Teo niệu sinh dục

    Ds. Nguyễn Tấn Xuân Trang (Dịch)
    Khoa Dược – BV Từ Dũ

    Không giống như cơn bốc hỏa có thể tự hết trong một khoảng thời gian, các triệu chứng teo âm đạo và đường tiểu dưới thường tiến triển, kéo dài trong nhiều năm và đòi hỏi phải có sự điều trị. Tỷ lệ khô âm đạo tăng sau khi mãn kinh, gây các triệu chứng ngứa, nóng rát và đau khi giao hợp. Trong khi lên đến 40% phụ nữ sẽ gặp các triệu chứng này nhưng chỉ có số ít người (khoảng 25% ở các nước phương Tây) tìm kiếm sự trợ giúp về y tế. Lý do không chỉ là do thiếu kiến thức mà còn do những tác dụng phụ phổ biến của phương pháp hormone thay thế (HRT) và nhận thức sai lầm rằng điều trị tại chỗ của teo âm đạo tương tự như HRT. Các lý do khác có thể là sự e ngại khi trao đổi về các vấn đề như vậy.

    Sinh lý bệnh

    Thụ thể Estrogen có ở vùng tam giác âm đạo, niệu đạo và bàng quang và với sự suy giảm Estradiol sau mãn kinh thì chắc chắn là có một mức độ thay đổi teo ở những vị trí này. Cụ thể là, các tế bào biểu mô âm đạo trở nên mỏng, mất đi các nếp nhăn, độ đàn hồi và nhạt màu rõ rệt do giảm lượng máu cung cấp; khi có triệu chứng có thể xuất hiện kèm viêm cấp và dễ tổn thương. Việc giảm glycogen ở các tế bào bề mặt làm tăng độ pH do Acid lactic – một yếu tố chống lại sự phát triển của các tác nhân gây bệnh, được tạo ra ít hơn. Dịch tiết cổ tử cung và sự thấm ra âm đạo cũng giảm dẫn đến giảm sự bôi trơn. Viêm teo niệu đạo và vùng tam giác này cũng có thể gây ra khó tiểu, tiểu lắt nhắt, đau bàng quang và nhiễm trùng niệu tái phát. Teo vùng da âm hộ và môi âm hộ cũng có thể gây ngứa.

    Điều trị

    Teo niệu sinh dục có triệu chứng được chẩn đoán dễ dàng nhưng thường bị bỏ sót. Bộ câu hỏi đơn giản cho tất cả phụ nữ sau mãn kinh, bất kể lý do ban đầu để tư vấn, sẽ gợi ra những triệu chứng kinh điển. Nguyên tắc của điều trị teo âm đạo là phục hồi môi trường sinh lý niệu sinh dục và cải thiện các triệu chứng. Việc điều trị nên được bắt đầu sớm và trước khi có những thay đổi không thể phục hồi xảy ra.

    Chất bôi trơn và dưỡng ẩm không nội tiết

    Chất bôi trơn và dưỡng ẩm hiện có được sử dụng không cần kê đơn và thường đắt tiền; một số thì cần chỉ định của bác sĩ (Replens, SYLK, Hyalofemme và Regelle). Đây thường là sự kết hợp của chất bảo vệ và chất làm dày dưới dạng một base tan trong nước và chủ yếu sử dụng để làm giảm khô âm đạo khi giao hợp, không sử dụng lâu dài hoặc để phục hồi sinh lý niệu sinh dục. Chất dưỡng ẩm có thể giúp giữ nước trong các tế bào bề mặt âm đạo nên có tác dụng kéo dài hơn.

    Tính nguyên vẹn và hiệu quả của bao cao su có thể bị ảnh hưởng bởi các chất bôi trơn. Vì vậy cần lưu ý khi sử dụng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

    Estrogen

    Estrogen có thể được dùng đường toàn thân hoặc tại chỗ nhưng 10 – 25% phụ nữ chỉ sử dụng nội tiết toàn thân vẫn sẽ gặp các triệu chứng teo niệu sinh dục. Điều này cộng với những mối quan tâm về độ an toàn khi dùng đường uống/ qua da HRT là những lý do tại sao việc điều trị toàn thân thường không được khuyến cáo cho những phụ nữ chỉ có triệu chứng âm đạo, tuy nhiên, ở phụ nữ có triệu chứng nặng nên sử dụng kết hợp Estrogen đường toàn thân và âm đạo ngay từ ban đầu. Lựa chọn điều trị tại chỗ bao gồm Estrogen tự nhiên liều thấp như Estradiol dạng viên hoặc vòng hoặc Estriol dạng kem bôi hoặc đặt âm đạo.

    Kem Estrogen liên kết nguồn gốc từ ngựa không còn được sử dụng vì nó có thể hấp thụ dễ dàng vào tuần hoàn, gây kích thích nội mạc tử cung và chảy máu.

    Sự hấp thu toàn thân xảy ra với tất cả các chế phẩm Estrogen tại chỗ nhưng ít với Estradiol dạng viên hoặc vòng đặt âm đạo và nồng độ hormone vẫn nằm trong ngưỡng sau mãn kinh bình thường. Sự hấp thụ sẽ nhiều nhất trong vài ngày đầu tiên, khi các tế bào biểu mô âm đạo còn teo. Một khi nó đã hồi phục, sự hấp thu sẽ giảm và Estrogen dùng với liều thấp hơn sẽ được tiếp tục vô thời hạn để ngừa teo tái phát.

    Estriol được hấp thụ đáng kể ở cả hai dạng kem bôi và đặt âm đạo nhưng bởi vì Estriol là một Estrogen yếu và không chuyển hóa thành Estrone hoặc Estradiol nên ít gây tác dụng toàn thân. Không có bằng chứng kích thích nội mạc tử cung khi sử dụng Estradiol hoặc Estriol với liều thích hợp và do đó không cần thiết phải bổ sung Progestogen để bảo vệ nội mạc tử cung. Tuy nhiên, nếu có xuất huyết bất thường sau mãn kinh thì nên cân nhắc việc này.

    Tất cả các chế phẩm Estrogen đều có hiệu quả trên teo niệu sinh dục, giảm triệu chứng khô âm đạo, đau khi giao hợp và nhiễm trùng niệu. Dạng viên và vòng tạo dịch tiết ít hơn so với dạng đặt âm đạo và kem. Dựa theo mong muốn của bệnh nhân mà quyết định lựa chọn chỉ định dạng chế phẩm nào. Chưa có nghiên cứu về việc sử dụng Estrogen tại chỗ quá 12 tháng nhưng không có sự chống chỉ định khi sử dụng lâu dài Estrogen liều thấp.

    Khi teo niệu sinh dục, những thay đổi ở cổ tử cung có thể ảnh hưởng đến việc phết cổ tử cung. Vùng chuyển tiếp (squamo – columnar junction) có thể tụt vào kênh cổ tử cung cũng làm ảnh hưởng đến quá trình soi cổ tử cung. Việc sử dụng Estrogen tại chỗ trong vài tuần có thể giải quyết những vấn đề này.

    Teo âm đạo cũng thường gặp sau điều trị ung thư phụ khoa, ung thư vú nhưng vẫn còn thiếu dữ liệu về việc sử dụng Estrogen tại chỗ cho những phụ nữ ung thư có đáp ứng với hormone để đưa ra những khuyến cáo dựa trên y học bằng chứng. Sử dụng liệu pháp Estrogen tại chỗ ở những phụ nữ dùng Tamoxifen hoặc chất ức chế aromatase cần được cân nhắc.

    Tóm lại

    • Các triệu chứng do teo niệu sinh dục rất phổ biến nhưng chưa được chẩn đoán và điều trị.
    • Điều trị nên được bắt đầu sớm và trước khi có những thay đổi không thể phục hồi xảy ra.
    • Việc điều trị cần phải được tiếp tục để duy trì hiệu quả.
    • Tất cả các chế phẩm Estrogen tại chỗ đều có hiệu quả và dựa theo mong muốn của bệnh nhân mà quyết định lựa chọn chỉ định dạng chế phẩm nào.
    • Không cần phối hợp thêm Progestogen khi sử dụng hợp lý Estrogen tại chỗ liều thấp.
    • Nếu Estrogen không hiệu quả, có thể sử dụng chất dưỡng ẩm và chất bôi trơn tạm thời để giảm các triệu chứng do khô âm đạo.

    Tài liệu tham khảo:

    1. Sturdee DW and Panay N. on behalf of the International Menopause Society Writing Group Recommendations for the management of postmenopausal vaginal atrophy. Climacteric 2010; 13: 509–522.

    2. Bygdeman M and Swahn M. Replens versus dienoestrol cream in the symptomatic treatment of vaginal atrophy in postmenopausal women. Maturitas 1996; 23: 259–263.

    3. Biglia N, Peano E, Sgandurra P, et al. Low-dose vaginal estrogens or vaginal moisturizer in breast cancer survivors with urogenital atrophy: a preliminary study. Gynecol Endocrinol 2010; 26: 404–412.

    4. Rosen AD and Rosen T. Study of condom integrity after brief exposure to over-the-counter vaginal preparations. South Med J 1999; 92: 305–307.

    5. Goldstein I. Recognising and treating urogenital atrophy in postmenopausal women. J Womens Health (Larchmt) 2010; 19: 425–432.

    6. Suckling J, Kennedy R, Lethaby A, et al. Local estrogen therapy for vaginal atrophy in postmenopausal women. Cochrane Database Syst Rev 2006; Issue 4: CD 001500.

    7. Weisberg E, Ayton E, Darling G, et al. Endometrial and vaginal effects of low-dose estradiol delivered by vaginal ring or vaginal tablet. Climacteric 2005; 8: 83–92.

    8. Eugster-Hausmann M, Waitzinger J and Lehnick D. Minimized estradiol absorption with ultra-low-dose 10mg, 17b-estradiol vaginal tablets. Climacteric 2010; 13:219–227.

    9. Haspels AA, Luisi M and Kicovic PM. Endocrinological and clinical investigations in postmenopausal women following administration of vaginal cream containing oestriol. Maturitas 1981; 3: 321–327.

    10. Al-Baghdadi O and Ewies AAA. Topical estrogen therapy in the management of postmenopausal vaginal atrophy: an up-to-date overview. Climacteric 2009; 12:91–105.

    11. Ulrich L, Naessen T, Elia D, et al. Endometrial safety of ultra-low-dose vagifem 10 mg in postmenopausal women with vaginal atrophy. Climacteric 2010; 13: 228–237.

    12. Nappi RE and Kokot-Kierepa M. Vaginal health: insights, views & attitudes (VIVA) – results from an international survey. Climacteric 2012; 15: 36–44.

    13. Cui Y, Zong H, Yan H, et al. The efficacy and safety of ospemifene in treating dyspareunia associated with postmenopausal vulvar and vaginal atrophy: a systematic review and meta-analysis. J Sex Med 2014; 11: 487–497.

    Nguồn:

    David Sturdee. Urogenital atrophy. Post Reproductive Health 2014, Vol. 20 (2), 73–75.

    Ds. Nguyễn Tấn Xuân Trang

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ