Thông tin thuốc tháng 05/2023

    VITAMIN A

    Vitamin A trong cơ thể chuyển hóa thành acid retinoic, có vai trò trong biệt hóa cơ quan, bao gồm cả phổi và trong chức năng miễn dịch. Trẻ sơ sinh thiếu vitamin A làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, sởi và bệnh đường hô hấp. Việc bổ sung có thể làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng ở mẹ và cải thiện quá trình tạo tế bào lympho bào thai sớm.

    Là một loại vitamin tan trong chất béo, vitamin A dạng tiền chất được tìm thấy trong dầu cá, thịt và các sản phẩm từ sữa. Beta-carotene, nguồn thực vật chính của retinol, được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau củ, đặc biệt là cà rốt, khoai lang, bí và ớt. Hàm lượng khuyến cáo dùng mỗi ngày trong suốt thai kỳ tương đương với 540 µg retinol ở châu Âu và 770 µg ở Mỹ.

    VITAMIN B6

    Cung cấp đầy đủ vitamin B6 trong thời kỳ mang thai đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thần kinh, tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh và sự trao đổi chất của bào thai. Tình trạng thiếu hụt vitamin B6 có thể làm giảm tỷ lệ thụ thai và làm tăng nguy cơ sẩy thai sớm.

    Có thể bổ sung từ các nguồn thực phẩm thiên nhiên như cá, thịt, thịt gia cầm, trứng, các loại đậu và hạt. Hàm lượng vitamin B6 khuyến cáo bổ sung mỗi ngày cho phụ nữ có thai là 1,8 mg ở châu Âu và 1,9 mg ở Mỹ.

    VITAMIN B9 - ACID FOLIC

    Bổ sung acid folic trước khi có thai đến tuần thứ 12 của thai kỳ có hiệu quả ngăn ngừa khiếm khuyết ống thần kinh ở trẻ. Ngoài ra, các nghiên cứu tổng quan và phân tích gộp cũng cho thấy, dùng acid folic trong suốt thai kỳ giúp giảm nguy cơ tiền sản giật, sinh non và thai nhỏ so với tuổi thai (SGA).

    Hàm lượng acid folic được khuyến cáo bổ sung cho phụ nữ mang thai là 600 µg ở châu Âu và 400 µg ở Mỹ. Trong bữa ăn hằng ngày, các mẹ cũng có thể bổ sung acid folic từ nguồn thiên nhiên như đậu lăng, rau xanh, bông cải xanh, đậu nành, măng tây và bơ.

    VITAMIN B12

    Thiếu vitamin B12 có thể gây ra những bất lợi cho mẹ và trẻ sơ sinh, bao gồm sẩy thai tự nhiên, tiền sản giật, nhẹ cân, dị tật bẩm sinh (đặc biệt là dị tật ống thần kinh) và myelin hóa hoặc khử myelin bị trì hoãn. Dấu hiệu phổ biến của thiếu vitamin B12 là tình trạng thiếu máu hồng cầu to, có thể được phát hiện ở phụ nữ mang thai khi xét nghiệm máu định kỳ.

    Bổ sung acid folic cũng có thể giải quyết tình trạng thiếu máu do thiếu vitamin B12 nên có thể gây ra tình trạng “che giấu sự thiếu hụt vitamin B12”. Do đó, phải thường xuyên đo lường nồng độ vitamin B12 trước và trong quá trình mang thai. Tình trạng folate cao và vitamin B12 thấp trong thời gian mang thai có thể khiến mẹ mắc bệnh đái tháo đường, trẻ sơ sinh nhẹ cân, kháng insulin và béo phì sau này.

    Vitamin B12 có thể tìm thấy trong các thực phẩm như thịt, trứng, sữa, cá. Hàm lượng bổ sung mỗi ngày cho phụ nữ mang thai được khuyến cáo là 4,5 µg ở châu Âu và 2,6 µg ở Mỹ dựa vào các bằng chứng về hiệu quả hấp thu trong thai kỳ.

    VITAMIN C

    Bổ sung vitamin C có thể làm giảm nguy cơ vỡ ối sớm và nguy cơ nhiễm trùng tiểu trong quá trình mang thai với liều lượng vừa phải - 100 mg mỗi ngày.

    Hàm lượng vitamin C được khuyến cáo bổ sung hàng ngày trong thai kỳ là 105 mg ở châu Âu và 85 mg ở Hoa Kỳ, tương đương với khoảng 5 phần trái cây và rau mỗi ngày. Vitamin C chứa nhiều trong kiwi, trái cây có múi, ớt, bông cải xanh và súp lơ trắng hấp hoặc ăn sống.

    VITAMIN D

    Sự thiếu hụt vitamin D có thể gây ra các vấn đề như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, mổ lấy thai cấp cứu, trẻ nhẹ cân, thai nhỏ so với tuổi thai (SGA) và trầm cảm sau sinh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu hụt vitamin D được định nghĩa khi nồng độ <50 nmol/L. Ngoài ra, vitamin D còn là một chất điều hòa miễn dịch quan trọng, sự rối loạn điều hòa của hệ thống miễn dịch có thể gây ra sẩy thai liên tiếp. Liều lượng vitamin D khuyến cáo bổ sung hàng ngày cho phụ nữ có thai là 600 mg ở cả Mỹ và châu Âu.

    VITAMIN E

    Là một chất chống oxy hóa hòa tan trong chất béo, vitamin E giúp ngăn ngừa nguy cơ tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, vỡ ối sớm và làm tăng tuổi thai. Ngoài ra, cũng có vai trò trong ức chế co thắt tử cung, kết tập tiểu cầu, tăng giãn mạch và ngăn chuột rút trong quá trình mang thai.

    Liều lượng bổ sung khuyến cáo cho phụ nữ mang thai là 11 mg ở châu Âu và 15 mg ở Mỹ. Các nguồn thực phẩm bổ sung gồm các loại hạt với hàm lượng cao nhất trong hạt hạnh nhân và hạt hướng dương, bơ, rau chân vịt, trứng.

    VITAMIN K

    Vitamin K cần thiết cho các hoạt động sinh học của một số yếu tố đông máu và cho sự hình thành xương, bằng cách tương tác trực tiếp với các thụ thể trên nguyên bào xương hoặc hỗ trợ khoáng hóa qua trung gian osteocalcin-/vitamin D. Vitamin K2 đã được sử dụng như một lựa chọn điều trị an toàn trong trường hợp loãng xương liên quan đến thai kỳ.

    Liều lượng khuyến cáo là 70 mg/ngày ở châu Âu và 90 mg/ngày ở Mỹ. Nguồn thực phẩm chứa vitamin K1 là các loại rau có lá màu xanh đậm, các loại rau thuộc họ cải như bông cải xanh, rau mầm và cải xoăn.

    MYO-INOSITOL

    Myo-inositol là một phân tử đường kích thước nhỏ thuộc nhóm vitamin B. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra vai trò của myo-inositol như một chất nhạy cảm với insulin trong hội chứng buồng trứng đa nang, cải thiện chất lượng tế bào trứng và hỗ trợ sinh sản. Ngoài ra, myo-inositol còn có vai trò trong việc đóng ống thần kinh và ngăn ngừa đái tháo đường thai kỳ.

    Liều lượng myo-inositol được nghiên cứu nên bổ sung cho thai kỳ là từ 2-4g/ngày, chúng cũng chứa rất nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

    CHOLINE

    Choline là một chất dinh dưỡng giống vitamin cần thiết để tổng hợp phospholipid màng tế bào và chất dẫn truyền thần kinh, rất quan trọng cho sự phát triển của phôi thai, đặc biệt là phát triển trí não. Khẩu phần ăn chứa hàm lượng choline thấp cũng làm tăng nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh không phụ thuộc folate.

    Choline chứa nhiều trong các thực phẩm như thịt, cá, sữa, trứng, các loại đậu, rau họ cải, quả hạch và các loại hạt. Liều lượng được khuyến cáo bổ sung là 450 mg/ngày ở Mỹ và 480 mg/ngày ở châu Âu.

    CANXI

    Canxi có vai trò trong việc khoáng hóa xương, do đó đây là yếu tố quan trọng trong thai kỳ hỗ trợ cho quá trình khoáng hóa xương của thai nhi và ngăn ngừa tình trạng giảm mật độ xương ở mẹ trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh. Việc bổ sung canxi cho mẹ trong quá trình mang thai cũng được chứng minh là làm giảm nguy cơ sâu răng ở trẻ em 12 tuổi.

    Đầu tiên, phụ nữ mang thai nên tăng khẩu phần ăn có chứa nhiều canxi trước, phổ biến nhất là những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa, các loại hạt, đậu hủ, cá đóng hộp có xương hay rau màu xanh đậm. Khi lượng thực phẩm hằng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu canxi thì sử dụng thực phẩm bổ sung thêm. Hàm lượng canxi được khuyến cáo bổ sung hàng ngày cho phụ nữ mang thai là 1000 mg ở cả Mỹ và châu Âu.

    IOD

    Iod cần thiết cho quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp, việc cung cấp thyroxine qua nhau thai là cần thiết cho đến khi bào thai có thể tự tổng hợp vào khoảng tuần 17-19 của thai kỳ. Sự suy giảm chức năng tuyến giáp và thiếu hụt iod ở mẹ có thể gây ra khiếm khuyết trong quá trình phát triển thần kinh ở trẻ như sự phát triển nhận thức, hành vi, kỹ năng học tập và chỉ số thông minh.

    Liều khuyến cáo bổ sung cho phụ nữ mang thai là 200 µg ở châu Âu và 220 µg ở Mỹ. Có thể bổ sung iod từ các nguồn thực phẩm như sữa không hữu cơ, trứng, cá nước ngọt và muối iod.

    SẮT

    Theo ước tính của WHO, có khoảng 48% phụ nữ mang thai trên thế giới có tình trạng thiếu máu, trong đó một nửa số ca là thiếu máu do thiếu sắt. Trong hai tam cá nguyệt đầu, thiếu máu thiếu sắt là yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh non, nhẹ cân và dự báo tình trạng thiếu sắt ở trẻ sơ sinh.

    Bổ sung thường xuyên không được khuyến khích do rủi ro suy giảm khả năng miễn dịch khi nồng độ sắt trong máu tăng cao. Liều bổ sung khuyến cáo là 16 mg/ngày ở châu Âu và 27 mg/ ngày ở Mỹ. Phụ nữ mang thai nên ăn uống để tăng lượng sắt nạp vào và tối ưu hóa sự hấp thu. Sắt heme được tìm thấy nhiều trong thịt đỏ, hấp thu tốt. Ngược lại, sắt không heme chứa nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, quả hạch và rau có màu xanh đậm, hấp thu kém hơn. Vitamin C tăng hấp thu sắt từ các nguồn sắt không heme, trong khi acid phytic trong ngũ cốc và các loại đậu ức chế sự hấp thu sắt.

    MAGIE

    Magie hoạt động thông qua cơ chế đối kháng canxi, ức chế sự co thắt tử cung và tình trạng chuột rút. Do đó, sự thiếu hụt magie có thể làm tăng nguy cơ sinh non.

    Bổ sung magie khi có tình trạng thiếu hụt ở phụ nữ mang thai giúp làm giảm nguy cơ tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh non, trẻ nhẹ cân, điểm Apgar dưới 7. Ngoài ra, việc bổ sung magie cũng mang lại những lợi ích trong việc cải thiện khả năng kiểm soát glucose và bài tiết insulin, giảm thiểu tần suất sẩy thai tự nhiên và biến chứng thai kỳ. Nguồn thực phẩm chứa nhiều magie gồm quả hạch, các loại hạt, đậu và ngũ cốc nguyên cám. Liều lượng được khuyến cáo bổ sung hàng ngày cho phụ nữ mang thai là 300 mg ở châu Âu và 350 mg ở Mỹ.

    KẼM

    Kẽm là nguyên tố cần thiết cho hoạt động của hơn 300 enzym trong cơ thể. Sự thiếu hụt kẽm có thể gây ra những khiếm khuyết trong quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ chậm phát triển và thai nhỏ so với tuổi thai (SGA). Việc bổ sung kẽm cũng giúp cải thiện chuyển hóa glucose và giảm nồng độ protein phản ứng C (CRP) ở phụ nữ có đái tháo đường thai kỳ. Kẽm là sự thay thế an toàn cho kháng sinh đường uống, retinoids và corticosteroid để điều trị mụn trứng cá khi mang thai.

    Tại châu Âu, liều lượng khuyến cáo là 9,1 mg/ ngày khi chế độ ăn có ít phytate (nhiều thịt, ít các loại đậu và ngũ cốc) đến 14,3 mg/ngày khi chế độ ăn nhiều phytate như ăn thuần chay, hoặc ăn ít thịt. Ở Mỹ, lượng kẽm khuyến cáo bổ sung là 11 mg/ngày, có thể cao hơn 50% đối với người ăn chay.

    OMEGA-3

    Omega-3 là những acid béo cần thiết cho nhiều khía cạnh sức khỏe và đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc màng tế bào. Đặc biệt là acid docosahexaenoic (DHA), đây là thành phần quan trọng của màng tế bào não và võng mạc, cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Nhu cầu bổ sung DHA của bào thai tăng rõ rệt trong tam cá nguyệt thứ 3. Bổ sung omega-3 cho mẹ đã được chứng minh là cải thiện sự phát triển thần kinh, thị lực ngắn hạn và dài hạn, tăng cân nặng trẻ khi sinh, kéo dài tuổi thai, giảm nguy cơ sinh non và làm tăng khả năng miễn dịch của trẻ. Ngoài ra, nồng độ omega-3 ở mẹ thấp là nguy cơ cao dẫn đến trầm cảm sau sinh. Ở châu Âu và Mỹ, hàm lượng omega-3 khuyến cáo bổ sung hàng ngày là 250 mg cộng thêm 200 mg DHA trong thai kỳ.

    DS. Võ Thị Thanh Hằng

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ