Dự phòng huyết khối

    Những thông tin sau đây có dành cho bạn không?

    Thông tin trong bài thông tin thuốc sau đây dành cho những sản phụ đã được chỉ định sử dụng LMWH, ví dụ: Enoxaparin (Lovenox), trong khi mang thai hoặc giai đoạn hậu sản nhằm dự phòng huyết khối. 

    Lý do bạn được chỉ định sử dụng Heparin trọng lượng phân tử thấp

    Quá trình đông máu ở phụ nữ mang thai có khuynh hướng tăng đông nhằm bảo vệ bà bầu tránh khỏi tình trạng xuất huyết trong tử cung, và cầm máu tốt hơn trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, nếu bạn có thêm các yếu tố nguy cơ, ví dụ như béo phì hoặc các bệnh nội khoa như tiểu đường, sẽ làm tăng khả năng dẫn đến huyết khối tĩnh mạch. Nguy cơ cơ mắc huyết khối tĩnh mạch tăng cao ở 3 tháng cuối thai kỳ và 3 tuần đầu sau khi sinh và có thể kéo dài đến 6 tuần sau khi sinh. 

    Vì sao cần phải phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch

    Dù tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch ở phụ nữ có thai chỉ vào khoảng 0,1 – 0,2% tuy nhiên có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Một số biến chứng bao gồm:

    -         Đối với mẹ: tắc mạch máu não, thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim

    -         Đối với thai nhi: máu đông trong nhau thai làm cản trở nuôi dưỡng thai có thể gây sảy thai, thai chậm phát triển, nguy cơ sinh non, ối vỡ sớm.

    Bạn nên hoàn thành liệu trình sử dụng LMWH được chỉ định, ngay cả sau khi xuất viện nhằm bảo đảm hiệu quả phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch.

     

    Những triệu chứng cần được lưu ý

    • Đau nhức, sưng, nóng bắp chân (thường ở 1 chân) không có nguyên nhân rõ ràng, mức độ đau nhẹ hoặc đau dữ dội, đau nhiều khi đi lại.
    • Khó thở không rõ nguyên nhân, ho nhiều đôi khi ho ra máu, đau ngực là những biểu hiện khi huyết khối tĩnh mạch sâu gây biến chứng thuyên tắc phổi. Khi có các triệu chứng này phải đến viện ngay để được điều trị kịp thời. 

    Cách sử dụng LMWH

    LMWH được sử dụng theo đường tiêm. Bạn sẽ được hướng dẫn cách sử dụng LMWH trước khi xuất viện. Ngoài ra, phần sau đây cũng sẽ cung cấp lại hướng dẫn cách tự tiêm LMWH. Một số vị trí tiêm được khuyến cáo (tùy theo sản phẩm) bao gồm:

    -         Vùng chữ U quanh rốn. Nếu thực hiện đúng kĩ thuật thì tiêm ở vùng này vẫn an toàn trong thời gian mang thai.

    -         Vùng mặt trước ngoài đùi.

    -         Bạn nên đối chiếu thêm với thông tin sản phẩm để xác định vị trí tiêm.

    -         Nếu bạn được thực hiện mổ lấy thai, tránh tiêm quá gần với vết mổ (cách vết mổ,vết bầm ít nhất 5cm)

     Cách tự tiêm LMWH

    -         Bước 1: Rửa tay và làm sạch vùng sắp tiêm. Để tránh bị bầm, bạn nên thay đổi vị trí tiêm sau mỗi lần tiêm. Hình sau mô tả các vị trí có thể tiêm.

    *  Nếu bạn chọn vùng da bụng, vị trí tiêm nên cách rốn ít nhất 5cm. 

    *  Nếu bạn vừa mổ lấy thai, vị trí tiêm cần phải cách vết mổ ít nhất 5cm.

    *  Không tiêm vào vùng da bị bỏng, viêm, sưng, tổn thương.

     

     

    -         Bước 2: Mở bao bì, kiểm tra tên thuốc, hạn sử dụng, tình trạng nguyên vẹn (dung dịch trong, không lợn cợn), phải có bóng khí ở đầu bơm tiêm. Nếu có bất thường, hãy sử dụng một kim tiêm khác.
    *  Nếu không được hướng dẫn của nhân viên y tế (trong trường hợp cần loại bỏ thuốc đến liều cần thiết), không được bỏ bóng khí ở đầu bơm tiêm.

    -         Bước 3: Cầm kim như cầm bút bằng tay thuận

     

     

    -         Bước 4: Cần phải đảm bảo rằng LMWH được tiêm vào mô mỡ dưới da bằng cách kẹp và giữ da bằng ngón tay cái và ngón trỏ bằng tay còn lại.

    • Nếu thuốc được tiêm ở vùng da bụng hoặc mặt trước ngoài đùi, bạn có thể kẹp da dễ dàng hơn khi đang ngồi.
    • Nếu thuốc được tiêm ở phần mông trên, bạn có thể không cần phải kẹp da vì vị trí này thường tích trữ nhiều mỡ.

    *   Không được tiêm LMWH vào bắp vì thuốc sẽ không được hấp thu hiệu quả.

     

     

    -         Bước 5: Đâm hết chiều dài kim vào nếp gấp ở góc 90o (thẳng đứng, vuông góc với da), từ từ tiêm thuốc trong 10-15 giây. Vẫn giữ nếp gấp trong khi tiêm thuốc.

     

     

    -         Bước 6: Rút kim khỏi da, và thả nếp gấp da. Không xoa chỗ tiêm sau khi tiêm. Bỏ kim tiêm vào thùng đựng dụng cụ sắc nhọn.

     Tác dụng phụ của LMWH

    LMWH có thể gây ra một số tác dụng phụ. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm: sưng, bầm và/hoặc chảy máu ít tại vùng tiêm.

     Những câu hỏi thường gặp trong khi sử dụng LMWH

    -         Tôi cần phải làm gì để bảo đảm hiệu quả dự phòng huyết khối tĩnh mạch? 

    • Ngoài sử dụng đúng và đủ liều LMWH được chỉ định, bạn nên bảo đảm việc vận động thường xuyên và cung cấp đủ nước cho cơ thể (ít nhất 2L/ngày). Tránh việc ngồi trong thời gian kéo dài.   

    -         Sử dụng LMWH khi mang thai có an toàn hay không? 

    • Có. LMWH không qua nhau thai và không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, bạn cần thông báo việc đang sử dụng LMWH với Bác sĩ sản khoa của bạn để có các lựa chọn giảm đau phù hợp khi sinh. 

    -         Sử dụng LMWH khi cho con bú có an toàn hay không? 

    • Có. LMWH được bài tiết qua sữa với lượng rất ít và không gây ảnh hưởng gì đến trẻ. 

    -         Bảo quản LMWH như thế nào? 

    • Giữ kim tiêm ở trong bao bì đến khi cần sử dụng. Thuốc nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng 20o-25oC. Để xa tầm tay trẻ em. 

    -         LMWH có ảnh hưởng đến các thuốc khác tôi đang sử dụng hay không? 

    • Có thể. Bạn cần thông báo với bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế các thuốc bạn đang sử dụng để bảo đảm an toàn sử dụng thuốc. 

    -         Tôi nên làm gì nếu quên sử dụng một liều? 

    • Bạn nên tiêm ngay khi nhớ. Liều tiếp theo phải cách liều này 24 giờ và không bao giờ sử dụng quá 1 liều trong vòng 24 giờ. Bạn nên viết lại giờ tiêm thuốc mới để giúp ghi nhớ. 

    -         Tôi nên làm gì khi vào chuyển dạ? 

    • Nếu bạn có nhiều cơn gò mạnh tại thời điểm phải tiêm LMWH, bạn nên bỏ qua liều tiêm đó và thăm khám ngay ở bệnh viện gần nhất.   

     

     Tài liệu tham khảo

    1. 1.      Thông tin sản phẩm Lovenox (tham khảo ngày 17/03/2021)
    2. 2.      King Edward Memorial Hospital, Thromboprophylaxis after caesarean birth. Octobter 2017. Tại: https://www.kemh.health.wa.gov.au/~/media/Files/Hospitals/WNHS/For%20health%20professionals/Clinical%20guidelines/OG/WNHS.OG.CaesareanThromboprophylaxis.pdf (tham khảo ngày 13/03/2021)
    3. 3.      Silver Star Unit Midwife, Clot Prevention: information for women taking LMWH (Low Molecular Weight Heparin). June 2017. Tại: http://www.vteengland.org.uk/admin/resources/oxford-information-for-pregnant-women-taking-lmwh.pdf (tham khảo ngày 13/03/2021)
    Ds Nguyễn Hoàng Linh Đan

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ