Sử dụng oxytocin không kèm misoprostol tốt cho phòng ngừa băng huyết sau sinh

    Ds Thân Thị Mỹ Linh (Dịch)
    Khoa Dược

    Sử dụng thêm misoprostol cùng với oxytocin ngay sau sinh không giúp ngăn ngừa băng huyết sau sinh mà có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ hơn so với chỉ sử dụng oxytocin, đây là một công bố của một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên. Thử nghiệm đã bị tạm dừng sớm vì những phát hiện này.

    Những phát hiện của nghiên cứu này không hỗ trợ cho việc sử dụng misoprostol kèm với oxytocin trong phòng ngừa băng huyết sau sinh. Mặc dù misoprostol dễ cung ứng, dễ sử dụng và hiệu quả cho những chỉ định khác khi mang thai, oxytocin vẫn là lựa chọn chính để dự phòng băng huyết sau sinh ở các nước phát triển. Theo công bố của Ths. Thibaud Quibel và cộng sự, khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Poissy-Saint Germain, Pháp được báo cáo trực tuyến ngày 08 tháng 09 năm 2016 trên tạp chí Obstetrics & Gynecology.

    Một nghiên cứu khác cho thấy hai loại thuốc trên có thể có tác dụng hiệp đồng. “Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng sự kết hợp của oxytocin và misoprostol so với chỉ sử dụng oxytocin trong giai đoạn ba của chuyển dạ sẽ giảm tỷ lệ băng huyết sau sinh”, các nhà nghiên cứu giải thích.

    Nghiên cứu bao gồm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 18 tuổi) được dự đoán sẽ sinh con theo ngã âm đạo, những người trong giai đoạn đầu chuyển dạ, người ở 36 - 42 tuần của thai kỳ, được gây tê ngoài màng cứng và đồng ý tham gia nghiên cứu. Nghiên cứu loại trừ những phụ nữ: đa thai, tiền sử dị ứng với prostaglandins, mổ lấy thai hoặc tham gia một thử nghiệm lâm sàng khác.

    Các nhà nghiên cứu phân ngẫu nhiên những phụ nữ ở giai đoạn đầu của chuyển dạ theo tỷ lệ 1:1 để sử dụng 400 mcg misoprostol hoặc giả dược ngay sau sinh. Những người phụ nữ này cũng sẽ được chỉ định 10 IU oxytocin tiêm tĩnh mạch để dự phòng vào giai đoạn ba của chuyển dạ. Theo dõi lượng máu mất bắt đầu ngay sau khi bắt em bé ra và trước khi xổ nhau. Việc theo dõi lượng máu mất diễn ra liên tục và kéo dài ít nhất 2 giờ sau sinh.

    Các đặc điểm cơ bản là giống nhau ở hai nhóm phụ nữ, cũng như trọng lượng của trẻ sơ sinh. Không có khác biệt đáng kể về mục tiêu chính của nghiên cứu, tỷ lệ lượng máu mất trên 500 ml trong vòng 2 giờ sau là 8,4% (68/806) ở nhóm sử dụng misoprostol so với 8,3% (66/797) ở nhóm giả dược (p = 0,98). Tỷ lệ băng huyết sau sinh nặng (lượng máu mất sau sinh > 1.000 ml trong vòng 2 giờ sau sinh) cũng tương tự là 1,8% và 2,4% tương ứng (p = 0,57).

    Tuy nhiên, các tác dụng phụ bất lợi cho mẹ thường gặp hơn ở những phụ nữ được chỉ định sử dụng misoprostol cụ thể là: sốt 30,4% so với 6,3% ở nhóm dùng giả dược p <0.001; run: 10,8% so với 0,6% P <0,001; buồn nôn 2,7% so với 1,0%; nôn 2,2% so với 0,8% và tiêu chảy 0,7% so với 0%.

    Mặc dù misoprostol tiện lợi khi thiết lập các dịch vụ y tế cho những cơ sở y tế nghèo nhưng không nên thường xuyên sử dụng nó các cơ sở y tế có điều kiện hơn đặc biệt là kết hợp với oxytocin. Đồng thời việc sử dụng misoprostol gây ra rất nhiều và tác dụng phụ thường gặp cho người mẹ.  

    Các tác giả đã tiết lộ không có mối quan hệ quan hệ tài chính liên quan.

    Tài liệu tham khảo

    http://www.medscape.com/viewarticle/868601

    Ds Thân Thị Mỹ Linh

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ