Thông tin thuốc tháng 03/2015

    Một số thuốc có nguy cơ cao gây adr tại bệnh viện và nội dung cần theo dõi (tiếp theo)

    I. Bupivacain (Bupivacaine Aguettant 5mg/ ml):

    1. Chỉ định:

    - Gây tê từng lớp để mổ và cả làm giảm đau sau mổ.

    - Phong bế thân thần kinh, đám rối thần kinh để mổ.

    - Gây tê ngoài màng cứng để mổ hoặc kéo dài giảm đau sau mổ bằng cách tiêm thuốc tê cách quãng hay nhỏ giọt liên tục qua catheter đặt vào khoang ngoài màng cứng.

    - Gây tê ngoài màng cứng để mổ đẻ hoặc giảm đau trong khi chuyển dạ.

    - Gây tê tủy sống để mổ tiết niệu bụng dưới, chi dưới.

    2. Chống chỉ định:

    - Quá mẫn với các thuốc tê tại chỗ thuộc nhóm amid.

    - Gây tê vùng theo đường tĩnh mạch.

    - Gây tê ngoài màng cứng cho những người bệnh bị tụt huyết áp nặng như trong các trường hợp bị sốc do tim hay do mất máu.

    - Trong sản khoa, chống chỉ định dùng dung dịch Bupivacain 0,75% để gây tê ngoài màng cứng vì có trường hợp vô ý tiêm vào lòng mạch đã gây ngừng tim ở người mẹ. Tuy nhiên, có thể dùng các liều thấp hơn.

    Ngoài ra theo thông tin kê toa sản phẩm, còn có thêm các chống chỉ định trong:

    - Phong bế thần kinh cạnh cổ tử cung trong sản khoa.

    - Tiêm vào các mô viêm nhiễm.

    - Các chống chỉ định chung của gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống, không phụ thuốc vào loại thuốc tê được dùng.

    3. Thận trọng:

    - Bupivacain được chuyển hóa ở gan nên thận trọng đối với người bệnh gan.

    - Bupivacain gây độc tim nhiều hơn so với các thuốc tê tại chỗ khác, vì vậy phải rất thận trọng khi dùng cho người có rối loạn chức năng tim mạch.

    - Các thuốc mê đường hô hấp gây tăng độ nhạy cảm của tim với các catecolamin, do đó làm tăng nguy cơ loạn nhịp nếu dùng thuốc có kèm Epinephrin.

    4. Lưu ý khi sử dụng:

    - Trước mỗi lần tiêm bắt buộc phải có động tác hút thử. Nếu bơm tiêm có máu phải chọn một vị trí khác để tiêm.

    - Ðể gây tê ngoài màng cứng, trước tiên nên tiêm một liều thử 3 – 5 ml Bupivacain có chứa Epinephrin. Nếu không may tiêm phải mạch máu sẽ phát hiện được ngay nhờ tăng nhịp tim do Epinephrin. Trong trường hợp này nên ngừng tiêm và thử lại ở chỗ khác. Sau liều thử ít nhất 5 phút cần hỏi chuyện người bệnh và kiểm tra lại nhịp tim. Thử hút lại một lần nữa trước khi tiêm toàn bộ liều thuốc với tốc độ chậm 20 – 25 mg/ phút. Tiếp tục hỏi chuyện bệnh nhân và kiểm tra mạch. Nếu thấy có triệu chứng nhiễm độc nhẹ, nên ngừng tiêm ngay.

    - Không dùng lại lọ thuốc đã mở.

    5. Tác dụng không mong muốn:

    Thường gặp, ADR > 1/100

    - Tuần hoàn: Hạ huyết áp, chậm nhịp tim khi gây tê tủy sống.

    Hiếm gặp, ADR < 1/1000

    - Toàn thân: Các phản ứng dị ứng, trường hợp nặng gây sốc phản vệ.

    - Tuần hoàn: Suy cơ tim, suy tâm thu do quá liều.

    - Thần kinh trung ương: Mất ý thức và co giật do quá liều.

    6. Bảo quản:

    Nơi khô ráo, thoáng mát ở nhiệt độ dưới 30oC.

    II. Diazepam (Seduxen 5mg, thuốc tiêm Diazepam BP 10mg/ 2ml):

    1.  Chỉ định:

    - Sử dụng trong những trạng thái lo âu, kích động, mất ngủ.

    - Trường hợp trầm cảm có triệu chứng giống trên, có thể chỉ định Diazepam cùng với các thuốc chống trầm cảm.

    - Sảng rượu cấp, các bệnh tiền sảng và các triệu chứng cấp cai rượu.

    - Cơ co cứng do não hoặc thần kinh ngoại biên, co giật.

    - Tiền mê trước khi phẫu thuật.

    2. Chống chỉ định:

    - Quá mẫn với Benzodiazepin. Nhược cơ, suy hô hấp nặng, bệnh loạn thần mạn.

    - Không sử dụng đơn độc để điều trị trầm cảm hoặc lo âu kết hợp với trầm cảm vì có nguy cơ thúc đẩy tự sát ở nhóm người bệnh này.

    - Kết hợp sử dụng Diazepam và 1 Benzodiazepin khác có thể gây chứng quên ở người bệnh và không nên dùng Diazepam trong trường hợp có người thân chết vì có thể bị ức chế điều chỉnh tâm lý.

    3. Thận trọng:

    - Thận trọng với người bệnh giảm chức năng gan, thận, bệnh phổi mạn tính, bệnh glaucom góc đóng hoặc tổn thương thực thể não, xơ cứng động mạch. 

    - Rất thận trọng khi dùng Diazepam điều trị cho người bệnh bị rối loạn nhân cách. 

    - Diazepam tăng tác dụng của rượu, ảnh hưởng đến khả năng tập trung lái xe và điều khiển máy móc.

    4. Lưu ý khi sử dụng:

    - Dùng Diazepam kéo dài dẫn đến nghiện thuốc, không nên dùng quá 15 – 20 ngày.

    - Triệu chứng cai thuốc xảy ra khi ngừng thuốc đột ngột. Các triệu chứng cai thuốc nặng hơn, thường giới hạn ở người dùng liều quá cao và trong thời gian dài. Các triệu chứng nhẹ hơn có thể thấy khi ngừng thuốc đột ngột sau vài tháng dùng liều điều trị. Vì vậy thông thường sau khi điều trị tránh dừng thuốc đột ngột mà phải giảm liều dần.

    5. Tác dụng không mong muốn:

    Thường gặp, ADR > 1/100

    - Buồn ngủ.

    Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

    - Toàn thân: Chóng mặt, đau đầu.

    - Thần kinh: Khó tập trung tư tưởng.

    - Cơ xương: Mất điều hòa, yếu cơ.

    Hiếm gặp, ADR < 1/1000

    - Thần kinh: phản ứng nghịch lý như kích động, hung hăng, ảo giác.

    - Da: dị ứng.

    - Gan: Vàng da, độc tính với gan, transaminase tăng, phosphatase kiềm tăng.

    6. Bảo quản:

    Tránh ánh sáng, nhiệt độ ≤ 25oC. Không để ở nhiệt độ đóng băng (hỗn dịch tiêm Diazepam).

    III. Etomidat (Etomidate – Lipuro 20mg/ 10ml):

    1. Chỉ định:

    Cảm ứng gây mê.

    2. Chống chỉ định:

    Quá mẫn với Etomidat hoặc nhũ tương dầu.

    3. Thận trọng:

    Cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng Etomidate – Lipuro cho bệnh nhân rối loạn chức năng sinh tổng hợp nhân hem về mặt di truyền, phụ nữ có thai, trẻ mới đẻ và trẻ dưới 6 tháng tuổi.

    4. Lưu ý khi sử dụng:

    - Trong gây mê thời gian ngắn, phải phối hợp với một thuốc giảm đau.

    - Phải tiêm bằng đường tĩnh mạch và theo nguyên tắc, phải thật chậm (1 liều thường kéo dài khoảng 30 giây) và ngắt quãng, nếu cần.

    - Trước khi sử dụng Etomidate – Lipuro nên có sự chuẩn mê thích hợp để tránh xảy ra chứng giật rung cơ. Với bệnh nhân có biểu hiện động kinh hoặc có xu hướng co giật tăng lên nên tiêm nhanh trong vòng vài giây để tránh sự khuếch tán chậm Etomidat vào não.

    5. Bảo quản:

    Tránh ánh sáng, không để ở nhiệt độ trên 25oC.

    IV. Isofluran (Forane 100ml):

    1. Chỉ định:

    - Khởi mê và duy trì mê.

    - Ngoài ra theo thông tin kê toa sản phẩm, thuốc cũng có thể dùng để an thần bệnh nhân đặt nội khí quản trong phòng điều trị tích cực tối đa 48 giờ.

    2. Chống chỉ định:

    - Quá mẫn với Isofluran và các thuốc gây mê có halogen khác.

    - Tiền sử sốt cao ác tính sau khi dùng thuốc.

    3. Thận trọng:

    - Isofluran là một thuốc ức chế hô hấp mạnh, tác dụng này tăng lên do dùng các thuốc tiền mê (loại opioid) hoặc do sử dụng đồng thời các thuốc ức chế hô hấp khác. Phải theo dõi chặt chẽ tình trạng hô hấp và thực hiện thông khí hỗ trợ hoặc có điều khiển khi cần.

    - Isofluran tăng rõ rệt tác dụng của các thuốc gây giãn cơ không khử cực.

    - Gây mê bằng Isofluran lặp lại trong khoảng thời gian ngắn cần được chỉ định thận trọng.

    - Thận trọng ở người bị bệnh nhược cơ vì họ rất nhạy cảm với các thuốc ức chế hô hấp, người bị tăng áp lực nội sọ vì Isofluran làm tăng lưu lượng máu não và kèm theo tăng áp lực dịch não tủy.

    4. Lưu ý khi sử dụng:

    - Phải sử dụng bình bốc hơi chuyên dùng cho Isofluran để có thể kiểm soát được chính xác nồng độ thuốc mê cung cấp.

    - Một thuốc barbiturat tác dụng ngắn hoặc một thuốc khởi mê tĩnh mạch như Midazolam, Etomidat được khuyến cáo dùng trước khi cho hít hỗn hợp Isofluran.

    5. Tác dụng không mong muốn:

    Thường gặp, ADR > 1/100

    - Máu: Tăng bạch cầu.

    - Tuần hoàn: Hạ huyết áp, loạn nhịp tim.

    -  Hô hấp: Ức chế hô hấp.

    -  Chuyển hóa: Tăng glucose huyết, creatinin huyết thanh, giảm phosphatase – kiềm và cholesterol huyết thanh.

    Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

    - Dạ dày – ruột: Buồn nôn, nôn.

    Hiếm gặp, ADR < 1/1000

    - Dạ dày – ruột: Tắc ruột sau phẫu thuật.

    - Chuyển hóa: Sốt cao ác tính.

    6. Bảo quản:

    Tránh nóng, nhiệt độ dưới 30oC. Chai thuốc phải để đứng.

    Tài liệu tham khảo

    1. Dược thư quốc gia Việt Nam (2012)
    2. Thông tin kê toa sản phẩm
    DS. Nguyễn Tấn Xuân Trang

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ