhau thai. Thuốc này không gây quái thai nhưng có thể gây ra những tác dụng phụ khác. Bởi vì thuốc này làm giảm thể tích máu, giảm tốc độ chảy của máu qua dạ con và nhau thai vì vậy có thể gây suy dinh dưỡng và làm chậm phát triển bào thai. Những tác dụng phụ khác bao gồm vàng da nhân bào thai và trẻ sơ sinh, mất cân bằng điện giải, giảm quá trình chuyển hoá carbohydrate. Những thuốc này không được chỉ định điều trị tình trạng phù phụ thuộc do sự phát triển của dạ con và tắc nghẽn tĩnh mạch máu. Thuốc này không hiệu quả trong việc ngăn ngừa và điều trị cao huyết áp ở phụ nữ mang thai. Thuốc này có thể dùng điều trị phù bệnh lý.

    26.2. Thuốc lợi tiểu Furosemide không gây quái thai, nhưng khi thử nghiệm trên thú cho thấy tác hại gây độc và gây chết bào thai. Giống như lợi tiểu Thiazide, thuốc này có thể làm giảm thể tích máu và tốc độ chảy của máu đến bào thai.

    26.3 Thuốc lợi tiểu tiết kiệm K ví dụ Triamterene một thành phần của Dyazide và Maxide có thể đi qua nhau thai ở thú thử nghiệm nhưng tác dụng trên bào thai người vẫn chưa được biết rõ.

    27. Thuốc trị tăng lipid huyết

    Cholestyramin và Colestipol được xem là an toàn vì không được hấp thu toàn thân. Thuốc ức chế enzym HMG-CoA reductase như Lovastatin được FDA xếp loại X chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai. Thuốc này chỉ được sử dụng cho những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và chỉ trong trường hợp họ có nguy cơ không thể có thai nữa và họ được thông báo những nguy hiểm có thể xảy ra khi sử dụng thuốc. Nếu người phụ nữ mang thai khi sử dụng một trong những loại thuốc này, cách duy nhất là nên ngừng thuốc và thông báo cho bệnh nhân những tác dụng có hại của thuốc trên bào thai.

    28. NSAIDS

    Nên tránh sử dụng NSAIDS ví dụ Ibuprofen đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ. Thuốc nhóm này được FDA xếp loại D khi sử dụng vào 3 tháng cuối thai kỳ hoặc gần lúc chuyển dạ. Nếu thuốc này được sử dụng trong 3 tháng cuối thai kỳ sẽ gây ra những ảnh hưởng như co ống động mạch trứơc khi sinh và không đóng ống động mạch sau khi sinh, giảm chức năng van ba lá ở tim, thoái hoá cơ tim, giảm chức năng tiểu cầu, gây hậu quả là xuất huyết, xuất huyết trong sọ, suy giảm chức năng thận, ít dịch ối, xuất huyết tiêu hoá hoặc loét dạ dày, gia tăng nguy cơ viêm hoại tử ruột kết và những rối loạn khác. Nếu sử dụng thuốc này gần lúc chuyển dạ có thể gây ra những ảnh hưởng trên người mẹ như làm chậm sự chuyển dạ và gia tăng nguy cơ băng huyết. Những thuốc ức chế COX 2 mới như Celecoxib chưa được nghiên cứu trên phụ nữ có thai, Diclofenac chống chỉ định trên phụ nữ có thai.

    29. Hormon tuyến giáp

    Levothyroxine không qua nhau thai dễ dàng có thể sử dụng an toàn ở liều thích hợp. Tuy nhiên thuốc này có thể gây nhịp tim nhanh ở bào thai. Khi sử dụng trong liệu pháp thay thế điều trị suy tuyến giáp ở phụ nữ thì thuốc này được tiếp tục sử dụng trong suốt thời kỳ mang thai

    Tài liệu tham khảo

    Clinical drug therapy - Mary Jo Kirkpatrick, Anne Collins Abrams

    DS. Đặng Thị Thuận Thảo

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ