Một số khuyến cáo về việc sử dụng các biện pháp tránh thai khi có bệnh lý đi kèm
THÔNG TIN THUỐC
Tháng 7 năm 2019
Một số khuyến cáo về việc sử dụng
các biện pháp tránh thai khi có bệnh lý đi kèm
Dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả tránh thai cho phụ nữ có bệnh lý đi kèm còn hạn chế. Do đó, việc tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai nên cân nhắc giữa nguy cơ do biện pháp tránh thai gây ra với nguy cơ của việc mang thai ngoài ý muốn.
Phân loại của Hoa Kỳ về điều kiện phù hợp sử dụng biện pháp tránh thai (U.S. Medical Eligibility Criteria for Contraceptive Use – USMEC):
- Loại 1: Không giới hạn việc sử dụng biện pháp tránh thai.
- Loại 2: Lợi ích của việc sử dụng biện pháp tránh thai nói chung lớn hơn so với nguy cơ đã được chứng minh hoặc dựa trên lý thuyết.
- Loại 3: Nguy cơ đã được chứng minh hoặc dựa trên lý thuyết thường lớn hơn so với lợi ích của việc sử dụng biện pháp tránh thai.
- Loại 4: Tình trạng sức khoẻ không phù hợp với việc sử dụng biện pháp tránh thai.
- Một số khuyến cáo về việc sử dụng biện pháp tránh thai khi có bệnh lý đi kèm:
Khuyến cáo dựa trên bằng chứng khoa học tốt và thống nhất (mức A)
Phụ nữ có bệnh lý thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE) nên được tư vấn sử dụng biện pháp tránh thai không chứa nội tiết hoặc chỉ chứa progestin.
Biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp chống chỉ định với phụ nữ mắc chứng tăng đông di truyền (USMEC loại 4). Biện pháp tránh thai chỉ chứa progestin và dụng cụ tử cung phóng thích levonorgestrel có thể lựa chọn ở người được biết có gen đột biến gây đông máu (USMEC loại 2).
Phụ nữ mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống cần được kiểm tra kháng thể kháng phospholipid khi bắt đầu biện pháp tránh thai nội tiết. Nếu kháng thể kháng phospholipid dương tính, không được sử dụng biện pháp tránh thai này (USMEC loại 4).
Chưa kể đến việc cho con bú mẹ, các biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp bị chống chỉ định trong 21 ngày đầu sau sinh do nguy cơ VTE (USMEC loại 4). Nguy cơ VTE giảm từ ngày hậu sản 21 - 42 nhưng vẫn cao hơn lợi ích tránh thai (USMEC loại 3) ở phụ nữ có nguy cơ VTE đi kèm.
Khi bắt đầu tránh thai, việc chẩn đoán bệnh lý đau nửa đầu có/ không có triệu chứng báo trước (aura) nên được xem xét cẩn thận trên tất cả người bệnh có tiền sử đau đầu.
Biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp có thể sử dụng được cho phụ nữ có bệnh lý đau nửa đầu không có aura và không có yếu tố nguy cơ gây đột quỵ (USMEC loại 2). Biện pháp tránh thai chứa estrogen không được khuyến cáo cho phụ nữ đau nửa đầu có aura do tăng nguy cơ đột quỵ (USMEC loại 4).
Phụ nữ với huyết áp dưới 140/90 mmHg có thể sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nội tiết nào. Nếu huyết áp tâm thu 140 - 159 mmHg hoặc tâm trương 90 - 99 mmHg, biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp không nên sử dụng trừ khi không còn biện pháp tránh thai nào khác phù hợp hoặc được bệnh nhân chấp nhận (USMEC loại 3). Người có huyết áp tâm thu ³ 160 mmHg hoặc tâm trương ³ 100 mmHg, có bệnh mạch máu không được sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp (USMEC loại 4).
Phụ nữ bị đái tháo đường không biến chứng có hay không phụ thuộc insulin, không có chống chỉ định với biện pháp tránh thai nội tiết, dựa trên dữ liệu hiện có (USMEC loại 2). Tuy nhiên, người mắc bệnh đái tháo đường trên 20 năm hoặc có bệnh lý mạch máu nhỏ (bệnh võng mạc, thận hoặc thần kinh), thuốc tránh thai nội tiết kết hợp bị chống chỉ định (USMEC loại 3 hoặc 4 tùy thuộc vào độ nặng của bệnh).
Khuyến cáo dựa trên bằng chứng khoa học hạn chế và chưa thống nhất (mức B)
Biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp chứa progestin thế hệ cũ (levonorgestrel và norethindron) và progestin thế hệ mới hơn (desogestrel và drospirenon trong thuốc uống tránh thai và vòng âm đạo chứa etonogestrel) liên quan đến nguy cơ VTE như nhau và có thể được khuyến cáo cho phụ nữ có tiền sử hoặc nguy cơ VTE.
Viên tránh thai chỉ chứa progestin, que cấy tránh thai hoặc dụng cụ tử cung phóng thích levonorgestrel phù hợp với phụ nữ có tiền sử hoặc nguy cơ VTE, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ (USMEC loại 2).
Phụ nữ cho con bú mẹ có thể dùng biện pháp tránh thai chỉ chứa progestin bất kỳ lúc nào trong thời kỳ hậu sản hoặc biện pháp nội tiết kết hợp từ tuần thứ 4-6 sau sinh tùy thuộc vào yếu tố nguy cơ VTE.
Phụ nữ béo phì có thể sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết nếu tác dụng của thuốc không bị ảnh hưởng bởi cân nặng.
Phụ nữ bị trầm cảm có thể sử dụng tất cả các biện pháp tránh thai nội tiết (USMEC loại 1), kể cả thuốc tiêm depot medroxyprogesteron acetat (DMPA) vì các biện pháp này không làm nặng hơn triệu chứng của bệnh.
Không nên giới hạn việc sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết ở phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú (USMEC loại 1) hoặc phụ nữ được biết có đột biến gen nhạy cảm với ung thư vú (ví dụ BRCA1 và BRCA2), chưa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú.
Rifampin, thuốc chống động kinh gây cảm ứng enzym gan và thuốc kháng virus tương tác làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai steroid do đó những người đang uống các thuốc này nên dùng thuốc tiêm DMPA hoặc dụng cụ tử cung phóng thích levonorgestrel để không ảnh hưởng đến hiệu quả tránh thai (USMEC loại 1). Biện pháp tránh thai nội tiết kết hợp hoặc viên uống chỉ chứa progestin không được khuyến cáo sử dụng do nguy cơ tránh thai thất bại tăng (USMEC loại 3).
Khuyến cáo chủ yếu dựa trên sự đồng thuận và ý kiến chuyên gia (mức C)
Phụ nữ có sức khoẻ tốt, không hút thuốc và không có yếu tố nguy cơ tim mạch có thể dùng biện pháp tránh thai nội tiết đến 50 - 55 tuổi (USMEC loại 2).
Xét nghiệm thường quy nồng độ FSH ở những người dùng biện pháp tránh thai nội tiết để xác định khi nào mãn kinh và không cần tránh thai nữa có thế dẫn đến sai sót và không được khuyến cáo.
Dụng cụ tử cung chứa đồng được khuyến cáo là biện pháp tránh thai phù hợp với người bệnh ung thư vú đã được điều trị (USMEC loại 1).
Chỉ định sử dụng dụng cụ tử cung phóng thích levonorgestrel ở bệnh nhân ung thư vú đã được điều trị ổn cần cân nhắc giữa nguy cơ chưa biết rõ với lợi ích ghi nhận ở một số trường hợp cụ thể. Hội chẩn với bác sĩ điều trị ung thư có thể hữu ích với các trường hợp này.
Tài liệu tham khảo
Use of hormonal contraception in women with coexisting medical conditions. Practice Bulletin No. 206. American College of Obstetricians and Gynecologists (2019).