Hóa đàm trị ho
>> Ho và các món ăn dưỡng sinh
Ds. Huỳnh Kim Hằng
Khoa Dược – BV Từ Dũ
Theo Đông y, ho có 3 dạng: Không đàm mà có tiếng; không tiếng mà có đàm; có cả đàm lẫn tiếng.
- Ho có tiếng không đàm thì trách nhiệm thuộc về phổi, thuộc âm hư phế táo
- Ho có đàm không tiếng thì trách nhiệm thuộc về tỳ, thuộc tỳ hư bất vận, đàm trọc đi lên đến phế.
- Ho có tiếng có đàm là phế khí mới bị tổn thương, động đến tì thấp, thuộc bệnh phế tì lưỡng hư.
Nên phân biệt có đàm hay không có để có thể nhận biết cơ quan nào bị bệnh.
NGUYÊN TẮC DƯỠNG SINH
Nên lấy việc hóa giải đờm làm nguyên tắc chủ yếu, một phần của triệu chứng ho là do đờm gây ra nên dù ăn uống hay dùng thuốc cũng phải thiên về những thức ăn và thuốc có tác dụng hóa giải đờm. Thuốc Đông y có: Sa sâm, bách hợp, bạch quả, cát cánh, bàng đại hải, hạnh nhân, bách bộ, tì bà diệp.
Thường ngày phải ăn nhiều thức ăn giàu nước như củ cải, lê, dưa leo, củ năng, củ sen, đậu phụ non …có thể hóa đàm bình suyễn, tuyên phế lý khí.
Không được ăn nhiều quýt, vì quýt tính ôn vị ngọt ăn nhiều sẽ dẫn đến táo nhiệt sinh hỏa, phế táo ra đàm, tụ đàm. Chỉ có xơ quýt, vỏ quýt có tác dụng trị ho hóa đàm nên bị ho có thể ăn vỏ quýt tươi ngâm đường phèn hoặc trần bì sắc lấy nước uống. Trong thức ăn có một số loại đông dược có tác dụng trị ho hóa đàm có hiệu quả như hạnh nhân, trần bì, cam thảo, bán hạ, sinh khương, hạ khô thảo, xa tiền tử…Muối, thực phẩm cay, thực phẩm gia công có thể khiến cho cơ thể tiết ra quá nhiều niêm dịch, nên hạn chế ăn, thậm chí không nên ăn.
MÁCH NHỎ: Túi nước nóng có rất nhiều công dụng bảo vệ sức khỏe, Cho đầy nứơc nước nóng vào túi, dùng khăn lông mỏng bọc lại và chườm lên lưng có thể làm giãn mạch máu và máu tuần hoàn nhanh tại những cơ quan như đường hô hấp, khí quản, phổi, từ đó đạt được mục đích cầm ho, rất công hiệu đối với chứng ho thời kỳ đầu khi trúng gió cảm mạo. Chữa ho bằng cách này tránh được việc tiêm, uống thuốc, hãy dùng thử bạn nhé!
CÁC MÓN CANH DƯỠNG SINH
1. Canh củ cải nấm
Nguyên liệu: Củ cải đỏ 200g, nấm ngọc trâm 50g, thịt sườn sụn 150g, hành tây, nước lèo bơ, muối, bột ngọt.
Cách làm: Nguyên liệu rửa sạch, củ cải cắt lát dày, sườn sụn cắt mỏng, cho dầu vào chảo xào hành tây rồi đổ nước lèo bơ, thêm các nguyên liệu, nêm vừa ăn.
Công dụng: Củ cải tính mát vị ngọt cay, có thể hóa đàm thanh nhiệt, hạ khí khoan trung. Nấm ngọc trâm tính bình, vị ngọt có tác dụng trị ho, làm loãng đàm rõ rệt.
2. Củ năng ngâm rượu nếp than
Nguyên liệu: Rượu nếp than 100ml, nước tinh khiết 250ml, đường trắng 15g, rượu trắng 15ml.
Cách làm: Củ năng gọt vỏ rửa sạch, câu kỷ tử ngâm nước ấm cho mềm. Trộn rượu nếp than, nước tinh khiết, rượu trắng thành nước dùng, cho vào củ năng, câu kỷ tử ngâm cho ngấm.
Công dụng: Củ năng tính vị ngọt hàn có tác dụng sinh tân nhuận phế hóa đàm trị ho do phế nhiệt, khạc ra đàm mủ nhầy vàng. Câu kỷ tử tính bình vị ngọt nhập kinh phế, có tác dụng tư âm nhuận phế, có tác dụng tư âm nhuận phế, hóa đàm trị ho. Canh này phù hợp với người bị ho có đàm.
3. Củ cải sợi đầu hành
Nguyên liệu: Củ cải trắng 0.5kg, nấm đông cô ngâm nước 50g, hành lá 5 cây, vỏ quýt tươi 50g.
Cách làm: Củ cải trắng rửa sạch, gọt vỏ, cắt sợi, cho vào tô lớn thêm ít muối trộn đều, vắt bỏ nước.Vỏ quýt tươi rửa sạch cắt sợi, nấm đông cô ngâm nước sôi, rửa sạch cắt sợi, hành lá cắt nhỏ rắc lên sợi củ cải. Cho dầu vào chảo đun nóng đến tám phần múc một thìa nhỏ rưới lên sợi củ cải. Dầu còn trong chảo đun nóng cho nấm đông cô, vỏ quýt vào xào đều rồi đổ lên sợi củ cải, thêm chút muối trộn đều.
Công dụng: Củ cải trắng tính mát vị cay ngọt, có thể tiêu thực hóa tích, hóa đàm thanh nhiệt. Món này cũng tăng cảm giác thèm ăn, nâng cao khả năng miễn dịch.
4. Cải thảo chua ngọt
Nguyên liệu: Cải thảo 450g, nước cam 350ml, một ít vỏ cam cắt sợi nhiễn, đường trắng 30g, giấm 10ml, muối 10g, tương ớt 45ml.
Cách làm: Cải thảo rửa sạch cắt dọc ngang thành 4 phần xéo. Rắc chút muối lên trộn để khoảng 1 giờ rồi dùng nước lạnh rửa sạch, để ráo. Cho tất cả nguyên liệu còn lại vào trộn đều
Công hiêu: Vỏ cam có tác dụng khoan trung giáng khí, trị ho hóa đàm. Vỏ cam chứa 0,93 – 1,95% tinh dầu có hiệu quả đối với chứng viêm khí quản mạn tính. Thịt quả cam chứa noscapine có tác dụng trị ho.
5. Canh sa sâm hạnh đào nấu đuôi bò
Nguyên liệu: Sa sâm 100g, nhân hạnh đào 50g, đuôi bò 500g. Gia vị: rượu vàng, hạt nêm.
Cách làm: Sa sâm rửa sạch ngâm nước ấm cắt khúc, hạnh đào ngâm nước ấm bỏ vỏ, đuôi bò cạo rửa sạch trụng nước sôi chặt khúc. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi thêm rượu vàng và nước vừa đủ nấu sôi sau đó vặn lửa nhỏ nấu trong 2 giờ. Nêm hạt nêm và muối vừa ăn.
Công dụng: Sa sâm tính mát vị ngọt hơi đắng có chứa: dầu bay hơi, acid triterpenic, stigmasterol, alkaloid, tinh bột nên dưỡng
âm thanh phế, khử đờm cầm ho. Hiệu quả đặc biệt với chứng phế nhiệt táo khái, âm thương yết can vào mùa thu.
6.Canh cá diếc nấu xuyên bối
Nguyên liệu: Cá diếc 200g, xuyên bối 6g, gừng. Gia vị: tiêu, muối, trần bì.
Cách làm: Cá diếc đánh vẩy bỏ ruột làm sạch, cho xuyên bối, gừng và trần bì cắt sợi thêm chút tiêu, muối rồi cho vào bụng cá, thêm nước nấu chín, ăn cả canh lẫn cái.
Công dụng: Chất verticine, verticinone trong xuyên bối mẫu có tác dụng tốt trong việc giảm áp. Xuyên bối tính hàn vị ngọt đắng có tác dụng thanh nhiệt hóa đờm, tư âm nhuận phế vì thế món canh này trị các chứng ho do phế nhiệt, ho khan ít đờm, ho đờm có máu, sử dụng cùng Mạch môn đông sẽ có hiệu quả hơn.
7. Canh hủ trúc, bạch quả với mía
Nguyên liệu: Hủ trúc 100g, bạch quả 12 hạt, mía vỏ tím đen (mía huyết) 750g, gừng 4 lát, ngò thơm.
Cách làm: Mía và bạch quả bỏ vỏ cắt khúc. Hủ trúc ngâm cắt khúc. Cho bạch quả, mía, gừng vào nồi sành thêm nước nấu với lửa nhỏ trong 2 giờ đến khi bạch quả chín mềm cho hủ trúc vào nấu thêm một chút, nêm ngò thơm.
Công dụng: Bạch quả theo Đông y là cầm ho bình suyễn, thích hợp các chứng ho suyễn khí nghịch, đờm nhiều, dù hàn hay nhiệt đều dùng được. Mía giải nhiệt giảm khát, hòa trung khoan cách, sinh tân nhuận táo, lợi tiểu, kiện vị. Món canh này sẽ nhuận phế, chỉ khái hóa đờm, thanh nhiệt, giải độc.
8. Canh tỳ bà diệp nấu táo mật
Nguyên liệu: Tỳ bà diệp, hạnh nhân, cát cánh mỗi thứ 15g, táo mật 10 quả, đường phèn.
Cách làm: Nguyên liệu rửa sạch, cho tỳ bà diệp vào túi vải khô thoáng khí, cho vào nồi tất cả nguyên liệu trên, thêm 3 chén nước nấu sôi rồi vặn lửa nhỏ nấu khi nước trong nồi còn ½ cho đường phè vào nấu tan là được.
Công dụng: Tỳ bả diệp tính bình vị đắng tác dụng chủ yếu hóa đờm cầm ho, hòa vị giáng khí rất hiệu quả cho chứng viêm phế quản, ho do phế nhiệt, nôn ói do vị nhiệt. Amygdalin là thành phần quan trọng trong tỳ bà diệp có thể phân giải acid hydrocyanic, có công dụng cầm ho, giảm đau. Táo mật hãm vị đắng của tỳ bà diệp vừa tăng cường hóa đờm trị ho, món canh này ức khuẩn, bình suyễn khử đờm.
9. Canh tuyết lê nấu bách hợp
Nguyên liệu: Bách hợp 30g, tuyết lê 2 quả, ốc to 1 con, trần bì, muối.
Cách làm: Ốc bỏ ruột, tạp chất làm sạch. Tuyết lê bỏ cuống và hạt, cắt miếng, bách hợp trần bì rửa sạch. Cho nước vào nồi sành nấu sôi bỏ các nguyên liệu vào nấu chín nêm muối.
Công dụng: Lê tính hàn vị ngọt có thể nhuận táo hóa đờm, nhuận trường thông tiện. Vào mùa thu thường hay bị họng khô, mũi khô, môi, da khô thì lê sẽ có tác dụng giảm những triệu chứng này đồng thời thúc đẩy vị toan tiết ra làm giảm huyết áp, hạ nhiệt, giải virus lở loét, trấn tĩnh tinh thần. Món canh này tư âm nhuận táo, hóa đờm cầm ho, bảo vệ cổ họng.
10. Canh hạt dẻ bắp cải
Nguyên liệu: Hạt dẻ 100g, bắp cải 250g, giăm bông 1 miếng, nấm đông cô 4 tai, ớt đỏ và gừng cắt sợi. Gia vị: nước dùng nấu từ xương gà, dầu mè, muối.
Cách làm: Nguyên liệu rửa sạch cắt miếng, hạt dẻ hấp chín bỏ vỏ. Dầu sôi cho gừng phi thơm, cho nước dùng và hạt dẻ vào nấu sôi cho bắp cải, nấm đông cô, giăm bông, nêm chút muối, đường nấu sôi, rưới dầu mè, rắc ớt sợi vào nhắc xuống là dùng được.
Công dụng: Món canh này có tác dụng hóa đờm trị ho, hạ nhiệt, giải độc lại có giá trị dinh dưỡng cao.
Tài liệu tham khảo:
- 1000 Món canh dưỡng sinh trị bệnh - Nhà XB Mỹ Thuật 2010
- 1000 Món rau quả dưỡng sinh trị bệnh – NXB Mỹ Thuật 2010
- Cây thuốc – Vị thuốc – Bài thuốc, Nhà XB Hà Nội
- 500 Bài thuốc Đông Y gia truyền trị bách bệnh, NXB Từ điển bách khoa 2010
- 600 Món ăn từ thịt trị bệnh, NXB Tổng hợp TP HCM, 2010
Tư liệu ảnh: nguồn Internet