banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

14/10/2024

Labetalol, Nifedipin: kết cục điều trị tăng huyết áp trong thai kỳ

 

DS. Võ Trương Diễm Phương (dịch)

Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng, việc điều trị tăng huyết áp mạn tính trong thai kỳ bằng labetalol không khác biệt đáng kể về kết cục trên người mẹ hoặc trẻ sơ sinh, so với việc điều trị bằng nifedipin.

Thử nghiệm ngẫu nhiên, đa trung tâm, không mù (open-label), đã cho thấy việc điều trị tăng huyết áp mạn tính ở mức độ nhẹ trong thai kỳ, có lợi hơn so với trì hoãn điều trị đến khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, chưa biết rõ lựa chọn điều trị ban đầu nào ảnh hưởng đến kết cục điều trị và mức độ ảnh hưởng như thế nào.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Alabama tại Birmingham, đã tiến hành phân tích dữ liệu thứ cấp trên đối tượng phụ nữ tăng huyết áp mạn tính trong thai kỳ, so sánh với phương pháp điều trị chính. Tăng huyết áp mạn tính nhẹ trong nghiên cứu được định nghĩa là huyết áp 140-159/90-104 mmHg trước 20 tuần của thai kỳ.

So sánh ba nhóm đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu trên tổng số 2.292 phụ nữ, được chia thành 3 nhóm tùy theo loại thuốc được kê đơn ban đầu, bao gồm: 720 (31,4%) phụ nữ được điều trị labetalol; 417 (18,2%) phụ nữ được bắt đầu điều trị bằng nifedipin và 1.155 phụ nữ (50,4%) được chăm sóc tiêu chuẩn. So sánh điều trị bằng labetalol với chế độ chăm sóc tiêu chuẩn; nifedipin với chế độ chăm sóc tiêu chuẩn; và labetalol với nifedipin.

Kết cục chính là tình trạng tiền sản giật kèm theo các biến chứng nghiêm trọng; sinh non trước 35 tuần tuổi thai; nhau bong non; thai nhi hoặc trẻ sơ sinh tử vong. Kết cục thứ cấp là trẻ sơ sinh nhỏ hơn so với tuần tuổi thai. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn so sánh tác dụng phụ giữa các nhóm đối tượng nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu

  • Kết cục chính xảy ra ở 30,1% nhóm phụ nữ được điều trị bằng labetalol; 31,2% nhóm phụ nữ được điều trị bằng nifedipin; và 37% nhóm phụ nữ được chăm sóc tiêu chuẩn.
  • Nguy cơ kết cục chính ở các nhóm phụ nữ được điều trị thấp hơn. Giữa việc điều trị bằng labetalol và chăm sóc tiêu chuẩn, nguy cơ tương đối hiệu chỉnh là 0,82 (khoảng tin cậy 95%, 0,72-0,94). Giữa việc điều trị bằng nifedipin và chăm sóc tiêu chuẩn, nguy cơ tương đối hiệu chỉnh là 0,84 (khoảng tin cậy 95%, 0,71-0,99). Không có sự khác biệt đáng kể về nguy cơ kết cục chính giữa việc điều trị bằng labetalol với nifedipin, nguy cơ tương đối hiệu chỉnh là 0,98 (khoảng tin cậy 95%, 0,82-1,18).
  • Không có sự khác biệt có ý nghĩa về số lượng trẻ sơ sinh có cân nặng nhỏ hơn tuổi thai hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng giữa nhóm phụ nữ được điều trị bằng labetalol so với nifedipin.

Các tác dụng phụ thường gặp hơn ở nhóm điều trị bằng nifedipin so với labetalol (35,7% và 28,3%, p = 0,009) và chăm sóc tiêu chuẩn (35,7% và 26,3%, p = 0,0003). Tỷ lệ tác dụng phụ ở nhóm điều trị bằng labetalol cao hơn không có ý nghĩa thống kê so với chăm sóc tiêu chuẩn (28,3% và 26,3%, p = 0,34). Tác dụng phụ được báo cáo chủ yếu là đau đầu, không dung nạp thuốc, chóng mặt, buồn nôn, khó tiêu, vàng da ở trẻ sơ sinh và nôn mửa.

Vì vậy, các tác giả của nghiên cứu cho rằng, labetalol dường như ít tác dụng phụ và được dung nạp tốt hơn so với nifedipin. Ngoài ra, labetalol thuộc nhóm ức chế thụ thể alpha và beta thế hệ thứ ba, chống chỉ định cho những trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn. Nifedipin là thuốc chẹn kênh canxi, nhóm dihydropyridin, chống chỉ định cho những trường hợp có nhịp tim nhanh.

Kết quả của nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu khác, không tìm thấy sự khác biệt giữa labetalol và nifedipin. Labetalol hoặc nifedipin đều có thể được xem xét là lựa chọn điều trị đầu tay nhằm kiểm soát tình trạng tăng huyết áp mạn tính nhẹ trong thai kỳ, giảm nguy cơ kết cục bất lợi cho mẹ và kết cục chu sinh khác, mà không làm tăng nguy cơ gây hại cho bào thai.

Tài liệu tham khảo:

https://www.medscape.com/s/viewarticle/labetalol-nifedipine-outcome-pregnancy-hypertension-2024a1000cap