Ondansetron trên phụ nữ mang thai
Ds. Huỳnh Thị Hồng Gấm (Dịch)
Khoa Dược- Bệnh viện Từ Dũ
Buồn nôn và nôn trong thai kỳ xảy ra đến 80% trên phụ nữ mang thai, với khoảng 15% yêu cầu dùng thuốc chống nôn.[1,2] Thật không may, đỉnh cao của buồn nôn và nôn là trong 3 tháng đầu thai kỳ, trùng hợp với thời điểm bào thai nhạy cảm cao nhất đối với tác dụng gây quái thai của thuốc.[3]
Ondansetron, là một thuốc đối kháng thụ thể 5-HT3 , được chỉ định trong phòng ngừa buồn nôn và nôn do hóa trị, do bức xạ và sau phẫu thuật. Mặc dù Ondansetron không được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt trong điều trị buồn nôn và nôn trong thai kỳ, Ondansetron là thuốc chống nôn thường được kê đơn nhiều nhất cho phụ nữ mang thai.[4,5] Mặc dù, Ondansetron thường được sử dụng off-label, các dữ liệu về ảnh hưởng của Ondansetron lên sự phát triển của bào thai còn bị hạn chế và mâu thuẫn.
Năm 2004, các nhà nghiên cứu từ Canada và Úc đã công bố kết quả một nghiên cứu đoàn hệ so sánh về tần suất sẩy thai, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh nghiêm trọng giữa những phụ nữ mang thai đã sử dụng Ondansetron với nhóm phụ nữ mang thai sử dụng thuốc chống nôn khác hoặc không sử dụng thuốc chống nôn ( n= 176 ở mỗi nhóm)[6]. Sử dụng Ondansetron ở ba tháng đầu thai kỳ. Không có sự khác biệt đáng kể giữa ba nhóm phụ nữ mang thai về các tác dụng không mong muốn trên kết cục thai kỳ đã được quan sát.
Sau đó, một nghiên cứu bệnh chứng về Ondansetron có nguy cơ tăng đáng kể hở hàm ếch[2].Tỷ suất chênh (the odds) hở hàm ếch ở nhóm phụ nữ mang thai sử dụng Ondansetron trong ba tháng đầu thai kỳ (n= 55) cao gấp 2,4 lần so với nhóm không sử dụng ( n= 4.479); tuy nhiên, nguy cơ sứt môi, tật lỗ tiểu lệch dưới hoặc khuyết tật ống thần kinh tương tự nhau ở cả 2 nhóm.
Các nhà nghiên cứu Úc đã so sánh 251 phụ nữ mang thai sử dụng Ondansetron từ năm 2002 đến năm 2005 với 96.717 phụ nữ mang thai không sử dụng thuốc này trong cùng khoảng thời gian trên[7]. Mặc dù không có ý nghĩa về mặt thống kê, kết quả cho thấy tăng nguy cơ 20% về các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở nhóm trẻ của những phụ nữ mang thai đã sử dụng Ondansetron trong ba tháng đầu thai kỳ. Các ước tính này dựa trên một tỷ lệ thấp các dị tật bẩm sinh và không chính xác, với khoảng tin cậy rộng (odds ratio 1,2; CI 0,6-2,2).
Các nhà nghiên cứu Đan Mạch đã công bố kết quả một nghiên cứu đoàn hệ lớn, đánh giá 1.970 phụ nữ mang thai đã sử dụng Ondansetron trong ba tháng đầu thai kỳ từ năm 2004 đến năm 2011[8]. Các dữ liệu thu thập được từ Medical Birth Registry và National Patient Registry của Đan Mạch, phụ nữ mang thai sử dụng Ondansetron trong ba tháng đầu thai kỳ chiếm tỷ lệ là 1: 4 so với nhóm không sử dụng. Một nửa số kê đơn Ondansetron trước 10 tuần thai và một nửa kê đơn sau 10 tuần thai. So sánh với nhóm phụ nữ mang thai không sử dụng Ondansetron, thuốc này không có liên quan đến tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh nghiêm trọng hoặc sinh non. Phần lớn sử dụng Ondansetron trong nửa sau của ba tháng đầu thai kỳ, cho nên có thể hạn chế những khả năng tác động của Ondansetron trong vài tuần đầu thai kỳ.
Một nhóm các nhà nghiên cứu của Đan Mạch, cũng đã sử dụng các dữ liệu từ Medical Birth Registry và National Patient Registry của Đan Mạch, đánh giá tác động gây quái thai của Ondansetron trong ba tháng đầu thai kỳ từ năm 1997 đến năm 2010[9]. Trong tổng số 897.018 trẻ sinh ra, 1.248 phụ nữ mang thai đã sử dụng Ondansetron. Tỷ suất chênh (the odds) thai nhi bị dị tật tim của nhóm phụ nữ mang thai sử dụng Ondansetron cao hơn 2 lần so với nhóm không sử dụng, nguy cơ về các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng tương tự nhau.
Các nhà nghiên cứu của Thụy Điển đã sử dụng các dữ liệu từ Medical Birth Registry và National Patient Registry của Thụy Điển để đánh giá tác động của Ondansetron trên thai kỳ sớm.[10] Từ năm 1998 đến năm 2012, có 1.349 phụ nữ mang thai sử dụng Ondansetron trong thai kỳ sớm. Sử dụng Ondansetron không có liên quan với tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh nghiêm trọng; tuy nhiên, tỷ suất chênh (the odds) các dị tật tim cao hơn 1,6 lần và the Odds dị tật vách tim cao hơn 2,1 lần.
Nhìn chung, các nguy cơ liên quan đến sử dụng Ondansetron trong ba tháng đầu thai kỳ vẫn còn chưa rõ ràng. Hầu hết các nghiên cứu quan sát đều cho rằng Ondansetron dường như không tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu hoặc các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.[2,6-10] Vài nghiên cứu đánh giá tác động của Ondansetron về các dị tật bẩm sinh cụ thể khi tiếp xúc với Ondansetron trong gia đoạn sớm của thai kỳ với một nguy cơ nhỏ nhưng đáng kể trên hở hàm ếch và dị tật tim.
Các hướng dẫn hiện thời không khuyến cáo Ondansetron là lựa chọn đầu tay cho buồn nôn và nôn trong thai kỳ. [11,12] Điều trị ban đầu là thay đổi lối sống và chế độ ăn. Nếu yêu cầu điều trị bằng thuốc, Doxylamin/ Pyridoxin được FDA phê duyệt và là thuốc trong Hướng dẫn điều trị buồn nôn và nôn trong thài kỳ.[11,12] Với những bằng chứng hiện tại, nên tránh sử dụng Ondansetron trong ba tháng đầu thai kỳ trừ khi phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Nguồn: http://www.medscape.com/viewarticle/855029
Tài liệu tham khảo
1. Lee NM, Saha S. Nausea and vomiting of pregnancy. Gastroenterol Clin North Am. 2011;40:309-334.
2. Anderka M, Mitchell AA, Louik C, Werler MM, Hernandez-Diaz S, Rasmussen SA; National Birth Defects Prevention Study. Medications used to treat nausea and vomiting of pregnancy and risk of selected birth defects. Birth Defects Res A Clin Mol Teratol. 2012;94:22-30.
3. Ebrahimi N, Maltepe C, Einarson A. Optimal management of nausea and vomiting of pregnancy. Int J Womens Health. 2010;2:241-248.
4. Mitchell AA, Gilboa SM, Werler MM, Kelley KE, Louik C, Hernandez-Diaz S; National Birth Defects Prevention Study. Medication use during pregnancy, with particular focus on prescription drugs: 1976-2008. Am J Obstet Gynecol. 2011;205:51.e1-8.
5. Mayhall EA, Gray R, Lopes V, Matteson KA. Comparison of antiemetics for nausea and vomiting of pregnancy in an emergency department setting. Am J Emerg Med. 2015;33:882-886.
6. Einarson A, Maltepe C, Navioz Y, Kennedy D, Tan MP, Koren G. The safety of ondansetron for nausea and vomiting of pregnancy: A prospective comparative study. BJOG. 2004;111:940-943.
7. Colvin L, Gill AW, Slack-Smith L, Stanley FJ, Bower C. Off-label use of ondansetron in pregnancy in Western Australia. Biomed Res Int. 2013;2013:909860.
8. Pasternak B, Svanstrom H, Hviid A. Ondansetron in pregnancy and risk of adverse fetal outcomes. N Engl J Med. 2013;368:814-823.
9. Andersen JT, Jiminez-Solem E, Andersen NL, Poulsen HE. Ondansetron use in early pregnancy and the risk of congenital malformations—a register based nationwide cohort study. Program and abstracts of the 29th International Conference on Pharmacoepidemiology & Therapeutic Risk Management; August 25-28, 2013; Montreal, Quebec, Canada. Abstract 25. Abstract 25, Pregnancy session 1.
10. Danielsson B, Wikner BN, Kallen B. Use of ondansetron during pregnancy and congenital malformations in the infant. Reprod Toxicol. 2014;50:134-137.
11. American College of Obstetricians and Gynecologists. ACOG (American College of Obstetrics and Gynecology) Practice Bulletin: nausea and vomiting of pregnancy. Obstet Gynecol. 2004;103:803-814.
12. American Professors in Gynecology and Obstetrics (APGO) Educational Series on Women's Health. Nausea and vomiting of pregnancy. American Professors in Gynecology and Obstetrics. 2015.
https://www.apgo.org/images/nvp/nvp_monograph_040215_final.pdf Accessed September 15, 2015.