Thông tin thuốc tháng 02/2015

    Một số thuốc có nguy cơ cao gây ADR tại bệnh viện và nội dung cần theo dõi

    I. PETHIDIN (Dolcontral 50mg/ml)

    1. Chỉ định:

    - Giảm đau (đau vừa và đau nặng).

    - Tiền mê.

    - Tăng cường cho gây mê.

    2. Chống chỉ định:

    - Dị ứng với pethidin hay với một thành phần của chế phẩm.

    - Suy thận nặng.

    - Suy hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản.

    - Đang dùng thuốc ức chế MAO hoặc đã ngừng dùng thuốc chưa quá 14 ngày.

    3. Thận trọng:

    - Pethidin là 1 chất gây nghiện. Sẽ xảy ra lệ thuộc thể chất và tâm thần cũng như quen thuốc sau khi dùng thuốc nhiều lần liên tiếp. Việc ngừng dùng thuốc đột ngột sau khi dùng dài ngày có thể dẫn đến hội chứng cai.

    - Pethidin cần được sử dụng thận trọng hoặc giảm liều cho các bệnh nhân u tế bào ưa chrome, các bệnh nhân rối loạn đường mật, giảm năng tuyến giáp, suy giảm tuyến thượng thận, hen, hạ huyết áp, sốc, phì đại tuyến tiền liệt, viêm, hoặc bệnh tắc ruột, nhược cơ, tim nhanh trên thất, nhịp tim nhanh, các bệnh liên quan đến chứng co giật, ngộ độc rượu cấp, chấn thương đầu, tăng huyết áp nội sọ.

    - Nhiễm độc thần kinh do pethidin có thể được phát hiện thấy ở các bệnh nhân suy thận, ung thư, thiếu máu hồng cầu hình liềm khi sử dụng đồng thời với thuốc kháng cholinergic hoặc khi sử dụng liều cao pethidin.

    - Pethidin phải được sử dụng thận trọng cho trẻ em, người già hoặc các bệnh nhân suy nhược và các bệnh nhân suy giảm chức năng thận hoặc gan.

    - Sử dụng pethidin trong lúc chuyển dạ thường gây nhịp xoang nhanh cho tim thai. Không nên dùng pethidin cho phụ nữ mang thai, trừ trường hợp tuyệt đối cần thiết.

    4. Tác dụng không mong muốn:

    - Tác dụng không mong muốn quan trọng nhất của pethidin là suy hô hấp.

    - Các tác dụng không mong muốn thường gặp nhất: ngủ gà, buồn nôn, táo bón, khó chịu, nôn và vã mồ hôi.

    - Các tác dụng phụ khác: hoa mắt, co đồng tử, hạ huyết áp tư thế, đỏ bừng mặt, nhịp tim chậm hoặc nhanh, tính khí thất thường, khô miệng, lệ thuộc thuốc, giảm nhiệt, ảo giác, bí tiểu, mày đay, ban đỏ, ngứa, tăng huyết áp nội sọ.

    5. Thận trọng khi sử dung:

    - Nếu phải dùng thuốc nhiều lần thì nên tiêm bắp. Nếu tiêm bắp pethidin thì phải tiêm vào bắp thịt lớn, chú ý tránh thân dây thần kinh.

    - Nếu phải tiêm pethidin vào tĩnh mạch thì cần giảm liều và phải tiêm thật chậm, tốt nhất là nên pha loãng rồi mới tiêm. Có thể pha loãng với 10ml dung dịch glucose 10%, dung dịch NaCl 0,9% hoặc với nước cất pha tiêm; dung dịch thu được có nồng độ 5mg/ml (với ống 1ml) hoặc dung dịch có nồng độ 10mg/ml (với ống 2ml).

    - Khi tiêm, nhất là tiêm tĩnh mạch, phải cho người bệnh nằm. Trong lúc tiêm và sau khi tiêm tĩnh mạch phải có sẵn thuốc giải độc, oxygen và phương tiện hỗ trợ hô hấp.

    - Đường tiêm dưới da ít được sử dụng vì gây đau và làm cứng chỗ tiêm.

    - Ðể tránh quen thuốc và nghiện thuốc, cần sử dụng pethidin với liều thấp nhất có hiệu quả và càng thưa càng tốt. Phải giảm bớt từ 25 đến 50% liều pethidin khi dùng đồng thời với các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương khác.

    7. Bảo quản:

    Tránh ánh sáng. Bảo quản ở nhiệt độ dưới 250C. Không để thuốc đóng băng.

     

    II. FENTANYL (Fentanyl 0,1mg - Rotexmedica ống 2ml hoặc 10ml)

    1. Chỉ định:

    - Dùng cho tiền mê

    - Giảm đau khi gây mê nội khí quản và gây mê hô hấp.

    - Gây mê đơn độc trong trường hợp gây mê toàn thân.

    -  Giảm đau khi điều trị tích cực.

    2. Chống chỉ định:

    - Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với fetanyl.

    - Bệnh nhân động kinh khi dự định can thiệp phẫu thuật do fentanyl có thể gây động kinh ở những khu vực não chưa bị ảnh hưởng.

    3. Thận trọng:

    Không nên sử dụng hoặc sử dụng thận trọng fentanyl trong các trường hợp:

    - Rối loạn ý thức.

    - Rối loạn trung tâm hô hấp và chức năng não, tăng áp lực não.

    - Tụt huyết áp cùng với giảm thể tích máu, loạn nhịp tim chậm.

    - U tế bào ưa chrome.

    - Các bệnh ở ống mật, các bệnh tắc nghẽn và viêm đường ruột

    - Trẻ em dưới 1 tuổi

    4. Tác dụng không mong muốn:

    - Ức chế hô hấp và có thể gây ngưng thở. Tình trạng ức chế hô hấp có thể kéo dài hơn tác dụng giảm đau và tái phát sau phẫu thuật. Ngoài ra, thuốc có thể gây co thắt thanh quản và một số trường hợp bị co thắt phế quản.

    - Mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn và nôn. Một số trường hợp hiếm gặp co cứng não.

    - Có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn từ chậm nhịp tim đến ngừng tim và tụt huyết áp, đặc biệt là giảm thể tích máu. Có thể giảm thiểu tình trạng chậm nhịp tim bằng cách dùng atropin.

    - Có thể xảy ra các rối loạn tư thế đứng.

    - Các tác dụng đặc trưng của opioat lên hệ thống cơ trơn có thể gây táo bón, tăng trương lực đường niệu dưới và rối loạn bài tiết của bàng quang (đặc biệt trong trường hợp phì đại tuyến tiền liệt).

    - Tăng co cứng xương, đặc biệt co cứng ở ngực gây ức chế hô hấp và giật cơ. Trong trường hợp xảy ra co cứng cơ, có thể dùng thuốc giãn cơ.

    - Gây co đồng tử và có thể gây rối loạn thị giác (mờ mắt).

    - Đổ mồ hôi, ngứa, mày đay.

    5. Lưu ý khi sử dụng:

    Cần giám sát thường xuyên các chức năng sống, kể cả giai đoạn sau phẫu thuật, đặc biệt là nguy cơ tái phát tình trạng ức chế hô hấp. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện cấp cứu.

    6. Bảo quản:

    Tránh ánh sáng. Không bảo quản ở nhiệt độ trên 250C.

     

    III. KETAMIN (Ketamine hydrochloride 50mg/ml):

    1. Chỉ định:

    Ketamin được dùng:

    - Như một tác nhân gây mê đơn độc trong chẩn đoán và thủ thuật ngoại khoa.  Tuy rất phù hợp với các thủ thuật ngắn nhưng nếu thêm liều, có thể dùng trong các thủ thuật kéo dài. Nếu cần giãn cơ vân, có thể dùng thuốc giãn cơ và phải hỗ trợ hô hấp.

    - Để khởi mê trước khi dùng các thuốc gây mê toàn thân khác.

    - Để hỗ trợ các thuốc gây mê khác.

    2. Chống chỉ định:

    - Không dùng thuốc ở những người bị cao huyết áp vì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, kể cả những người có tiền sử tai biến mạch máu não.

    - Không chỉ định cho người bệnh bị sản giật hay tiền sản giật.

    3. Thận trọng và lưu ý khi sử dụng:

    - Chỉ được dùng thuốc tại bệnh viện dưới sự hướng dẫn của các thầy thuốc gây mê có kinh nghiệm, trừ trường hợp cấp cứu.

    - Giống như đối với mọi thuốc mê, phải có sẵn các trang bị hồi sức để cấp cứu.

    - Các barbiturat và ketamin tương kỵ nhau về mặt hóa học do tạo thành tủa, vì vậy không tiêm cùng một bơm tiêm.

    - Dùng barbiturat và/hoặc thuốc ngủ cùng với ketamin có thể kéo dài thời gian hồi phục.

    - Trong thời gian hồi phục có thể có hiện tượng mê sảng cấp. Tỷ lệ phản ứng này có thể giảm bớt nếu giảm thiểu kích thích người bệnh bằng lời nói và bằng xúc giác, nhưng vẫn phải theo dõi các dấu hiệu sinh tồn.

    - Không nên dùng ketamin cho những người dễ bị ảo giác hoặc rối loạn tâm thần.

    - Vì các phản xạ họng và thanh quản thường vẫn hoạt động, nên tránh kích thích họng bằng cơ học, trừ khi đã dùng thuốc giãn cơ.

    - Nên theo dõi liên tục chức năng tim trong quá trình gây mê ở những người bệnh có cao huyết áp hay suy tim mất bù.

    -  Vì đã có trường hợp tăng áp lực dịch não tủy trong khi gây mê bằng ketamin, cần lưu ý đặc biệt đối với những người bệnh có áp lực dịch não tủy tăng trước khi gây mê.

    - Nên tiêm liều tĩnh mạch trong thời gian 60 giây, nếu nhanh hơn có thể gây hiện tượng suy hô hấp tạm thời hoặc ngừng thở.

    - Trong các phẫu thuật có gây đau nội tạng, nên dùng ketamin phối hợp với một thuốc giảm đau nội tạng.

    - Dùng thận trọng đối với người nghiện rượu và nhiễm độc rượu cấp.

    - Khi dùng ketamin người cho bệnh ngoại trú, phải theo dõi bệnh nhân cho đến khi bệnh nhân tỉnh hoàn toàn và phải có người lớn có trách nhiệm đi cùng.

    4. Tác dụng không mong muốn:

    - Tim mạch: Thường gặp tăng huyết áp và mạch nhanh tạm thời. Huyết áp có thể tăng 20 -25% giá trị trước khi gây mê. Tuy nhiên cũng có khi hạ huyết áp và mạch tim chậm. Loạn nhịp tim cũng có thể xảy ra.

    - Hô hấp: Suy hô hấp, có thể dẫn tới ngưng thở nếu tiêm tĩnh mạch quá nhanh hoặc tiêm liều cao.

    - Tâm thần: Các phản ứng cấp gồm mê sảng, đặc trưng bởi những giấc mơ sinh động (vui vẻ hoặc khó chịu) hoặc ảo tưởng có hay không kèm theo hoạt động tâm thần vận động, được biểu hiện bằng lú lẫn và hành vi kích động, ảo thị giác. Thường gặp nhiều hơn ở những người bệnh trong khoảng 15-45 tuổi.

    - Thần kinh: Tăng trương lực cơ, có các biểu hiện cử động co cứng và giật rung đôi khi giống như cơn động kinh. Những biểu hiện này không phải do mức độ gây mê còn nhẹ và không cần tăng thêm thuốc mê.

    - Tiêu hóa: có gặp chán ăn, buồn nôn, nôn nhưng không nghiêm trọng.

    - Các phản ứng khác: Đau tại chỗ, nổi ban chỗ tiêm ít gặp, cũng có khi nổi ban tạm thời giống sởi.

    5. Bảo quản: Tránh ánh sáng, bảo quản ở nhiệt độ không quá 300 C.

    Tài liệu tham khảo:

    1. Dược thư quốc gia Việt Nam 2012. Nhà xuất bản y học. 
    2. AHFS Drug Information 2008.
    3. Thông tin kê đơn của sản phẩm.

    DS. Hoàng Thị Vinh

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ