Sử dụng steroid trước sinh làm giảm nguy cơ về các bệnh đường hô hấp ở trẻ sinh non muộn

    Ds. Hoàng Thị Vinh (dịch)

    Nghiên cứu của Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ cho thấy những lợi ích điều trị mở rộng đối với trẻ sinh ra ở 34 -36 tuần.

       Điều trị với steroid trước sinh làm giảm nguy cơ về các biến chứng hô hấp ở trẻ sinh ra tại thời điểm 34-36 tuần, còn được gọi là trẻ sinh non “muộn”, theo một nghiên cứu thực hiện bởi mạng lưới nghiên cứu thuộc Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ.

       Các steroid là một chuẩn điều trị đối với phụ nữ có khả năng sinh trước 34 tuần của thai kỳ vì những thuốc này được biết là làm giảm biến chứng đường hô hấp và những biến chứng khác, cũng như tử vong, trong số những trẻ sinh non sớm. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng các steroid cũng làm giảm sự xuất hiện những biến chứng hô hấp nghiêm trọng ở trẻ sinh non muộn.

       Trước đây, người ta tin rằng trẻ sinh non muộn có thể phát triển mạnh mà không cần người mẹ phải điều trị bằng steroid trước đó. Các nhà nghiên cứu sau đó đã nhận thấy rằng trẻ sinh non muộn có nguy cơ bị các biến chứng hô hấp cao hơn so với trẻ sinh từ 37 tuần trở lên.

       “Tám phần trăm các trường hợp sinh đẻ là sinh non muộn ", theo tác giả nghiên cứu Uma Reddy, Tiến sĩ y khoa, Thạc sĩ y tế công cộng, nhánh nghiên cứu về thai kỳ và chu sinh tại Viện quốc gia Eunice Kennedy Shriver về sức khoẻ trẻ em và phát triển con người thuộc Viện sức khoẻ Quốc gia Hoa Kỳ (NIHCD)."Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng liệu pháp steroid cho những thai phụ sinh non muộn có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng hô hấp nghiêm trọng ở nhóm trẻ này."

       Nghiên cứu được đồng tài trợ bởi NIHCD và Viện tim, phổi và máu quốc gia (NHLBI).

       “Giảm biến chứng hô hấp ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến ít tổn thương cho phổi chưa trưởng thành hơn, ít nhập viện hơn, liên kết trẻ sơ sinh - mẹ sớm hơn, và phổi cũng như sức khỏe tổng quát về lâu dài tốt hơn,” Carol Blaisdell, bác sĩ, nhân viên y tế của NHLBI và là nhân viên chương trình nghiên cứu cho biết.

       Những phụ nữ tham gia vào nghiên cứu đang trong giai đoạn tuần thứ 34 đến tuần thứ 36 của thai kỳ có nguy cơ sinh sớm cao (trước tuần thứ 37). Các nhà nghiên cứu phân chia ngẫu nhiên 2,831 người tham gia được tiêm 2 mũi betamethason hoặc giả dược, cách nhau 24 giờ.

       Các nhà nghiên cứu phân loại kết quả nghiên cứu vào một tiêu chuẩn tổng hợp duy nhất, một kết cục chính xuất phát từ nhu cầu về bất kỳ liệu pháp nào được sử dụng để điều trị khó thở ở trẻ sơ sinh, bao gồm:              

    • Thở áp lực dương liên tục (CPAP) - sử dụng áp lực không khí nhẹ, sao cho có đủ không khí đến phổi.
    • Liệu pháp oxy - oxy với nồng độ cao hơn nồng độ trong phòng được đi vào phổi trẻ.
    • Thở máy - một ống được đặt vào khí quản của trẻ và cung cấp oxy cho phổi của trẻ.

       Kết cục chính cũng bao gồm việc trẻ có bị chết lưu hoặc chết trước 72 giờ tuổi hay không.

       Trong kết luận của nghiên cứu, 11.6% trẻ trong nhóm dùng betamethasone đáp ứng tiêu chuẩn cho kết cục chính -  và giảm 20% về nhu cầu hỗ trợ hô hấp tại thời điểm 72 giờ tuổi, so với nhóm dùng giả dược. Hai trẻ sơ sinh trong nhóm betamethasone tử vong trước 72 giờ, nhưng những trường hợp tử vong này không phải vì nguyên nhân về đường hô hấp. Một trẻ sơ sinh chết vì dị tật tim, và các trường hợp khác do nhiễm trùng huyết, một dạng nhiễm trùng máu thường xảy ra ở trẻ sinh non. Tỷ lệ nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu nghiêm trọng) là gần như nhau ở cả hai nhóm.

       Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá trẻ theo một số kết cục phụ. Điều đầu tiên trong những kết cục này,  bệnh hô hấp nặng, bao gồm sự cần thiết phải điều trị bằng CPAP hoặc thở oxy trong ít nhất 12 giờ liên tục, nồng độ oxy cao trong ít nhất 24 giờ, hoặc thở máy. Một lần nữa, nhóm betamethasone ở tình trạng tốt hơn, với 8.1 phần trăm đủ tiêu chuẩn cho kết cục phụ này - giảm 33 phần trăm bệnh hô hấp nghiêm trọng so với nhóm dùng giả dược. Trẻ sơ sinh trong nhóm dùng betamethasone cũng có vẻ như ít bị thở nhanh thoáng qua (có dịch trong phổi) hoặc loạn sản phế quản phổi - tổn thương mô và sẹo có thể dẫn đến phải thở oxy hoặc  hỗ trợ thở.

       Trẻ sơ sinh trong nhóm dùng betamethasone có nhiều khả năng có mức đường huyết thấp hơn so với những trẻ trong nhóm giả dược (24 phần trăm so với 14,9 phần trăm). Do đó, các dữ liệu ủng hộ việc theo dõi lượng đường trong máu của trẻ sơ sinh khi steroid được chỉ định trong tình huống này. Nhìn chung, sử dụng betamethason cho phụ nữ có nguy cơ sinh non muộn giảm tỷ lệ biến chứng hô hấp ở trẻ sinh ra. Mặc dù thuốc làm tăng nguy cơ hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh, không có sự khác biệt khác về tỷ lệ biến chứng giữa các trẻ sơ sinh hoặc người mẹ.

    Nguồn: http://www.nih.gov/news-events/news-releases/prenatal-steroids-lower-risk-respiratory-illness-late-preterm-infants

    DS Hoàng Thị Vinh

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ