Phòng ngừa bất đồng nhóm máu Rh D

    Ds. Nguyễn Tấn Xuân Trang (lược dịch)

    Khoa Dược – BV Từ Dũ

    Những tiến bộ trong phòng ngừa và điều trị bất đồng nhóm máu Rh D là một trong những thành công lớn của sản khoa ngày nay. Có sự khác nhau nhiều về tỷ lệ hiện mắc của Rh D (–) giữa các vùng, ví dụ từ 5% ở Ấn Độ đến 15% ở Bắc Mỹ. Mặc dù ở các khu vực tỷ lệ thấp có tỷ lệ sinh cao nhưng bệnh tán huyết Rh ở trẻ sơ sinh vẫn là một nguyên nhân quan trọng gây bệnh và tử vong ở các nước không có chương trình dự phòng. Ở những nước này, 14% thai nhi bị tử vong ở những trường hợp này và một nửa số trẻ sơ sinh sống có tử vong sơ sinh hoặc chấn thương não. Việc sử dụng globulin miễn dịch Rh D thường quy làm giảm tỷ lệ tán huyết miễn dịch ở các nước phát triển. Được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 1970, việc sử dụng globulin miễn dịch Rh D sau sinh làm giảm tỷ lệ bất đồng nhóm máu ở những thai kỳ nguy cơ từ 13 – 16% xuống còn 0,5 – 1,8%. Nguy cơ có thể giảm xuống còn 0,14 – 0,2% với việc sử dụng thường quy thêm một liều sau sinh. Mặc dù có bằng chứng đáng kể về hiệu quả, vẫn còn một số lớn các trường hợp bất đồng nhóm máu Rh D vì không tuân thủ theo các khuyến cáo. Ngoài ra, có những dữ liệu mới để giúp hướng dẫn điều trị, đặc biệt là đối với phụ nữ kiểu hình D lặn. Mục đích của tài liệu này là cung cấp hướng dẫn dựa trên bằng chứng cho việc điều trị bệnh nhân có nguy cơ bất đồng nhóm máu Rh D.

    Tóm tắt các khuyến cáo và kết luận

    Các khuyến cáo sau dựa trên bằng chứng khoa học tốt và nhất quán (Mức độ A):

    • Globulin miễn dịch anti – D dự phòng nên được sử dụng cho phụ nữ Rh D (–) không nhạy cảm ở tuần thứ 28 của thai kỳ. Sau khi sinh, nếu trẻ được xác nhận là Rh D (+), tất cả phụ nữ Rh D (–) không được biết là có nhạy cảm nên sử dụng globulin miễn dịch anti – D trong vòng 72 giờ sau sinh.

    Các khuyến cáo sau dựa trên bằng chứng khoa học hạn chế hoặc không nhất quán (Mức độ B):

    • Việc sử dụng globulin miễn dịch Rh D được khuyến cáo với tất cả các thủ thuật chẩn đoán xâm lấn như sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối ở những phụ nữ Rh D (–) khi thai nhi có thể là Rh D (+).

    Các khuyến cáo sau chủ yếu dựa trên ý kiến ​​đồng thuận và chuyên gia (Mức độ C):

    • Ngoại xoay thai (bất kể thành công) có liên quan đến nguy cơ xuất huyết thai nhi – mẹ với tỷ lệ 2 – 6% và globulin miễn dịch anti – D được chỉ định cho bệnh nhân Rh D (–) không nhạy cảm.
    • Phù hợp để sử dụng globulin miễn dịch anti – D cho phụ nữ Rh D (–) nghi ngờ mang thai trứng và những người phá thai.
    • Mặc dù nguy cơ bất đồng nhóm máu thấp, hậu quả có thể là đáng kể và việc sử dụng globulin miễn dịch Rh D nên được xem xét trong trường hợp sẩy thai tự nhiên ba tháng đầu, đặc biệt là những trường hợp muộn trong ba tháng đầu thai kỳ.
    • Vì có nguy cơ cao bất đồng nhóm máu, những phụ nữ Rh D (–) phá thai ngoại khoa nên được dự phòng globulin miễn dịch Rh D.
    • Globulin miễn dịch Rh D nên được sử dụng cho phụ nữ Rh D (–) khi chấm dứt thai kỳ, bằng thuốc hoặc ngoại khoa.
    • Khuyến cáo sử dụng globulin miễn dịch Rh D cho tất cả các trường hợp thai ngoài tử cung ở phụ nữ Rh D (–).
    • Globulin miễn dịch anti – D được khuyến cáo cho những phụ nữ Rh D (–) bị xuất huyết trước khi sinh từ sau tuần thứ 20 của thai kỳ.  
    • Globulin miễn dịch anti – D nên được dùng cho phụ nữ Rh D (–) đã từng chấn thương bụng.
    • Globulin miễn dịch anti – D nên được dùng cho phụ nữ Rh D (–) đã từng bị thai lưu trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    Prevention of Rh D Alloimmunization. ACOG Practice Bulletin number 181, August 2017. (Replaces Practice Bulletin Number 4, May 1999)

    Ds. Nguyễn Tấn Xuân Trang

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ